Dự Họp báo còn có đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Lai Châu; đại diện các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong nước...
Theo Thông cáo báo chí tại buổi Họp báo, Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp với các tỉnh có các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tổ chức.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại tỉnh Lai Châu là sự kiện nhằm cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
“Ngày hội năm nay sẽ lấy chủ đề Bảo tồn, phát huy và lan toả bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc rất ít người, góp phần vào giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ.
Ngày hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3 - 5/11/2023 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc 11 tỉnh (Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum) và sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương.
Ngoài phần lễ, Ngày hội sẽ diễn ra những hoạt động văn hóa sôi nổi, giới thiệu văn hóa đặc trưng của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ có không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng; trình diễn nghề thủ công truyền thống; trưng bày, giới thiệu trang phục truyền thống của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người; giao lưu văn nghệ Việt-Trung.
Bên cạnh đó, các hoạt động thể dục thể thao truyền thống như kéo co, bắn nỏ và đẩy gậy cũng được tổ chức để người dân và du khách cùng tham gia.
Trong dịp này, tỉnh Lai Châu cũng tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023 bao gồm các hoạt động: Tổ chức chương trình Famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành trong nước 3 tỉnh bắc Lào (Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Băng) và Châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và Tọa đàm đánh giá khả năng khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu.
Tổ chức không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu và thưởng thức trà, quảng bá giới thiệu sâm, lan và sinh vật cảnh của Lai Châu.
Ngoài ra, còn có giải đua mô tô địa hình tỉnh Lai Châu mở rộng lần thứ I, tại huyện Tân Uyên; tổ chức giải dù lượn đường trường PuTaLeng Việt Nam mở rộng lần thứ II; giải leo núi “Chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn” mở rộng lần thứ I năm 2023.
Ban tổ chức Ngày hội cũng sẽ tổ chức “Gặp mặt các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia Ngày hội”.
Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần đầu tiên được tổ chức nhằm thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc. Đồng thời tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ coi trọng ý thức dân tộc, có ý thức trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp để lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nội dung hoạt động của Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, luyện tập dàn dựng công phu, do các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng là người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người thực hiện.
Trao đổi, thảo luận tại Họp báo, đại diện các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí đã tập trung vào các nội dung như: Công tác chuẩn bị cho Ngày hội của các tỉnh tham dự; các hoạt động diễn ra tại Ngày hội; đặc biệt là công tác chuẩn bị của đơn vị đăng cai là UBND tỉnh Lai Châu để sẵn sàng đáp ứng phục vụ cho các vận động viên và du khách tại Ngày hội. Các câu hỏi đều được các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội, các sở, ngành chức năng của tỉnh Lai Châu giải đáp.
Thông tin thêm về Ngày hội, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) cho hay Ngày hội lần đầu tiên được tổ chức nhằm thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.
Phát biểu tại Họp báo, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội đã giới thiệu về tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: Lai Châu có vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên với dãy núi Hoàng Liên Sơn đứng đầu trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam; sở hữu 06/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước như: Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Khang Su Văn, Pờ Ma Lung với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phủ đầy rêu xanh cùng biển mây trắng bồng bềnh; là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc sắc của 20 dân tộc, con người Lai Châu đôn hậu, thân thiện và mến khách; nơi đây còn là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng giữa Sa Pa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc. Do đặc thù địa hình núi cao, một số vùng của tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ và sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du khách, cùng với đó là hệ thống 32 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng tạo ra các điểm du lịch rất có tiềm năng phát triển.
Lai Châu đang triển khai thi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thành phố Lai Châu; chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; có cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn.
Từ những tiềm năng và lợi thế Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp và du lịch. Hiện nay, Lai Châu đang phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn để xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, có giá trị trên cơ sở các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch, có khả năng cạnh tranh cao trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp lữ hành để sớm đưa du lịch Lai Châu ngày một phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, Lai Châu luôn trân trọng chào đón du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ đến tham quan, đầu tư, kinh doanh tại Lai Châu.
“Hiện tại Lai Châu đã sẵn sàng với trên 2.000 phòng khách sạn, nhà nghỉ với sức chứa trên 4.200 người tại thành phố Lai Châu và các huyện lân cận, sẵn sàng hỗ trợ để phục vụ du khách và đại biểu về tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I. Lai Châu đón chào các bạn!” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh Lai Châu đang tích cực chuẩn bị tổ chức sự kiện chu đáo, thành công tốt đẹp và cam kết tạo điều kiện tốt nhất có thể đối với các tỉnh đến tham dự Ngày hội.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu Lương Chiến Công cho biết, cùng với Ngày hội, tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Tuần Du lịch – Văn hoá Lai Châu năm 2023 gồm không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu và thưởng trà, sâm, lan và sinh vật cảnh của Lai Châu; tổ chức Giải đua mô tô mở rộng lần thứ nhất tại huyện Tân Uyên; đăng cai tổ chức Giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng Việt Nam mở rộng lần thứ II; đoàn famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành trong nước…
Ông Lương Chiến Công cho biết thêm, hiện công tác chuẩn bị cho Ngày hội đang đảm bảo đúng tiến độ. Tỉnh Lai Châu đã chuẩn bị không gian để các tỉnh tham gia có đủ diện tích triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu các nét đẹp văn hoá của đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Đặc biệt, công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc đang được gấp rút triển khai. Các tiết mục trình diễn tại buổi lễ sẽ mang những nét đặc trưng nhất của cộng đồng các dân tộc tham gia Ngày hội.
Thông tin ban đầu về chương trình nghệ thuật đêm khai mạc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ khẳng định BTC đã tính toán rất kỹ, làm thế nào để các tiết mục lột tả được nét đẹp, giá trị trong văn hoá truyền thống của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Điểm nhấn sẽ là sự xuất hiện của nhiều làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết thêm, “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lai Châu cùng các tỉnh tham dự Ngày hội đã xác định đây là cơ hội để động viên, khích lệ bà con thuộc cộng đồng các dân tộc tham gia công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị các làn điệu của dân tộc mình. Ngoài huy động sự tham gia của nghệ nhân, diễn viên quần chúng, BTC sẽ lựa chọn cách dàn dựng sân khấu, âm thanh, ánh sáng để phát huy tối đa hiệu quả trong tôn vinh các làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc có số dân dưới 10.000 người”.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nêu rõ ý tưởng xuyên suốt lễ khai mạc và các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội là để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, thông qua các hoạt động trình diễn, quảng bá.
Với rất nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức tại Ngày hội sẽ góp phần tạo khí thế vui tươi, sôi nổi, cùng với tỉnh Lai Châu chào mừng sự kiện Kỷ niệm 20 năm chia tách và thành lập tỉnh; qua đó đưa hình ảnh của miền đất và con người Lai Châu đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế. Tại Ngày hội, tỉnh Lai Châu kết hợp tổ chức Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023 với một chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch tiêu biểu để chào đón các tỉnh bạn và du khách trong và ngoài nước.
Lễ Khai mạc sẽ diễn ra lúc 20h00’ ngày 03/11/2023 tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu (Truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu).
Lễ Bế mạc sẽ diễn ra lúc 15h00’ ngày 05/11/2023 tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Lai Châu.
Khai mạc chung các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra lúc 08h00' - 08h30’ ngày 03/11/2023 tại hội trường lớn Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Lai Châu.
Phần hội sẽ gồm các hoạt động Văn hóa như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc có số dân dưới 10.000 người của các địa phương; trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; triển lãm đặc trưng văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam; trưng bày, giới thiệu trang phục truyền thống của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người; Giao lưu văn nghệ Việt - Trung. Các hoạt động Thể dục thể thao truyền thống gồm các môn: Kéo co, Bắn nỏ và Đẩy gậy.
Các hoạt động Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023: Tổ chức chương trình Famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành trong nước; 3 tỉnh bắc Lào (Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Băng) và Châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và Tọa đàm đánh giá khả năng khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh; tổ chức không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu và thưởng thức trà, quảng bá giới thiệu Sâm, Lan và sinh vật cảnh của Lai Châu; tổ chức giải đua mô tô địa hình tỉnh Lai Châu mở rộng lần thứ I, tại huyện Tân Uyên; đăng cai tổ chức giải Dù lượn đường trường PuTaLeng Việt Nam mở rộng lần thứ II; tổ chức giải leo núi “Chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn” mở rộng lần thứ I năm 2023.
Hoạt động tri ân: Tổ chức “Gặp mặt các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia Ngày hội”.