Ba lần thấy cả đại đội cùng khóc

Đặng Sỹ Ngọc

10/10/2021 20:35

Theo dõi trên

Tôi có 14 năm tham gia công tác, chiến đấu phục vụ trong quân đội. Năm 1972, tôi bị thương nặng tại Thành cổ Quảng Trị lúc đang chiến đấu nên tôi được mang chữ “binh”, trong mục “nghề nghiệp” của bản thân, đến hết cuộc đời.

244901864-398375475073372-4460130996040023373-n-1633868575.jpg

Nay đã trên 70 tuổi, có nhiều kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời lính đã qua. Người ta đã viết nhiều về chiến công của đồng đội, đồng bào hạy kể về những niềm vui, nỗi buồn của người chiến sĩ nhưng có thể chưa ai kể về cả đại đội cùng khóc. Còn với tôi ở phạm vi bài viết này xin kể về “Ba lần thấy cả đại đội cùng khóc”.

Lần thứ nhất là khi đại đội của tôi C2D9 (E90 còn gọi là Trung đoàn cửu Long) thuộc Sư đoàn 324B đang chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên, bảo vệ vùng Gio An, phía Nam sông Bến Hải. Những ngày đó, lính thủy đánh bộ Mỹ tham chiến ở Quảng Trị đông lắm. Lực lượng cơ động của chúng đồn trú ở Đông Hà, Ái Tử… Hàng ngày, chúng cho hải quân, không quân kiềm chế, trút biết bao bom đạn xuống vĩ tuyến 17, bởi vậy mà bộ đội ta hi sinh không ít. Quân giải phóng gan dạ đánh cho chúng những trận khiếp đảm như ở Ngã tư Sòng hay diệt cả Tiểu đoàn Trâu Điên. Rồi ở Đầu Mầu bộ đội đánh công kiên đã phá tan bốt giặc... Nhất là những trận như trận của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ “một thắng hai mươi” trên ngọn đồi không tên, bên dòng La La và ở khắp chiến trường B5. Riêng đại đội tôi thì phục kích lính nhà nghề của Mỹ ở đồi tranh Gia Bính, chặn đánh chúng trên các con đường 74, 76... cùng du kích địa phương.

Chúng tôi nổ súng đánh lính Mỹ hằng ngày, làm chúng lo sợ ăn không ngon ngủ không yên. Chúng tôi cũng qua lại sông Bến Hải liên tục đoạn từ Bến Cẩm Sơn, Bên Tắt, Bến Than... phía thượng nguồn sông Bến Hải. Có lẽ vậy, mà nhân dân thường gọi chúng tôi là đội quân “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Cuối thu 1967, đại đội chúng tôi đánh thắng trận trên cao điểm 82. Khi được lệnh bàn giao địa bàn cho đơn vị bạn, đại đội rút ra miền Tây Vĩnh Linh (khu vực Bãi Hà) để củng cố bổ sung vì quân số đơn vị chỉ còn một phần tư. Ba lô, súng đạn, quần áo... còn dính đầy máu của đồng đội và đất đỏ bazan nơi chiến địa. Chưa kịp tắm giặt, chúng tôi có lệnh tập trung xem văn công của Tổng cục Chính trị vào phục vụ tận chiến trường. Cả đại đội vui mừng, đến xem, lắng nghe, cảm động như nuốt lấy từng lời ca của các bài hát: Đường ra mặt trận, Tiếng đàn Ta Lư, ơi dòng La La, và bài Trên cao điểm 82. Nhạc sĩ Huy Thục cũng đã viết về đại đội chúng tôi “Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới...” để cổ vũ cho cả mặt trận. Hình ảnh của những diễn viên nam nữ xinh đẹp cùng tiếng nhạc rộn ràng hòa quyện làm cho chúng tôi mỗi người có một suy tưởng, một cảm xúc khác nhau. Chúng tôi như thấy được hình ảnh của đồng bào miền Bắc quê hương, trong đó có cả bố mẹ, anh em... những người ruột thịt... rồi lại nghĩ đến những đồng đội mới ngày qua, ngày kia ăn ở cùng nhau, vui buồn có nhau nay họ đã hi sinh không về... Sự bùi ngùi, xúc động trào nước mắt, người này nhìn người kia, quệt dòng lệ, không nói nên lời, cảm xúc lan truyền, thành ra cả đại đội đã khóc.

Lần thứ hai, là khi tôi về với Đại đội 10D15E284F367 pháo phòng không, đơn vị được lệnh sang đất nước Hoa Chăm Pa, chiến đấu giúp bạn. Ngày này qua tháng khác ở trận địa lúc nào cũng nghe tiếng súng, nhiều trận đánh đầy cam go, ác liệt, không có lấy một bóng người dân, lâu ngày làm nỗi nhớ của chúng tôi về quê hương, Tổ quốc thêm da diết. Tháng 9 năm đó, nước bạn bước vào mùa mưa, đơn vị phải cùng nhau kéo trang bị vũ khí về nước. Trong mưa gió, bùn lầy, rét mướt, vừa đến biên giới tỉnh Quảng Bình trên đường 12A thì chúng tôi nhận được tin Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc không còn nữa, đơn vị tôi đã dừng lại tổ chức tang lễ Bác trên đỉnh Trường Sơn... Được chỉ định đọc điếu văn tôi không sao kìm được sự xúc động, giữa chừng mếu máo, tôi đã khóc òa, vậy là cả đại đội cùng khóc, đúng như lời thơ của Tố Hữu “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.

Lần thứ ba là khi tôi bị thương nặng, điều trị vết thương ổn định, tôi được về an dưỡng ở tiểu đoàn 04 thuộc đoàn 253, Quân khu 3, ngay phía Bắc, cầu Phú Lương - thành phố Hải Dương, nhân dân ở đó đã giúp đỡ, chăm sóc chúng tôi chí tình cả vật chất lẫn tinh thần. Cán bộ chiến sĩ đại đội lúc này là những thương bệnh binh nặng có cấp bậc từ B bậc trở lên đến cán bộ tiểu đoàn. Họ từ chiến trương miền Nam ra, phần lớn là đảng viên. Đầu xuân năm 1975, cả miền Nam đánh mạnh, giành thắng lợi giòn giã, liên tục, tạo khí thế tiến công ào ào như vũ bão. Đến ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất. Tin thắng trận được anh em theo dõi từng phút, từng giờ qua radio bán dẫn, loa phát thanh của địa phương. Đến khi nhận tin: “Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân ta, của Đảng ta đã toàn thắng”. Đại đội đã tổ chức mít tinh ăn mừng thắng lợi vĩ đại. Bất chợt mọi người nhìn và vết thương của mình đều nghĩ đến quá khứ đầy gian khổ hi sinh, nghĩ đến những đồng chí, đồng bào đã ngã xuống, cho độc lập tự do của đất nước và rồi cả đại đội cùng khóc. Thật đúng như lòi ca trong bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ngắn gọn cùng thời “Vui sao, nước mắt lại trào”.

Chứng kiến ba lần cả đại đội cùng khóc thuộc 3 binh chủng khác nhau, với tôi đó là những khoảnh khắc cảm xúc rất đỗi tự hào, đáng nhớ của một đờí lính.

 

Theo Trái tim Người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ba lần thấy cả đại đội cùng khóc" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn