Câu chuyện tình yêu của người thương binh

Phạm Thúy Hậu

14/12/2021 09:30

Theo dõi trên

Bức thư chú gửi cho tôi theo đường bưu điện chuyển phát nhanh, bì ngoài thư đề tên: Đặng Sỹ Ngọc- Thành phố Vinh.  Như mọi lần, tôi vội vàng lấy kéo cắt mép thư cẩn thận.

cau-chuyen-nguoi-thuong-binh-1639446149.png
Anh do tác giả cung cấp

 

Bức thư kín bốn mặt giấy kể về những câu chuyện thời chiến của chú mà tôi rưng rưng xúc động. Có lẽ ít ai biết tất cả các câu chuyện chú Ngọc ấy đều viết trên những cuốn sổ.  Sau đó nhờ người khác đánh máy giúp. Rất nhiều bài viết của người thương binh 81% ấy,  cho tôi hiểu rất nhiều điều về giá trị của hòa bình, sự khốc liệt của chiến tranh mà tôi chỉ học trong sách vở, báo chí… Đằng sau những câu chuyện chú viết  đăng trên trang Trái tim người lính Việt Nam, báo Quân đội nhân dân  là một người lính cực kì đôn hậu.

Hôm nay, chú viết thư  cho tôi kể về tình yêu của chú với  nữ y tá tên Nghiêng mà chú từng mến thương...

“ Bốn giờ sáng ngày 20/7/1972, tôi bị thương lần cuối cùng rất nặng. Được đồng đội nhanh chóng vận chuyển cấp cứu ở các đội phẫu thuật tiền phương. Tôi bị bó bột toàn thân, được chuyển ra Bắc, Bom đạn kẻ thù hằng ngày trút xuống tuyến đường Trường Sơn. Ô tô không thể đi được. Sau đó, các đồng chí ở trạm chuyển tôi bằng cáng. Đến Ninh Bình có xe đón chuyển tôi thẳng về viện 108. Thời gian từ Nam ra Bắc và điều trị đúng 150 ngày.

 Sau đó, tôi được điều trị ở các bệnh viện lớn khác: Viện 4, 5,7,10,105, 109.  Đến ngày 1/5/1973, tôi đến  Đoàn an dưỡng 253 ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương để an dưỡng. Lúc đó, các vết thương của tôi đã liền sẹo. Tôi được vào D4 của đoàn. Có 4 Đại đội. Mỗi Đại đội có khoảng 200 người. Gồm các cái bộ sơ cấp từ B trưởng tới cấp Tiểu đoàn. Trong Đại đội của tôi có 3 nữ quân y được phân công chăm sóc chúng tôi. Nữ y sĩ tên là Dũng  ( nghe như tên con trai), y tá Hải và Nghiêng.

Tất cả các cán bộ được an dưỡng ở đây là thương bệnh binh, phần lớn là Đảng viện được chuyển từ mặt trận phía Nam ra. Tôi ở đoàn an dưỡng khá lâu, tận năm 1977 tôi mới trở về quê. Những năm tháng ở Đoàn An dưỡng – Người chăm sóc tôi tận tình chu đáo chính là em, người con gái có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thúy Nghiêng. Em có khuôn mặt khá xinh, chiếc răng khểnh cười thật duyên.  Tính tình vui nhộn.  Tôi âm thầm tìm hiểu  về em thì được biết  Nghiêng là con gái của một cán bộ quân đội đang chiến đấu ở chiến trường miền  Nam. Quê em ở Ân thi, Hải Dương. Năm 1972, em xung phong đi bộ đội, học lớp y ta và phục vụ tại Đoàn An dưỡng này.

Tôi mến Nghiêng lắm nhưng với cái bản tính nhút nhát của tôi nên không dám  ngỏ lời. Có hàng trăm sĩ quan ở đó, tôi lại là thương binh nắng, quê tôi thì mãi tận Hà Tĩnh xa xôi.  Mẹ tôi  thì dặn dò:

- Con phải lấy vợ bộ đội, làm nghề y, được cùng quê thì càng tốt để dễ bề chăm sóc…

Tôi mến em đến cháy gan, cháy ruột. Có hôm giúp em sửa soạn lại buồng tiêm, em rụt rè nhìn tôi và nói:

- Anh Ngọc hỏi vợ được rôi đấy!

- Tôi là thương binh nặng và quê ở xa thì ai lấy – Tôi thật thà trả lời.

- Cứ hỏi đi sẽ có người lấy đấy!

Tôi không dám hỏi em nửa lời… Chỉ nghĩ mình thương nặng thế chỉ làm khổ em. Em lại trẻ trung, xinh đẹp, tương lai còn rộng mở phía trước.

 Rồi thời gian lặng lẽ  trôi đí, tôi được trở về nhà. Chia tay bịn rịn, lưu luyến mà vẫn lặng im tiếc nuối.

Vài năm sau, tôi về tận quê tìm em, được bác Chủ tịch xã đưa đến tận nhà.  Nhưng quá muộn vì em đã lấy chồng. Chồng em cũng là thương binh như tôi, quê ở Bắc Ninh. Gặp nhau vui mừng vô hạn,  Hai vợ chồng đón tiếp tôi cới mở chân tình. Lúc chia tay, em đưa tôi ra tận bến xe.

Không ai nói với ai về chuyện tình cảm nhưng  chắc chắn cả hai đều tiếc nuối  những kỉ niệm thật đẹp đẽ thật trong sáng của thời tuổi trẻ. Chiếc xe dần chuyển bánh trở về mảnh đất miền Trung . Suốt cuộc đời này tôi chỉ mong em sống thật hạnh phúc…”

Câu chuyện tình  yêu thời chiến của người thương binh thật cảm động. Tình cảm của lính là thế : nồng nàn, cháy bỏng và cả sự hy sinh thầm lặng. Chỉ mong khi đọc được câu chuyện này,  nữ y tá Nguyễn Thúy Nghiêng năm xưa hiểu được tình cảm cao đẹp của anh thương binh ngày nào, chưa một lần thổ lộ cảm xúc thật của mình.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Câu chuyện tình yêu của người thương binh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn