Binh nhì - Kỹ sư “ Chờ đợi” (tiếp theo)

Nguyễn Vinh Hùng

07/01/2022 13:10

Theo dõi trên

Về lại đơn vị cũ, hầu như chẳng có việc gì làm. Lính huấn luyện xong, lại vừa qua một chuyến đi hụt, chỉ biết chờ.

Gọi là chờ, nhưng đã là một tổ chức, thế nào cũng có lịch làm việc đàng hoàng, đại để như: buổi sáng, lao động (gọi là làm việc cho có, ví như vác gạch, khoán mỗi thằng 120 viên, vác từ chỗ nọ ra chỗ kia, xong sớm nghỉ sớm). Buổi chiều tiếp tục học chính trị (các giảng viên đã rút kinh nghiệm, “chẳng hơi đâu mà lí luận với với bọn này”; thế nên, nếu có thiếu vài thằng, càng tốt). Buổi tối, vẫn điểm danh và sinh hoạt như thường lệ. Lợi dụng lúc rảnh, chúng nghĩ ra đủ các loại việc riêng. 

binh-nhi-ky-su-1641535784.jpg
Ảnh minh họa

 

Những thằng mới được tiếp tế, rủng rỉnh tiền trong túi thì rủ nhau ra Sơn Tây, tìm quán ăn để cải thiện. Có tiền sướng thật, đến hàng nào cũng được mời, chèo kéo. Một bữa, đứng giữa hai gánh hàng, bác lớn tuổi bán miến, cô gái trẻ bán phở, nó cứ phân vân mãi chưa biết ăn gì, thế là bác lớn tuổi niềm nở:

- “Mời chú ngối đi, bên náy là háng mẹ, bên kia là háng con, háng náo cũng ngon, muốn xơi háng náo thí xơi”.

Vẫn biết, vùng này, khi nói từ có dấu huyền, thường được nhấn mạnh thành dấu sắc. Cố gắng nhịn cười và định nói nghiêm túc rằng cháu thích ăn phở, thế mà chẳng biết sao, nó lại nhịu theo giọng nói của bác bán hàng:

- Háng con ngon hơn, cháu ăn háng nay!  

Sợ người ta giận vì “chửi cha không bằng pha tiếng” thế là nó bắt thằng Dư và thằng Hưng ăn miến, nó thì cắm cúi ăn phở, như một kẻ tội đồ. Ăn xong, dứt khoát nó đòi trả tiền cả hai bên, như để chuộc lỗi với bác bán hàng.

Những thằng lâu chưa có người lên thăm, không được tiếp tế thì kiếm đồ cải thiện bằng cách chia thành hai nhóm, đi bắt trai và mua rau:

Nhóm bắt trai chịu lạnh tốt, dù đang là mùa xuân nhưng lội xuống ao vẫn lạnh lắm. Thường, chúng đi khoảng 4 thằng, khởi động cho thật kỹ (hôm nào lạnh quá phải uống nước mắm cho nóng người) rồi lội xuống ao gọi là dậm trai, phải dậm nhẹ để không đứt chân nhưng cũng phải vừa đủ sâu để cảm nhận được con trai. Khi xác định đúng vị trí, nhẹ nhàng ngụp xuống, thế là được một con. Cứ như vậy, đến gần trưa cũng đủ cho một tiểu đội.

Nhóm đi mua rau (gọi thế hơi ngượng bởi ngày nào cũng đi mà có khi nào chúng mất tiền đâu), phải chọn mấy thằng đẹp trai, dẻo miệng, vào tận nhà, vừa hỏi mua, vừa tán, những câu đại loại như:

- Sao mà u chịu khó thế.

- ...

- Giống hệt như mẹ con, vừa phúc hậu, vừa hay thương người.

- ...

Trong khi đó, mấy thằng kia tản bộ ra vườn làm như thích thú cảnh làng quê, rồi... nhanh như cắt, mấy thứ nhỏ nhỏ như cà chua, xu hào... được tuồn ra ngõ.

Tán tỉnh một hồi, thằng đẹp trai hỏi mua cây cải bắp (cây này to, rất khó tuồn). Vốn thương bộ đội; vả lại, mùa này cải bắp đang rất rẻ, bác chủ nhà hào phóng:

- Thôi, tao cho, bộ đội vất vả, ai mà lấy tiền của chúng mày.

Thế là trưa hôm đó, chúng có đồ ăn ngon. Không sơn hào hải vị, nhưng là những món đặc sản, đậm chất quê. Thằng Hải, kỹ sư cơ khí, học ở Đức về, ăn đến bát thứ mười ba mà vẫn thòm thèm, tay vét nồi, miệng lẩm bẩm: từ ngày về nước, hôm nay tao mới được một bữa no.

Từ khi xong đợt huấn luyện, hầu như ngày nào cũng thế, lao động chỉ một lúc, tản đi kiếm ăn cũng một lúc, thế là xúm vào nấu ăn. Bữa nọ, anh nó lên, mang đồ tiếp tế, xem chúng nó ì xèo, cãi nhau như mổ bò, anh nó cười và bảo:

- Tao có hơn mười năm trong quân đội, chưa thấy đơn vị nào luộm nhuộm như chúng mày.

Mấy thằng đang dọn cơm, nói vừa như tự hào vừa như thanh minh:

- Thế mới gọi là “Lính Mía” anh ạ.

Đến cuối tháng tư thì sự luộm nhuộm đó hình như được lan sang cả tiểu đoàn sỹ quan dự bị đóng ở Đền Và (bọn này nhập ngũ hôm 11/3, hình như được mệnh danh là quân 381) bởi tin đồn chuẩn bị di chuyển lại một lần nữa ngày càng dồn dập. Vẫn chỉ là tin đồn, nhưng, lần này, gần như chắc chắn nó đi quân khu 9, tức là vào tận Cần Thơ.

7. Lên đường thật

- Ơ, sao đoạn này tao chả nhớ gì cả, vẫn biết là đi tàu thủy từ Hải Phòng, nhưng xuống Hải Phòng bằng gì, đi thế nào? tao không nhớ?  - Mặt nó thần ra.

- Hình như hôm trước, kỷ niệm 40 năm, “Tiến Thổ” có viết về đoạn này, có thể tham khảo được gì không – tôi nhắc để nó nhớ thêm.

- Ừ, phải rồi, đưa đoạn đó vào, cũng hay đấy. Nhưng bây giờ ngoài 60 rồi, gọi “Tiến Thổ”, nó có chịu không, gọi là anh Tiến cho đàng hoàng. Mấy năm trước, có gặp ảnh một lần tại Sài Gòn, nhưng thời gian ngắn quá, chẳng kịp hỏi thăm nhiều. Qua Facebook mới biết, ổng đã đến tuổi hưu nhưng, nghe đâu vẫn còn ham viết phần mềm theo dõi thủy văn ở một số dòng sông. Làm khoa học ở xứ này, chán bỏ mẹ.       

Anh Tiến viết như thế này:

“ Ngày 8/5/1981. Báo động di chuyển. Nói cho oai, tập hợp nghe phổ biến: Các đồng chí đi Quân khu Bảy và Quân khu Chín chuẩn bị. (Nhắc lại Báo động chiến đấu thì chỉ mang súng, báo động di chuyển là có gì mang hết. Với Lính Mía thì hai loại báo động như nhau, súng không có mà đồ cũng không. Ngoài ngôi sao trên mũ cối (chính thức được phát), chả có gì giống lính, quần áo chả ra màu lính, không quân hàm quân hiệu gì cả. À, có cái đầu bị húi trọc do trước đó định bỏ bầu cử trốn về Hà Nội, ra Sơn Tây bị quân cảnh nó lùa quay lại bỏ phiếu, tiện thể húi trọc cho dễ phát hiện. Hehe)

Sau một lần đi hụt bằng tàu hỏa. Lần này đi tàu thủy vào Nam. Háo hức vì cuối cùng cũng chấm dứt thời kỳ lộm nhộm F354 để bắt đầu giai đoạn mới. Háo hức vì lần đầu tiên đi biển.

Lằng nhằng mãi, tối mịt mới về đến Hà Nội. Sỹ quan dẫn quân phổ biến: Tùy nghi di tản, sáng mai, đúng 4 giờ, tàu chạy, ai không có mặt sẽ bị coi là không có mặt. Giải tán!. Đại loại thế, nhời văn có thể không chính xác. Lính ai về nhà nấy, ai không có nhà Hà Nội thì về trường cũ ngủ nhờ.

Về nhà, tính đạp xe lên Phúc Yên (trường Tài Chính, of course), phải đi đường QL2 vì giờ đó đò qua bến Chèm không hoạt động, nhẩm tính lên rồi về cho kịp 4 giờ sáng ra ga là không thể. Đành chạy qua nhà em để chào bố mẹ. “U” nhất định giúi cho mấy trăm, chả nhớ, định từ chối, nhưng nhận thấy “U” đã coi mình như con rể, đành nói: Con xin bác. Chả ngủ được vì buồn, vì nhớ và cả vì lo sợ tương lai…

Gọi Dũng Funro ngủ đâu đó trong khoa Thủy Văn không được, chửi ầm ỹ trước nhà số 1 "Đảng Mình thằng Dũng đen, có dậy mà ra ga không, bố mày đ... đợi được", rồi đi ra ga Hàng Cỏ cho kịp giờ. Ông già đưa ra ga, chả dặn dò gì, chỉ lẩm bẩm: Bộ đội chúng mày chửi bậy quá thể.

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội…”, lần đầu nghe khổ thơ cụ Thi từ bố nào C2, đã kể lần trước, trong lúc tàu lăn bánh trên cầu cạn Phùng Hưng sáng 9/5/1981, rời Hà Nội đi Hải phòng. Lên tàu thủy Thống Nhất, chiều hôm đó ra Vịnh Bắc Bộ”.

- Hết rồi à? Nó bảo: để tao, nhớ rồi. Rít một hơi thuốc dài, nó kể tiếp:

Chuyến tàu này không chỉ có Lính Mía, nghe đâu còn có mấy đơn vị tân binh, toàn lính trẻ, cỡ 18 tuổi, mới nhập ngũ vài tháng, nên chúng ồn ào như ong vỡ tổ.

 Sau khi ổn định vị trí, chúng nó đua nhau lên boong ngắm cảnh, tận hưởng cái cảm giác lần đâu tiên được đi trên loại phương tiện to, đẹp và hiện đại như thế. Tàu được đóng tại Đức nhưng chủ sở hữu lại là một công ty của Nauy. Nó là một trong đôi tàu song sinh mang tên một hoàng tử và một công chúa, chúng được hạ thủy từ năm 1961, sau khi dùng chán, họ bán lại cho Việt Nam; thế mà, đến tháng 5/1981, nghĩa là 20 năm sau, trong mắt của những người lính kỹ sư Việt Nam, nó vẫn như một thiên đường.

Sáng hôm sau, thức giấc cùng bình minh.Trong khi Lính Mía chúng nó tỏ ra “người lớn” hơn bằng các động tác tập thể dục, uống cà phê, chuyện trò về khí hậu ngoài biển rồi tiếp tục tranh luận về nguồn gốc và sự hiện đại của con tàu... thì đám tân binh trẻ lại tò mò khám phá và chủ động “nghiên cứu” những chi tiết trên tàu. Ban đầu là những nút bấm, cứ ấn vào là chuông ở phòng tiếp viên lại vang lên; nhưng, do tàu quân sự, làm gì có tiếp viên; nên, họ bấm sướng tay mà chẳng thấy ai bảo gì. Kế đến là những dây giật, mỗi phát giật là một “con diều” từ thân tàu bay ra, chao liệng, thật là đẹp, thật là nên thơ. Tàu năm sao có khác, họ nghĩ ra đủ thứ trò chơi cho khách.

Bỗng, một nhân viên nhà tàu thét lớn: Dừng lại !, không được thả phao cứu sinh !

Thì ra, mỗi lần giật dây là một phao cứu sinh bay xuống biển, thế mà họ tứ tưởng những con diều. Uớc sơ sơ, cũng gần chục con diều như thế được bay lượn trong không trung trước khi lềnh bềnh trên mặt biển.

Không tò mò khám phá nữa, họ tập trung trên boong để hò hét, họ hét đến khản cả tiếng mỗi khi phát hiện đàn cá chuồn bay lượn trên sóng. Rồi họ nhảy, họ la như muốn cãi nhau với biển cả.

Tưởng sự ồn ào sẽ tồn tại suốt chuyển đi; nhưng không, nó lắng dần..., lắng dần..., đến khoảng quá trưa thì im bặt, thay vào đó là những tiếng nôn, họ nôn thốc, nôn tháo, nôn như chưa bao giờ được nôn, lúc đầu còn lẫn đồ ăn; sau chỉ là một thứ nước vàng vàng, thế mà họ vẫn nôn. Thì ra, con tàu này, trước đây ở xứ lạnh nên có một hệ thống sưởi ấm dẫn tới tận buồng khách. Khi về Việt Nam, hệ thống này được cải tiến thành hệ thống thông gió, nhưng do không đủ chuẩn nên, hầu hết khách đi tàu đều bị say sóng.

 May mà, đến tối 11/5, thả neo ở biển Vũng Tàu, hôm sau mới có hoa tiêu dẫn vào cảng Sài Gòn. Tàu ngưng chạy, chỉ còn tiếng rè rè của máy phát điện, chúng nó được một đêm ngủ ngon, cơn say sóng bớt đi nhiều.

Khoảng 11 giờ trưa hôm sau, tàu cặp cảng Sài Gòn, nghe nói thế, chứ có nhìn thấy gì đâu, xe khách đậu ngay cầu cảng, nó không được đặt chân xuống đất mà bước ngay lên xe, các cửa kính trên xe cũng được che kín. Xe chạy hồi lâu mới thấy một khe nhỏ, nheo mắt nhìn ra thấy trên đường Hậu Giang. Lần đầu tiên chạy qua Sài Gòn của nó là thế.

Sau khoảng hơn một giờ xe chạy, có những tiếng tranh luận gay gắt, sau thành to tiếng..., rồi cãi nhau..., hình như có cả chửi thề. Hóa ra họ đấu tranh với cán bộ dẫn đường, đòi quyền lợi. Nó không quan tâm lắm đến những việc như thế; nhưng nghĩ, họ chửi cũng phải. Cứ tính đi..., trưa mùng tám ăn cơm bụi ở Sơn Tây, tối cơm nhà; trưa mùng chín, tất bật lên tàu, có ăn uống gì đâu. Ba ngày ngoài biển thì mất ngày rưỡi say sóng. Đến hôm nay, đã quá trưa, vẫn không thấy có biểu hiện gì. Không chửi mới là lạ !.

Khoảng ba giờ chiều, tập kết ở quân khu Chín, phường Cái Khế, thành phố Cần Thơ. Quái lạ, vẫn biết ở Đồng bằng sông Cửu long có nền đất yếu, nhưng làm gì đến nỗi bước xuống đất mà cứ tròng trành, tròng trành, ai cũng thế chứ không phải mình nó. Mãi sau, thằng Dư bảo:

- Chúng mày ngu quá !, lênh đênh trên biển ba ngày, giờ bước xuống, không ngã là may rồi, từ từ đi, hai ngày sau mới hết, con ạ !.

Thằng Dư giỏi thật !, phải đến hai ngày sau nó mới lấy lại được cảm giác bình thường.

(Còn nữa...)

Theo trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Binh nhì - Kỹ sư “ Chờ đợi” (tiếp theo)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn