Hồi ức chiến trường C - Nhiệm vụ đặc biệt

Đầu năm 1973 sau gần một năm đi học tôi lạị được trở về đơn vị cũ. Có quá nhiều thay đổi, lớp lính chúng tôi chỉ còn lạị vài người còn hầu hết họ đã đươc giải quyết chính sách hoặc chuyển đơn vi khác, thay vào đó là lớp tân binh tuổi đời mới 18 đôi mươi cũng lơ ngơ như tôi cách đây trên dưới 4 năm về trước.

Vừa về đến nơi, chính tri viên tiểu đoàn 923 (d923) Văn Đình Song cho gọi tôi lên gặp. Sau vài câu hỏi thăm của tiểu đoàn trưởng, ông trao cho tôi tập tài liệu và nói: “Cậu viết lịch sử tiểu đoàn ta để chuẩn bi kỷ niệm 10 năm thành lâp (9/1963 – 9/1973)”.

chien-truong-c-1641687810.jpg
Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn

 

Cầm tập tài liệu trong tay tôi suy nghĩ rất nhiều. Phải viết làm sao đây, viết về những trận đánh, những hy sinh mất mát, những tấm gương các Anh hùng liêt sỹ, những chiến công vang dội của tiểu đoàn ở Pha thí, Na khằng, Tòng kho, Phan xi phu, Phu cúm,…và nhiều trận đánh nổi tiếng nữa. Bao năm ròng cam go ác liệt, người mất người còn nhưng những chiến công oai hùng thì không thể nào quên. Tiểu đoàn đã đánh tan các cuộc hành quân lấn chiếm của hàng chục tiểu đoàn địch có sự yểm trợ đắc lực của không quân Mỹ. Chiến công ấy đã góp phần giải phóng tỉnh Sầm Nưa sớm nhất ngày 7/5/1970, bảo vệ an toàn vùng giải phóng và cơ quan Trung ương Lào cùng Bộ Tư lệnh 959.

Mọi tâm trí dồn hết vào việc sưu tập, biên soạn, chỉnh sửa cuối cùng thì cuốn lịch sử tiểu đoàn cũng đã xong. Tôi và môt số cán bộ chính trị ở các đơn vị đươc triệu tập về Bộ tư lênh, cấp trên vừa động viên vừa quán triệt rồi giao cho chúng tôi một nhiệm vụ mới, gọi là Nhiệm vụ Đặc biệt : “Quy tập hài cốt liêt sỹ đưa về nước”! Chính ủy Huỳnh Đắc Hương chỉ  thị cho các đơn vi: Đây là Nhiêm vụ đăc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với các anh hùng liêt sỹ và làm cơ sở cho công tác chính sách sau này.

Trước tiên các tổ công tác phải lựa chọn những cán bộ chiến sỹ có năng lực, kế hoạch phải xây dựng tỷ mỉ cụ thể, quy tập các nghĩa trang xa trước, gần địch trước, nhỏ lẻ làm trước,… làm cuốn chiếu từ xa đến gần, từ trong vùng sát địch ra ngoài vùng giải phóng. Chú ý không được nhầm lẫn, không bỏ sót dù là một đốt xương. Khi làm xong bộ xương nào phải lập 3 tờ biên bản, một cho vào lọ gắn xi gói theo xương, hai tờ gửi về Bộ tư lệnh. Biên bản phải ghi rõ: Họ tên liêt sỹ, quê quán, cấp bâc, chức vụ, đơn vị, ngày hy sịnh, trường hợp hy sinh,… và người chỉ huy phải ký xác nhận biên bản đó. Nghĩa trang nào làm xong phải đánh dấu ký hiệu trên bản đồ, nghĩa trang nào chưa làm phải vẽ lạị toạ độ cho chính xác để lưu trữ. Cuộc chiến tranh vẫn chưa tới hồi kết, để khỏi làm hoang mang trong tư tưởng nhân dân phải giữ bí mật tuyệt đối về số thương vong. Tài liệu lưu trữ được xác định là “Tối Mật”, tuyệt đối không được để tài liệu lọt vào tay kẻ thù.

Cầm tập tài liệu hồ sơ liệt sỹ trên tay, lòng dạ thấy bồi hồi vừa xúc động vừa lo lắng. Xiêng khoảng hàng ngàn, Sầm Nưa hàng ngàn, Luông phra bang cũng hàng ngàn liêt sỹ tôi càng thấm thía cuộc trường chinh làm nhiệm vụ quốc tế cao cả “giúp bạn là tự giúp mình”, tổn thất này lớn biết nhường nào !

Từ hang đá Nậm Păng nhìn ra dòng sông Nậm Khan (khu vực giáp danh 3 tỉnh Sầm Nưa – Xiêng Khoảng – Luông Phra Bang Lào) dòng chảy quanh co uốn lượn theo chân các dãy núi tạo thành một dải lụa trong xanh hiền hòa. Trên lưng chừng núi, nơi đơn vị đặt nghĩa trang mai táng các liêt sỹ hy sinh ở phu Cúm, Phan xi phu và các vùng lân cận. Nghĩa trang có 46 ngôi mộ toàn liệt sỹ đaị đội c62 với tôi, trong đó có đại đội trưởng Quang, đại đội trưởng Phạm Mang và chính tri viên Vũ xuân Tiến mà tôi đã làm liên lạc cho mấy anh suốt hai năm. Chính trị viên Vũ xuân Tiến hy sinh lúc 1 giờ sáng ngày 11/1/1972 khi đơn vị tâp kích vào Phan Xi Phu (1.700 m), đại đội trưởng Phạm Mang cùng 20 chiến sỹ hy sinh lúc 12 giờ trưa ngày 11/1/1972 khi máy bay ném bom trúng đôị hình đại đội, tôi bi bom vùi may mà không chết.

Triển khai chỗ đóng quân xong tôi cử môt tiểu đội đi tuần tra xung quanh chỗ đóng quân và tiến hành phát dọn nghĩa trang để sáng hôm sau khai mộ. Tôi giở sơ đồ đánh dấu hàng doc, hàng ngang tên từng liêt sỹ. Sáng hôm sau tôi tập hợp đơn vị quán triêt một lần nữa. Khi bó hương đang tỏa những làn khói mỏng bay lên, tôi thay mặt toàn đội khấn thần núi, thần sông và xin các liệt sỹ phù trợ để công việc được hanh thông, anh em vẫn đang cúi mình lặng người nghe tôi đọc những lời cuối… Bỗng ngọn lửa bùng lên chùm kín bó hương và cháy rất nhanh tựa như có những luồng linh khí vụt qua…  Chẳng hiểu điềm lành hay có gì không ổn, mọi người vừa lo lắng bồn chồn vừa khẩn trương bắt tay vào công việc. 

Những nhát cuốc lẹ làng bổ xuống, những nhát xẻng cũng lách từng lát đất để khỏi động tới nơi thi thể các anh đang an nghỉ. Đạị độị trưởng Phạm Mang được đưa lên đầu tiên. Bộ tăng liệm anh vẫn nặng chịch như lúc vừa mai táng anh sau trận đánh. Tôi cùng các chiến sỹ chuyển xuống gần dòng suối để tiến hành lọc xương. Anh em đứng xung quanh xem tôi làm mẫu (thực ra tôi cũng mới làm lần đầu, thâm tâm tôi rất lo, nhưng là người chỉ huy buộc tôi phải giữ tâm lý bình thản như không có gì phải hoang mang) . Tôi cầm con dao sắc nhọn rạch tấm  tăng và vải bọc ra. Khuôn mặt đạị độị trưởng thân thương hiện ra vẫn đầy đặn, hai chiếc răng vàng chìa ra, đôi mắt nhắm nghiền trông như anh đang ngủ vậy. Trán anh dính đầy buị đất, tôi lấy khăn lau mặt và bằng một động tác hết sức nhẹ nhàng khẽ vuốt tóc trên vầng trán của anh.

 Thương anh quá, môi tôi bặm lại, cố nuốt nước mắt cho chảy vào trong rồi bình tĩnh nói từng tiếng rành rọt: “Thủ trưởng chịu đau một chút nhé, bọn em tắm rửa sạch sẽ cho anh rồi đưa anh về với Ông bà tổ tiên nơi quê hương Quan Hóa, Thanh Hóa anh nhé!”. Tôi vừa dứt lời vài chiến sỹ khóc nấc lên. Cậu Nóm người dân tôc Mán quê Tuyên quang đổ sập xuống ngất đi, nhiều anh em choáng váng sợ hãi. Tôi nghiêm giọng nói: “Đây là anh Mang nguyên là đại đội trưởng đơn vị ta, đồng chí đã anh dũng chiến đấu và hy sinh cho nhiệm vụ quốc tế, cho cả dân tộc chúng ta, lúc còn sống đaị đội trưởng thương yêu chiến sỹ như em ruột của mình. Hôm nay, nhiệm vụ chúng ta là phải đưa thủ trưởng cùng các liêt sỹ trở về Tổ quốc.

 Ai cũng phải coi đây như nhiệm vụ chiền đấu, việc tắm rửa cho các liệt sỹ như chăm sóc người thân của mình và phải hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ đặc biệt này!

Thực tình tôi cũng chưa từng chứng kiến những hoàn cảnh tương tự đã diễn ra như thế nào nên cũng khá bất ngờ với tình huống xảy ra hôm nay. Bằng lưỡi dao sắc nhọn đã được chuẩn bị sẵn trong tay, tôi lật từng thớ thịt, từng chiếc xương rồi để riêng ra. Khó nhất là xương sống, xương bàn tay bàn chân và hộp so. Hộp sọ có hình răng cưa khớp nối vào nhau phải lấy mũi dao cậy ra mới lấy não ra và rửa hộp sọ đươc.

Nghĩa trang này đặt trên đồi cao, khi khâm liệm liêt sỹ được bó hai lớp tăng dày và quần áo vải ka ki Tô châu mới, thời gian chưa được hai năm. Vì vậy thi thể các anh vẫn còn nguyên vẹn, trông người nào người ấy như đang nằm ngủ. Liêt sỹ Keo vẫn còn nguyên nốt ruồi trên măt…

Ngày đầu làm mẫu nên chỉ lọc được ba người là liêt sỹ Phạm Mang, Vũ Xuân Tiến và Lò Kăn Keo. Lọc đến bộ xương nào chúng tôi đều mang ra suối lấy lá và rễ cây rừng kỳ cọ thật sạch, rồi lấy lá chuối rừng trải ra bãi đá phơi hong cho xương khô, xong rồi mới lập biên bản cho từng bộ xương, cho vào hai túi ni lông và túi vải, viết kí hiệu cẩn thận lên từng túi. Một phần thịt các anh cho vào huyệt cũ lấp lại, một phần cho trôi theo dòng Mê Kông  mong xuôi về đất Việt bồi đắp cho những cánh đồng quê mẹ thêm phần tốt tươi. Buổi tối chúng tôi treo túi xương lên cành cây, phần vì sợ thú rừng lẻn vào tha đi, phần cũng lo kẻ xấu rình rập (bọn tàn quân phỉ quanh đây thỉnh thoảng vẫn còn quấy rối phá hoại).

Đáng nhớ nhất là tối đầu tiên anh em không dám ngủ nằm sạp, mọi người chụm đầu vào nhau thành hình vòng tròn, chân chĩa ra ngoài… Ở đây cũng gần địch, chỉ cách vài cây số đường chim bay nên không dám đốt lửa. Là người chỉ huy, phần lo trách nhiệm phần thông cảm anh em chiến sỹ trẻ nên tôi không thể nào chợp được mắt. Ôm súng ngồi bên những bộ hài cốt treo lơ lửng trên cây,  thỉnh thoảng có cơn gió lùa đến những cái túi lại đung đưa đung đưa,  rồi gió lay những bụi cây ngọn cỏ dưới mặt đất cứ lao xao lao xao làm lòng tôi chộn rộn không thể tả bằng lời được. Liệu thú rừng có mò vào hay biệt kích lẻn tới dòm ngó chăng, nghĩ thế rồi súng càng chắc hơn trong tay, mắt thì căng ra quan sát. Từng đêm từng đêm cứ thế qua đi…

Lại nói, đoạn sông này hai bên là núi đá rừng già hoang vắng, tiếng con Mãng ma (cầy bay) hú đến lạnh người, tiếng Nai tếch, tiếng Hổ tiếng Báo gầm gừ, tiếng đàn lợn rừng chạy tìm mồi làm đá lăn nghe rờn rợn. Khu vực này, mấy năm lấy làm căn cứ ẩn náu đánh nhau với địch cả đơn vị ai cũng biết có hai con hổ lớn, lông của nó mầu vàng cháy và chúng tôi đã găp nó hai lần… Nay trở lại làm nhiệm vụ đặc biệt dân bản nhắc chúng tôi cảnh giác,  bà con bảo thi thoảng nó vẫn về bắt gà bắt heo mang vào rừng đấy.

Ngày hôm sau, những đồng chí yếu bóng vía, sợ bẩn và sợ mùi hôi tanh của tử khí thì tôi cắt cử đi tuần tra, canh gác, bảo vệ hoặc đi tìm rau rừng về chuẩn bị bữa cơm cho anh em. Còn lạị cứ 4 người một mộ, tôi thì đi đi lại lại kiểm tra đôn đốc. Thấy trường hợp mộ nào khó làm quá thì xắn tay trưc tiếp làm, bộ cốt nào xong thì lâp biên bản cho hoàn chỉnh thủ tục.

Đến ngày thứ ba tình hình thay đổi nhanh chóng, nhiều chiến sỹ như Pham Quang Laị, Nguyễn Văn Thường, Hà Văn Thời, Vũ Thược,… đã hăng hái nhiệt tình như đi lao đông thi đua nước rút. Thực sự tôi thấy rất phấn khởi trước những tiến bộ đó nên ra sức tìm lời động viên anh em. Các buổi tối một số anh em theo tôi đi bắt cá ở sông. Khúc sông này cá và ba ba nhiều vô kể, những con ba ba to như chiếc mâm đồng tôi bắt được thịt xả ra nấu với lá lốt rừng ngon chưa từng thấy. Những hộp thịt hộp mang theo lại để dành, vì hôm trước bỏ ra nấu ăn mấy anh yếu bóng vía vừa nhìn thấy váng mỡ thịt hộp là nôn ọe …

Tôi cũng tranh thủ thể hiện cho anh em trong đội thấy tài bắn súng của mình. Mỗi lần rảnh rỗi là xách súng vào rừng cải thiện, những lúc ấy tôi dặn anh em: Hễ nghe thấy hai phát súng là đi đón tôi để khênh Nai, khênh Sơn Dương, Hươu hay Lợn Lòi nha, còn nếu nghe môt phát súng thôi thì chỉ gà rừng hoăc thú nhỏ, tôi sẽ tự xách về khỏi đi đón. Dịp đó tuy vất vả nhưng bù lại thiên nhiên rừng Lào ưu ái nên đơn vị thoải mái cải thiên, lúc nào cũng có thực phẩm tươi bồi dưỡng cho anh em. Nhiều khi ăn không hết, chúng tôi đốt than sấy khô mang theo đến vùng khác dùng tiếp.

Sau hơn 10 ngày, 46 ngôi mộ đã xong, anh em hành quân theo ngược con sông quay trở ra. Khi về đến bản Bông Hay, biết tin đội quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) về đến bản, dân làng bỏ bản chạy hết ra rừng. Hỏi ra thì mới biết tục lệ ở đây kiêng, người chết  không được đưa vào nhà vào bản, nếu ai mang xác chết về con ma sẽ bắt những người sống đi theo. Chúng tôi lập tức cho anh em hành quân ra bìa rừng căng lán đóng quân để khỏi làm kinh động đến dân bản. Dựng xong lán trại để ở và quàn hài cốt tôi liệt sỹ, tôi cử ba đồng chí trở về đơn vi báo cáo kết quả, xin xe chuyển HCLS về tuyến sau đồng thời bổ sung lương thực thực phẩm để làm tiếp.

Nửa tháng sau xe vào chở thêm nhiều gaọ và nhu yếu phẩm rồi chở hài cốt liệt sĩ trở về Tổ quốc. Riêng tôi hết sức xúc động khi nhận được chỉ thị và quyết định kết nạp đảng của Đảng ủy tiểu đoàn gửi đến. Lễ kết nạp tôi  được tổ chức tại lán dã chiến, nơi quàn những bộ HCLS mà chúng tôi vừa quy tập về. Môt ngày thật đáng nhớ, niềm vui nỗi buồn xen lẫn. Vui vì sau bao năm phấn đấu tôi đã trở thành Đảng viên cộng sản mà lẽ ra tôi đã được kết nap từ 4 năm trước. Cũng chỉ vì đơn vị liên tục tham gia các chiến dịch, cứ sau các trận đánh các đồng chí đảng viên phụ trách kèm cặp bồi dưỡng tôi lần lượt hy sinh hết. Những đồng chí đảng viên mới được điều về bổ sung thì chưa nắm được tình hình, tổ chức Đảng phải xây dựng lạị từ đâu… Buồn vì biết bao đồng đôi thân yêu của tôi họ cùng ăn cùng ngủ, cùng chiến đấu với tôi đã không còn nữa – Họ còn nằm bất động ở kia, và chắc là chưa có mấy người được “siêu thoát”!

Những người còn sót lại sau cuộc chiến cùng thời với tôi, nay đã ra quân hoăc chuyển về nước. Tôi là người lính cũ cuối cùng, dù mới 23, 24 tuổi đời tôi trở thành người anh cả đơn vị nhưng cũng tự hào trước đàn em tuổi đời mới 18 đôi mươi, lứa tuổi xuân thì đang phơi phới.

Hơn môt năm trời dẫn dắt các em làm hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác, từ Nậm Păng, Bông Hay, Mường Hiềm 70 liệt sỹ , Na Khằng 130 liệt sỹ , nậm Tat, Pha Nang 284 liệt sỹ, Nậm Nơn 76 liệt sỹ . Phu Lao 141 liệt sỹ, Rừng Ma 46 liệt sỹ , mường Nhưt 250 liệt sỹ  Thẩm La,  Na Mon…  Với tổng số 2.200 liêt sỹ với đầy đủ danh tính đươc đưa về nghĩa trang Bá Thước – Thanh hóa và Anh Sơn – Nghê An. Tôi cẩn thận lưu giữ hồ sơ tài liệu để sau này bàn giao cho các đội quy tâp khác. Tôi cũng không quyên “lấy trộm” một bộ cho riêng mình. Trong tâm khảm sâu lắng tôi coi đây như những người thân của mình, và tôi đã gìn giữ mãi cho đến tận hôm nay khi viết lại những kỷ niệm này cách đây ngót nửa thế kỷ. Những điạ danh,  đia hình, tên mường, tên bản,…rồi tên tuổi liêt sỹ, ngày giờ hy sinh, vi trí hy sinh tôi thuộc như bản cửu chương – hàng ngàn liêt sỹ mãi mãi tuổi hai mươi luôn sống trong trái tim tôi!

Tôi và những chiến sỹ của tôi chắc chắn cả đời chẳng bao giờ quên được. Hàng năm trời cầm dao lọc xương đồng đội, lau chùi cho sạch để đưa các anh về với tổ quốc. Quần áo lúc nào cũng dính đầy mỡ người, sờ vào nhờn nhờn như dẻ lau súng. Mùi hôi tanh gây gây cứ quyện vào tóc vào da. Những túi xương phơi chưa được khô gặp thời tiết nóng oi bốc mùi khó chịu. Ngày ấy chẳng có xà phòng, đồ bảo hộ, anh em phải đi kiếm lá xả, lá thơm ở rừng đun lên làm dầu gội đầu cho át mùi hôi. Những ngày sương mù, mưa phùn gió bấc. Đêm về trong bóng tối mờ ảo tôi cắp súng đi gác miệng lẩm bẩm đếm từng túi xương và thì thầm nói chuyện với các liệt sỹ .

Có lẽ tôi quá nặng lòng với đồng đội nên được phù hộ chăng, đã bao lần thoát chết trong gang tấc tại mặt trận Tây Nguyên và trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc sau này. Có thể nhắc lại một vài trường hợp may mắn như thế.

Đó là trong những năm 90 của thế kỷ trước và cả những năm gần đây, có lần cả xe và người lao xuống ghềnh đá sâu đến 20 mét, xe nát bươm nhưng tôi chỉ bị gãy chân. Đã 2 lần xe ô tô kéo tôi đi đến 20m mà chỉ bị xây xước nhẹ . Mắt tôi tinh tường nhất là về ban đêm nhiều lần đi xe máy không đèn đoạn đường xấu dài đến 20 km mà vẫn an toàn. Và còn nhiều chuyện ly kỳ khác, nhiều lần cái chết cận kề gang tấc nhưng rồi tôi đều thoát được, có lẽ các liệt sỹ luôn theo tôi và phù trợ cho tôi vượt qua tất cả mọi kiếp nạn…

Trở về đời thường sau những năm tháng công tác trong và ngoài quân đội, nay vào cái tuổi gần 70 tôi vẫn thường xuyên cùng các đội tìm kiếm quy tâp HCLS, chinh phục những ngọn núi cao 2000m để đưa đồng đôi trở về đất mẹ thân yêu.

Điều khiến tôi ngày đêm trăn trở là nhiều liệt sĩ khi tìm được hài cốt rồi mà tên tuổi vẫn chưa xác định được, nhiều liệt sỹ vẫn còn nằm lại trên những trận địa năm xưa mà chưa đưa các anh về được. Tôi tự hứa với mình, sẽ vẫn tiếp tục đi tìm đồng đội cho tới khi nào không thể đi được nữa. Và tôi cũng hy vọng và tin ở mọi người đã và đang cùng chung tay tiếp tục tìm kiếm và đưa những người đồng đội cuối cùng trở về đất mẹ Việt Nam – Họ chính là những người anh hùng của tổ quốc Việt – Lào chúng ta !

Theo Trái tim người lính