Hoài niệm

Gửi một chút tri ân đến những người bạn đồng môn và đồng nghiệp.

hoa-hong-1661436652.jpg

 

 

Ngày tựu trường, ai nấy đều tươi trẻ nhưng còn ngờ nghệch lắm.

Ngày ấy, anh Ước là lớp trưởng - một con người chững chạc và chín chắn nên mới cầm trịch và điều hành được một lớp học gồm những người tứ xứ, lại chênh lệch tuổi với nhau rất nhiều, chứ không giống như một lớp học phổ thông.

Tôi nhớ mãi những ngày đầu tiên ấy, khi mấy đứa em trong lớp phát hiện ra tôi bị bệnh bướu cổ. Không hiểu sao tôi đã hoảng loạn mất một thời gian khá dài, cứ một mực đòi về nhà và nghỉ học. Mọi người khuyên can động viên tôi rất nhiều và bằng mọi cách nhưng vẫn không ổn. Cuối cùng anh Ước phải phân công một số người canh chừng tôi, kèm cặp tôi cả ngày lẫn đêm, đến là vất vả. Mãi đến lần đi bệnh viện khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vì đây là một bệnh xã hội, tôi mới dần bình tâm trở lại . Bây giờ đây nghĩ lại, tôi cảm thấy mình thật ấu trĩ và nông cạn, điều đó đồng nghĩa với việc đã có lỗi với mọi người và dù có thương cả lớp đến mấy thì vẫn chỉ còn lại là những ký ức, lại càng day dứt không nguôi khi mãi sau này tôi mới được biết tin anh Ước đã mất từ rất lâu rồi . Vì thời ấy, ai nấy còn phải lo cuộc sống mưu sinh, lại không có đủ phương tiện thông tin như bây giờ nên sự cố ấy đã đi vào dĩ vãng...

Thời gian ấy tôi được giao trách nhiệm làm lớp phó đời sống kiêm phó bí thư chi Đoàn, tuy thế lực học của tôi lại không phải là khá giỏi ( tưởng chừng như là một nghịch lý ) thành thứ mọi người trong lớp phải tận tình giúp đỡ hàng ngày, trong đó có Trường, Tước, Thu, Phúc - những người bạn đồng môn nhưng lại là em út trong lớp, vì thực ra học xong phổ thông lại là năm đầu tiên phải thi đại học nhưng không đạt, tôi ở nhà 5 năm, xây dựng gia đình xong mới đi học ở trường này, nên cái biệt danh "bà già " xuất hiện từ đó . Từ cái Hợp - một cô bé thời ấy học tiếng Nga giỏi nhất nhì trong lớp, đến Lộc, tưởng là người vô tư nhưng sống rất nội tâm, đến Lê Hồng, lúc nào cũng vô tư trong sáng, rồi Mai, Lê Minh, Hoàn, Thợi, Lan, Hà ... lúc nào cũng nũng nịu , mè nheo và hay mách chuyện. Sau này được sống và làm việc với Mai Hoa, Kiều Ngân, Nguyễn Hồng, cũng đều là những con người đáng nhớ và sau nữa là các bạn ở các lớp trong lần hội khóa. Bây giờ đây khi mọi người hầu hết đã lên chức ông bà nội, ngoại, chúng ta mới biết - đúng là thời gian không hiểu gì về mọi chuyện, nên không bao giờ biết đợi chờ ai.

Nhớ cái thời học ngày học đêm, ăn uống thì kham khổ, đến nhà ăn, có bữa chỉ ăn nửa chiếc bánh mì, lùa hết bát canh, còn nửa chiếc đem về, tối học bài có thức khuya một chút cũng có cái mà lót dạ. Không nhớ nổi nữa, là tại sao hôm nào tôi cũng phải đi theo người trực nhật, quẩy gánh xuống một nhà dân ở gần biển để lấy cơm cho cả lớp. Cuối tháng thì thanh toán tiền ăn, tem gạo còn dư thừa cho mọi người. Những buổi chiều lộng gió, từng nhóm cùng nhau ra bờ ruộng khoai, ruộng lạc của dân để ôn bài, rồi những buổi sáng tinh mơ, cùng với Lộc và Hồng, chạy thể dục xuống biển tắm ào một trận rồi mới về đi học...

Ai biết trước được trường xây dựng Quảng Hùng là điểm tựa, là bệ phóng để cho hầu hết chúng ta hành nghề, trưởng thành và phát triển, để lo cho cuộc sống gia đình và cống hiến cho xã hội, lại là nơi chất chứa những tình cảm thiêng liêng...

Năm 2017, chúng tôi đã có cơ hội gặp nhau ở Thanh hoá. Đến tháng 5 năm 2022 lại được gặp nhau trong cuộc hội khóa tại Đà nẵng - một chuyến đi tràn ngập niềm vui, ý nghĩa và mỹ mãn. ( nhưng rất tiếc là tôi không thể tham dự được).

Đã lâu rồi có một số người cứ bảo : "chị viết gì đi, viết về trường lớp mình một thời đáng nhớ " nhưng tôi cứ nghĩ - bây giờ là cái tuổi nhớ nhớ, quên quên... Thôi thì nhớ gì biết nấy, vì thực ra hiện tại mới là thời gian để chúng mình hoài niệm về những gì tốt đẹp để cuộc sống được vui và có ích hơn...

*

Thời gian trôi qua khá lâu nên khi được tin có cuộc gặp gỡ giao lưu các thế hệ phòng thiết kế .Tôi rất vui mừng và xúc động, bởi những ký ức một thời sau từng ấy năm bị dồn nén, tưởng chừng như chẳng bao giờ được gặp lại, nay mới được bung ra...

Năm 1978 sau khi học xong ở trường xây dựng Quảng hùng, tôi đã được phân bổ vào tổ 2 xưởng thiết kế, do anh Long làm tổ trưởng.

Ai cũng biết gần nửa thế kỷ qua, cùng tồn tại và đi lên từ những bước thăng trầm của một cơ quan Nhà nước, luôn chịu sự chi phối của cơ chế thị trường, nhưng những người trong ban lãnh đạo, đã lái con thuyền đưa chúng tôi đi đúng hướng, để rồi hôm nay xưởng thiết kế đã tự khẳng định được vị trí của mình, còn chúng tôi đa phần đã ổn định được cuộc sống.

Mặc dù chưa dám nói là đời sống đã giàu và sung túc, nhưng ngày ấy khi được về khu tập thể của cơ quan, sống và sinh hoạt trong nửa gian nhà hoặc một gian, mái lợp tranh nứa, nền đất, vách trát toóc xi. Nhưng những lúc tắt lửa tối đèn, ốm đau hoạn nạn, vui buồn sướng khổ chúng tôi đều chia sẻ cho nhau . Tôi cứ nghĩ, trong mỗi chúng ta không ai có quyền quên đi những ngày làm việc ở phòng thiết kế, đó là những buổi đầu giờ làm việc mọi người í ới gọi nhau lên phòng nghe đọc báo 15 phút, hoặc cùng nhau tập hát, trưa về lại tíu tít giặt dũ ngoài bể nước công cộng. Chiều tối có khi cả 6 gia đình trong một dãy nhà cùng dọn cơm ăn ở hè, chuyện trò râm ran không dứt...

Có một điều cũng hết sức tế nhị nữa là, nếu trong đời thoát ly của tôi không gặp được những người có tình cảm chân thành ăn ở có trước có sau như cô Loan Trung, cô Ngân Đa, chú Sơn cận, chị Hải, chị Viễn, cô Thúy và bao người khác nữa thì chắc chắn sẽ thiếu đi rất nhiều những cái để mà nhớ . Đã bao nhiêu lần thay đổi nhà ở do mưa bão, thì có bấy nhiêu lần có hàng xóm mới, tất thảy mọi người đã cho tôi Tình Người, để rồi cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, tôi chẳng bao giờ giận hờn ai hoặc mâu thuẫn với ai.

Sẽ là sai lầm nếu không nói đến những người anh em cùng phòng thiết kế đã nâng đỡ tay nghề cho những người như chúng tôi lúc mới ra trường, đó là nhờ có công trình câu lạc bộ lao động của anh Vũ Tân - người Hà Nội nhưng vô cùng tốt bụng, tôi mới biết thế nào là "sàn công tác " hoặc như đến lúc được làm việc với chú Nguyễn Kim Chung, tôi mới biết vẽ vì kèo hai tầng mái, còn nữa - ngày ấy do có tí chút tính hiếu kỳ cho nên khi nghe tin chị Huê, chị Phượng là hai cây đại thụ của làng kết cấu, tôi cũng đã cố gắng tiếp cận mong mỏi học hỏi thêm được điều gì, rồi sự khắt khe nghiêm túc trong nghề nghiệp của chú Lý Nguyên Dũng, sự thông cảm ân cần chỉ bảo của chị Thập, chị Hải, chị Viễn...tất cả đã giúp đỡ tôi tự tin hơn trong nghề nghiệp và cuộc sống.

Lâu nay nếu nói ra lại sợ mang tiếng là xu nịnh cán bộ, còn bây giờ tôi rất may là đã có cơ hội để nói ra lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với chú Nguyễn Tiến Dũng, người đã đem lại cuộc sống tinh thần cho chúng tôi, nhất là đối với chị em phụ nữ, chúng tôi là những người thật sự may mắn, quả là như vậy bởi trong cuộc sống hàng ngày, còn gì vui hơn là được làm việc, được cống hiến cho xã hội, lại vừa đem lại lợi ích cho gia đình mình, hơn thế nữa được đi đây đi đó thưởng thức hương vị của cuộc sống văn hóa trên khắp mọi miền của đất nước. Những chuyến đi tham quan du lịch Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn, đền Hùng, Ba vì, Tam đảo... là những chuyến đi đầy ắp những kỷ niệm, để rồi cho đến tận bây giờ chúng tôi vẫn không thể nào quên được.

Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, đôi khi chúng ta có cảm giác như tất thảy mọi người đều bị cuốn hút vào một guồng máy khổng lồ, được vận hành và tạo dựng nên một cái gì đó. Tuy nhiên điều cuối cùng của những người thiết kế hôm nay vẫn gìn giữ được những ký ức một thời, đó mới là điều cao quý và thiêng liêng hơn bao giờ hết . Điều đó còn chứng tỏ rằng, chúng tôi những người thiết kế vẫn không hề mảy may bị cơn lốc của cuộc sống trần trụi đời thường cuốn hút và lấn át.

Hôm nghe chị Huê gọi điện dặn tôi chuẩn bị một bài thơ để tặng mọi người trong ngày họp mặt, tôi có nói : "chắc chị quên rồi chứ, em không hề có năng khiếu về thơ ". Buổi tối do áy náy mãi tôi mới viết mấy dòng này, bộc bạch tình cảm với mọi người, rất mong đại gia đình thiết kế luôn đại xá cho tôi, bởi vì cuộc sống bao giờ cũng cần về quá khứ, quá khứ một thời tốt đẹp và trong sáng sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn.