36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 1)

PGS TS Cao Văn Liên

18/11/2022 09:13

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 1.
I. KHÁI QUÁT

Các học giả về nhân chủng học, khảo cổ học, dân tộc học và sử học cho biết châu Á, châu Âu, Châu Phi, châu Đại Dương là quê hương của loài người, tức là nơi mà cách ngày nay khoảng 3 triệu năm có một loài vượn đặc biệt tiến hoá thành người. Qui trình tiến hoá diễn ra chậm chạp lâu dài. Bước đầu tiên là từ Vượn tiến lên thành Vượn- Người (yếu tố Vượn còn nhiều hơn), tiếp đó Vượn- Người phát triển thành Người -Vượn (yếu tố Người nhiều hơn), Người- Vượn tiến hoá thành Người tinh khôn (Nêăngđéctan) và cuối cùng thành Người hiện đại (Hômôxapiêng). Công cuộc tiến hoá đã hoàn thành và người hiện đại đã trở thành con người hoàn thiện.

dh1abcv1-1668737584.jpg

Việt Nam cũng vinh dự là một trong những nơi vượn tiến hoá thành người. Quá trình tiến hoá này qui trình cũng như vượn tiến hoá thành người trên thế giới nhưng thời gian chỉ vài chục vạn năm. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết Người- Vượn ở hang Thẩm Ồm, Nghệ An, tìm thấy răng Người -Vượn ở Lạng Sơn. Theo Ph. Ăngghen nguyên nhân làm cho vượn tiến hoá thành người là do lao động. Lao động đã làm cho cơ thể con vượn phát triển thành cơ thể con người, hai chi sau thành chân, hai chi trước thành tay do cầm nắm công cụ và ở tư thế đi thẳng. Lao động cũng đã tạo nên bộ não con người với khoảng 10 tỉ nơ ron thần kinh. Não là cơ sở của tư duy ngôn ngữ, của ý thức. Như vậy lao động cũng tạo ra ý thức và ngôn ngữ của con người.

Về chủng tộc, Việt Nam cũng như hầu hết các tộc người ở châu Á thuộc Đại chủng Môngôlôit, Đại chủng da vàng, Tiểu chủng Nam Á, Loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng với đặc điểm hình thái bên ngoài là da vàng, ít lông trên cơ thể, mắt đen, tóc đen, tóc thẳng, thân hình không cao to lắm. Những tộc người cổ xưa nhất trên đất Việt Nam là người Kinh, Mường, Tày ở miền Bắc, người Chăm ở miền Trung, người Khơ me ở miền Nam và người Tây Nguyên.

Khi đã thành Người hiện đại (Hômôxapiêng) thì không rõ tự bao giờ, tổ tiên chúng ta  mang tên là những tộc người Lạc Việt. Người Lạc Việt bước vào thời kỳ tiền sử mà lịch sử gọi là xã hội nguyên thuỷ. Thời kỳ đầu tiên của xã hội nguyên thuỷ là con người sống theo cộng đồng Bầy Người, với công cụ đầu tiên là đá cũ (đá không được chế tác). Trên đất nước ta có nhiều Bầy người sống cách biệt với nhau trong tình trang hết sức thấp kém và hoang dã. Họ kiếm ăn bằng nhặt nhạnh, ăn sống, uống nước lã, không quần áo, ở trong hang động. Thời kỳ này chưa có văn hoá, chưa có phong tục tập quán, chưa có tôn giáo, hôn nhân với nhau trong Bầy.

Qua một quá trình lâu dài cộng đồng Bầy tiến lên cộng đồng Thị tộc. Cơ sở của cộng đồng Thị tộc là dựa trên quan hệ huyết thống, cùng máu mủ ruột thịt thì sống với nhau. Thị tộc đầu tiên là Thị tộc Mẫu quyền, phụ nữ nắm quyền điều hành Thị tộc, còn gọi là Thị tộc Mẫu hệ, con sinh ra mang họ của Thị tộc mẹ. Với Thị tộc Mẫu quyền, xã hội của Người Lạc Việt đã hoàn thiện. Đã có tôn giáo, có phong tục tập quán, có văn hoá. Cùng với cộng đồng Thị tộc xã hội hình thành một cộng đồng rộng rãi hơn, đó là Bộ lạc. Bộ lạc là sự liên kết giữa các Thị tộc gần gũi nhau về địa bàn cư trú, về hôn nhân, về huyết thống. Các Bộ lạc bầu Tù trưởng là  thủ lĩnh của mình. Tôn giáo của người Lạc Việt thời nguyên thuỷ là tôn giáo dân gian, bao gồm các hình thức Tô tem giáo, thờ con chim Lạc làm vật tổ của mình, Bái vật giáo tức là thờ các con vật, cây cổ thụ, thờ thần núi, thần sông… vì người Lạc Việt cổ cho rằng mọi vật đều có linh hồn, thờ cúng một vật gì đó sẽ linh thiêng theo nguyên tắc “ Có thờ có thiêng”. Người Lạc Việt còn thờ cúng Tổ tiên, thờ cúng những ngươì có công lao với Thị tộc và Bộ lạc.

Trong quá trình lao động, người Lạc Việt đã tìm ra lửa. Lửa là một nhân tố nâng cao đời sống con người. Người lạc Việt còn tìm ra cung tên là một thứ công cụ mà Ăngghen gọi là súng của người nguyên thuỷ. Họ đã cải tiến công cụ đá tinh xảo được gọi là thời kỳ đồ đá mới, đã tìm ra công cụ đồng và sắt. Những công cụ đó đã làm xuất hiện những ngành nghề mới như săn bắn, chăn nuôi, trồng trọt, đánh cá. Bên cạnh nghề nông xuất hiện nghề thủ công nghiệp sản xuất các vật dụng gia dụng như vải vóc, công cụ sản xuất, vũ khí, đồ gốm… Những ngành nghề mới đó đòi hỏi người đàn ông đóng vai trò chính trong sản xuất, người đàn ông đóng vai trò điều hành Thị tộc. Vậy là do phát triển của sản xuất mà xã hội Lạc Việt có những chuyển biến lớn lao, từ Thị tộc Mẫu quyền chuyển sang chế độ Thị tộc Phụ quyền và Phụ hệ. Trong xã hội Thị tộc Phụ quyền, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội phát triển cao hơn. Đã xuất hiện Liên minh bộ lạc, tức là 15 Bộ lạc Liên kết với nhau trên một bình diện không gian rộng lớn chuẩn bị cho việc ra đời nhà nước Văn Lang. Năng suất lao động cao không chỉ đủ ăn mà còn có dư thừa. Công cụ sản xuất phát triển, trình độ sản xuất nâng cao là nguyên nhân xuất hiện gia đình một vợ một chồng vì chỉ cần hai người vẫn có thể sản xuất dư thừa. Gia đình một vợ một chồng xuất hiện làm xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất vì các gia đình chiếm đoạt ruộng đất công làm ruộng đất riêng. Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất làm xã hội phân hoá thành những giai cấp khác nhau. Những chức sắc trong thời kỳ nguyên thuỷ trở thành giai cấp giàu có vì địa vị xã hội và quyền lực giúp họ chiếm đoạt được nhiều của cải, ruộng đất. Họ trở thành quí tộc chủ nô. Đại đa số cư dân chỉ có một ít ruộng đất trở thành nông dân nghèo, còn một bộ phận khác của cư dân không có ruộng đất trở thành nô lệ-nô tì phục vụ trong các gia đình giàu có. Khi xã hội phân chia thành giai cấp thì nhà nước xuất hiện. Vì giai cấp quí tộc chủ nô cần nhà nước làm công cụ bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền lợi địa vị cho họ. Nhà nước còn là phương tiện để quản lý xã hội đã đến một trình độ phát triển cao, còn là phương tiện huy động nhân tài vật lực cho công cuộc trị thuỷ các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã…cho công cuộc bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lược của các thế lực chủ nô phương Bắc. Những tiền đề kinh tế xã hội, những nhu cầu bức thiết của lịch sử đòi hỏi nhà nước Văn Lang ra đời.

