Cưu mang

Trương Thành Sơn

08/11/2021 10:15

Theo dõi trên

Xuân cảm thấy mình đang rơi lơ lửng vào vực đen thăm thẳm. Rõ ràng Tâm không hề muốn cưới cô, mẹ anh còn đến tận cổng cơ quan để gặp, dúi vào túi cô ít tiền, rồi tuyên bố xanh rờn

cuu-mang-1636341239.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet.

 

- Cô hãy tha cho thằng Tâm nhà tôi, tự đi xử lý cái thai vô thừa nhận ấy đi.

- !!!

Lòng tự trọng khiến Xuân không hề xin xỏ hay khóc than, cô vẫn còn yêu anh, dù bị hắt hủi. Nhưng lòng tự trọng cũng khiến cô kiên cường lên, khi dúi trả người đàn bà ấy nắm tiền và tuyên bố đĩnh đạc:

- Cháu không cần tiền, cũng không cần bất cứ sự bố thí tiền bạc hay tình cảm nào. Đứa con là của riêng cháu, không liên quan đến anh Tâm và gia đình bác. Vĩnh biệt!

Ở cơ quan, Xuân cũng lỳ ra trước những dè bỉu, khinh thị của nhiều người. Thế nhưng khó khăn lớn nhất chính là sự gằn hắt của người mẹ kế, bố thì không dám thể hiện lòng thương con gái riêng. Bà mẹ kế đã tuyên bố dứt khoát:

- Nếu không chịu nạo thai thì tìm nơi nào đẻ đái thì ở chứ nhà này không chứa được đâu.

Trong túng quẫn và tuyệt vọng, Xuân không biết phải làm gì, trong một thoáng, cô nghĩ đến sự giải thoát ở cây cầu cách nhà 8 kilomet. Thật như trời định, đúng hôm Xuân đang băm bổ đi về hướng cây cầu bắc qua con sông nước chảy cuồn cuộn ấy, thì bước chân cô ngập ngừng trước cổng ngôi chùa nhỏ. Thấy cửa mở, cô liều bước vào để tìm một chỗ bấu víu cho niềm tin của mình.

Ở đấy, Xuân đã tìm thấy sự tĩnh tâm, để gạt đi cái ý nghĩ nung nấu rằng sẽ ra cầu gieo mình xuống dòng sông, để giải thoát khỏi nỗi cay đắng ê chề của đời mình.

Đã hết quỳ trong chùa cả mấy tiếng đồng hồ, lại tha thẩn trong khuôn viên ngôi chùa nhỏ, Xuân giật bắn người khi có người vỗ vào vai mình. Quay lại, Xuân nhận ra cô Bông, người họ xa bên nội của mình. Chẳng hiểu sao trước ánh nhìn thương yêu, độ lượng của bà Bông, cô không thể kìm giữ được nỗi ê chề, nước mắt lã chã, Xuân kể mọi chuyện với bà cô.

Cô Bông vỗ về:

- Có cô đây, cháu đừng nghĩ dại dột. Cô nghèo tiền bạc, nhưng giàu tình nghĩa, cháu hãy về ở với cô, đói no, khổ nhục cô cháu mình chia nhau, nhé?

- !!!

Thực ra, Xuân không hề nghĩ đến sự dựa dẫm, vì biết cô Bông cũng đơn thân, lại rất nghèo, chẳng thể cưu mang được mình. Nhưng không ngờ, bà cô họ xa, không chồng lại không chỉ nói mà vồ lấy ôm chặt Xuân, nói như thể cô có thể sẽ biến mất ngay:

- Con về ở với cô nhé? Cô cháu đói no có nhau, cứ đẻ, cô nuôi, Xuân nhé?

Sau ít giây ngỡ ngàng, cô biết đời mình đã ngoắt sang hướng khác, cô Bông chính là vị Bồ Tát mà Đức Phật phái xuống cứu mạng cô.

Xuân vội quỳ phủ phục xuống, nức nở:

- Vâng, xin cô nhận từ con một lạy!

- Đừng, Xuân! Ngược lại, con hãy nhận từ cô một lạy, vì nhờ con, chắc chắn cô sẽ không cô đơn lúc tuổi già nữa rồi!

Thế là ngay đêm ấy Xuân dọn về ở căn lều nhỏ với cô Bông, được đối xử như con gái, nghèo mà cô cháu luôn rộn tiếng cười. Tận tháng thứ 6 rồi mà Xuân vẫn còn ốm nghén, bữa ăn chính thì gẩy qua gẩy lại, vì ăn vào là oẹ ra ngay, thế nhưng cô thèm toàn những món độc đáo như cháo lòng ăn với… ớt, nước mía vắt chanh,… Vậy nên có khi 12 giờ đêm hai cô cháu đi lùng cháo lòng ở trước ga tàu, 1 giờ sáng cô Bông đi tìm mua nước mía cho đứa cháu ăn dở.

Cũng may, cơ quan Xuân không kỳ thị người không chồng mà chửa như đã từng như vậy với một người khác. Hoá ra ông sếp mới rất nhân từ, ông là người học ở Liên Xô về, quan điểm thoáng hơn ông sếp trước. Ông đã bố trí việc nhẹ cho cô và yêu cầu công đoàn lo mọi chế độ thoả đáng cho Xuân.

Rồi ngày khai hoa nở nhuỵ cũng đến, một bé trai kháu khỉnh 3,2 kilogam ra đời trong niềm hạnh phúc của hai người đàn bà bất hạnh. Bố, ông bà nội về sinh học của đứa trẻ coi như không có nó trên đời. Bà ngoại, là mẹ kế của Xuân thì không tới, chỉ ông ngoại chạy qua đưa cho bà Bông, là người chị họ của mình ít tiền, nhờ chăm con gái và cháu giúp.

Năm tháng qua đi, cô bông coi thằng Muối như của quý, chăm bẵm chu đáo cả hai mẹ con. Thấm thoắt, giờ Muối đã học lớp 4, đối với nó, bà Bông y như bà ngoại. Rồi một hôm, Xuân về ôm lấy cô Bông mà giờ cô đã gọi là mẹ:

- Mẹ ơi! Hãy tha thứ cho con, mẹ nhé! Lý trí luôn xui con biết điều, nhưng trái tim hư đốn của con chằng nghe theo. Con lại nhận lời yêu một người, anh ấy thương con. Chúng con đã bàn đến đám cưới, nhưng bố mẹ anh ấy dù chấp nhận con, mà lại không muốn con đưa cu Muối về.

- Không sao con ạ! Cứ nhận lời cậu ấy, hai bà cháu sẽ sống với nhau mà. Ngay cả họ muốn cu Muối về, mẹ cũng không đồng ý đâu.

- Vâng! Con cảm tạ mẹ!

Chính cô Bông lo gả chồng cho Xuân như lo cho con gái đi lấy chồng. Chỉ còn hai bà cháu, nhiều lần cu Muối tò mò về nguồn gốc của nó, bà Bông cứ tránh né, không nói thật. Nhưng trẻ con có cách cảm nhận riêng của nó, người hàng xóm không biết vô tình hay cố ý đã nói hết tình đầu chí cuối cho Muối biết.

Năm học lớp 9, một lần, Muối lại hỏi về người bố, để thẩm định lại lời người hàng xóm kể. Mẹ Xuân nói chớ đi, bà Bông cũng tảng lờ, nhưng nó tự mình kể:

- Con biết ông ta là ai rồi! Ông ấy đã bỏ mặc con từ khi trong bụng mẹ cơ.

Đang chẻ củi cho bà, Muối chém phập cái dao vào khúc gỗ, nói như đinh đóng cột:

- Con mà nhận ông ấy là bố, con sẽ chỉ là con chó liếm cứt cả đời! Nếu con nhận ông ta là bố thì chính con sẽ rửa nỗi ô nhục bằng con dao này! Thề!

Không muốn gieo hận thù vào lòng một đứa trẻ, bà Bông nói với Muối:

- Con là cục vàng, cục kim cương của bà, của mẹ, nhưng cũng đừng thù hằn người đã cho con cuộc sống.

- Không! Nhất định thế, ông ấy, họ tộc nhà ông ấy đã hắt hủi mẹ con, không bao giờ con nhìn nhận họ đâu!

Nhưng một hôm, Muối đi học thêm để chuẩn bị thi đại học, có hai người đi cái xe rất sang trọng đến đỗ ngoài đường, rồi đi vào gặp bà Bông. Họ nói chuyện hồi lâu, đến hai tiếng sau thì cặp đôi kia mới ra. Bà Bông tiễn ra, nói câu cuối cùng:

- Tôi không khó khăn gì với các vị, nhưng tính thằng cháu Muối khó lắm, nó đã thề rồi, nên để tôi khuyên bảo từ từ.

- Vâng trăm sự nhờ bà ạ.

Quà hai người khách đưa, bà Bông phải giấu kín đi, kẻo Muối biết sẽ nổi khùng. Hoá ra số phận trớ trêu đã không cho vợ chồng Tâm đứa con trai trong khi anh lại là trưởng tộc. Sức ép của bố mẹ đã buộc Tâm tìm cách gửi gắm một đứa con trai, nhưng bất thành. Vợ anh, một người phụ nữ có trách nhiệm, nhưng chỉ sinh được hai đứa con gái, đã đề xuất việc đi tìm đứa con trai riêng của chồng, nhưng không được thừa nhận từ trước khi họ biết nhau. Chính Hà trực tiếp cùng chồng đến gặp người đã cưu mang đứa trẻ từ trước khi nó được sinh ra.

Để cho cu Muối thi đại học xong, bà ngoại Bông mới kể chuyện về một gia đình khác có hoàn cảnh tương tự, nhưng thằng bé đủ nhạy cảm để biết liền. Nó tuyên bố:

- Không bà ạ! Cháu nhất định không bao giờ chấp nhận những người đã muốn giết cháu từ lúc cháu còn là bào thai hai tháng tuổi!

Có lẽ chuyện nhận vai trưởng tộc của thằng bé còn là vấn đề rất khó thuyết phục.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cưu mang" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn