Khác với những loại giăc ngoại xâm hữu hình hung bạo mà dân tộc ta từng phải đương đầu trong lịch sử dựng nước và giữ nước, “giặc Covid 19” lần này là kẻ thù vô hình chưa có tiền lệ, không biết nó ẩn nấp ở đâu, không phân biệt màu, mùi vị, cũng không phân biệt chức vị, giàu có, sang hèn, không phân biệt người có thẩm quyền cấp giấy, người bị xét giấy... Covid 19 “công bằng” với tất cả mọi người, không phân biệt màu da, lớn bé, trẻ già, khỏe yếu, béo gầy... có điều kiện là nó tấn công, chiếm lĩnh khống chế con người. Nếu không thực hiện khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế thì nó lây lan cấp số nhân, trong đó chủng loại mới Delta siêu lây nhiễm làm cho người lây nhiễm không thở được, nếu không cấp cứu kịp thời có bình khí ô xy trợ thở và thuốc trợ lực, điều trị sẽ dẫn đến tử vong. Lướt qua hình ảnh thỉnh thoảng thấy trên truyền hình và các phương tiện truyền thông thấy cảnh người tử vong đưa đi chôn cất, hỏa thiêu ở một số nước như Hoa Kỳ, Ấn Độ, In đô nê xia, Myanma… mà kinh hải.
Chưa đầy 2 năm, toàn thế giới đến hôm nay đã có gần 220 triệu người mắc CoVid 19, hơn 4,5 triệu người tử vong. Con số này còn tiếp tục tăng theo năm tháng. Cuộc chiến không có bom rền, đạn nổ mà khốc liệt, chỉ trong một thời gian ngắn cướp đi nhiều mạng người đến như vậy.
Tại Việt Nam tính từ đợt dịch thứ 4 bùng phát (từ ngày 27/4/2021 đến chiều tối 6/9/2021), Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 532.490 ca, trong đó có 298.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.385 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%). Tâm dịch hiện nay vẫn là TP HCM và một số tỉnh phía Nam.
Đánh giá của người đứng đầu Chính phủ ngày 6/9 chỉ rõ: Chúng ta đã chuyển hướng trong công tác phòng chống dịch, từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, còn tổ chức thực hiện vừa tập trung vừa phân cấp, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn. Đây là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với người dân. Do đó, chúng ta lấy xã, phường là “pháo đài”, người dân là chiến sĩ, người dân là trung tâm, là chủ thể của phòng chống dịch. Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân. Người dân là chủ thể tức là phải tích cực tham gia phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Chúng ta cũng huy động các lực lượng y tế, quân đội, công an, các đoàn thể khác để tập trung phòng chống dịch. Các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện bằng được 5 nhiệm vụ: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Cuộc chiến này vẫn tiếp diễn, phức tạp, chưa biết đến bao giờ kết thúc. Đất nước đứng trước an nguy bị “giăc CoVid 19” đe dọa. Đáp lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyến Phú Trọng, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, dân ta từ Bắc vào Nam, triệu người như một “đồng lòng” huy động mọi nguồn lực chống dịch để mau chóng vượt qua thử thách này, thực hiện mục tiêu kép. Trong những lúc khó khăn, hoạn nạn thì “Nghĩa đồng bào” với tình yêu thương, sự sẻ chia càng được thể hiện rõ nét, sâu sắc hơn bao giờ hết. Hơn 17.000 cán bộ y tế cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện khắp cả nước đã được huy động vào vùng tâm dịch TPHCM và một số tỉnh phía Nam hỗ trợ phòng chống dịch, cứu sống nhiều nạn nhân không may bị mắc CoVid 19. Thử thách này một lần nữa làm sáng rõ hình ảnh “Lương y như từ mẫu”, gương sáng chiến sĩ Công an “vì dân phục vụ”, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ” được phát huy, là chỗ dựa tin cậy, bảo vệ an toàn cho người dân.
Các mô hình “ATM gạo”, “ATM oxy”, “ATM an sinh”… ở TP HCM đã trở thành mô hình tương trợ, lan tỏa tình yêu thương, san sẻ, đùm bọc những cảnh đời khó khăn trong mùa dịch, khơi dậy và tiếp nối truyền thống tương thân, tương ái từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Chỉ riêng TPHCM từ ngày 15/8 đến ngày 5/9 đã có 1.649.068 túi an sinh chuyển đến quận, huyện, thành phố Thủ Đức để chăm lo, hỗ trợ người dân. Cùng với đó, thành phố đã chi hỗ trợ hơn 3.554 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn về đời sống do tác động của dịch CoVid 19. Từ ngày 23/8 đến ngày 4/9, thành phố đã tiếp nhận 873 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội, tiếp nhận 141 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu để chăm sóc, điều trị.
Nguồn lực của Nhà nước và sự đồng thuận, đóng góp của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đã tạo thành sức mạnh tổng hợp của đất nước đủ khả năng chống chọi, chiến thắng CoVid 19 mà Đảng , Nhà nước ta xác định chăm sóc sức khỏe , bảo vệ tính mạng người dân là trên hết, trước hết, không để ại bị bỏ lại phía sau.
20h tối 6/9, trong chương trình “Dân hỏi-Thành phố trả lời” được trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội Facebook, ông Phan Văn Mãi (ảnh trên), Chủ tịch UBND TP.HCM thẳng thắn đối thoại trực tiếp với người dân xung quanh “Những định hướng lớn của TP.HCM sau ngày 15/9" về công tác phòng chống dịch COVID-19 mà cả nước đang quan tâm. Tân Chủ tịch TPHCM nêu rõ: Các biện pháp chủ yếu như giãn cách, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị, giảm tử vong, an sinh xã hội, tiêm vắc xin… phải quyết liệt thực hiện để đến 15/9 thực hiện được mục tiêu khống chế dịch bệnh như Chính phủ đã giao nhiệm vụ. Đồng thời, thành phố sẽ đánh giá tình hình cụ thể để có kế hoạch tiếp tục phòng chống dịch bệnh như thế nào cho phù hợp với yêu cầu an toàn của người dân là trên hết. Nếu nới lỏng giãn cách mà không đảm bảo an toàn cho người dân thì cũng không thực hiện được. Phòng chống dịch và nới lỏng giãn cách phải dựa trên nguyên tắc an toàn đến đâu thì nới lỏng đến đó. Hiện nay, người dân TP phải chuẩn bị tốt để sống trong điều kiện có dịch và trong thời gian sắp tới các biện pháp phòng chống dịch tăng hay giảm sẽ theo diễn biến của dịch bệnh.