Nhà nước Văn Lang của Người Lạc Việt là nhà nước quân chủ chủ nô. Đứng đầu nhà nước là vua gọi là Hùng Vương, ngôi vua cha truyền con nối được 18 đời. Hùng Vương nắm cả ba quyền cơ bản của nhà nước là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ở trung ương giúp việc cho vua có Lạc Hầu. Kinh đô nhà nước Văn Lang là thành phố Việt Trì ngày nay mà núi Hi Cương, xã Nghĩa Lĩnh có đền thờ các vua Hùng chỉ là một bộ phận mà thôi. Quốc hiệu Văn Lang là lấy tên của Bộ lạc Văn Lang, Bộ lạc mạnh nhất của người Lạc Việt. Nhà nước Văn Lang chỉ có lực lượng dân binh mà chưa xây dựng lực lượng vũ trang chính qui. Về đơn vị hành chính địa phương, cả nước chia thành 15 bộ do Lạc Tướng đứng đầu. Dưới bộ là công xã nông thôn đứng đầu là Bồ chính, dưới công xã nông thôn là làng, bản ( bản  ở miền núi). Lãnh thổ quốc gia Văn Lang bao gồm toàn bộ miền Bắc đến Quảng Bình ngày nay.

Người Nguyên thuỷ đã sớm có mặt trên đất Hà Nội xưa. Năm 1971-1972 các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những công cụ thời kỳ đồ đá giữa có niên đại cách ngày nay khoảng 2 vạn năm ở Đông Anh. Người Nguyên thuỷ Lạc Việt sinh sống ở vùng đất châu thổ sông Hồng màu mỡ, trong đó có Hà Nội. Trình độ sản xuất ngày càng phát triển. Từ công cụ đá giữa thời kỳ Thị tộc Mẫu quyền người Lạc Việt tiến lên sử dụng, chế tác công cụ đá mới (đá được chế tác tinh vi) và công cụ đồ đồng thời kỳ Thị tộc Phụ quyền. Trên đất Hà Nội nhiều di chỉ đồng thau được các nhà khảo cổ học phát hịên như các di chỉ Tiên Hội, Bãi Mèn, Xuân Kiều, Đình Chàng (Đông Anh), Gò Chùa Thông ( Thanh Trì),Trung Mầu (Gia Lâm). Niên đại thời gian của các hiện vật cho chỉ số cách ngày nay khoảng 3.500 đến 3.000 năm. Trong thời kỳ Nhà nước Văn Lang, vùng Hà Nội thuộc Bộ Giao Chỉ, là một vùng quan trọng của đất nước vì giàu lúa gạo, sản vật, là  đầu mối giao thông thuỷ bộ và chứa đựng bề dầy văn hoá của người Lạc Việt.

Là vùng đất quan trọng, “Địa linh nhân kiệt” nên Hà Nội sớm trở thành kinh đô của nhiều triều đại:

-Kinh đô Cổ Loa của nhà nước Âu Lạc từ 208 TCN đến 179 TCN.

-Kinh đô Mê Linh của nhà nước Trưng Vương khi Hai Bà giành độc lập từ tay nhà Đông Hán từ năm 40 đến năm 43.

-Kinh đô Tống Bình của nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế, của Triệu Việt Vương, Hậu Lý Nam đế từ năm 544 đến 602.

-Thủ phủ của nền tự chủ của họ Khúc (Khúc Thừa Dụ...) họ Dương (Dương Đình Nghệ) từ 906 đến năm 938.

-Kinh đô Cổ Loa của Vương triều Ngô từ 939 đến 968.

-Năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình về Đại La và đổi tên là Thăng Long, Từ đó Thăng Long là kinh đô lâu dài của Đại Việt từ 1010 đến 1789.

-Năm 1831 Thăng Long mang tên Hà Nội. Từ 1945 đến nay Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hà Nội cũng gắn liền với những Quốc hiệu khác nhau của các triều đại Quân chủ và của chính thể Cộng hoà: Âu Lạc (208 TCN-179TCN), Vạn Xuân (544-602), Đại Cồ Việt (1010-1054), Đại Việt (1054-1789), Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945-1975) và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1976 đến nay.

Năm 1993, diện tích Hà Nội khoảng 1000 km2, dân số khoảng 3 triệu người. Năm 2008 theo Quyết định của Quốc hội khoá XII mở rộng địa giới Thủ đô thì Hà Nội ngày nay có diện tích 334.470 ha, dân số hơn 6.300.000 người (tính đến năm 2010). Về hành chính, Hà Nội trước khi mở rộng có 7 quận, 112 phường, 5 huyện và 118 xã. Sau ngày 1-8-2008 quyết định mở rộng địa giới có hiệu lực, Hà nội có 10 quận, 155 phường, 1 thị xã (Sơn Tây), 18 huyện, 22 thị trấn và 401 xã.

Như tên đã gọi từ 1831: Hà Nội (vùng đất trong sông) được bao bọc bởi ba con sông lớn: sông Hồng dài 1.183 km từ Vân Nam Trung Quốc vào nước ta từ Lào Cai chảy xuống. Đoạn sông Hồng qua Hà Nội dài 40 km từ huyện Đông Anh đến hết Thanh Trì, sông Đuống là nhánh của sông Hồng, thứ ba là sông Tô Lịch. Ngoài ra còn có sông Kim Ngưu, sông Cà Lồ, sông Đáy, sông Nhuệ. Hệ thống sông ngòi thuận tiện cho nông nghiệp phát triển, cho giao thông vận tải đường thuỷ, là hào luỹ thiên nhiên bảo vệ kinh thành. Hà Nội có khoảng 3.600 ha hồ và đầm tạo cho thiên nhiên môi trường mát mẻ. cảnh quan tươi đẹp. Các hồ nổi tiếng như hồ Hoàn Kiếm. hồ Tây, hồ Trúc Bạch…

Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước, nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp tối cao, các cơ quan cấp bộ và ngang bộ, là trụ sở trung ương của các cơ quan đoàn thể, tổ chức trong hệ thống chính trị. Hà Nội là trung tâm văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế, nơi tọa lạc của 58 trường đại học và cao đẳng, nơi đặt 35 bệnh viện trung ương và  Hà Nội, nơi có nhiều học viện nghiên cứu khoa học, đào tạo về kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học tự nhiên, kĩ thuật và  khoa học xã hội. Hà Nội nơi có hệ thống các nhà bảo tàng lưu giữ những di sản, hiện vật văn hoá và lịch sử của đất nước. Hà Nội là Trung tâm ngoại giao của đất nước, nơi đặt Đại sứ quán của hơn 100 nước và nhiều cơ quan đại diện chính phủ nước ngoài có quan hệ với Việt Nam. Hà Nội còn là trung tâm giao thông thuỷ bộ đi muôn nẻo của đất nước. Sân bay quốc tế Nội Bài đi nhiều nơi trong nước và nhiều nước trên thế giới. Hà Nội là một trong những Thủ đô có nhiều phong cảnh đẹp, là nơi du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.

Trên mảnh đất có chiều dài lịch sử hơn 3.000 năm với đất nước và  1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, kinh đô của các triều đại Quân chủ và Thủ đô của nền Cộng hoà, hiển nhiên có nhiều biến cố thăng trầm, nhiều sự kiện không thể ghi chép hết. Trong cuốn sách nhỏ này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc 36 sự kiện chính có tính chất hệ thống lại lịch sử Thăng Long-Hà Nội.

(Còn nữa)

CVL

 

Bạn đang đọc bài viết "36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn