Đúng giờ, tôi cùng bà xã có mặt tại cổng Bệnh viện Việt Đức xếp hàng đưa ĐTDĐ mở VI QR trên Zalo kiểm tra đăng ký trong danh sách do bệnh viện lập rồi vào xếp hàng tiếp lấy tờ khai, khai xong vào ngối ghế xếp hàng 4 đến bàn đo huyết áp. Ai huyết áp bình thương vào tiêm ngay, đợi 30 phút không có biểu hiện gì khác thường thì được cấp giấy xác nhận tiêm phòng mũi 1 kèm theo một tờ hướng dẫn những triệu trứng thường gặp trong tuần đâu sau tiêm. Tôi cùng bà xã đều huyết áp cao đến 180/90 phải đợi huyết áp xuống mới tiêm được. Đa số những người trên 65 tuổi đều mắc huyết cao do đêm trước khi đi tiêm ít ngủ. Nữ điều dưỡng viên đo huyết áp đáng tuổi con cháu đều mát tính, nhẹ nhàng thăm hỏi sức khỏe, tiền sử bệnh tật. Nơi chờ của những người cao huyết áp có bánh quy, nước uống Lavie. Cháu đo huyết áp động viên người cao tuổi ăn bánh quy, uống nhiều nước, ngồi tĩnh tại để đo lại huyết áp. Có lẽ là bác sĩ trưởng nhóm tiêm phòng hôm nay thỉnh thoảng lại vào phòng tiêm nhắc các bác sĩ kiểm soát khâu cuối, trong đó nhăc tên bác sĩ Hoa chú ý tiêm hết cho người cao tuổi, đừng dể đi lại mất nhiều thời gian, tụ tập đông người, nguy cơ lây nhiễm Covid 19. Tôi cũng cảm thấy yên lòng tự tin là sẽ được tiêm hôm nay.
Ba bác sĩ kiểm tra lần cuối quyết định có tiêm ngừa hay không thỉnh thoảng đến hỏi động viên. Tôi chưa từng uống hạ huyết áp mà sao hôm nay huyết áp lại cao như vậy. Theo gợi ý của bác sĩ, nữ điều dưỡng đưa cho tôi 1 viên thuốc hạ đường huyết uống phải ngồi và được cho lên giường cấp cứu nằm hơn 2 tiếng sau huyết áp mới tụt xuống 170/90 thì mới được tiêm. Kể ra rất phiền hà nhưng vì là sức khỏe và tính mạng con người, các y, bác sĩ kiếp tiêm phòng CoVid 19 hôm nay ở Bệnh viện Việt Đức cẩn trọng là cần thiết và đúng mức.
Đến 11h15’ trưa nay, y tá Ngọc ký tên tiêm cho tôi thuốc ngừa CoVid 19 của Pfizer-BioNTech và phải đợi 30 phút không thấy có triệu chứng gì thì được cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng CoVid 19 mũi 1 kèm theo một Giấy hướng dẫn những biểu hiện sau tiêm và cách ứng phó. Sau đó, tôi tự đi xe máy về nhà không thấy biểu hiện gì nhưng đến cuối buổi chiều nay tôi thấy trong người hơi lâng lâng khác với mọi hôm, môi dưới khô, khát nước, uống nhiều nước hơn mọi hôm. Có lẽ là thuốc bắt đầu ngấm. Đo nhiệt độ chiều tối nay 36độ4. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường nhưng tôi không dám tập thể thao nặng như mọi hôm, đợi một tuần sau tiêm mới tập thể thao trở lại.
Cái gì đến rồi sẽ đến. Cứ bình tâm xếp hàng sẽ đến lượt tiêm phòng. Hoàn toàn không có gì khó khăn, phiền hà, mất nhiều thời gian chờ đợi như tôi là do huyết áp, sức khỏe của bản thân hôm đi tiêm không ổn định. Có một điều đáng lưu ý, Bệnh viện Việt Đức quy định không cho quay phim, chụp ảnh khi đi tiêm phòng. Tôi định hỏi tên một vài bác sĩ, điều dưỡng viên kíp tiêm phòng CoVid 19 sáng nay của Bệnh viện Việt Đức để cảm ơn và viết sâu thêm nhưng vì cấm đành phải tuân thủ nên không có ảnh minh hoa.
Phải khẳng định là tiêm thuốc phòng ngừa CoVid 19 hoàn toàn không phải mất tiền do Nhà nước lo cho dân, miễn phí hoàn toàn. Tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế với Campuchia, rồi bảo vệ biên giới phía Bắc không hề hấn gì, chẳng lẽ nay lại thua “giặc CoVid 19” vô hình mà không chỉ Việt Nam mà nhân loại toàn cầu đang phải đương đầu gần 2 năm nay? Xin cảm ơn Đảng, Nhà nước có đủ nguồn lực để lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng người dân là trên hết, trước hết, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhưng cũng xin có vài lời tự bạch: Nhận được tin báo tiêm ngừa COVid 19, suốt đêm qua, tôi ngủ không ngon giấc như mọi hôm mà trăn trở, giấc ngủ chập chờn, ngủ không được đành dậy sớm cứ háo hức gắng hoàn chỉnh bài viết “Tuyên ngôn độc lập - Áng hùng văn bất hủ từ mùa thu cách mạng” phát trên vanhoavaphattrien.vn trước khi ăn sáng đi xếp hàng chờ tiêm ngừa CoVid 19. Vì ngày mai là Quốc khánh 2/9 lần thứ 76 và cũng kịp nối đường link bài viết trên trang facebook cá nhân để tăng lượng bạn đọc.
Tôi còn nhớ như in, cách nay 52 năm khi đó mới học xong năm thứ nhất lớp Sử khóa 13 (1968 -1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) về quê xứ Thanh nghỉ hè thì nghe tin Bác Hồ qua đời. Năm đó trời mưa tầm tả đúng như Nhà thơ Tố Hữu mô tả “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”. Ngày 10/9/1969, tôi từ xứ Thanh đi tàu hỏa ra Hà Nội. Sáng 12/9/1969, tôi được phát tích kê xếp hàng từ cuối đường Thanh Niên phải mất hơn 3 giờ nhích dần từng bước theo dòng người mới vào được Hội trường Ba Đình nhìn thấy thi hài Bác để viếng. Hôm đó, sau những ngày mưa, trời Hà Nội nắng gắt, tôi mồ hôi nhễ nhại cùng dòng người vào viếng Bác xúc động vô cùng. Viếng Bác xong, tôi và vài bạn cùng trường khăn gói cuốc bộ ra ga Yên Viên đi tàu về Thái Nguyên rồi đi bộ tiếp khoảng 20 Km về nơi học sơ tán của lớp Sử khóa 13 Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) tại thôn Trại Chuối, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ để bước vào năm học thứ 2.
Từ đó, mỗi độ mùa thu về, tôi lại rạo rực ngâm nga ca khúc “Ba Đình nắng” của Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ phổ thơ của Vũ Hoàng Địch với câu mở đầu “Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào….” do ca sĩ Tuấn Phương hát đạt nhất và hay nhất. Chỉ lát nữa tôi từ đường Lạc Long Quân xuôi về Thụy Khuê đi qua Quảng trường Ba Đình ngắm nhìn lăng Bác Hồ - "Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm" này để đến Bệnh viện Việt Đức tiêm chủng ngừa CoVid 19. Có khá nhiều bạn đọc xem bài viết “Tuyên ngôn độc lập - Áng hùng văn bất hủ từ mùa thu cách mạng” có một số comment - chia sẻ, trong đó đáng chú ý nhất là Nhà thơ Bùi Văn Dung (Vĩnh Phúc) cảm nhận “Viết sâu sắc, truyền cảm”. Đặc biệt đồng nghiệp Cựu chiến binh Đại tá Trần Nhung cho điểm 10 với lời bình động viên “Bài hay vừa tả cảnh vừa tả tình vừa bình chính trị” mô tả đúng bối cảnh, tâm trạng lúc tôi ngồi viết bài nói trên đúng dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Tôi đã vận dụng vốn kiến thức tích lũy được từ học Sử với ấn tượng, cảm xúc rung động khi thường xuyên đi qua Quảng trường Ba Đình quan sát để viết rất nhanh bài “Tuyên ngôn độc lập - Áng hùng văn bất hủ từ mùa thu cách mạng”.
Cảm ơn tất cả bạn đọc gần xa, đặc biệt là đồng nghiệp Trần Nhung là người rất kiệm lời bình luận những vấn đề thời sự lại thấu cảm tâm trạng tác giả lúc viết bài đến như vậy!
VXB