Qua năm 2022 vẫn khó khăn vì dịch bệnh, Tết Quý Mão 2023 các lễ hội đầu năm ở Huế hoạt động trở lại, tưng bừng đón một mùa xuân mới tràn đầy hy vọng, tính theo âm lịch thì số lễ hội trong tháng Giêng hầu như kín lịch.
1 - Hội đu tiên Điền Hoà
Xã Điền Hoà thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế tổ chức sáng ngày mùng 2 Tết. Xã Điền Hoà nằm bên QL 49B, cách TP. Huế khoảng 30 km về hướng bắc. Để khai hội đu tiên Điền Hòa truyền thống, trong tháng Chạp, cây đu được dân làng chuẩn bị sẵn từ nhiều ngày trước tết. Cây đu làm bằng những cây tre già, cao và được buộc chắc chắn. Người chơi được trang bị dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn. Khai hội, một người đàn ông đu tiên giỏi của làng sẽ đại diện làng, mặc áo dài khăn đóng đu mở màn. Với trang phục áo dài truyền thống, những người phụ nữ thi đu tiên vút bay cùng những điệu nhún đẹp mắt. Các phần thi đấu bao gồm các tiết mục là đu cá nhân và đu từng đôi, bay cao nhất và giật được cờ sẽ là người chiến thắng.
2 - Hội vật võ Thủ Lễ
Làng Thủ Lễ thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thùa Thiên- Huế tổ chức vào sáng mùng 6 Tết trên một khu đất rộng nằm bên tỉnh lộ 4B cách Huế khoảng 10 km. Hội vật ra đời từ thời các chúa Nguyễn hành phương Nam, với mục đích tuyển chọn những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh. Hội vật làng Thủ Lễ áp dụng luật thi đấu vật võ dân tộc. Ngoài yếu tố tâm linh như cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ruộng vườn tươi tốt, ngày nay hội vật làng Thủ Lễ còn là một hoạt động khuyến khích việc rèn luyện sức khỏe đối với lớp trẻ. Ban đầu, hội vật chỉ dành riêng cho người trong địa bàn nhưng hiện nay đã mở rộng, thu hút nhiều đô vật giỏi đến từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, được đăng ký thi đấu.
3 - Lễ hội Huyền Trân
Lễ hội tổ chức vào sáng mùng 8 Tết kéo dài từ 2 đến 3 ngày, cách trung tâm TP. Huế 2 km dưới chân núi Ngũ Phong thuộc phường An Tây, TP Huế. Chương trình gồm lễ khai hội. dâng hương tưởng nhớ vị công chúa có công mở mang bờ cõi. Lễ hội Huyền Trân tổ chức quy mô lớn, đầy đủ hai phần lễ và hội. Bên cạnh các lễ chính như Lễ Tiên Thường (cáo giỗ), lễ kỵ với các chương trình sử thi, còn biểu diễn nghệ thuật hoạt cảnh rước công chúa Huyền Trân. Về phần hội gồm có đấu cờ người, biểu diễn võ cổ truyền, biểu diễn lân sư rồng, biểu diễn nghệ thuật của đồng bào dân tộc Nam Đông và A Lưới, đánh bài chòi, thi đấu cờ tướng, trình diễn thư pháp và trưng bày các sản phẩm truyền thống.
4 - Hội vật làng Lại Ân
Tổ chức vào sáng mùng 10 trên khu đất rộng nằm bên trái tỉnh lộ 2 chạy qua làng Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu chỉ cách TP. Huế khoảng 6km. Hội vật truyền thống này đã có hơn 200 năm, phát triển liên tục cho đến nay. Hội vật này tổ chức như một hình thức giải trí lành mạnh sau những ngày chơi tết. Sau tiếng trống khai hội của vị trưởng làng, các đô vật chia thành hai "hạng cân" thiếu niên và thanh niên (30 tuổi trở lên), so tài trên sới vật đổ cát mịn. Để chiến thắng, đô vật phải làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng”. Lệ làng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký lên sới đấu vật. Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ liên tiếp.
5 - Lễ hội Cầu ngư Thai Dương
Diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng. Năm nay có sự tổ chung của 2 làng Thai Dương Thượng (phường Thuận An) và làng Thai Dương Hạ (phường Hương Phong) nay thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Địa điểm diễn ra lễ hội cách TP. Huế về phía đông 12 km. Cứ 3 năm tổ chức lớn nhất một năm, nhằm tưởng nhớ các vị khai canh, khai khẩn, dạy nghề đánh cá cho dân làng và cầu mong năm mới trời yên biển lặng, được mùa cá. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày. Từ mùng 10 tổ chức các trò chơi tập thể như kéo dây, nhảy bao bố, nấu cơm thi. Ngày 11 cúng tế ở đình miếu, ban đêm mời các đoàn hát về trình diễn ca Huế, hát Bội. Sang ngày 12 dâng lễ cầu an và tưởng niệm. Sau đó trước sân đình làng trình diễn trò “cầu ngư” gồm các tiết mục: đưa thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán thủy, hải sản. Sau đó là cuộc đua ghe trên phá Tam Giang trước cảng biển Thuận An.