Hương vị tết xưa

Nguyễn Đặng Hà Anh

11/02/2024 09:02

Theo dõi trên

Khi những cơn mưa phùn thay thế cho những cơn mưa đầu đông nặng hạt, gió bấc hiu hiu lạnh thổi về từ phương Bắc, những hàng cây xơ xác, trụi lá ven đường bắt đầu nhú những chồi bé xíu, trên trời thi thoảng có những cánh én liệng là báo hiệu mùa Xuân sắp về!

Mùa Xuân mang lại niềm vui, nhưng cũng tạo ra áp lực cho những bậc cha mẹ khi gia đình là bần nông nghèo khó. Lo kiếm tiền để mua bộ đồ mới cho trẻ con, lo kiếm tiền để có được mâm cơm cúng ông bà chiều Ba Mươi Tết luôn đè nặng lên mỗi gia đình.
Và trong cái khó khăn ấy, thì tự lực đi tìm nguồn thực phẩm cho mâm cơm ngày tết từ các sản vật có sẵn ngoài tự nhiên luôn là lựa chọn hàng đầu của các gia đình, trong đó có gia đình tôi!

Nhớ lúc còn nhỏ, tầm 27, 28 tháng Chạp tôi và ba mình thường đi kéo vó (quê tôi gọi là kéo chạp) để kiếm cá về kho ăn tết.

Lúc này, lúa ngoài đồng đã xanh nhưng chưa đủ kín để cho các loài cá như: cá tràu, cá rô, cá trê... lên ruộng trú ẩn. Vì vậy, cá luôn tập trung dưới các hố bom ở giữa cánh đồng.

Tháng Chạp, ở miền Trung quê tôi trời lạnh ngắt với gió và mưa phùn. Dù lạnh, nhưng để có được mâm cơm cúng ông bà ngày tết, tôi và ba mình dầm mưa đi kéo cá. Tôi còn nhỏ, chưa đủ sức để nâng cần vó, nên ba tôi kéo vó còn tôi dầm mình trong nước để xua lũ cá ra khỏi hang.

Đầu tiên, tôi sẽ vớt rong tạo thành một khoảng rộng đủ để đặt chiếc vó và cái triên vó (vành của lưới vó), nằm sát đáy để lũ cá khi chạy ngang nằm trên mặt lưới của vó. Sau khi dọn sạch chỗ thả vó, tôi dùng cây tre lội quanh bờ của hố bom và thọc vào các bờ cỏ, hốc tre hay bất cứ chỗ nào mà các loài cá có thể trú ẩn. Nếu gặp hang cạn, tôi thò tay bắt những chú cá nhỏ, còn hang lớn và sâu, tôi thò cả chân vào hoặc thọc cây tre cho cá chạy ra ngoài. Chúng chạy trong hoảng loạn, nên có nhiều con lọt vào trong vó và bị ba tôi cất lên.

Ngày đó, quê tôi cá nhiều lắm! Có những buổi cất vó, hai cha con tôi bắt được 5, 7 kg là chuyện thường.

Thích nhất là mỗi khi kéo vó được con cá tràu to, loài cá này có cú phóng mình rất mạnh và cao. Nhưng lọt vào vó của một người có kinh nghiệm như ba tôi, rất ít khi chúng thoát được. Vì khi cá vừa nhảy, ba tôi giật mạnh và nghiêng cần vó, lúc này triên vó sẽ nâng cao và đón đầu hướng nhảy của con cá, khiến nó bị đụng lưới vó và rớt trở lại.

Nhìn con cá tràu quẫy trong cái vó đã cất lên khỏi mặt nước, bốn cần vó cong xuống và nhịp nhịp, rung rung theo những cú quẫy mình của con cá thật là thích mắt! Mỗi lần kéo vó và được con cá tràu như thế, ba tôi hay nói: Rồi! Có món cá tràu kho nghệ cúng cơm ông bà con rồi!

Là loài cá không sống đơn lẻ, nên mỗi hố bom thường có từ hai con trở lên, và có một cặp cá lớn nhất! Và thường là ba tôi luôn cất được cả một cặp cá lớn này.

Khi chiếc giỏ tre mà ba tôi đan để đựng cá gần đầy, tôi run lập cập vì lạnh thì hai cha con xếp vó, đi về và mẹ tôi sẽ làm nhanh món cá chiên hoặc nướng để cả nhà ăn cơm.

Sau một buổi ngâm mình dưới nước trong cái lạnh cuối đông, bụng đói cồn cào. Lúc về nhà ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, ăn chén cơm nóng với cá lòng tong chiên mỡ heo chấm mắm thì ngon phải biết!

Xong bữa cơm, tôi phụ mẹ làm cá để ăn tết với các món như: cá tràu kho nghệ, cá rô nướng hoặc chiên giòn bằng mỡ heo, cá thác lác bằm nhuyễn làm chả, cá trê có khi mẹ tôi kho nghệ hoặc nướng dằm mắm gừng. Nhưng ngon nhất vẫn là những con cá lòng tong, cá cấn chiên giòn ngay lúc đó để ăn cơm nóng.

Đầu tiên, cá tràu, cá rô được đánh vảy, làm sạch ruột rồi xiên bằng que tre vót nhọn một đầu, gọi là trụi nướng cá. Còn cá trê phải chà trong tro bếp với trấu để làm sạch nhớt rồi mới mổ bụng.

Cá làm sạch, xiên từng trụi rồi nướng qua trên than hồng gọi là "nướng héo" rồi mới đem đi kho.

Cá được kho với nước mắm, muối, đường, bột ngọt, tiêu, nghệ củ và cả lá nghệ. Nhưng để nồi cá thơm và ngon, không thể thiếu mấy lát tóp mỡ mà ba tôi được chia phần từ những miếng thịt heo của Đội sản xuất thời Hợp tác xã. Cũng có khi chút mỡ heo ấy được mẹ tôi rán từ phần thịt "đậu tay" của mấy gia đình, và được thanh toán bằng lúa của mùa gặt tháng Ba.

Khi kho cá, đầu tiên mẹ tôi cho mỡ heo vào nồi, đặt trên bếp lửa đỏ. Giã vài củ nén (hành tăm) phi cho thơm rồi thả từng lát cá, hoặc nguyên con nếu cá nhỏ đã được ướp gia vị vào nồi và nhanh tay hạ lửa.

Cá được xếp theo từng lớp, giữa những lớp cá là ít nghệ củ giã nhuyễn, ít lá nghệ xắt sợi và thêm những que mía được chẻ nhỏ. Que mía sẽ tạo hương thơm cho nồi cá, và còn có tác dụng ngăn các lớp cá dính chặt với nhau, để khi kho xong, gắp ra đĩa miếng cá sẽ không bị vỡ. Lúc này, mẹ tôi châm nước sôi vào nồi cá và cho lửa nhỏ. Kho tầm 15 phút, mẹ tôi bắt nồi cá xuống và đến tối kho lại lần hai.

Mẹ tôi nói: cá đồng phải kho "hai lửa", nghĩa là kho hai lần á. Kho vậy thì cá mới thấm gia vị, khi ăn sẽ ngon hơn! Nhưng nếu kho lửa lớn, và kho quá lâu cá sẽ mềm, trừ phi kho cá cho rục xương (riêng kho cá cho xương rục, lại là một kỹ thuật kho rất khác và khó hơn!).

Còn với những con cá rô, cá trê để làm món cá chiên ăn những ngày tết mẹ tôi cũng nướng qua, nhưng ướp sơ ít muối.

Ngày đó làm gì có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Thời thắp đèn dầu còn phải tiết kiệm, có nhà thậm chỉ chỉ có một cái đèn duy nhất. Khi nhà trên sáng đèn, nhà dưới ánh sáng nhờ bếp lửa. Còn thắp đèn nhà dưới thì nhà trên tối om. Nhắc lại để thấy và nhớ về một thời cơ cực, thiếu thốn mọi thứ!

Nhưng nhờ khí hậu lạnh, nếu biết cách bảo quản thực phẩm sẽ được giữ lâu hơn.

Và thường thì người ta đóng cái chạn đựng thức ăn, quê tôi gọi là gạc-măng-rê (garde-manger) và nhà tôi cũng có một cái. Đó là nơi để thức ăn mà không sợ lũ mèo hoang, mèo nhà ăn vụng.

Chiều Ba Mươi Tết, khi tiếng pháo đì đùng khắp xóm, trên bàn thờ ông bà nghi ngút khói hương, hai mâm cơm cúng được mẹ tôi dọn lên với một mâm trong nhà, một mâm ngoài sân để cúng thần linh. Mâm cơm cúng chiều Ba Mươi có món cá đồng kho nghệ, cá đồng chiên mỡ heo, dĩa thịt heo luộc, dĩa gà luộc, dĩa bánh tét và thêm vài dĩa xào lòng gà với bún hoặc thơm, tô canh, mấy chén cơm và tô mì quảng là đã tươm tất lắm rồi!

Ba tôi áo quần chỉnh tề, thắp nhang và khấn vái, vừa lạy vừa khấn lầm rầm gì đó!

Còn tôi chỉ mong cho ba cúng xong, mâm cơm được dọn xuống để ăn một bữa thật ngon, thật no!

Ăn xong, ngủ một giấc và mong tới sáng Mồng Một để được mặc bộ đồ mới, mang đôi dép mới đi nhận lì xì của những người bà con, của những gia đình láng giềng thân thiết và tốt bụng!

Với tôi, đến bây giờ bữa cơm chiều ba mươi tết ngày tôi còn bé là bữa cơm ngon nhất, với các món ăn và đầy đủ mọi thành viên trong gia đình!

Giờ đây, khi tóc đã bạc và gánh trên vai trách nhiệm trụ cột của một gia đình, tôi vẫn nhớ những hương vị cũ!

Nhớ miếng cá kho nghệ thơm lừng thuở nhỏ, nhớ lúc dầm mình trong nước cùng ba tôi đi kéo vó để có thêm vài món cho bữa cơm cúng ông bà. Nhớ mùi thơm của cá nướng, nhớ những cơn gió kèm theo mưa phùn lạnh ngắt.

Và nhớ nhất là nụ cười của mẹ khi gắp miếng cá bỏ vào chén tôi kèm theo câu nói: "Ăn miếng ni cho lại cái công con trai tui dầm nước lạnh run hỉ...!"

Có lẽ, hương vị tết xưa không chỉ ở món ăn, mà là cả một quá trình để có được món ăn trong ngày tết. Đó là giọt mồ hôi của cha, là công chế biến, nấu nướng từng món ăn của mẹ, và có cả sự đóng góp nhỏ tùy theo khả năng của những đứa con.

Và đó cũng là điều mà mỗi đứa trẻ con nhà nghèo được giáo dục từ nhỏ để nhận thức sớm trách nhiệm của mình. Giúp trẻ con nhà nghèo có tính tự lập, có ý chí để vươn lên và sự trải nghiệm sớm để có thể đối mặt với những khó khăn mà không hề ngại!

Nhớ hương vị tết xưa là nhớ lại những khó khăn một thời mà mỗi người đã trải qua. Nhớ lại không phải để so sánh, mà nhớ để biết ơn, để cảm nhận tình yêu thương mà cha mẹ dành cho mình!

Nhớ hương vị tết xưa là một trong những giáo trình nhắc cho mỗi người nhớ về nguồn cội, nhớ đến người thân dù đã khuất. Nhớ để sống tốt hơn, sống đúng, và là người có ích như chính lời dạy của cha mẹ khi còn sống!

 

Bạn đang đọc bài viết "Hương vị tết xưa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn