Cây Muồng trâu còn có tên khác là Muồng xức lác, thuộc dạng thân thảo, cao khoảng 2m, lá kép lông chim. Cây Muồng trâu có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, sau lan rộng khắp các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt. Ở châu Á, loại cây này có ở nhiều nước, trong đó ở Việt Nam phân bố ở nhiều tỉnh như Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quãng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Loài hoa từ một truyền thuyết
Chuyện kể rằng: Thuở xưa, bên kia bờ đại dương có hai bộ tộc da đỏ chung sống giữa rừng xanh, trai gái hai bên lớn lên tự tìm về ở với nhau mà chẳng cần phải cầu hôn. Tai họa bắt đầu xảy ra khi có một người con gái tên là Yaia - con của một vị tù trưởng, nàng đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành!" Được nhiều chàng trai để ý đến, nhưng nàng chỉ đem lòng thương nhớ một chàng có tên là Asis.
Một hôm nàng cùng chàng rủ nhau ra suối tắm thì bất ngờ có một đám người trông hết sức dữ dằn cùng nhảy xuống suối đẩy chàng ra giữa dòng rồi cướp nàng Yaia chạy vào rừng. Bất lực trước bọn họ, chàng Asis đành ngửa mặt lên trời kêu gào thảm thiết, đồng thời rút tên tẩm dầu cùng lửa nhằm vào hướng đám người kia đang chạy mà bắn để báo hiệu cho mọi người biết đến cứu giúp.
Ngờ đâu trong chốc lát bỗng núi rừng bốc cháy ngút trời. Trong lúc những cánh rừng bất tận bỗng chốc hóa thành biển lửa thì duy nhất chỉ có một con chim phượng hoàng khổng lồ, chính là chúa tể của chốn rừng xanh này kịp cắp một quả (chứa nhiều hạt) muồng trâu bay đi để gầy giống lại cho vạn vật về sau. Theo truyền thuyết, nhờ con chim ấy, ngày nay giống cây cho “hoa bất diệt” vẫn còn sinh tồn trên quả đất nầy!
Loài “hoa bất diệt” nở ven đường
Hoa Muồng trâu có màu vàng tươi với có mùi hương toát ra nếu ai không quen cảm thấy hôi hôi, nhưng thực ra nếu ngửi quen mới thấy hoa có một một mùi hương thơm rất đặc biệt và vô cùng quyến rũ.
Nếu nói không quá lời, hoa Muồng trâu còn có tên “hoa bất diệt” bởi loài hoa nầy vẫn nở tràn lan bất cứ nơi đâu từ mép đường vừa mới rải đá hay ven bờ rào bê tông cốt sắt, hay từ trong từng kẽ đá nơi vách đá cheo leo… dù ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào có thể chui lên được là ở đó, cây Muồng trâu lại đâm chồi nẩy lộc và nở hoa. Cho nên, loài cây này có thể được “tạo hóa” tạo ra để “phòng chống” đất bị sạt lở hay bạc màu do tác động của thiên nhiên, môi trường.
Và lạ thay, mỗi khi tiết trời thay đổi “sáng nắng chiều mưa” đến bao nhiêu thì hoa Muồng trâu lại càng rực rỡ bấy nhiêu và khoe sắc vàng tươi dưới bầu trời xanh thẳm. Không nghi ngờ gì nữa, hoa Muồng trâu là loài hoa biểu trưng cho sức sống dẻo dai mãnh liệt và ý chí vươn lên làm chủ cuộc sống dẫu muôn ngàn khắc nghiệt nên người đời còn gọi là “hoa bất diệt”.
Loài cây làm thuốc
Theo Đông y, Muồng trâu có hai công dụng chính là chữa bệnh ngoài da và làm thuốc mát gan, nhuận tràng. Với bệnh ngoài da, người ta dùng lá Muồng trâu còn tươi đem giã nát để bôi vào những chỗ bị lác đồng tiền, hắc lào trên cơ thể. Sau đây là một số tác dụng của cây muồng trâu:
- Chữa nấm ngoài da, dị ứng da: Lá Muồng trâu nấu nước dùng để tắm, hoặc đắp thẳng lên da hay biến chế thuốc dán từ lá đắp trực tiếp lên da.
- Chữa hắc lào, ghẻ: Dùng lá Muồng trâu tươi giã nát với ít muối xát vào vết ghẻ, hoặc lấy nước cốt bôi lên chỗ bị hắc lào, ghẻ.
- Chữa đau cổ viêm họng: Súc miệng bằng dung dịch nước ép lá nghiền nát, lọc và pha loãng.
Xin quý độc giả lưu ý, hiện nay, cây Muồng trâu đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Cho nên, thông tin về tính dược của loài cây này trong bài viết này chỉ nên tham khảo. Và khi có ý định sử dụng loại cây để chữa bệnh thì cần một lời khuyên, tư vấn của thầy thuốc uy tín nhé.
Loài cây “ngày thức đêm ngủ”
Cây Muồng trâu cho hoa khá đẹp nhờ hoa nở gần như quanh năm và lâu tàn. Đặc biệt, điểm khác biệt là lá Muồng trâu chỉ “nở” vào ban ngày và khép lại vào ban đêm; Nhất là mỗi sáng mai thức dậy, khi mà những tia nắng bình minh đầu tiên bắt đầu chiếu xuống vạn vật thì những cành lá Muồng trâu lại rủ nhau đồng loạt xòe rộng bàn tay như chào đón ánh bình minh ngày mới.
Và khi ánh hoàng hôn cuối ngày buông xuống thì tất cả những nhánh lá Muồng trâu đều khép lại để yên giấc “Nam Kha”. Cắt vài nhánh hoa muồng trâu cho vào lọ trưng ở bàn ăn, bàn tiếp khách…, dẫu trưng đâu cũng đẹp.
Một điều khá thú vị nữa là hoa muồng trâu là loài hoa dân dã nhưng không thể “vắng mặt” trong bó hoa rừng của học sinh miền núi hái tặng cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam hay nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc hằng năm. Ở quê tôi vẫn còn lưu truyền câu ca: “Tặng em một đóa Muồng trâu / Anh về nói mẹ mang trầu cau qua…”.