Bố tôi sửa sang nhà cửa cho mới, quét vôi lại nhà và tường rào. Nước vôi trắng hoà với đất hoàng thổ, làm sáng lên ngôi nhà cũ một màu vàng ấm áp. Tường rào quét vôi trắng. Cả những gốc cây trong vườn cũng được quét vôi. Bố bảo để cây khỏi bị sâu. Bà thì bảo là để trừ tà, đuổi những cái xui xẻo năm cũ đi, đón cái may mắn năm mới tới.
Bà và mẹ chủ yếu lo việc bếp núc. Nghe tưởng đơn giản, thế nhưng để có mâm cơm tươm tất cúng tổ tiên chiều 30 và Giao thừa, bà và mẹ đã phải lo lắng, chuẩn bị từ trước Tết cả tháng trời. Sự lo lắng đầy truyền thống và lễ nghĩa. Mâm cỗ Tết của gia đình tôi bao giờ cũng đầy đủ: một bát chân giò ninh măng điểm xuyết mấy sợi miến, một bát mọc thơm lừng mùi vỏ quýt khô, một đĩa giò xào, một bát cá quả nấu ám với rau cần, một bát thịt đông trong veo như thạch ẩn hiện những sợi mộc nhĩ tím thẫm. Có năm bố còn làm thêm cả món cá nướng trấu. Gà luộc để cả con thắp hương, ngậm một bông hồng đỏ chót, khi ăn mới chặt ra đĩa. Đĩa rau xào thì thật bắt mắt với màu trắng của su hào, màu đỏ của cà rốt, xanh ngắt của su su. Những năm sau này cỗ Tết còn thêm món nem rán và dưa góp nữa.
Bố bảo cúng tổ tiên không cần phải cầu kỳ, làm to nhưng phải đủ tam sinh. Tôi hỏi bố tam sinh là gì, bố bảo: là thứ biết bay, thứ biết bơi, thứ sống trên bờ, đó là gà, cá, lợn. Bà tôi kỹ tính và cầu toàn nên gia đình chúng tôi luôn có những Tết ngon và đầm ấm.
Từ ngày rằm tháng Chạp trở đi, không khí mùa Xuân đã tràn ngập trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi. Bố tôi lau chùi quét dọn ban thờ tỉ mỉ và thành kính. Bà chọn mua nắm cành đào lẻ thật tươi, thật thắm cắm vào chiếc bình gốm cổ đặt trang trọng lên ban thờ. Bố ngồi tỉ mẩn lau rửa từng trái quả mẹ tôi mua về để bày mâm ngũ quả.
Rồi bố viết câu đối Tết. Tôi ngồi phụ bố mài mực, mài đến mỏi cả tay. Bố bảo: mài mực không được vội, nhẹ nhàng đều tay mực mới đẹp, mài mực là luyện tính kiên trì. Bố rọc giấy đỏ mẹ mua thành hai băng dài, gập chia ô chữ. Thấm mực vào đầu bút lông, bố ngắm nghía cẩn trọng rất lâu nhưng đặt bút xuống giấy thì viết rất nhanh.
Có năm bố viết dài như: Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm thọ (Trời đất thêm năm tháng, người thêm tuổi thọ). Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường (Xuân ngập tràn vũ trụ, phúc đầy nhà). Có năm lại viết chỉ mấy chữ: Niên khứ niên bình an (Năm qua, năm bình an); Xuân lai Xuân mậu thịnh (Xuân tới, Xuân tươi tốt). Màu mực đen nhánh như nhảy nhót trên nền giấy đỏ.
Về sau mắt kém, tay run bố không viết được nữa. Mẹ mua câu đối quốc ngữ in sẵn về dán được một năm, rồi thôi.
Chiều 30 bố mới kéo tôi ra vườn, chọn cành đào đẹp nhất trên cây đào phai già vườn nhà, cắt xuống, đưa vào bếp cẩn thận nướng khô vết cắt để hoa nở được lâu, đem cắm vào lọ lục bình to bày lên bàn uống nước giữa nhà. Hoa đào phớt hồng, nụ đào mập mạp, mịn màng, làm sáng lên căn nhà, ấm cúng lạ thường.
Cây đào vườn nhà rồi già, rồi cỗi đi, hoa nở thưa dần. Bố thương không nỡ cắt, mới mua đào bích Nhật Tân về đón Tết.
Khoảng 27, 28 Tết thì gói bánh chưng. Tôi giúp mẹ rửa lá dong rồi dùng khăn lau khô từng cái. Bà ngâm gạo nếp, đồ đỗ xanh cho chín để bố cho vào cối giã nhuyễn, nắm thành từng nắm như nắm tay trẻ con. Rồi bố thái thịt làm nhân bánh. Thịt phải là thịt ba chỉ, có cả nạc, cả mỡ. Miếng thịt nhân bằng ba ngón tay, dài chừng mươi phân dày dặn, đều tăm tắp được ướp nước mắm, hạt tiêu xay với hành khô chờ sẵn. Mẹ gói bánh bằng khuôn, còn bố thì không cần khuôn vẫn gói đẹp. Tôi ngồi cắt lá. Những chiếc lá dong to, đẹp được để gói ngoài. Tôi gập đôi tàu lá, cắt theo bề rộng của khuôn để thành từng xấp. Lá lót trong thì không cần cắt. Mẹ đặt lá vào khuôn rồi đổ bát đầy gạo nếp trắng ngà đã để ráo nước vào, bẻ nửa nắm đỗ dàn ra, đặt hai miếng thịt nhân lên, phủ bằng nửa nắm đỗ còn lại. Lại đổ bát gạo nữa lên, san đều ra bốn góc, chèn lá rồi gói lại bằng 4 chiếc lạt giang. Cứ thế chồng bánh cao dần chừng hai chục chiếc. Những năm sau này các anh các chị đi xa, bánh chưng bố gói ít hơn, chỉ chừng mươi chiếc. Bánh được xếp vào chiếc nồi đồng to, củi gộc cháy rừng rực bên dưới. Nồi bánh được đậy bằng chiếc chậu thau đựng lưng lửng nước. Nước sôi thì bớt lửa, chỉ để than hồng rực cho sôi âm ỉ. Thi thoảng phải thăm, cho thêm nước kẻo nồi bánh cạn. Mấy anh chị em ngồi canh nồi bánh từ chiều đến nửa đêm, xúm xít với bộ bài tam cúc. Tôi ngồi chờ chiếc bánh cóc (bánh bé từ chỗ gạo, đỗ thừa gói cho trẻ con) mà mắt thì díu lại ngủ lúc nào không biết.
Mẹ tôi còn hay làm mứt Tết. Mứt bí, mứt gừng, mứt táo... Ngâm, thái, tẩy, nhuộm màu, sao tẩm đường. Tháng một,chạp trong nhà lúc nào cũng phảng phất vị ngọt của mứt.
Năm tháng qua đi, bà rồi bố đã mất. Mẹ ngẩn ngơ nhớ bố. Mình thì đã già đi. Nhớ Tết xưa của gia đình, nhớ hình ảnh bố mài mực tàu, lom khom viết câu đối Tết dán lên hai cột cửa. Thèm hương vị của mâm cỗ Tết xưa, thèm vị chân giò ninh măng, cá quả nấu rau cần, thèm miếng cá nướng trấu mà sao khó quá. Thèm âm thanh Tết có tiếng pháo giao thừa đì đùng, nhớ màu khói pháo xanh lét, mùi khói pháo khét khét, thơm thơm. Nhớ tiếng chúc Tết xôn xao đầu phố, nhớ cảm giác ngây ngất khi mặc bộ quần áo mới mẹ sắm cho mặc Tết, sung sướng khi được mừng tuổi đồng 5 xu mới coóng, nắm tay bọn trẻ con chạy dọc phố sáng ngày mùng một Tết, không dám vào nhà ai vì sợ “dông cả năm”.
Tết bây giờ, đơn giản và gọn nhẹ. Tết nằm ở siêu thị, chỉ một lúc là có đủ. Người ta không còn bận bịu vì Tết mà bận đi chúc nhau trước Tết. Tết xưa là để quây quần xum họp. Tết nay bọn trẻ dành để đi du lịch. Hương khói trên ban thờ cũng nhạt dần. Dẫu biết rằng có những đổi thay để phù hợp với sự phát triển của xã hội, nhưng mỗi độ Xuân về, nhớ Tết xưa không khỏi thoáng ngậm ngùi.