Chị  May

 Phạm Thúy Hậu

17/08/2021 05:48

Theo dõi trên

Chị uất nghẹn lên tận cổ, có thực sự đây là lí do anh ruồng rẫy chị không?

2-chi-may-1629154008.jpg
 

Chị đi làm về hơi muộn. Hôm nay, hai đứa trẻ đã nấu cơm canh tươm tất từ lâu. Chúng ra cổng hóng mẹ về. Chợt thăng em reo lên:

- A , mẹ về rồi.

Nó tíu tít khoe là bố đã về và mua cho hai chị em rất nhiều quà. Con chị đỡ dắt xe đạp cho mẹ vào sân, không nói gì.

Cơm nước xong, hai đứa trẻ dẫn nhau sang hàng xóm chơi. Anh chồng mới rút trong cặp ra một tờ giấy và nói với vợ:

- Cô kí vào đơn cho tôi!

- Anh nói gì thế?

- Tôi bảo cô kí vào đơn li dị cho tôi. Thầy bói bảo rằng cô hãm tôi nên tôi không làm ăn đươc. Lấy nhau bao nhiêu năm, tôi làm ăn toàn thất bại. Cô buông tha cho tôi...

Chị uất nghẹn lên tận cổ, có thực sự đây là lí do anh ruồng rẫy chị không?

Chị ôm ngưc. Chị đau đến cùng cực. Chị chạy ra khỏi phòng và khóc nức nở. Hai đứa trẻ con đi chơi về thấy mẹ khóc cũng khóc theo. Chúng nó cũng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với mẹ…

Ngày trước, họ là một đôi trai tài gái sắc . Quang công tác bên địa chất còn chị làm bên văn hoá. Cứ mỗi buổi chiều, May  tập văn nghệ ở cái sân văn hoá ( bây giờ là sân vận động, do bị hoả hoạn cháy hết nên đã rời đi nơi khác) là chàng trai đó lại đứng xem. Cô gái mặc bộ đồ lụa trắng bên bộ gõ , bàn tay uyển chuyển theo nhịp  đã khiến anh chàng  địa chất ấy mê mẩn. Anh mê tiếng hát trong trẻo cao vút của chị như tiếng  chim rừng lảnh lót. Khuôn mặt  xinh như bông hoa của núi làng Phạ với nụ cười rất duyên. 

Thế rồi, họ gặp nhau rất tình cờ vào một buổi sáng mùa thu. Vừa ra đến cổng, cái xe đạp bỗng dưng tuột xích, cái quần của chị bị dính luyn đen nhẻm. Cái đĩa xe vênh lên như đùa cợt. Chị muốn khóc vì sắp trễ giờ làm. Bỗng nhiên có tiếng hỏi:

- Xe đạp của em làm sao thế

- Xe của em bị tuột xích- chị trả lời, không ngẩng mặt lên.

- Để anh sửa cho.

Anh nắn lại cái đĩa và lắp xích vào. Đạp thử vài vòng. Chàng trai bỗng thốt lên ngạc nhiên:

- Ơ, nhà em ở đây à?

- Vâng ạ. Em cảm ơn anh!

Cuộc gặp gỡ nhân duyên nối kết họ thành một đôi uyên ương mà mọi người ngưỡng mộ. Đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới của hai cơ quan thật vui. Chú Đô - Giám đốc mỏ  đứng ra làm chủ hôn. Chú Nguyễn Duy Hạnh – Trưởng phòng Văn hóa của huyện đại diện cho nhà gái, cầm tay cô dâu bước vào hội trường. Chị rạng ngời trong hạnh phúc. Nhận những lời chúc tụng từ bạn bè và gia đinh.

Những năm tháng của cuối thập kỉ 80, kinh tế khó khăn. Công việc của chị bận rộn suốt ngày, anh cũng vậy. Họ chỉ gặp nhau vào buổi chiều tối. Chị vốn chăm chỉ nên việc nhà, việc nước chị chu toàn.

Vết rạn bắt đầu từ khi chị có bé. Lương hàng tháng của hai vợ chồng chỉ tạm đủ nuôi con. Còn bao nhiêu việc đối nội, đối ngoại chị khéo léo nên mọi người rất quí. Hai gian nhà tập nhà lá nhỏ bé, chật hẹp đủ kê được cái giường và bộ bàn ghế. Chị làm thêm gian trái để nấu ăn. Mượn được cơ quan chỗ cuối vườn để làm cái chuồng lợn. Chị nấu rượu, còn cái bỗng làm thức ăn cho lợn tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống nghèo khó nhưng chi vẫn cố gắng hết mình,

1-phong-canh-nui-doi-rong-1629154008.jpg
 

Bỗng một hôm, đứa bạn thì thầm:

- Này, mày thấy ông Quang  có khác không?

- Khác gì? Chị ngạc nhiên hỏi.

- Ông Quang  nhà mày có gái đấy. Yêu con bé cùng cơ quan. ..

Chị bàng hoàng, không tin. Tự động viên mình là chỉ hiểu lầm.

Nghĩ lại thời gian gần đây, anh không đưa tiền lương cho chi. Đi giao rượu cho quán cũng ít đưa. Chị hỏi thì anh bảo: Trả tiền gạo cho quán rồi.

Chị tin là như thế. Nhưng cuối cùng chị mới vỡ lẽ mọi chuyện.

Anh ta đã yêu một người cùng cơ quan. Chị im lặng không nói một câu nào. Chỉ biết trong lòng bỗng trở nên xa vắng. Nghe đâu anh ta cũng bị dắt mũi bởi cô kia cặp bồ với một ông giàu có, lắm tiền…

Thời điểm đó, cơ quan chồng không có việc làm. Anh lấy cớ đi làm ăn xa. Thi thoảng mới trở về thăm gia đình. Chị sinh đứa thứ 2 cách đứa đầu 4 năm. Một nách hai đứa con nhỏ, lương không đủ chi tiêu chị phải làm đủ nghề xoay sở kiếm sống. Rồi con ốm đau, nhiều hôm chị thức thâu đêm chăm con. Sáng phải dậy sớm để giao rượu. Chị học cả cắt tóc, làm đầu để ngày nghỉ kiếm thêm thu nhập. Thời gian anh chồng về nhà cũng thưa dần. Có hôm mái nhà dột, nước mưa rơi đúng chỗ nằm. Chị đặt cái áo mưa lên đình màn, rồi lấy chậu hứng. Chị thức canh cho các con ngủ say mà nước mắt cứ rơi.

Và bây giờ, anh ta xỏe lá đơn li dị. ..Chị chỉ còn ngậm đắng nuốt cay. Chị muốn níu lại để cho con có bố. Giờ thì chấm hết. Con bé lớn đã học lớp 8, thằng bé đã học lớp 3. Đứa con gái khóc sướt mướt khi biết chuyện và bỏ cơm mấy bữa. Chị ôm con vào lòng hết sức khuyên giải. Các con như hiểu nỗi lòng của chị nên răm rắp nghe lời.

Mãi sau chị mới biết anh ta  đã có con với người khác ở Đà Nẵng. Chỉ về để chị kí đơn để họ hợp lí hóa gia đình. Chị chua chát:  tên mình là May  mà lại không may mắn chút nào.

 Những năm tháng nhọc nhằn chị không hề kêu ca. Đến khi vợ chồng chia tay, mọi người hỏi chị chỉ  trả lời: lỗi tại mình. Không hé răng với bất kì ai.

 Niềm vui của chị là con cái, là công việc. Con chim rừng vẫn cất tiếng hót vang. Chị giành được nhiều giải thưởng về văn hoá nghệ thuật.  Người con gái bên dòng sông Chảy năm xưa  vẫn kiêu hãnh mang lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời.

Trời  thương nên chị nuôi hai con trường thành, có công ăn việc làm ổn định. Đứa lớn là giáo viên tiếng Anh, rất có khiếu dẫn chương trình trong những cuộc thi. Cậu con trai mở một nhà hàng rất đông khách... Các con đã không làm chị thất vọng.  Nhưng riêng đối với người chồng cũ chị vẫn vị tha. chị luôn  dặn các con  “không được ghét bố”…

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

 

Bạn đang đọc bài viết "Chị  May" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn