Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ Việt Nam trong bối cảnh mới”

Nguyễn Đức Hoàng

17/05/2023 09:21

Theo dõi trên

Để kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ thì bên cạnh yếu tố chất lượng của sản phẩm và dịch vụ thì còn có rất nhiều yếu tố khác như xây dựng thương hiệu, thẩm mỹ công nghiệp, thiết lập hệ thống phân phối, quảng cáo, tiếp thị, truyền thông…

Hưởng ứng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5/2023), theo chỉ đạo của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, sáng 17/5/2023, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) cùng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) tổ chức Toạ đàm “Kinh doanh Sản phẩm và Dịch vụ Khoa học Công nghệ Việt Nam trong bối cảnh mới” với diễn giả được mời là PGS TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo PGS TS Lê Phước Minh – Chủ tịch VAYSE đồng thời là Viện trưởng IAMES, những năm gần đây thì khởi nghiệp đang là một trào lưu sôi động của giới trẻ cả nước. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công thì bên cạnh yếu tố khoa học công nghệ, việc biết kinh doanh sản phẩm trí tuệ, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là hết sức quyết định và lý tưởng nhất là những nhà khoa học, kỹ thuật công nghệ nhưng phải đồng thời là những người biết kinh doanh, bán chính những sản phẩm do mình dày công nghiên cứu, sáng tạo. Chính vì vậy, VAYSE đã lấy chủ đề “Kinh doanh Sản phẩm và Dịch vụ Khoa học Công nghệ Việt Nam trong bối cảnh mới” cho hoạt động của năm nay để hướng tới và chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5/2023.

Là diễn giả được mời, PGS TS Nguyễn Thường Lạng cho biết, để kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ thì bên cạnh yếu tố chất lượng của sản phẩm và dịch vụ thì còn có rất nhiều yếu tố khác như xây dựng thương hiệu, thẩm mỹ công nghiệp, thiết lập hệ thống phân phối, quảng cáo, tiếp thị, truyền thông…

Trong một phát biểu với báo chí, PGS TS Nguyễn Thường Lạng từng nói: “Tư duy kỹ thuật đòi hỏi tính tin cậy và chắc chắn của quyết định, tính mạch lạc của tư duy. Đó là cốt lõi của kiến thức. Còn tố chất kinh doanh là khả năng quy đổi kiến thức, nguồn lực thành giá trị tối đa và tối ưu. Nếu không có tư duy kinh doanh thì kiến thức kỹ thuật coi như không có nền tảng gia tăng giá trị. Do đó, nhà kỹ thuật có tư duy kinh doanh mới là mô hình kết hợp tối ưu cho thực tế này.”

Tại toạ đàm, các hội viên của VAYSE cùng khách mời cũng sẽ thảo luận sâu sắc về rất nhiều thực tế có liên quan đến kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ. Trong đó, yếu tố thẩm mỹ công nghiệp là hết sức quyết định vì đó là kinh tế hình ảnh như học thuyết của doanh nhân Nguyễn Liên Phương – Chủ tịch Học viện Doanh nhân LP đã chỉ ra.

Theo dự kiến, sau sự kiện này VAYSE sẽ có những toạ đàm hàng tháng về rất nhiều chủ đề khác nhau mà trí thức trẻ phải tiên phong trong đổi mới và sáng tạo như phương châm hành động của VAYSE.