Sau tết anh nhận cái bưu phẩm lạ. Cầm thấy hơi nặng. Đọc tên người gửi: Anh Nguyên, nghĩ mãi không ra. Bạn bè họ Nguyễn tên Anh khá nhiều, nhưng không thân. Để yên chưa bóc ra, bỗng thấy trên messenger xuất hiện một tin nhắn: còn nhớ mình không? Trong hình chủ tài khoản Anh Nguyen là một phụ nữ.
Đến khi cô ấy nhắc: lúc còn đi học trường làng vì khó nuôi nên mẹ gửi anh vào chùa xin khoán đến mười hai tuổi. Rồi xỏ lỗ tai bên trái cho đeo một cái tằm vàng. Thời đó bị xem là dị tướng không như bây giờ là mốt. Thế mà Anh Nguyen sau 1976 không gặp nữa còn nhớ. Cô bảo anh mở quà đi. Hai gói: trà và bánh. Anh không thích thứ trà thơm và ngọt uống liền. Nhưng bánh thì ngược lại... Bánh chắc chắn do Anh Nguyên làm. Bánh bó mứt. Bánh bó người Huế không làm quanh năm. Thường chỉ làm sau khi hạ nêu đến Nguyên tiêu. Nếu làm nhiều thì đây là món quà dành cho người ở xa quê, mang đi làm kỷ niệm một cái tết về sum họp với gia đình.
Huế gọi bánh bó mứt là sau tết trong nhà còn bao nhiêu mứt người ta gom “bó” lại làm bánh này. Như vậy không phí phạm tiền bạc và công lao của người mẹ, người chị thức khuya dậy sớm Anh nhớ những năm kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không có tiền để ra chợ mua bánh mứt tết. Tự làm ra mới thấu hiểu giá trị của nó.
Đầu tiên mẹ anh chọn nếp thơm gói bánh tét còn lại xay bột, bỏ vào chảo gang rang lên. Lúc rang bột nếp bà thêm vào những khúc lá dứa cắt nhỏ bằng ba lóng tay. Mẹ bảo anh làm vậy bột sẽ thơm mùi lá dứa và nhìn lá vừa khô thì tắt lửa. Dùng đường cát trắng nầu sền sệt với nước hoa bưởi, nước cốt chanh để trộn bột. Công phu hơn nữa, mẹ còn nấu vỏ mướp, cà chua để nhuộm màu xanh và màu hồng cho bánh.
Sau khi nước và bột đã nguội mẹ trộn lại nhồi bằng tay, thỉnh thoảng rắt một tí bột khô gọi là bột “áo”. Thấy bột đã nhão và dính bà nhồi cùng với mứt gừng, mứt khoai, bí đao, cà rốt, hạt sen..Lúc bánh bó..mứt thành hình muốn nắn khối chữ nhật hay tròn đều được. Mẹ dùng dao bổ cau rất bén xắt thành lát mỏng. Các chị và anh gói lại bằng giấy kính, cất vào thẩu thuỷ tinh đậy nắp kín. Bánh bó thoảng thơm mùi nếp, lá dứa, hoa bưởi, mùi chanh và tất cả mùi vị mứt đủ loại. Tấm bánh ấy gói “mùi tết” qua rồi làm anh xao xuyến..
Buổi sáng, tiếng chuông chùa làng vọng về, ba anh dậy tự tay đun nước. Chỉ ông mới biết nước sủi tăm “mắt cá” ra sao để chế trà ngon. Lúc ấy xóm giềng sang chơi, họ ngồi quanh chiếc bàn gỗ gụ đã lên nước đen bóng. Trò chuyện mùa màng và thưởng trà với bánh bó. Đến khi loa truyền thanh phát bản tin đầu tiên thì mọi người về đi làm.
Vài năm sau đường làng ngõ xóm đổ bê tông. Những hàng dậu tường vy, chè tàu bị bứng để xây tường rào, cổng sắt. Xóm giềng ngại bấm chuông, gọi cửa hay sao mà cũng vắng dần không lai vãng. Ba ngồi độc ẩm nhìn thật quạnh hiu. Ông bỏ luôn thú uống trà với bánh bó.
Thời gian gần đây cuộc sống khấm khá, người ta không làm bánh bó nữa. Có lẽ khi tiền của dư dật mọi người ít để ý đến vật chất. Sắm sửa nhiều cũng chẳng dùng bao nhiêu, Và hình như dễ quên mọi thứ ngày xưa. Đêm ấy trời lập xuân mưa rả rích. Trằn trọc mãi rồi thiếp đi. Anh mơ thấy mẹ ngồi làm bánh bó mứt.