Ai là tác giả bài thơ "Nam quốc sơn hà"?

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

15/11/2022 10:00

Theo dõi trên

Lý Thường Kiệt (1019-1105), tên thật là Quách Tuấn. Ngọc phả dòng họ Ngô có từ đời Nguyễn, chép rằng Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn. Nhưng văn bia được tìm thấy ở Hưng yên có từ đời Hậu Lý cho biết rằng ông họ Quách, Quách Tuấn.

Thường Kiệt là tên tự, được ban Quốc tính (họ nhà vua), sau lấy tên chữ làm tên. Ông là người quê gốc tỉnh Hưng Yên, tinh thông thao lược, lại giỏi cả văn chương. Năm 26 tuổi, vào làm quan trong triều, với chức Hoàng môn chi hậu, rồi thăng dần lên chức Thái Úy. Lý Thường Kiệt làm quan ở 3 triều vua nhà Lý: Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông (1028-1128). Ông có công rất lớn trong việc đánh Tống, bình Chiêm, bảo vệ và xây dựng đất nước, khi chết được tặng tước Việt Quốc Công. Ông là người được đương thời kính trọng, ngàn đời sau còn ghi nhớ công lao.

ddh2-vbl2-1668480842.jpg
Tranh minh họa Lý Thường Kiệt do tắc giả tuyển chọn.

 

Bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ (Sông núi nước Nam) xưa nay vẫn cho là do Lý Thường Kiệt sáng tác, còn gọi là “Thơ Thần”. Tương truyền, bài thơ được Lý Thường Kiệt sai người vào đền thờ Trương Hống và Trương Hát, ban đêm đọc to cho quân sĩ nghe, để khích lệ lòng yêu nước của tướng sĩ, trong bối cảnh cuộc chiến giữa Đại Việt và quân Tống xâm lược còn đang ở thế giằng co trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu), nay nằm giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

NAM QUỐC SƠN HÀ

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lại xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Dịch nghĩa:

SÔNG NÚI NƯỚC NAM

Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,

Cương giới đã ghi rành rành trên sách trời.

Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám đến xâm phạm?

Hãy chờ xem, chúng bay nhất định sẽ chuốc lấy bại vong!

Câu đầu là khẳng định chủ quyền và độc lập dân tộc. Rằng núi sông này là của người Nam, thì “Nam Đế cư” (vua Nam ở) đơn giản thế thôi! Ví như sông núi của nước Tống, thì vua nước Tống ở, có gì lạ đâu? Có gì bất bình thường và sai trái đâu? Một sự thật hiển nhiên sáng tỏ như ban ngày, đến hòn đá vô tri cũng phải thừa nhận, huống nữa là người. Duy chỉ có một điều, tưởng là đơn giản, nhưng không hề đơn giản, đó là chữ “Vua Nam ở” (Nam Đế cư). Sao không phải là “Dân Nam ở”, mà lại là “Vua Nam ở”? Hóa ra, dưới thời phong kiến, cả thiên hạ rộng lớn đều là của nhà vua, vua là chủ tối thượng. Theo quan niệm Nho giáo, thì “Quân thí thần, thần tử” (Vua bắt bề tôi chết, thì bề tôi phải chết), dẫu vui vẻ chết, hay miễn cưỡng phải chết cũng thế cả thôi. Còn như “Thần thí quân, bất trung”, nghĩa là bề tôi giết vua, thì đó là kẻ bề tôi phạm tội bất trung. Vua đồng nghĩa với nước, nên trung với vua, chính là trung với nước vậy!

Tuy nhiên, hàng nghìn năm Bắc thuộc, Trung Quốc chỉ coi nước ta là quận huyện. Sau nhiều lần nổi dậy giành lấy quyền độc lập, bọn phong kiến phương Bắc mới thừa nhận nước ta là một quốc gia, nhưng hình thức vẫn là một “thuộc quốc” của “Thiên triều”, chỉ được phong Vương, chứ không được xưng Đế. Bởi vì Hoàng Đế là con trời (Thiên tử), mới là chủ của thiên hạ rộng lớn, do vậy, người “Đại Hán” mới là chủ thiên hạ. Thiên hạ ví như bông hoa, thì Trung Nguyên (Trung quốc) là trung tâm của bông hoa, tức là trung tâm văn minh của vũ trụ. Người Hán thường cho mình là người Trung Hoa, “Trung Hoa dân quốc” là vì vậy. Các nước xung quanh Trung Hoa, chỉ là các dân tộc lạc hậu. Họ coi các nước phương Bắc là “Địch”, các nước phương Tây là “Nhung”, thậm chí chỉ là “chó Nhung” (khuyển Nhung), các nước phương Đông là “Di”, còn các nước phương Nam như nước ta là “Man”. Thế nên, nếu khinh bỉ một người nào đó, một dân tộc nào đó ở phương Nam, hoặc phía đông Trung Hoa, người ta thường bĩu môi, đại khái, rằng đó là bọn “Man Di mọi rợ”. Ngày nay, người ta gọi đó là sự phân biệt chủng tộc, được biểu hiện như là một hệ tư tưởng, gọi là “Chủ nghĩa A-phác- thai”, hay là “Chủ nghĩa bá quyền”, cá lớn nuốt cá bé, rất nguy hiểm và rất phản văn hóa, văn minh.

Phải dẫn đôi điều vòng vo như thế, để chúng ta thấy rằng, chữ ĐẾ mà tác giả bài thơ nói ở đây, chính là một chữ cực kỳ quan trọng, rất phong phú nội hàm tư tưởng và văn hóa. Bọn giặc cướp nước tự cho mình là nước lớn, văn minh, là “Đế”, xem thường ta, coi ta là “Man”, thì ta đây cũng là Đế của phương Nam, của nước Nam có quốc hiệu là Đại Việt (nước Việt to lớn, vĩ đại), chả kém gì ai. Dân tộc Đại Việt, có thể sánh ngang với dân tộc Đại Hán, không hề thua kém Đại Hán, chứ sao ?Thế nên, “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, vang lên như một niềm tự hào chính đáng, về một dân tộc có chủ quyền, một nước có người làm chủ, đàng hoàng, chính danh, chính đại và cả chính nghĩa nữa! Một nước có chủ quyền, hiện hữu, có văn hiến riêng đàng hoàng, cương vực lãnh thổ riêng, phong tục tập quán riêng, vẫn đang tồn tại, và tồn tại một cách mạnh mẽ. Nguyễn Trãi (1380-1442) sau này, dựa trên tinh thần tư tưởng này đã viết trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc Nam cũng khác”… Bắc Nam đây là Trung Quốc (Phương Bắc) và Đại Việt (Phương Nam).

Câu thứ hai, “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Điều ấy đã được ghi rất rõ ràng ở sách trời). Nếu như câu thứ nhất thể hiện chứng lý về sự thật hiện hữu CỦA NÚI SÔNG BỜ CÕI, thì câu thứ hai là chứng lý về tâm linh, phi vật chất. Ngươi tự xưng là Đế, là “con trời” (Thiên tử) ư? Thế thì ta đây cũng là Đế, là con trời, Thiên tử chứ sao? Và nếu như trời là đấng tối cao, có thật, thì cái điều “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, cũng là điều có thật, được ghi chép rất rõ ràng ở “sách trời”. Thế là dùng cái lý của kẻ thù, để bẻ lại cái lý của chính nó, đầy sức thuyết phục. Lại còn là một sự khẳng định, khẳng định vững chắc, rằng “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” !

Vậy thì cớ gì mà lũ giặc cuồng bạo kia lại dám đến đây xâm phạm vào bờ cõi của ta (Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm)? Một câu hỏi tu từ. Hỏi, nhưng là để khẳng định chính nghĩa của ta, khẳng định bản chất phi nghĩa của kẻ thù. Rằng bọn xâm lược kia chỉ là giặc cướp, ngang nhiên liều lĩnh xâm phạm chủ quyền độc lập của ta. Chữ “Tặc” là giặc ; chữ “Lỗ” cũng là giặc, nhưng “Nghịch lỗ”, thì là lũ giặc phản nghịch, cuồng bạo, cố ý làm trái với “đạo trời”, phản lại “đạo trời" cũng là phản lại chính nghĩa. Đó chính là sự lên án ở tầm mức cao hơn. Nếu như kẻ thù lợi dụng thế lực siêu nhiên, siêu hình (trời), thì tác giả cũng lại dùng lý lẽ của sự siêu hình, của thế lực siêu nhiên để một lần nữa vạch trần, phê phán sự phi nghĩa, phi lý của giặc. Thật là tài tình, thâm hậu và chặt chẽ!

Câu cuối là kết quả hành động xâm lược “phi nghĩa, phi đạo” của giặc Tống, cũng đồng thời là niềm tin tất thắng của ta. Rằng “Chúng bay” (nhữ đẳng) “sẽ được xem” (hành khan), nhất định sẽ tự chuốc lấy bại vong (thủ bại hư)! Không thể khác được. Lại thêm một lần nữa khẳng định cái thế tất thắng của chính nghĩa, theo đó là cái lẽ tất thua của lũ giặc cuồng ngông.

NAM QUỐC SƠN HÀ, từ xưa đã được xem là một áng “thiên cổ hùng văn”, một bản “tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của người ĐạiViệt. Bài thơ tứ tuyệt, chỉ có 28 chữ, nhưng tình ý thì đủ đầy, sâu sắc, vô cùng sâu sắc, sẽ là mãi mãi bất hủ. Tương truyền, khi nghe “Thần” trong đền thờ hai vị Trương Hống và Trương Hát sang sảng đọc vang bài thơ này, quân sĩ Đại Việt bỗng trào dâng ý chí chiến đấu, nhất tề dũng mãnh xông lên, đánh bại kẻ thù. Còn bọn giặc Tống thì run sợ, tan tác, chuốc lấy bại vong.

Mới hay, văn chương có sức mạnh thần thánh, nâng bước không chỉ cho một đạo quân, một trận đánh, mà hơn thế, cho cả một dân tộc đứng lên và chiến thắng chính mình, chiến thắng kẻ thù cuồng bạo. Ai đã làm ra những tác phẩm vô giá như vậy? Chẳng phải là những trí thức tài cao học rộng đấy ư? Kẻ ít học tầm thường sao làm được cái việc phi thường kia? Trí thức là bộ óc của dân tộc, là lớp người dẫn dắt dân tộc đi lên. Xưa cũng như nay, đều thế cả!

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin nêu thêm quan điểm của chúng tôi về vấn đề văn bản bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ của Lý Thường Kiệt. Vài chục năm trước có bài báo của một vị Giáo sư, “công bố” việc ông ấy đã “phát hiện” được tấm bia rất cổ ở mạn biên giới phía Bắc nước ta. Tấm bia “cổ” này khắc bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ không có tên tác giả (khuyết danh). Thông tin này làm giới nghiên cứu văn học xôn xao, nghi ngờ. Sách Giáo khoa TTPT còn chú thích cái sự nghi ngờ này, tương tự như có người đoán mò rằng CHINH PHỤ NGÂM KHÚC không phải là bản chuyển ngữ của bà Đoàn Thị Điểm. Sách Giáo khoa lại cũng cứ tung hô cái điều nghi ngờ vớ vẩn đó. Rằng bản dịch hiện hành có thể là của Phan Huy Ích. Chúng tôi đã bác bỏ điều này. Chẳng có chứng lý nào đưa ra được, để cho rằng bản dịch hiện hành cuốn CHINH PHỤ NGÂM KHÚC là của ông Phan Huy Ích cả.

Với bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ của Lý Thường Kiệt, tôi cho rằng kẻ xấu đã cố ý tạo ra một tấm bia giả cổ, rồi chôn xuống đất ở một vị trí gần biên giới phía Bắc. Rồi họ bắn tin cho một vài ai đó đến “khai quật” lên, tung lên mặt báo, khiến người Việt hoang mang nghi ngờ tất cả. Họ còn cố ý chôn những cột bia “cổ” ở khắp các đảo của chúng ta, để một khi nào đó, họ lấy làm chứng lý để chứng minh rằng, đây là đất đai của tổ tiên họ. Báo chí đã đăng tải công khai, lật tẩy cái thủ đoạn xấu xa thâm độc này.

Thế nên, cái gọi là “bằng chứng” khai quật tấm bia có bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ được “phát hiện” kia, chỉ là một thứ ngụy tạo hết sức tinh vi, để đánh vào niềm tin ngây thơ của người Việt. Họ còn làm đủ trò lừa bịp. Ấy thế mà khối người Việt đã cả tin vào những trò dối trá. Chẳng phải là đáng tiếc lắm hay sao?

Hà Nội 25-10-2022.

V.B.L

Bạn đang đọc bài viết "Ai là tác giả bài thơ "Nam quốc sơn hà"?" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn