Thuận lợi và thách thức của văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu trong thời đại công nghệ số

Tại Hội nghị Toàn quốc về văn hóa tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Ứng vào văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, nội dung trên có ý nghĩa quan trọng. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một phần không thể tách rời của văn hóa dân tộc, là di sản văn hóa tinh thần quý báu của người Việt Nam. Việc bảo tồn và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mà còn duy trì bản sắc dân tộc. Nếu các giá trị của tín ngưỡng này bị biến tướng hoặc mai một, điều đó đồng nghĩa với việc một phần văn hóa dân tộc cũng bị mất đi, có thể sẽ đe dọa sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam, nhất là trong thời đại công nghệ số như hiện nay.

Thuận lợi:

Bảo tồn và phát triển

Công nghệ số góp phần hỗ trợ bảo tồn và phát triển các nghi thức truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu qua các nền tảng trực tuyến như: Website, mạng xã hội, và ứng dụng di động. Các nghi lễ và buổi hầu đồng có thể được quay video và phát sóng trực tiếp trên một số nền tảng xã hội, kể đến như: Facebook, TikTok, Youtube… giúp người xem ở xa vẫn có thể tham gia và hiểu rõ hơn về các nghi thức này.

Các trang web và blog chuyên về tín ngưỡng thờ Mẫu cung cấp nhiều bài viết, tài liệu và hình ảnh chi tiết, giúp người đọc có thể tự học hỏi và nghiên cứu. Việc tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, giúp người dân có cơ hội tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua một số nền tảng xã hội và các tài liệu số hóa nói trên. Đây cũng được xem là cách lưu trữ dữ liệu về tín ngưỡng một cách hiệu quả và lâu dài qua nhiều thế hệ.

Ngày 01/7 vừa qua, tiến sĩ Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển - đã cho ra mắt cuốn sách "Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn văn hóa". Điều đặc biệt trong cuốn sách là sự kết hợp giữa phương thức truyền tải thông tin truyền thống (văn bản) và việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bằng cách quét mã QR in trong sách, bạn đọc sẽ truy cập được các video trên YouTube, giúp có góc nhìn trực quan hơn về nội dung. Đây được xem là bước đột phá trong chuyển đổi số, cần được nhân rộng.


Tăng cường sự kết nối cộng đồng, giáo dục và truyền thông

Cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu có thể kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, và tổ chức các sự kiện trực tuyến để giữ vững tinh thần đoàn kết và phát triển tín ngưỡng. Các hội, nhóm trên Facebook, Zalo… hay diễn đàn trực tuyến sẽ là nơi trao đổi thông tin, tổ chức các buổi gặp gỡ, thảo luận về các nghi thức, lịch sử và ý nghĩa tốt đẹp của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.

Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số như video, podcast, và bài viết giúp truyền bá kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu đến với những đối tượng rộng lớn hơn. Các kênh YouTube, trang Facebook, và các trang web cá nhân cung cấp nhiều nội dung đa dạng từ các chuyên gia và người thực hành tín ngưỡng, giúp phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng.

thach-thuc2-1722015487.jpg
Một trang Facebook về tín ngưỡng thờ Mẫu thu hút nhiều lượt theo dõi
thach-thuc1-1722015415.jpg
Một kênh Youtube chia sẻ kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu được nhiều người đăng ký


Thách thức:

Nguy cơ mai một giá trị truyền thống và sai lệch thông tin

Mặt tích cực của công nghệ đã thấy rõ, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng có thể dẫn đến việc biến tấu hoặc làm mất đi giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu khi không có sự kiểm soát và hướng dẫn đúng đắn. Trong trường hợp các nghi thức được thực hiện trực tuyến có thể không đảm bảo tính chính xác và truyền thống vốn có của chúng.

Công nghệ số nói chung, có thể lan truyền thông tin sai lệch hoặc không chính xác về tín ngưỡng thờ Mẫu, gây hiểu nhầm và làm giảm giá trị thực của tín ngưỡng này. Các bài viết, video hoặc bài đăng của thanh đồng nếu không chính xác có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự hiểu biết của cộng đồng về tín ngưỡng này.

Nhiều thanh đồng không am hiểu đầy đủ về tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng vẫn đăng tải thông tin lên mạng xã hội, gây nhiễu loạn. Thậm chí, có nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để truyền bá thông tin sai lệch văn hóa tín ngưỡng, gây chia rẽ cộng đồng, mất đoàn kết dân tộc và mê tín dị đoan, hoặc với mục đích thu hút sự chú ý để trục lợi bất chính.

“Nếu các thanh đồng có trình độ và hiểu biết sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu, thì mạng xã hội sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để truyền tải và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đến nhiều người (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài). Điều này giúp mọi người có góc nhìn đúng đắn và thêm trân quý văn hóa dân tộc.

Ngược lại, khi các thanh đồng thiếu hiểu biết hoặc nhận thức kém, những giá trị văn hóa tốt đẹp của tín ngưỡng có thể bị biến tướng. Việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội là vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Những thanh đồng cố tình làm biến tướng tín ngưỡng đáng bị lên án. Tuy nhiên, có không ít thanh đồng trẻ chỉ vì chưa nắm vững kiến thức, nên tính chuẩn mực trong quá trình thực hành di sản là chưa có. Thay vì góp ý, nâng cao hiểu biết và nhận thức cho các thanh đồng đó, thì một số cá nhân thiếu ý thức lại dùng điện thoại, máy ảnh để quay, chụp và đăng tải lên mạng xã hội với mục đích không tốt, dẫn tới phản cảm. Cộng đồng mạng cũng lấy đó làm đề tài để bêu xấu, đả phá, công kích, gây mất đoàn kết trong cộng đồng tín ngưỡng, giảm giá trị và hình ảnh tốt đẹp. Đó có thể được xem là một trong những mặt tiêu cực của công nghệ số.

Để bảo tồn và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu, các thanh đồng cần nâng cao kiến thức và nhận thức của bản thân. Điều này có thể đạt được thông qua việc tham gia các hội thảo, tọa đàm khoa học, các chương trình tập huấn nâng cao do Nhà nước hoặc một số cơ quan được phép tổ chức” - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc - cho hay.

thach-thuc3-1722015579.jpg
Thanh đồng thực hiện nghi thức ngoài sân, đồng thời có hành động được cho là sai lệch tín ngưỡng


Giảm tính thiêng và tôn nghiêm

Việc số hóa và phổ biến rộng rãi các nghi thức có thể làm mất đi tính thiêng liêng và sự tôn nghiêm của tín ngưỡng thờ Mẫu. Các buổi lễ được phát sóng trực tiếp hay ghi hình có thể không truyền tải được hết sự trang trọng và tinh thần của chúng. Trong quá trình thực hành tín ngưỡng, nếu thanh đồng quá tập trung vào phương tiện ghi hình, đường truyền trực tuyến, sẽ làm mất đi sự linh thiêng trong quá trình thực hành.

Sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ có thể làm giảm đi những trải nghiệm thực tế và giá trị tinh thần mà các nghi thức của tín ngưỡng mang lại khi thực hành trực tiếp. Các nghi lễ trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn cảm xúc và trải nghiệm mà người tham gia có được khi tham gia trực tiếp.

thach-thuc5-1722015751.jpg
Khách dự hầu chen nhau và lao lên sập công đồng (nơi hầu thánh) để cướp lộc, khiến thanh đồng phải bỏ chạy. Những hình ảnh tương tự nếu bị lan truyền rộng rãi, sẽ khiến cộng động mạng có góc nhìn sai về nét đẹp văn hoá bao đời nay của tín ngưỡng thờ Mẫu (Ảnh cắt từ clip trên Facebook)

Trước quan điểm trên, Nghệ nhân ưu tú Vũ Văn Quyết - Chi Hội trưởng Chi hội Câu lạc bộ đạo Mẫu Phúc Thuỷ Linh Từ - thủ nhang đền Phúc Thuỷ Linh Từ (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm: “Phát trực tiếp (livestream) các nghi lễ hầu thánh có thể làm giảm tính linh thiêng. Việc quyết định có nên phát trực tiếp hay không thì bản thân mỗi thanh đồng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện, đảm bảo rằng các giá trị tôn giáo và tín ngưỡng vẫn được giữ gìn và tôn trọng. Phát trực tiếp có thể là hình thức quảng bá di sản hữu hiệu. Tuy nhiên, khó có thể tránh những bình luận tiêu cực hoặc thiếu tôn trọng tín ngưỡng, làm ảnh hưởng đến giá trị văn hoá tốt đẹp của buổi lễ, cũng như cảm xúc của thanh đồng.

Thanh đồng cần trang bị kiến thức đúng về thực hành tín ngưỡng, tránh những hành vi được cho là biến tướng, lai căng. Phát trực tiếp cũng có thể dẫn đến việc thương mại hóa các nghi lễ, biến nó thành một hình thức giải trí hơn là một nghi thức tôn giáo thiêng liêng. Do đó, phải có sự nhận định phù hợp, không nhất thiết phải phát trực tiếp toàn bộ nghi lễ. Có thể chọn lọc những phần phù hợp để chia sẻ mà không làm mất đi tính linh thiêng”.

Hình thức trục lợi từ tín ngưỡng thờ Mẫu

Bằng việc xây dựng hình ảnh tốt đẹp (quảng cáo), cùng những “lời mời gọi có cánh” trên các nền tảng số, một số cá nhân hoặc tổ chức có thể lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để tổ chức các sự kiện, nghi lễ với mục đích thương mại tín ngưỡng, thu phí cao mà không đảm bảo tính tôn nghiêm và truyền thống.

Một số cá nhân có thể sử dụng nền tảng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai lệch, truyền bá mê tín dị đoan, nhằm lợi dụng niềm tin của cộng đồng để trục lợi. Đồng thời, tạo ra các nội dung liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, xây dựng hiện tượng lạ trên mạng xã hội nhằm mục đích thu hút lượt xem, quảng cáo và kiếm tiền mà không thực sự tôn trọng giá trị văn hóa và tinh thần của tín ngưỡng này.

Việc cung cấp thông tin cá nhân trên các nền tảng trực tuyến, các nhóm, diễn đàn hoặc sự kiện liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu có thể bị lạm dụng với mục đích lừa đảo, bôi nhọ danh dự; hoặc có thể xuất hiện các dịch vụ quảng cáo, bán hàng… dịch vụ liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng không đảm bảo chất lượng hoặc có nguồn gốc không rõ ràng, như: sản phẩm liên quan đến nghi lễ hầu đồng; trang phục, phụ kiện hầu đồng…

thach-thuc4-1722016153.jpg

Một thanh đồng có những lời lẽ lăng mạ, công kích thanh đồng khác trên mạng xã hội TikTok. Hành vi này được cho là không đúng với chuẩn mực đạo đức, văn hoá của tín ngưỡng, hòng gây sự chú ý để bán hàng online (Ảnh cắt từ clip)

“Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta” [1]. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) quy định: “1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”.

Trước thông tin trên, có thể thấy rằng Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của mình. Tuy nhiên, một số trường hợp đã lợi dụng điều này để thực hiện các hành vi sai phạm, ảnh hưởng đến văn hóa tín ngưỡng và xã hội.

Trường hợp cụ thể: Ngày 09/02/2023, Công an thị xã Kinh Môn, Hải Dương đã phạt Trương Thị Hương (cô đồng bổ cau) 7,5 triệu đồng về hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc".

Ngày 22/6/2023, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Kinh Môn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2, Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Tưởng rằng đó sẽ là bài học đắt giá, cảnh tỉnh một số thanh đồng có hành vi sai phạm. Tuy nhiên, những ngày qua, trên một số nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện những clip gây xôn xao. Gần đây, tài khoản TikTok có tên Ng. Th. Th. P. L (cô đồng ngửi cau - Thạch Thất, Hà Nội) tự nhận mình có khả năng nhìn thấu âm dương, khẳng định người xem bị vong theo, long mạch bị đứt... chỉ bằng cách đưa quả cau lên mũi ngửi. Còn có hiện tượng “cô đồng bát nước” xem bói bằng nước… và nhiều hiện tượng lạ khác.

thach-thuc0-1722016425.jpg
"Cô đồng ngửi cau" đang có hành vi bói toán trên TikTok (Ảnh cắt từ clip)

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, việc xử lý chủ yếu dựa vào Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, nên các điều khoản còn chung chung, chưa trực tiếp gắn với những biểu hiện cụ thể trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”. Cùng với đó, cần có các hướng dẫn cụ thể hơn nhằm chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, sai lệch với bản chất của thực hành tín ngưỡng như: Không được tổ chức hầu đồng ở nơi công cộng, xa rời không gian linh thiêng; không được lợi dụng niềm tin tâm linh để trục lợi, kiếm tiền, gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ… [2].

 

Bản quyền và sở hữu trí tuệ

Việc số hóa các tài liệu và nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu có thể gây ra tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền giữa các cá nhân và tổ chức. Cần có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo rằng các tài liệu và nội dung số được sử dụng và chia sẻ một cách hợp pháp và tôn trọng quyền tác giả. Cụ thể, nếu thanh đồng hoặc cá nhân sử dụng tư liệu của một cá nhân, tổ chức khác (đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả), chia sẻ trên một số nền tảng xã hội mà chưa được sự đồng ý, cấp phép, đây được xem là vi phạm bản quyền.

 

Tổng kết lại: Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Công nghệ mở ra các kênh bảo tồn và phát triển mới, giúp lan tỏa giá trị tín ngưỡng đến cộng đồng rộng lớn hơn qua các nền tảng công nghệ số, trong đó có trực tuyến. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nguy cơ làm mai một giá trị truyền thống, gây ra những sai lệch thông tin và dẫn đến sự hiểu lầm, lạm dụng tín ngưỡng. Để bảo vệ và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu một cách bền vững, cần có sự cân nhắc và hướng dẫn đúng đắn trong việc sử dụng công nghệ, cùng với nỗ lực nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng, đặc biệt là các thanh đồng.

Công nghệ nên được xem như một công cụ hỗ trợ, chứ không phải là cách thay thế cho các nghi thức thực hành truyền thống. Sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng và sự đồng lòng từ cộng đồng là yếu tố then chốt để duy trì và tôn vinh giá trị văn hóa và tinh thần của tín ngưỡng thờ Mẫu. Chỉ khi đó, những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này mới được gìn giữ và phát huy, đáp ứng nhu cầu tinh thần và văn hóa của cộng đồng trong bối cảnh hiện đại.


—————————
[2] GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ trong bài báo “Cần giải pháp đồng bộ, kịp thời” đăng ngày 19/09/2023, trên 
daibieunhandan.vn

[1] Mục 1, phần II- QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TÔN GIÁO tại Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo.