Có những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn anh hùng thầm lặng (Kỳ 2): Chiến đấu với lòng yêu nước và để bảo vệ tình yêu của mình

Thành Đô (St- tổng hợp)

22/04/2022 06:55

Theo dõi trên

Mỗi khi có dịp được kể về những ký ức của trận tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân 1968 của quân và dân miền Nam, đại tá Tư Cang - anh hùng tình báo, không bao giờ quên nhắc tới trận đánh của 15 chiến sỹ biệt động thành vào dinh Độc Lập rạng sáng mùng 2 tết.

Sở dĩ ông Tư Cang nhớ hoài là vì thời điểm ấy, ông đang ở trong nhà cô Tám Thảo trên đường Gia Long ( nay là Lý Tử Trọng ) tại vị trí rất gần với dinh Độc Lập và ông cũng được “chia lửa” giúp họ trong thời khắc khó khăn và thật may, ông thoát nạn trong gang tấc sau đó.

biet-dong-1650585277.png
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Chú Tư Cang kể : xế chiều hôm đó ngày mùng 2 tết, từ cửa sổ nhà cô Tám Thảo, tao thấy các anh biệt động Sài gòn nổ súng từ hồi khuya đánh vô dinh Độc Lập nhưng không vào được. Họ giữ được trận địa theo hiệp đồng là sau ấy 2h sẽ có quân tiếp viện của mình tới ứng cứu. Nhưng không có quân tiếp viện, các chiến sỹ biệt động đã chiến đấu trong vô vọng, tụi nó vây chặt khu vực này. Họ rút vào toà cao ốc 5-6 tầng đang xây dở ở góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân cố thủ ở đây. Không biết họ còn bao nhiêu người, nhưng dũng cảm lắm, họ đánh trả quyết liệt khiến tụi nó gần cả ngày trời vẫn không thể chiếm được toà nhà sau hết đợt xung phong này tới đợt xung phong khác của bọn chúng. Sau ấy, tiếng súng chống trả của các anh ấy thưa dần, có dấu hiệu đã gần hết đạn. Đối diện với toà cao ốc đấy có căn nhà cao và trên sân thượng, tụi nó đặt sở chỉ huy để quan sát và đưa ra các phương án đánh lại các chiến sỹ của ta trong toà cao ốc. Cô Tám Thảo theo dõi sự kiện cùng với tao và luôn miệng nói : anh Tư ơi, có cách nào chia lửa với các ảnh ở bên trong không? Tội nghiệp quá, thấy họ chọi cả gạch đá ra rồi? Tao mới hỏi lại cô ấy : thế theo em thì chia lửa với họ bằng cách nào? Thì anh bắn mấy thằng chỉ huy đang ở trên nóc nhà kia kìa! Tao ước tính khoảng cách từ cửa sổ này tới chỗ chúng nó đang đứng ở kia chỉ tầm 50-60m, dư sức tao bắn bách phát bách trúng bằng súng lục K-54. Ngẫm chút, tao quay sang nói với cô Tám Thảo : anh có thể bắn hạ được chúng nó, chia lửa với mấy ảnh ở bên trong. Nhưng hết sức nguy hiểm, tụi nó sẽ lần theo vết đạn mà xác định được hướng bắn ra từ đây. Như vậy, tụi nó sẽ bao vây khu vực này, anh có thể phải hy sinh, nhưng còn em, gia đình em nữa thì sao? Sẽ tan nát hết. Không được đâu em. Anh Tư khỏi lo,- cô Tám Thảo nói từ tốn, chuyện đó anh để em, em sẽ có cách. Thế là tao xách luôn 2 cây súng K-54 ra, sau đó bình tĩnh ngắm bắn vào 2 cái đầu chỉ huy nổ liền 2 phát. Tiếng la hét của tụi nó như bò rống, nghe rõ mồn một!

Hôm nay gặp cô Chính Nghĩa ở đây, tôi kể lại câu chuyện của chú Tư Cang cho cô nghe, cô bảo : đúng như anh Tư kể đó. Lúc đó tụi tôi gần hết đạn rồi, thậm chí còn lấy cả gạch đá xây dựng trong toà nhà chọi ra với tụi chúng nó. Bỗng nghe có 2 tiếng súng nổ. Rõ ràng là tiếng súng của đàng mình bắn chia lửa với tụi tôi rồi. Mừng quá, nhưng không biết từ đơn vị nào? Nghe tiếng la của tụi nó rồi đạn bắn loạn xạ. Sau rồi không thấy tiếng súng của đàng mình nổ nữa, nghĩ chắc các ảnh cũng bị bao vây? Tất cả chúng tôi đều nghĩ, không chiếm nổi toà nhà và bắt được chúng tôi ở đây, chắc tụi nó sẽ cho nã pháo đánh sập toà nhà, chúng tôi xác định hy sinh hết. Thời khắc ấy gay go lắm, không ai nghĩ mình có thể sống sót được sau trận đánh ác liệt này.

Tôi đề nghị cô Chính Nghĩa kể đôi lời về trận đánh này, bà nói : tôi tham gia biệt động thành từ 4/1965, nhưng chưa được tham gia trực tiếp vào một trận đánh cụ thể nào của biệt động thành. Tôi tha thiết đề xuất với lãnh đạo để cho mình được tham gia trực tiếp cầm súng, nhất là sau khi nghe tin anh Bảy Bê bị tụi nó bắt và đày ra Côn Đảo. Cho tới cuối 1967, anh Tô Hoài Thanh gọi tôi ra và nói : Tụi anh thấy em có nguyện vọng được cầm súng đánh giặc, kỳ này sẽ cho em cơ hội. Mừng quá, tôi nhảy cẫng lên vui mừng như được nhận quà. Mười lăm chiến sỹ biệt động do Tô Hoài Thanh chỉ huy, trong đó có tôi là cô gái duy nhất được giao nhiệm vụ đánh vào dinh Độc Lập là 1 trong 10 mục tiêu được bộ Tư lệnh miền giao cho biệt động thành trong chiến dịch Mậu thân 68. Khoảng 2h sáng trận đánh bắt đầu. Chiếc xe tải nhỏ chở 200 kg thuốc nổ TNT lao vào cổng phụ của dinh bên đường Nguyễn Du đã không kích hoạt được do trục trặc.

Cửa mở không thành, cuộc đấu súng giữa những chiến sỹ biệt động với giặc đã diễn ra ác liệt. Các chiến sỹ của ta không cách nào có thể lọt vào được bên trong dinh. Địch ở bên trong bắn ra xối xả. Khi đó có 2 chiếc xe GMC của tụi địch tới ứng cứu, các chiến sĩ của ta chiến đấu dũng cảm và dùng B40 bắn cháy. Trong những phút ấy của trận đánh, anh Tô Hoài Thanh-chỉ huy trưởng trận đánh đã bị trúng đạn. Trên tay của đồng đội, anh ấy chỉ kịp nhắc mọi người đúng một câu rồi ra đi : các đồng chí không được bỏ trận địa. Phải cầm cự được trong 2h sẽ có đại quân tới ứng cứu. Thế là, người chỉ huy đã sớm hy sinh, đặt chúng tôi ở trong hoàn cảnh vô cùng bất lợi.

Trận đánh ngày càng ác liệt, địch từ 2 phía đường Nguyễn Du kéo tới giải vây bắn dữ dội vào đội hình của ta. Cầm cự được hơn 3h mà vẫn không thấy đại quân tới ứng cứu, anh em đã hy sinh mất 7 người rồi và trời đã gần sáng, anh Lê Tấn Quốc -chỉ huy phó trận đánh mới ra lệnh cho anh em rút lui. Nhưng đi đâu bây giờ, các ngả đường đều bị chúng vây chặt? Nhìn thấy toà nhà 5-6 tầng đang xây dở ở góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân, chúng tôi gồm 8 người còn lại dìu nhau vào đấy để cố thủ. Gần một ngày một đêm cầm cự đánh trả địch, anh Lê Tấn Quốc đã hy sinh, 7 người còn lại ai cũng bị thương và mệt lả vì đói và khát nước. Tụi tôi quyết định rút lên tầng trên cố thủ và đợi tới khuya sẽ tìm cách thoát ra theo nóc nhà mấy căn kế bên. Sau cùng, rạng sáng mùng 3 tết, tất cả 7 người cũng theo nóc nhà thoát ra, nhưng không đi xa được, địch theo vết máu vây bắt được cả 7 người.

Nghe bà Chính Nghĩa kể chuyện trận đánh, họ thật dũng cảm và đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Thời khắc chúng lần theo vết máu để truy bắt chúng tôi, bà Chính Nghĩa kể tiếp, chúng tôi đã không còn vũ khí trong tay, chỉ còn một quả lựu đạn và cũng tính chia với tụi nó rồi cùng hy sinh chứ không muốn tụi nó bắt được mình. Nhưng đáng tiếc là trái lựu đạn lại bị lép, không nổ. Những ngày sau đó, bọn chúng định thủ tiêu chúng tôi. Chúng đẩy anh em chúng tôi lên xe thùng, bịt kín mắt cho chạy lòng vòng rồi nói : tụi tao cho chúng mày cơ hội cuối cùng nói chuyện với nhau đi, lát nữa tất cả tụi mày không còn cơ hội đâu. Nhưng không biết tại sao, chúng lại không dám thủ tiêu chúng tôi. Sau này, mới được biết, phía cách mạng ra thông báo cho chính quyền nguỵ rằng, nếu chúng thủ tiêu 7 chiến sỹ biệt động tụi tôi thì cũng đồng nghĩa với phía Hà nội sẽ đem 7 phi công Mỹ bị bắt giữ ra xử bắn luôn. Sau đó, chúng xử tụi tôi án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo. Ban đầu là 4 người bị đưa đi trước, sau đó 3 người mới ra sau trong đó có tôi. Tôi bị chúng đưa ra Côn Đảo cuối năm 1972 sau khi phải trải qua bao cực hình tra tấn hết nhà tù này tới trại giam kia. Nói về sự tàn bạo của tụi chúng đối với tù nhân thì không sách báo nào có thể kể hết. Những ngày bị tụi nó thẩm vấn và tra tấn, trong lòng tôi luôn có hình ảnh của má và anh Bảy Bê động viên : không được khai báo gì. Chịu đựng đớn đau, giờ thì thấu hiểu anh Bảy Bê cũng phải chịu những trận đòn thù như thế này.

Anh Bảy Bê và tôi cùng bị giam ở Côn Đảo, nào có biết chúng nhốt ảnh ở trại nào đâu? Tôi mong sớm có ngày chiến thắng để chúng tôi được trở về và hy vọng cái ngày ấy cả 2 chúng tôi đều còn sống để được nói những lời yêu thương dành cho nhau. Ngập ngừng hồi lâu, bà Chính Nghĩa nói trong sự xúc động : tôi luôn tin tưởng ở chiến thắng cuối cùng của cách mạng để tôi và anh Bảy Bê được trở về, được ra khỏi nơi địa ngục trần gian này và tôi thèm cái ôm thật chặt của anh ấy dành cho tôi để nghe được nhịp đập của con tim. Cứ nghĩ như thế, tôi tự nhủ với lòng phải ráng sống để được trở về làm cho tôi có thêm nghị lực vượt qua những tháng ngày gian lao nơi ngục tù.

Giờ ngồi đây nghe cô Chính Nghĩa kể thế này, tôi thấu hiểu trong lòng cô một tình yêu rất lớn dành cho ông Bảy Bê và cô ấy cũng phải chiến đấu từng ngày cho tình yêu ấy.

Tôi cúi xuống dở cuốn sổ tay ra xem có những điều gì định hỏi cô nữa không mà tôi đã chuẩn bị. À, đúng rồi, chuyện họ gặp lại nhau sau khi rời khỏi nhà tù Côn Đảo và những ngày sau giải phóng 30/4/75. Cô kể cho cháu nghe câu chuyện cô và chú Bảy Bê gặp lại nhau lần đầu tiên sau khi ra tù đi,- tôi nói. Dường như không cần đắn đo, cô trả lời luôn : tức giận và căm ghét kẻ bội bạc! Trời, sao lại thế hả cô? Nhấp một ngụm nước lọc rồi cô kể : sau hiệp định Paris, tụi nó trao trả tù binh cho mình.

Anh Bảy Bê bị nó đánh trong tù muốn bị liệt luôn, không đi lại được. Sợ phải đối mặt với truyền thông quốc tế khi trao trả tù binh trong tàn phế như thế, tụi nó đưa ảnh bằng trực thăng về đất liền tầm giữa năm 1973 và ném xuống khu vực giáp ranh giữa ta và địch thuộc tỉnh Long an. Tại đây, ảnh được một người phụ nữ goá chồng đang sống với một đứa con gái cưu mang và chữa trị. Cô này là cơ sở của mình, thường xuyên mua thuốc men cho căn cứ, có chồng là quân giải phóng hy sinh trong một trận đánh. Sau khi bình phục, anh Bảy móc ráp với tổ chức và trở lại hoạt động. Anh Bảy có đi dò hỏi tin tức về tôi ở Côn Đảo đã được trao trả chưa mà không thấy? Trước đó, cũng có trận dịch gì đó, khiến tù nhân nữ ở Côn Đảo có 4 người hy sinh. Anh Bảy nghĩ tôi có thể nằm trong số người hy sinh ấy nên không thấy được trao trả? Ân tình với người phụ nữ này đã chăm sóc và lo cho mình, ảnh báo cáo tổ chức xin được cưới người phụ nữ này làm vợ. Vậy là ảnh với người phụ nữ này trở thành vợ chồng.

Anh Bảy có kể cho người phụ nữ này về tôi. Nhưng thật trớ trêu, cháu có biết người phụ nữ này là ai không? Dạ thưa, không. Người phụ nữ này lại là người bà con với tôi! Trời ơi, sao lại trớ trêu vậy hả trời? Đúng thế, bà Chính Nghĩa chậm rãi nói : cô này tên là Tránh, lớn hơn tôi 5 tuổi. Má tôi và má cô Tránh là 2 chị em ruột. Má tôi thứ Hai, má cô Tránh thứ Tám và tôi kêu bằng dì Tám trong gia đình. Còn cô Tránh là con cả của dì Tám. Vậy đó, giờ biết làm sao? Khoảng sau tết năm 1974 tầm tháng 2, cô Tránh có hay tin tôi vẫn đang còn sống ở Côn đảo và đang ở tù cùng buồng giam với người chị ruột thứ Bảy của tôi, cô ấy viết cho tôi một lá thư mà giờ tôi vẫn còn giữ đây. Cô Tránh thông tin là cô ấy đã lấy anh Bảy Bê! Nhận được thư, tôi như chết đứng. Tôi ôm mặt khóc mà không biết vì sao tôi lại khóc nhiều như thế? Ngày bị địch bắt và tra tấn, tôi chưa hề rơi một giọt nước mắt. Nhưng tại sao bây giờ tôi lại khóc nhiều như thế này, hả trời? Tôi hiểu, nước mắt nó rớt ra từ con tim thì rớt nhiều lắm bởi nỗi đau lúc đó muốn xé mát con tim của tôi luôn. Ngày ấy tôi cũng bị đau bao tử nên không ăn uống được gì nhiều, giờ nhận được tin này, tôi càng suy sụp và tiều tuỵ. Tháng 3/1974, tôi được trao trả ở Lộc ninh, tụi nó phải cáng tôi chứ không tự đi được. Nghe tin tôi được trao trả, mấy anh em trong biệt động thành có tới thăm tôi và trao cho tôi gói quà của anh Bảy Bê.

Tôi giận anh Bảy Bê, tính không nhận gói quà ấy.? Gói quà là một xấp vải để may áo bà ba và 1 chiếc khăn rằn. Sự căm giận anh phản bội tôi đi lấy vợ khác, tôi dự tính không bao giờ muốn gặp mặt ảnh nữa! Thế rồi sau đó, tôi cũng được gặp lại anh trong một chuyến đi công tác và anh em họ cũng muốn tôi có cuộc gặp mặt bất ngờ như thế. Nhìn thấy anh, con tim tôi như mách bảo là phải chạy tới ôm anh thật chặt và hôn anh thật nhiều. Nhưng lý trí thì lại khác, biểu hiện tức giận căm hờn đã lên tới hai con mắt. Tôi đứng đó không nói gì, anh bước thêm vài bước rồi nói : chào em! Tôi nghiêm sắc mặt, nói gằn từng tiếng : đứng nghiêm, chào chị chứ? Ai ở đây là em của anh? Bảy Bê tái xanh mặt mày, đứng nghiêm như pho tượng không biết chuyện gì xảy ra. Bà Chính Nghĩa nhìn tôi và cười rất vui rồi nói : tôi nhìn ông ấy đến tội nghiệp, còn đâu một Bảy Bê dũng mãnh, lỳ lợm và quả cảm của những trận đánh cư xá Brink, khách sạn Caraven, hay toà đại sứ Mỹ nữa? Tôi nhân cơn bực tức nói luôn : cô Tránh là con dì Tám của tui mà má tui là chị ruột của dì Tám. Vậy từ nay anh phải kêu tôi bằng chị, rõ chưa? Rõ!

Tôi ngồi nghe, cảm nhận được những tình huống của câu chuyện bà Chính Nghĩa đang kể. Như để trút thêm sự giận dữ và trả thù ông Bảy Bê, bà lại kể tiếp : rồi một dịp khác vào cuối năm 1974, tôi lại gặp anh Bảy Bê trong một lần tình cờ. Bao nhiêu tức giận lại đổ lên đầu ảnh nữa. Lần ấy, có chị Bảy giao liên làm chứng, tôi móc khẩu súng lục K-54 ra, đạn đã lên nòng, chĩa thẳng vào người ảnh rồi nói như hét lên : tôi muốn bắn kẻ phản bội, dù người đó là anh hay là tôi! Chị Bảy chạy tới gỡ cây súng trong tay tôi ra, tôi gục xuống và hai hàng nước mắt cứ thế tuôn ra không sao cản được. Ngó lên ảnh, thấy ảnh cũng đổ gục xuống và hai hàng nước mắt tuôn rơi rồi kêu lên, trời ơi là trời! Bà Chính Nghĩa kể tiếp : đây là lần hiếm hoi khi tôi được nhìn thấy nước mắt của ảnh. Sau này khi kể lại những lần gặp nhau ấy, ảnh nói với tôi thế này : khi ấy lòng anh tan nát hết và không biết phải làm cách nào để nói cho em biết là anh đang rất yêu em, anh không hề phản bội em và anh có thể vứt tất cả để được cùng bên em.

Tôi liếc nhìn đồng hồ cũng đã quá trưa rồi.

Có lẽ đã đến lúc tôi phải xin phép cô ra về. Nhưng câu chuyện đang nghe giang dở thế này thì về sao được? Cô bảo tôi, cứ ngồi nghe nốt câu chuyện tình của tôi và anh Bảy Bê đi, nhiều nước mắt của tôi và ảnh sau ngày giải phóng lắm.

Sau ngày giải phóng,- cô Chính Nghĩa lại chậm rãi kể : tôi là cô gái mới có 28 tuổi, tình yêu, cuộc sống đáng lẽ sẽ rất vui để có được một gia đình êm ấm và hạnh phúc bên bầy con nhỏ trong niềm vui hoà bình của đất nước. Nhưng không phải như thế, đó là những chuỗi ngày dài đầy nước mắt và thị phi của thiên hạ nhìn về tôi. Trái tim của tôi đã trao cho anh Bảy Bê rồi và tình yêu của tôi đối với ảnh nó vẫn còn đó, lớn lắm, nó được má tôi chứng giám và nó theo tôi suốt những tháng năm bị rơi vào tay giặc và phải chịu đựng cảnh ngục tù nơi Côn Đảo mà tình yêu đó không tắt được. Tình yêu đó nó giúp tôi vượt qua được bao nhiêu khó khăn gian khổ, nhưng giờ thì ảnh lại là chồng của người em con dì ruột của tôi mất rồi? Tôi phải làm sao đây? Tình yêu của ảnh dành cho tôi vẫn còn đầy nguyên và tự nhiên tôi cảm thấy mình như có lỗi trong chuyện này?

Tôi và anh Bảy Bê vẫn thường cùng nhau trên xe gắn máy tới thăm các bạn chiến đấu của mình, đi tới những nơi mà hai đứa thường dừng chân và kể cho nhau nghe nhiều chuyện thời đó, nhiều kỷ niệm lắm. Anh Bảy Bê nói ảnh không thể giết chết tình yêu của ảnh đối với tôi, dù ảnh có phải chết. Còn tôi thì tôi lại không thể hình dung nổi trong cuộc đời này, tôi lại có thể sống mà thiếu tình yêu với ảnh? Tôi là gái chưa chồng, là người cán bộ cách mạng, là người đảng viên, phía trước còn đang rộng mở lắm kia mà? Cứ thế, từng đêm, từng đêm, tôi ôm gối nghĩ về những điều như thế để xem mình có thể xa anh Bảy Bê được không, trả ảnh về cho cô Tránh? Nhưng càng nghĩ, càng bế tắc và nước mắt thì đêm nào cũng ướt hết áo gối. Tôi biết, anh Bảy Bê cũng rơi vào hoàn cảnh như tôi, ảnh có thể bỏ cô Tránh để theo tôi thì còn đâu là cái nghĩa, cái tình và họ cũng đã có con với nhau rồi. Nhưng cứ sống như thế này, cứ vụng trộm với chính tình yêu của mình thì hai chúng tôi sẽ đi về đâu? Rồi có ngày mà cả tôi và ảnh sẽ nhớ mãi trong cuộc đời. Đó là một ngày hè oi ả năm 1978.

Tôi được anh Tư Đạt - Chánh uỷ Bộ tư lệnh tp.Hồ Chí Minh gọi lên và phê bình gay gắt chuyện quan hệ tình cảm với anh Bảy Bê. Cuối cùng, anh Tư Đạt nói : anh muốn em và anh Bảy Bê cắt đứt quan hệ tình cảm yêu đương với nhau. Nếu đồng ý như thế thì ngay lập tức ngày mai sẽ kiến nghị để Nhà nước phong danh hiệu AHLLVTND cho cả hai người, vì tụi em đã nằm trong danh sách đề nghị rồi. Bằng không, thì tụi anh sẽ không bao giờ kiến nghị khen tặng danh hiệu anh hùng cho tụi em nữa. Lựa chọn đi! Trời ơi, anh nói sao kỳ vậy? Chuyện nào đi chuyện đó chứ? Sao anh lại bắt tụi em chỉ được chọn một? Không, nhất định em sẽ không từ bỏ tình yêu của em để chọn danh hiệu anh hùng! Ngày hôm sau, ông Tư Đạt cũng cho gọi Bảy Bê lên và đưa ra yêu cầu như thế giống như đã nói với bà Chính Nghĩa. Giờ thì ông Tư Đạt hoàn toàn bất ngờ, Bảy Bê trả lời thẳng thừng : thưa anh, tôi sẽ chọn tình yêu của tôi và tôi sẽ cùng sống chung với hai bà vợ của tôi. Tôi không phản bội Tổ quốc, tôi không phản bội lại ân tình và trên hết, tôi không phản bội lại tình yêu của tôi và xin anh cho tôi được chọn tình yêu chứ không phải danh hiệu anh hùng!

Vâng, cả hai người, họ đã không đánh đổi tình yêu để nhận danh hiệu anh hùng và ông Bảy Bê đã trút hơi thở cuối cùng ngày 16/8/2006 và ông cũng không biết rằng, ngày 9/10/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho : Biệt động thành Sài gòn Nguyễn Thanh Xuân ( tự Bảy Bê )!

Rồi câu chuyện tiếp theo của họ như thế nào sau đấy, xin các bạn đón đọc kỳ cuối.

( còn nữa)..

Theo Trái tim người lính/ Nguồn: BTPNNB