Hơi ấm rừng Chò (6 - Tiếp)

Phạm Việt Long

12/05/2021 09:25

Theo dõi trên

Được đặt ở cuối và chiếm gần một nửa độ dày của “Phong Lan Về Trời” (Phạm Việt Long - NXB Dân trí, 2020), truyện vừa “Hơi Ấm Rừng Chò” chính là “hồn cốt” của cả tập truyện (Mai Nhung).

phong-lan-ve-troi-1620412379.jpg
 

6.

Tháng Sáu, lúa đã chín vàng, công việc vô cùng bận rộn. Đồng bào nóc Ông Chanh vào giúp sức Đội Làng Tuyên theo hình thức đổi công. Lúa của Đội Làng Tuyên chín trước, đồng bào kéo vào giúp thu hoạch. Tới khi lúa của đồng bào chín, anh em trong Đội lại lên rẫy cùng đồng bào suốt lúa (thu hoạch bằng cách dùng tay tuốt từng bông lúa, hứng hạt lúa vào gùi). Nếu làm chưa đủ công, thì Đội trả cho đồng bào những vật dụng thiết yếu như muối, vải, rựa... Đồng bào rất nghèo, chỉ tới khi thu hoạch lúa mới đủ ăn, nhưng mặc thì vô cùng thiếu thốn. Hoài không khỏi ái ngại khi thấy những cô gái đang tuổi dậy thì mà phải mặc những chiếc áo rách rưới, hở cả da thịt. Có những em bé chỉ khoảng tám, chín tuổi cũng đến làm - làm như người lớn vậy. Hoài thấy thương chúng vô hạn. Ở cái tuổi đó, đáng lẽ các em chỉ việc ăn, học và chơi đùa. Song cuộc sống khắc nghiệt quá, nó đòi hỏi các em phải vươn lên quá sức mình.

Vậy mà bọn giặc Mỹ không để yên, chúng liên tục lên vùng căn cứ quấy phá. Mới hôm trước, chúng cho máy bay B52 rải bom ở Nước Boa. Hôm nay, chúng rải bom vào rẫy lúa của Đội Làng Tuyên. Lúc này, anh em trong Đội và đồng bào nóc Ông Chanh đang cùng nhau suốt lúa ở rẫy số hai và số ba. Giáo, Hoài, Hải, chị H’Ly, em H’Len suốt lúa ở mé bên phải rẫy số ba. Mới hơn bảy giờ sáng, Hoài đã nghe hai tiếng nổ oàng oàng phía rừng đầu rẫy. Với linh tính cực nhạy, Hoài biết ngay là B52 Mỹ thả bom rải thảm. Anh hô lớn: “B52! Chạy xuống bụi lồ ô mau!”. Mọi người vừa nhảy vào hố đất sau bụi lồ ô, hàng loạt bom đã rơi, nổ như sấm rền. Bụi đất, khói bom bay mù mịt. Mùi thuốc bom khét lẹt. Mùi đất nồng nồng. Mùi cỏ cây hăng hắc. Tất cả trộn với nhau thành một mùi chết chóc. Gạt một cành cây đè trên người, vươn mình đứng dậy, Hoài hỏi: “Mọi người có sao không?”. “Không sao!”, tiếng Giáo, Hải đáp lại rành rọt. Hoài quan sát một lượt: Rẫy lúa tan hoang. Đầu rẫy, một hố bom toang hoác. Nhìn quanh, Hoài thấy chị H’Ly và em H’Len nằm bẹp ở bờ hố đất. Hoài và Giáo vội vàng tới kéo hai người khỏi hố. Thấy máu trên mặt chị H’Ly, trên tay em H’Len, Hải khóc nấc lên. Nhưng rồi, Hải nín bặt khi nghe tiếng kêu của H’Ly, H’Len: “Đau quá!”. Hải đỡ H’Len dậy, thấy một vết thương cắt ngang bắp tay của em. Hải lấy cuốn băng cứu thương, bình tĩnh cuốn chặt vết thương cho H’Len. Trong khi chị H’ly ngồi dựa vào Giáo, Hoài lấy khăn lau máu trên mặt chị để tìm vết thương. Khi chiếc khăn lướt qua môi, chị nảy người lên, không kêu được. Ôi, một mảnh bom đã cắt ngang môi dưới của chị. Không thể nào băng bó được, Hoài đành lấy đoạn băng cuốn quanh một cục bông dịt vào vết thương và bảo chị giữ chặt lấy. Hoài tê tái với ý nghĩ: Vết thương đã hủy hoại làn môi, làm sao mà chị còn thổi kèn và hát được nữa. Giọng hát cao vút của núi rừng lẽ nào sẽ phải nín lặng bởi bom giặc Mỹ!

Mọi người nhanh chóng rời khỏi rẫy, đề phòng lũ B52 rải tiếp thảm bom nữa. Trước đây, chúng thường rải đi rải lại ba lần đối với một mục tiêu, sau này còn hai lần, có khi chỉ một lần. Nhưng cứ phải đề phòng, không biết lũ giặc trời này hành động kiểu gì. Lê lết dìu nhau đi, không lâu sau, cả nhóm về tới nhà của Đội sản xuất.

Một lúc sau, Bá chạy về. Chưa tới ngõ, anh đã nói: “Kho ngô hư hết rồi!” - Như vậy có nghĩa là không bị tổn thương về người. Rồi Tạo, Hiến chạy về. Hiến bị một vết xước nhỏ trên đầu, máu chảy ri rỉ như bị vắt cắn; anh em xúm lại rửa thuốc và băng cho anh. Tạo ngồi thở, mồ hôi ra đầm đìa. Cậu ta đột ngột cười to, nói trong tiếng cười: “Khỏi chết. B52 chụp trên đầu vẫn không chết”. Rồi thì Huy, Nhị chạy về, bình an cả. Anh em cho biết lũ B52 bắt đầu rải “tấm thảm bom” của chúng từ rẫy hai, kéo qua rẫy ba và nối dài qua Nước Lon, qua dải núi bên kia. Anh em đều nằm giữa “tấm thảm” đó. Hiến nằm giữa triền dốc, gần bụi lồ ô. Phía đó, một quả bom đào đã làm bay mất cả bụi lồ ô. Phía sau Hiến vài mét, hai quả bom khác đào hai lỗ sâu hoắm. Vậy mà không giết nổi Hiến, chỉ làm anh bị trầy da đầu và mất một chiếc dép cao su. Tạo, Bá cũng nằm gần mấy hố bom, nghe bom nổ chát chúa, váng đầu, ù tai mà không hề bị thương tích. Anh Bá quay sang thăm hỏi H’Ly, H’Len và cử Huy, Tạo đưa hai người bị thương đi bệnh viện.

Bom làm sập kho ngô của đội và hư một số lúa của rẫy hai, ba. Cũng may mà kho chỉ sập xuống đất, không bay mất trái ngô nào. Anh Bá huy động toàn lực lượng đi cõng hết số ngô đó về nhà. Đông người nên chỉ qua chiều hôm sau là đã chuyển hết ngô. Hai mái gà cùng một đàn gà con cũng được chuyển về. Dù sao, B52 cũng giết được hai con gà nhỏ của Đội. Tuy nhiên, bầy gà con vẫn điềm tĩnh chiêm chiếp theo mẹ kiếm ăn, không tỏ ra sợ hãi gì.

Công việc lại đi theo nếp của nó. Suốt xong lúa rẫy năm, Đội kéo về rẫy ba, suốt nốt số lúa còn lại. Hai quả bom nổ ở bìa rẫy làm hư nhiều lúa. Ngoài số bị đào bới, bị đất lấp, còn có nhiều khóm lúa bị sức ép làm cho tả tơi, nát nhừ tận gốc. Những cây ở xa cũng bị chấn động, gẫy rất nhiều bông, rụng rất nhiều hạt. Mọi người phải cặm cụi nhặt từng bông lúa, hạt thóc dưới đất lên.

Toàn Đội cảnh giác đề phòng những đợt bom B52 tiếp theo, song không thấy lũ giặc trời khổng lồ này xuất hiện. Thay vào đó, là lũ máy bay trực thăng thi nhau quần lượn bắn phá, hoặc rải chất độc trên các nương rẫy. Nước Tong, Nước Ngheo, Trà Niêu... đã bị hứng những trận mưa hóa chất độc rồi. Không biết khi nào bọn trực thăng tới quấy nhiễu nơi này? Khi đi làm rẫy, một số anh em trong Đội mang theo súng đạn, sẵn sàng nện cho lũ quỷ độc ác đó những đòn đích đáng.

7.

Vào đầu tháng, Hoài được phân công cùng ba đồng chí khác đi cõng muối, mua hàng. Hôm ấy, chiều muộn, Hải đem cho Hoài một lon lương khô và nói: “Em mới làm. Nhưng cũng chỉ có xì dầu, muối với củ nén thôi!”. Đặt lon lương khô bên cạnh chiếc gùi của Hoài, Hải nói tiếp: “Anh đưa em chiếc áo bị sứt nút, em đơm lại cho!”. Hơi ngạc nhiên, định hỏi là tại sao Hải biết cái áo bị đứt cúc, nhưng rồi lại thôi, Hoài mở ba lô lấy ra chiếc áo bà ba màu xanh lá cây đưa cho Hải. Chỉ một lát, Hải đã khâu xong. Đưa chiếc áo cho Hoài, Hải cười cười: “Không có nút cùng kiểu, em đơm chiếc nút này, có dị không anh?”. Hoài chưa kịp trả lời, Hải đã nói tiếp: “Còn tấm vải mưa bị rách, đem ra vá đi anh!”. Hoài lại ngoan ngoãn đem ra tấm vải đi mưa bị toạc một miếng vì bị ngoắc vào cành cây nhọn khi Hoài cõng ngô từ rẫy về. Tấm vải mưa màu xanh lục của anh đã có hai nốt vá. Hai nốt này to bằng nửa bàn tay, được Hoài dùng dầu vắt để hàn lại. Nhưng, do hết dầu vắt, Hoài vẫn chưa hàn được vết thủng mới này. Đón tấm vải mưa từ tay Hoài, Hải trải nó lên mặt bàn, vuốt thẳng, lấy giẻ lau kỹ phần có vết thủng. Xong, cô móc túi lấy ra một miếng vải mưa màu xanh, lau sạch, đặt đè lên nơi có vết thủng. Một chiếc thìa canh bằng I nốc được Hải hơ nóng rực trên ngọn lửa đèn dầu. Hoài bảo: “Em sáng kiến thật, dùng cái này thay dầu vắt à?”, rồi cầm lấy chiếc thìa từ tay Hải. Phối hợp nhịp nhàng, Hoài giữ một góc tấm vải mưa để cho Hải áp chiếc thìa lên bề mặt nó và miết đi miết lại. Chỉ mấy lần làm như vậy, miếng vải mưa đã được hàn kín nơi rách. Trong khi gấp tấm vải mưa lại, Hoài bảo Hải: “Ở nhà, em làm nốt bài tập toán, khi về, anh sẽ chữa, nhé!”. Vừa lúc ấy, Nhơn gọi mọi người xuống bếp ăn cơm.

Chuyến đi cõng hàng đúng vào những ngày trời mưa dầm dề. Qua Trà Niêu, Hoài sững sờ nhìn cánh đồng lúa ở đây bị chết rụi vì chất độc hóa học của Mỹ. Máy bay HU1A cũng mới bắn chết hai con trâu của đồng bào. Họ xẻ hết thịt nhưng còn để lại đó một cái đầu to tướng.

Lúc trở về, Hoài cõng gùi muối đi trong cơn mưa lâm thâm. Người sũng nước. Bao muối ướt mèm, nước nhỏ giọt, nhỏ giọt vào lưng áo, rát vô cùng. Tới bờ sông Tang, Hoài và anh em phải dừng lại - nước lũ đã chắn mất đường. Sông không rộng lắm, nhưng nhiều đá. Ngày thường, nước chỉ tới bắp chân, chảy khá mạnh, song vẫn lội qua được. Mưa nhiều, nước trở nên lớn và hung dữ vô cùng. Dòng nước đục ngầu, nhấn chìm rất nhiều mỏm đá trước đây vẫn nhô cao. Nước xoáy vào đá, tung bọt trắng xóa. Bây giờ trời tạnh, nước rút dần. Cả nhóm cứ ngồi đó nhìn mức nước đang xuống một cách chậm chạp, hy vọng tới buổi trưa có thể qua được sông. Song, trời đã sầm mặt lại, chuẩn bị một cơn mưa khác. Đành ở lại, chờ đến ngày mai.

Cũng may, đến gần tối, trời sáng dần ra, trong lại, không mưa. Nhưng, muộn rồi, không thể vượt sông đi tiếp.

Khi đang chuẩn bị nơi dăng tăng, mắc võng, Hoài bỗng nghe thấy tiếng đàn ghi ta, tiếng hát vang vang từ phía đỉnh dốc. Chạy ra, nhìn lên, Hoài reo to: “Thanh Đính, anh Thanh Đính đến kìa!”. Trước mắt Hoài, một người đàn ông tầm thước, dáng nhanh nhẹn, vừa đàn hát, vừa gùi một gùi hàng xuống dốc. Đó chính là Thanh Đính, người ca sĩ nổi tiếng toàn Khu bởi giọng hát nam cao trong sáng và nhiệt tình phục vụ vô điều kiện. Hoài đã chứng kiến, anh hát theo yêu cầu của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc. Hát trên thuyền, với bài “Qua sông”. Hát trên đỉnh dốc, với bài “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”. Hát trên đường giao liên, với bài “Đường tôi đi dài theo đất nước”, “Anh quân bưu vui tính”,... Nghĩa là anh có đủ các bài hát hợp với các hoàn cảnh khác nhau để phục vụ công chúng. Dù chỉ có một khán giả, anh cũng phục vụ.

Đến tận chân dốc đón Thanh Đính, Hoài cầm hộ anh chiếc đàn ghi ta và kéo anh cùng một thanh niên đi về phía rừng lòn bon mà nhóm của Hoài đặt làm nơi trú chân. Giúp Thanh Đính hạ gùi hàng xuống, Hoài hỏi: “Anh đi cõng hàng từ hôm nào?”. Gạt mồ hôi đang túa ra trên trán, Thanh Đính cười: “Ừ, mình và Thảo đi cõng hàng cho Tiểu ban, hôm nay là ngày thứ sáu rồi!”. Tạo vồn vã: “Vui quá, có anh, tối nay sẽ vui lắm!”. Nói chưa dứt câu, Tạo đã xăng xái dọn cây, xếp chỗ cho Thanh Đính và Thảo dăng tăng, mắc võng.

Tối hôm ấy, trên bãi cát ven sông, một cuộc liên hoan văn nghệ diễn ra sôi nổi, ấm cúng. Giá như không sợ máy bay phát hiện ra ánh lửa, thì đã có một đêm lửa trại tuyệt vời. Nhưng thôi, ánh trăng thanh cũng đủ soi sáng cho cuộc vui độc đáo này. Thanh Đính nói rằng anh có thể hát suốt đêm phục vụ khán giả, nhưng anh muốn mọi người cùng hát, thế mới là cùng vui. Tất cả tán thành, nhưng yêu cầu anh hát trước và tất nhiên phải hát nhiều bài, vì “anh là ca sĩ chuyên nghiệp”. Thanh Đính ôm ghi ta, vừa đàn vừa hát theo yêu cầu khán giả. Những bài hát qua tiếng đàn, giọng ca của anh nói lên hộ những con người đang tham gia cuộc kháng chiến ở miền Trung này biết bao điều thầm kín. Thẳm sâu là tình yêu quê hương, yêu con người, yêu hòa bình. Để chấm dứt chương trình của mình, Thanh Đính hát một bài hát có từ thời mới kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp: “Hòa bình thành phố yên vui đón anh bộ đội... Đồng ruộng của ta thẳng cánh cò bay/Chồng cày vợ cấy thoả chí từ nay/A từ nay thoả chí vun trồng/Xây dựng nên nước giầu dân mạnh/Ta cùng là ấm no....”. Tất cả đứng dậy vỗ tay vang trời. Thanh Đính đã hát lên khát vọng cháy bỏng của mỗi người, ai mà chả mong được về quê, được người thân chào đón trong không khí hòa bình, yên vui để xây dựng một cuộc sống ấm no.

Tiếng vỗ tay vừa dứt, một thiếu nữ dáng người cao to đứng dậy tự giới thiệu: “Em là Thanh Thúy, cán bộ binh vận. Em học ở Liên Xô về nên cùng với bạn em hát hai bài hát Liên Xô”. Thanh Đính dạo đàn luôn, bài “Thời thanh niên sôi nổi”; Thanh Thúy cùng hai bạn nam cất giọng: “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ/Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ/Thề ngàn đời bền vững tổ quốc ta...”. Tiếp đó là bài “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người”: “Cả tỉnh yêu trao cuộc sống/Có thấy chăng ơi cuộc đời tình ta thắm nồng”... “Cuộc đời ơi, người còn nhớ/Có biết bao gương hy sinh của những chiến binh/Họ nằm xuống cho mùa xuân/Mùa xuân xanh như đoá hoa mai ngày thức dậy/Cho ta thấy yêu cuộc đời/Yêu cuộc sống trong lao động kiến thiết nước nhà”. Ba người hòa thanh quyện quá, tiếng hát vừa ấm áp, ngọt ngào, vừa mạnh mẽ, thiết tha, lại có phần ngậm ngùi, chua xót. Sau bài hát, mọi người lặng đi mấy giây rồi mới hoan hô, bàn tán. Bài hát kéo mọi người trở lại thực tế, một thực tế nghiệt ngã của chiến trường, mà ở đó, sự hy sinh, mất mát là không thể tránh khỏi.

Cuộc vui kéo dài tới nửa đêm. Phải nghỉ để sáng còn vượt sông, hành quân tiếp. Mọi người giải tán trong niềm vui, trong suy tư và trong nuối tiếc, giá đêm vui được kéo dài thêm. Tuy vậy, anh Thanh Đính chưa nghỉ. Anh cầm một cuốn sổ, bấm đèn pin đến với từng nhóm, đề nghị họ ghi cảm tưởng! Ở Trường Sơn, ra khỏi nhà là phải mang vác nặng, mà anh Thanh Đính vẫn luôn luôn đem theo một cuốn sổ dày cộp, nặng trịch để ghi chép về những cuộc biểu diễn của mình, kèm đó là cảm tưởng của khán giả. Cứ nhìn cuốn sổ, Hoài lại thầm cảm phục anh, phải có tình yêu nghề tha thiết, có trách nhiệm cao với cuộc sống như thế nào, thì mới làm được những việc mất công sức, tỉ mẩn như vậy. Hoài liên tưởng, rồi đây, cuốn sổ sẽ là một biên niên sử sống động về hoạt động của văn nghệ sĩ trong chiến trường, khó đánh giá được hết giá trị của nó! Trong sổ ghi hôm nay, có một đoạn đặc biệt viết bằng tiếng Nga. Đó là dòng ghi của Thanh Thúy, cô biết Thanh Đính từng học thanh nhạc ở Liên Xô, nên đã tặng anh những dòng chữ rất riêng như vậy.

Sáng, nước đã rút bớt, không còn đục nữa, song vẫn chảy rất xiết. Dù sao cũng phải vượt sông. Hàng chục người bị ứ ở hai bên bờ sông, cùng kéo ra xem xét, la ó. Tạo cởi trần lội xuống sông dò mực nước. Cậu ta to, khoẻ nên đã băng được sang sông, tìm ra nơi có thể lội qua. Một số người không phải mang hành lý nặng, theo con đường mà Tạo “khai phá” mạnh bạo lội qua. Trong nhóm này, một cô gái dáng người to, cao lội đến giữa dòng sông thì trượt chân, bị nước cuốn trôi. Mọi người lo lắng hò hét, bất lực vì không tìm được cách cứu cô. Cô vẫn bị cuốn băng băng, dập dềnh trên mặt nước. Có lúc, cô bị xô vào tảng đá, bật sang bên và chìm nghỉm. Hoài chợt nhận ra cô, chính là Thanh Thúy, người đã hát liền hai bài hát Liên Xô rất hay tối hôm qua. Hoài mím môi, nén tim, dõi nhìn. Đã tưởng hết hy vọng, lại thấy cô gái ngoi lên, sải tay bơi vào bờ. Ào, ào, nước tiếp tục cuốn cô đi. Gan góc, cô nhoài người hướng vào bờ. Nước vẫn cuốn mạnh, hướng cô về thác. Nhào! Cô đã bám được vào cành rù rì ven sông! Hoài thở phào, nhẹ nhõm.

Nhìn cảnh cô gái trôi trên sông, suýt mất mạng, Hoài rùng mình nhớ tới chuyện một cô gái Dân y bị nước cuốn trong mùa mưa năm ngoái. Đó là Đào, mới hai mươi tuổi, y sĩ, người Hải Dương. Cũng vào những ngày mưa như thế này, Đào cùng ba đồng chí đi cõng gạo ngoài trạm Xã hội chủ nghĩa về cho cơ quan. Các trạm giao liên trên đường Trường Sơn chia làm hai loại: Loại ở phía Bắc, do Quân đội Nhân dân Việt Nam quản lý, gọi là trạm Xã hội chủ nghĩa; loại ở phía Nam, do Quân Giải phóng quản lý, gọi là trạm Giải phóng. Ra cõng gạo Xã hội chủ nghĩa, tức là cõng gạo được chuyển từ miền Bắc vào và trạm ở rất xa. Chuyến cõng gạo ấy, vừa đi vừa về hết chín ngày. Tới ngày thứ chín, sắp về tới Ban Dân y Khu, thì trời mưa lớn. Con sông Trà Nô chắn đường về, đang dâng nước lên mỗi lúc một cao. Mọi người quyết định phải nhanh chóng vượt sông, khi nước mới lên ngang thắt lưng, vẫn còn lội qua được. Mỗi người bọc bao gạo của mình trong bọc ni lông dày, cõng qua sông. Đào sức yếu hơn, dò dẫm từng bước, trong khi ba người bạn đã gần vào tới bờ. Bất ngờ nước trở nên lạnh buốt, một cơn lũ đổ về cuồn cuộn, trong chớp nhoáng cuốn băng Đào xuống phía hạ lưu. Ba người bạn chỉ mới kịp nhào vào bờ, bất lực nhìn Đào dập dềnh trên sóng nước rồi mất hút... Mãi năm ngày sau, khi nước rút, người ta mới tìm thấy xác Đào bị mắc trên ngọn cây lộc vừng cổ thụ mọc bên sông, cách bến lội ba cây số!

Cảnh tượng vừa rồi làm cho những người vượt sông nhụt chí. Có mấy anh nắm chặt tay nhau, cứ thậm thà thậm thụt ở bờ nước, không dám tiến ra. Nhưng rồi, cũng phải có người liều mạng! Mấy anh dân tộc thiểu số dùng gậy chống, băng qua dòng nước chảy xiết và miệng la lối, cười nói liên hồi. Những tốp đã qua được bờ bên kia nối nhau thành một sợi dây để kéo người đi sau vượt qua đoạn cuối. Họ la: “Cố lên, nhanh lên!”. Một cô gái dân tộc thiểu số bám chặt trên lưng một anh bộ đội cao lênh khênh - anh ta khoẻ thật, cứ cõng cô gái mà lội băng băng tới bờ bên kia. Một anh dân tộc thiểu số khác nắm tay một cô gái Kinh dìu qua sông. Song, khi vừa nhớm chân xuống nước, cô ta liền thụt lại và kêu lên choé, choé như tiếng vượn vậy. Anh thanh niên đã lội xuống nước, không quay lại mà lội nhanh hơn, kéo mạnh tay cô gái. Cô ta vẫn kêu choe choé, vùng vẫy, nhưng vẫn lội theo anh. Khi qua được bờ rồi, để mặc quần áo ướt sũng dính bết vào người, cô cười ngặt ngẽo và kêu lên: “Khỏi chết, khỏi chết rồi!”. Nhộn nhà nhộn nhạo khắp khúc sông, thế mà vui đáo để.

Tạo vác bao muối của Hoài lội qua trước. Có lúc cậu ta bị trượt chân, lao đao giữa dòng nước chảy băng băng, làm cho Hoài lo thót tim. Song, Tạo đã gượng lại được, vượt sang bờ bên kia. Cứ thế, Tạo vác bao muối, thùng dầu và hai thùng mắm sang sông an toàn, lại vác hộ gùi hàng cho anh Thanh Đính, rồi quay lại dìu Hoài qua sông. Anh chàng này tính tình vui vẻ, yêu đời đến hồn nhiên, vô tư. Hồi được cử về Ban học văn hóa, lớp tập trung, Tạo làm cho cả lớp ngỡ ngàng vì tội... yêu cô giáo. Sau nửa tháng học tập, ngày nào Tạo cũng viết một lá thư gửi cô giáo, kẹp vào vở bài tập, thổ lộ tình yêu với cô: “Cô giáo ơi, anh yêu cô giáo lắm!”. Cô giáo mới từ Hà Nội vào, tuổi còn non, kinh nghiệm trường đời chưa có, nhận thư đến lần thứ ba thì hốt hoảng, khóc ngay trên lớp. Lớp trưởng lên hỏi han, xem bức thư, vừa buồn cười vừa giận. Thế là chàng Tạo, vì mắc tội yêu cô giáo, mà bị cho ra khỏi lớp, chuyển về đội sản xuất. Hôm tổ chức buổi họp chia tay, Tạo đứng lên nói bô bô: “Dù thế nào, tôi cũng yêu cô giáo! Cô giáo ơi, đừng giận anh nhé!”. Thế là cô giáo lại khóc hu hu lần nữa!

Chuyến cõng hàng đã hoàn tất. Cùng với muối, Đội có cả hai thùng mắm cá cơm, một thùng dầu phộng. Mua được dầu phộng là một điều may mắn. Nhiều chuyến xuống đồng bằng, không tài nào lùng được dầu phộng, một loại dầu ngon lành được ép từ đậu phộng (củ lạc) đặc hiệu Việt Nam, anh em đành mua dầu nhập khẩu, trong đó, nếu không may mua phải dầu “Con sò”, thì gay go. Gọi là dầu “Con sò” vì trên thùng đựng nó có gắn một đề can hình con sò màu xanh. Thứ dầu này, dù dùng để rán hay xào, nấu, khi ăn, đều không tiêu hóa được. Chỉ sau bữa ăn ít giờ, dầu tự thải ra bằng đường hậu môn; nhiều anh, sau bữa ăn thứ dầu đó, bơi dưới nước để lại một dòng váng dầu màu xanh chạy dài phía sau, như chiếc tàu thủy để lại dòng nước sủi bọt sau đuôi tàu.

***

Chuyển bao muối vào nhà bếp, Hoài vội vàng đi tắm rửa, thay quần áo - nước muối thấm khắp người, xót không chịu nổi. Khi về tới đầu nhà, Hoài đã thấy Hải đứng chờ. Giọng Hải chứa đầy niềm vui: “Anh, vô nhà, xem cái này, hay lắm!”.

Trong ánh nắng yếu ớt của buổi chiều tà, Hải đưa cho Hoài tờ báo Cờ Giải phóng và Tạp chí Văn nghệ Giải phóng, cười rạng rỡ: “Anh xem đi, báo và tạp chí đăng bài của anh đây nè!”. Trong khi Hoài lật lật từng trang báo, tạp chí, Hải thủ thỉ: “Anh viết lúc nào mà hay vậy. Báo có bài về Đội mình dù bị bom B52 “đấm lưng”, vẫn thu hoạch lúa, ngô, trồng thêm nhiều sắn. Tạp chí lại có bài “Chú giao liên vùng giáp ranh”, anh viết lúc nào mà tài vậy?”. Hoài cười, nhìn Hải trìu mến: “Anh tranh thủ viết vào buổi tối, không ngờ cả báo và tạp chí đều đăng cho!”. Hải khen một cách chân thành: “Anh viết hay quá chừng. Viết về Đội mình, em thấy toàn là những việc mà hằng ngày chúng ta làm, nhưng sao nó lại hấp dẫn thế. Còn chuyện chú giao liên nữa, đọc mà em thấy như mình đang cùng anh đi dưới đồng bằng, vượt qua bao nguy hiểm. Chú bé ấy dễ thương quá, có thực hả anh?”. Hải giải thích: “Đây là bài ký, cho nên nó là thực hoàn toàn, em ạ!”. Nhìn Hải chăm chú nghe, Hoài thấy một làn hơi sưởi ấm toàn thân mình, lan tỏa cả căn phòng trống trải. Cô gái này rất ham đọc sách, báo. Có buổi trưa, Hải đọc cả một truyện ngắn trong Tạp chí Văn nghệ Giải phóng cho Hoài nghe. Lại có buổi, Hải đọc trên báo Cờ Giải phóng bài viết về một nữ cán bộ binh vận đã dũng cảm, mưu trí vận động được mười lính ngụy, trong đó có một thiếu úy, bỏ súng về với nhân dân, cho Hoài nghe, rồi nói: “Anh ơi, chị Hồng này giỏi quá, đã làm cho cả thiếu úy địch giác ngộ bỏ súng!”. Hoài giải thích thêm cho Hải về chính sách hòa hợp dân tộc của Mặt trận dân tộc giải phóng, âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ kế tục chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp, gây nên cảnh “nồi da xáo thịt” ở nước ta và nói, chính những người làm báo như Hoài cũng có nhiệm vụ giúp binh lính địch thấy rõ âm mưu cướp nước của đế quốc Mỹ, không để chúng lợi dụng xương máu của mình làm công cụ chiến tranh, quay súng trở về với gia đình, với nhân dân, để cho đất nước được hòa bình, thống nhất, độc lập. Hoài nói thêm, chính việc sản xuất tại căn cứ địa, tạo ra của cải vật chất nuôi quân cũng là hành động thiết thực đóng góp vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Thấy Hải tiếp thu rất nhanh những vấn đề chính trị - xã hội, Hoài tin rằng, nếu có điều kiện, chắc chắn Hải sẽ học giỏi. Biết đâu, Hải sẽ trở thành một nhà báo. Nghĩ đến đấy, trong Hoài dào dạt niềm khao khát ngày chiến thắng, đất nước sạch bóng quân xâm lược, để cho Hải được học hành...

***

Không ngờ đội Làng Tuyên có một ngày vui như thế. Anh Tân, anh Chi đi công tác đồng bằng, ghé qua để lấy lương thực phục vụ chuyến hành quân dài ngày. Chi là phóng viên nhiếp ảnh. Tân là công nhân buồng tối. Hai người đem máy móc, hóa chất vào tận Bình Định thực hiện nhiệm vụ giúp Tỉnh đào tạo phóng viên và công nhân nhiếp ảnh. Hoài quấn lấy hai anh, chuyện trò say sưa về nghề ảnh. Khi công tác ở ngoài Bắc, Hoài kiêm luôn phóng viên nhiếp ảnh. Anh còn tự học, thuộc lòng công thức hàng chục bài thuốc, tự làm mọi việc từ chụp ảnh tới pha thuốc, tráng phim, in phóng ảnh. Tiếc rằng, đi chiến trường, anh không có điều kiện làm cái nghề tay trái rất thú vị ấy của mình. Bây giờ gặp người trong nghề ảnh, nỗi nhớ nghề trỗi dậy khiến Hoài thấy bồi hồi, xao xuyến.

Chuẩn bị cho Tân, Chi bốn ruột nghé gạo vào loại ngon, anh Bá ân cần bảo: “Hai anh nghỉ thêm ở đây một ngày, rồi hãy đi!”. Hai anh vui vẻ nhận lời. Chi cởi mở: “Sẵn có phim, máy, tôi chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm cho Đội ta nhé!”. Thế thì còn gì bằng! Anh Bá vui mừng nhận lời và cho toàn Đội nghỉ một buổi sáng để xả hơi, chụp ảnh.

Sau khi ăn sáng, cả Đội cùng hai anh Tân, Chi kéo ra rẫy ngô cũ để có đủ ánh sáng chụp ảnh. Đầu tiên, là ảnh tập thể. Toàn đội xếp thành hai hàng trước máy ảnh. Mặt nhiều người trang nghiêm như đang đứng tuyên thệ. Có người chưa bao giờ đứng trước ống kính máy ảnh, không thể nào tự nhiên được, người ngay ra, mặt đuỗn đuột. Tân, vốn tính hay bông đùa, trêu: “Nào, vui lên chứ. Mặt cứ thuỗn ra như ngỗng ỉa thế này, hỏng mất ảnh của tôi!”. Thế mà cũng không ăn thua. Chi bèn bảo: “Bây giờ, tôi chưa chụp ảnh đâu. Cứ đứng như vậy, tôi hô “nói” thì mọi người hô “nghe” nhé! À không, anh Tân hô, tôi cầm máy ngắm thử thôi!”.

Tân đùa:

- Máy nó không cắn người đâu, đừng sợ. Nào, mọi người cứ đứng ngay hàng thẳng lối như thế này, hô theo tôi nhé !

Chờ một lát cho mọi người ổn định vị trí, Tân hô:

- Bắt đầu “Nói - Nghe”, cứ liên tục “Nói... Nghe” nhé!

- Nói... Nghe... Nói... Nghe...

Khu rừng rộn lên với lời hô “Nói - Nghe” đầy nhiệt huyết. Một lúc sau, Chi bảo: “Được rồi, ảnh tập thể sẽ đẹp, ai cũng cười!”. Hoài biết ngay đây là thủ thuật của những người chụp ảnh có kinh nghiệm, làm giảm bớt căng thẳng cho những người chưa quen chụp ảnh. Khi nói “Nghe!”, miệng ai chả nhếch ra, giống như đang cười.

Không được phép sử dụng nhiều phim, Chi chỉ chụp thêm hai ảnh cho hai nhóm: nhóm nữ bốn người, nhóm nam mười sáu người và đặc biệt là chụp riêng cho anh Bá một kiểu. Anh Bá nhất quyết từ chối, bảo rằng mình không có quyền được ưu tiên. Chi phải nói một cách nghiêm trang: “Đồng chí là Đội trưởng Đội sản xuất, một người có thành tích mà Ban đã tuyên dương nhiều lần. Tôi cần ảnh của đồng chí làm tư liệu, vì vậy đồng chí nên chấp hành!”. Chi còn nói thêm: “Chị Tám cũng là lao động xuất sắc, được Ban tuyên dương, tôi cũng chụp ảnh rồi. Ai lao động xuất sắc, tôi đều có nhiệm vụ ghi lại ảnh làm tài liệu, phục vụ yêu cầu tuyên truyền. Bây giờ đến lượt đồng chí, nhanh chóng vào chỗ!”. Anh Bá đành ngồi một mình trước ống kính của Chi. Tân đạo diễn: “Ngồi ngay ngắn, hai tay để trên đùi, xòe ra để ảnh có đủ mười ngón tay. Nào, nhìn tôi. Anh Chi chuẩn bị. Anh Bá nói theo tôi: Ve... vẻ vè ve...”.

Thấy anh Bá đã ngồi ngay ngắn, hai tay đặt trên đùi, hai bàn tay xòe đủ mười ngón, anh Tân hô: “Vẻ vè ve... Anh Bá hô theo đi. Ve vẻ vè ve...”. Chi bấm máy, lấy làm mãn nguyện - trông anh Bá tự nhiên, mép nhếch một nụ cười khiêm tốn.

Khi rời rẫy, đi bên Tân, Hoài bảo: “Ta phóng ảnh luôn cho anh em phấn khởi!”. Tân trả lời: “Ừ, có máy phóng ảnh đây. Nhưng làm gì có điện!”. Hoài kể: “Hồi ở Sơn La, không có điện, bọn tôi dùng ánh sáng trời!”. Tân đập tay vào lưng Hoài đánh bộp một cái: “Ừ, lấy ánh sáng trời, có thế mà cũng không nghĩ ra!”. Ngay trong buổi sáng, Giáo, Hoài, Hiến và Tạo xúm vào dựng một cái chòi giữa rẫy ngô cũ làm buồng tối. Chiếc máy phóng ảnh của Liên Xô được đặt giữa chòi, lấy ánh sáng từ một lỗ khoét trên nóc chòi. Trong khi đó, Chi đã tráng phim bằng cái hộp chuyên dụng và phơi dưới bóng râm. Có kinh nghiệm chụp ảnh ở rừng núi - do ẩm ướt, phim lại gần hết hạn sử dụng, độ nhạy giảm, Chi đã tăng khẩu độ, giảm tốc độ, đảm bảo phim bắt sáng vừa đủ, sẽ cho bức ảnh ưng ý.

Hoài cùng Tân, Chi ngồi làm ảnh. Ánh sáng đỏ, mùi hóa chất nồng nồng, ngai ngái gợi cho Hoài nhớ tới những ngày hoạt động ở Sơn La. Anh đã lên tận vùng cao Sông Mã, đến với đồng bào H’Mông, Thái, Xá... làm tin, chụp ảnh. Cũng với những căn buồng tối dã chiến kiểu này, Hoài đã làm không biết bao nhiêu bức ảnh vừa phục vụ hoạt động báo chí, vừa phục vụ đồng bào. Có một cô gái H’Mông, khi xem ảnh của mình, lại thốt lên: “Cái đứa nào đây mà đẹp thế?”. Cô thực sự không nhận ra mình, vì chưa bao giờ được soi gương, bây giờ thấy ảnh, lại tưởng là người khác.

Theo sự hướng dẫn của Tân, Hải đem những tấm ảnh mới được phóng ra suối, nhẹ nhàng nhúng xuống nước, lấy tay xoa lên mặt từng tấm ảnh, rồi ngâm nó trong cái rổ mây được đặt giữa dòng nước chảy xiết. Cầm bức ảnh chụp toàn đội, Hải chợt mỉm cười một mình - không biết do ai sắp đặt, mà Hải lại đứng liền với Hoài, đầu hơi ngả sang vai anh. Trong ảnh, cả đội đều tươi cười và may quá, không có ai nhắm mắt.

Suốt buổi tối hôm ấy, cả đội tập trung xem ảnh, nói cười rổn rảng, hồn nhiên như trẻ thơ...

(Còn nữa)

 

Bạn đang đọc bài viết "Hơi ấm rừng Chò (6 - Tiếp)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn