Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 10)

Phạm Thúy Hậu

22/04/2022 06:44

Theo dõi trên

Thời kỳ làm việc cho Tạp chí Time, Phạm Xuân Ẩn chỉ sử dụng những tư liệu mà các phóng viên khác đã tiếp cận trước. Đó là những tài liệu của phía bên kia mà cảnh sát Sài Gòn thu được, những tin bài do các hãng thông tấn lớn phát phổ biến, những bài viết trên các báo chí, và cộng thêm thông tin từ các nguồn cao cấp của ông.

Điều này chứng tỏ rằng Phạm Xuân Ẩn đã giữ lại một số thông tin, không viết hết cho Tạp chí Time những điều ông biết. Mặt khác, trong công việc của một nhà tình báo chiến lược, Phạm Xuân Ẩn phụ thuộc nhiều vào những tài liệu thu được từ nhiều mối quan hệ của ông trong tổ chức Tình báo Trung ương Việt Nam (CIO), quân đội Việt Nam Cộng hoà, Quốc hội, và các mối quan hệ tiếp xúc của ông trong các cộng đồng tình báo Mỹ, Pháp, Trung Quốc.

diep-vien-1650584603.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Phạm Xuân Ẩn nói với tôi:

- Tôi đã sử dụng những tài liệu từ các quan hệ của tôi làm việc trong CIO cung cấp để viết thành báo cáo tình báo gửi vào trong rừng. Nguy cơ mắc sai lầm dẫn đến bị bắt là rất lớn. Do vậy tôi cần cảnh giác để đảm bảo rằng tôi đã không sử dụng sự hiểu biết thật của tôi để viết báo.

Làm nghề phóng viên đã hỗ trợ rất nhiều cho nhiệm vụ của nhà tình báo chiến lược, bởi vì công việc của nhà báo cũng là đi nghe ngóng tìm kiếm sự thực từ những tin đồn. Phạm Xuân Ẩn nhận thấy nghề làm báo và nghề tình báo có rất nhiều điểm tương đồng.

Ông cho rằng "điểm khác nhau duy nhất giữa hai nghề này là ở chỗ cuối cùng thì ai là người đọc bài viết của anh?". Trong cuốn sách “Mổ xẻ nghề tình báo”, Phạm Xuân Ẩn đã gạch chân đoạn

"Một điệp vụ chỉ thành công khi biết chắp nối những mẩu tin đơn lẻ. Mới nhìn, chỉ thấy những mẩu tin đó chẳng có gì quan trọng. Nhưng nếu chắp nối lại và đặt chúng với hàng chục mẩu tin khác, sẽ cho ta thấy rõ một bức tranh về kế hoạch của các nhà chỉ huy".

Cuốn sách nói trên của Phạm Xuân Ẩn cũng được gạch chân đậm tại phần lựa chọn nghề bình phong hay còn gọi là vỏ bọc:

"Trên thực tế, nghề vỏ bọc mà người điệp viên lựa chọn có vai trò rất quan trọng trong việc che đậy những câu chuyện của điệp viên. Lý tưởng nhất là nghề vỏ bọc cho phép điệp viên đến gặp trực tiếp với các nguồn có thể cung cấp được những thông tin mà điệp viên đang đi tìm. Nếu không có nghề vỏ bọc phù hợp, thì nhà tình báo phải mất thêm thời gian để tìm kiếm cơ hội gặp gỡ không trực tiếp với nguồn tin".

Điều này giải thích vì sao Phạm Xuân Ẩn lại tin rằng vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các điệp viên của bác sĩ Trần Kim Tuyến là phải coi trọng nghề vỏ bọc. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Nếu các bạn coi nghề vỏ bọc chỉ như một nghề giả tạo, một nghề mà người điệp viên không làm một cách thực sự có hiệu quả hoặc không thực tâm làm nghề đó, thì có thể nói điệp viên đó đã chết, chẳng khác nào anh ta không có vỏ bọc.

Phạm Xuân Ẩn không chỉ tài giỏi trong việc phân tích các số liệu, ông còn giỏi trong việc tổng hợp các cuốn sách giống như cuốn sách "Cuộc chiến tranh hiện đại: Một cách nhìn của Pháp về chống nổi dậy" của tác giả Roger Trinquier xuất bản năm 1961, cuốn cẩm nang đề cập đến các chiến thuật của cuộc chiến tranh cách mạng nhằm lật đổ một chính quyền.

Phạm Xuân Ẩn cũng thường xuyên tham khảo trong cuốn sách xuất bản năm 1940 "Cội rễ của chiến lược: 5 bài học quân sự kinh điển vĩ đại nhất mọi thời" do chuẩn tướng T. R. Phillips biên soạn. Cuốn sách này sưu tập những bài học kinh điển về quân sự có ảnh hưởng nhất thời kỳ trước thế kỷ XIX. Trong đó bao gồm các bài viết “Nghệ thuật chiến tranh” của tác giả Sun Tzu; “Các cơ sở quân sự của người Roman”,tác giả Vegetius; “Sự mơ mộng của tôi về nghệ thuật chiến tranh”, tác giả Marshal Maunce de Saxe; “Chỉ thị của Frederick Đại đế cho các tướng lĩnh của ông”; và “Các câu châm ngôn quân sự” của Napoleon.

Với tay lấy những cuốn sách đã nhàu nát từ trên giá sách gia đình, Phạm Xuân Ẩn khiến tôi chú ý tới những cuốn sách của các tác giả Sun Tzu và Maunce de Saxe. Mở ra một trang trong cuốn sách của Sun Tzu, Phạm Xuân Ẩn bảo tôi đọc một đoạn:

"Trong việc bố trí chiến thuật, cách tốt nhất để đạt hiệu quả tối đa là che giấu. Việc che giấu lực lượng chiến thuật của mình sẽ giúp cho bạn tránh được những cái nhìn tọc mạch xảo quyệt của bọn gián điệp; tránh được những mưu toan của những bộ óc khôn ngoan nhất. Làm sao để có thể giành được thắng lợi và vượt qua được những chiến thuật của kẻ thù. Đó là điều mà rất nhiều người không thể lĩnh hội được.

Ai cũng có thể nhận thấy những chiến thuật được tôi chế ngự, nhưng không phải ai cũng thấy được yếu tố chiến lược làm nên thắng lợi. Người chỉ huy tài phải là người biết sửa chiến thuật của mình trong quan hệ với đối phương để giành thắng lợi về sau".

Trước khi Mỹ tăng cường lực lượng ở khu vực xung quanh Củ Chi, Phạm Xuân Ẩn đôi khi cũng đến căn cứ Việt Cộng để trình bày các báo cáo của mình, cũng như để được giao thêm nhiệm vụ mới. Phạm Xuân Ẩn áp dụng một cách thức rất lạ để thực hiện những chuyến đi về Củ Chi. Ông để ria mép và nuôi tóc dài hơn một chút nhằm che giấu khuôn mặt thật của mình. Mỗi khi thực hiện chuyến đi như vậy, Phạm Xuân Ẩn đều tạo ra một lý do cho sự vắng mặt của mình. Ông thường nói với các đồng nghiệp làm việc ở Tạp chí Time rằng :

- Giáo sư tình dục học đi nghỉ ba ngày ở Huế để tìm kiếm các em xinh tươi nhìn có vẻ nghệ sĩ và hippy.

Phạm Xuân Ẩn giải thích cho tôi:

- Để ria mép là điều mà tôi đã học được từ CIO, không phải họ khuyên phải để ria, mà là họ coi ria là một trong những yếu tố kỹ thuật của CIO giúp nhận dạng người trong quá trình truy lùng Cộng sản. Các nhân viên CIO thường đi đến Củ Chi để dò hỏi người dân ở đó rằng có thấy ai lạ mặt đến vùng này không? Nếu chẳng may tôi bị xác định là một người lạ mặt, thì những mô tả của người dân về hình dạng bề ngoài của người lạ đó không giống với khuôn mặt thật của tôi. Chẳng có ai ở đó biết tên tôi, nên người dân chỉ có thể mô tả hình dạng bề ngoài. Các nhân viên CIO trong trường hợp đó sẽ ghi vào sổ của họ rằng có một kẻ lạ mặt để ria mép và cứ thế đi tìm kiếm những người có ria mép.

Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn, vậy nếu có ai ở Sài Gòn nhớ ra rằng ông đã để ria mép thì sao? Phạm Xuân Ẩn phá lên cười rồi nói rằng khi CIO đưa được thông tin như vậy về Sài Gòn rồi đi tìm kiếm người có ria mép, thì ông đã từ Huế trở về lâu rồi và chẳng ai còn nhớ chuyện ấy nữa. Tuy nhiên, nếu chẳng may có ai đó đến hỏi tôi về việc để ria, tôi sẽ hỏi lại:

- Các ông đang nói gì vậy? Tôi đâu có ria mép. Nhìn tôi đi, có thấy sợi ria nào không? Tôi ra Huế để tìm gái đẹp chứ có đi Củ Chi để tìm Cộng sản đâu. Lúc đó, tôi sẽ bảo họ đi mà hỏi ông Nguyễn Cao Kỳ ấy. Ông Kỳ để ria mép, nên có thể ông ta đã có mặt ở Củ Chi.

Tất nhiên, chưa bao giờ ông Phạm Xuân Ẩn gặp phải trường hợp như vậy.

Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn :

- Điều gì sẽ xảy ra nếu một nhân viên CIO phát hiện được ông có mặt ở Củ Chi?

Phạm Xuân Ẩn trả lời:

- Thế thì tôi phải chết thôi.

Sau này, khi đọc đoạn William Prochnau viết về Phạm Xuân Ẩn tôi mới nhận ra rằng vỏ bọc mà ông tạo ra lý do vắng mặt này đã mang lại hiệu quả như thế nào. William Prochnau viết:

"Phạm Xuân Ẩn biết cách cắt được bệnh quan liêu giấy tờ, xử lý được thông tin, biết nói chuyện thơ ca, triết học, cũng như viết tin, bài cập nhật đến tận thời hạn cuối cùng để nộp bài. Có một người trợ lý Việt Nam tốt là điều cực kỳ quan trọng và Phạm Xuân Ẩn là người trợ lý tốt nhất. Thậm chí cả khi Phạm Xuân Ẩn biến mất trong vài ngày thì cũng chẳng qua chỉ là do ông có một mối tình bí mật ở đâu đó.

Một điều vẫn còn là bí ẩn mà tôi chưa thể tìm được câu trả lời, đó là vì sao có rất nhiều người biết ông Phạm Xuân Ẩn theo chu kỳ thỉnh thoảng lại biến mất vài ngày, thế mà ông vẫn không hề bị các lực lượng cảnh sát hoặc an ninh bắt. Ở miền Nam Việt Nam ngày ấy, các lực lượng này luôn tìm kiếm, truy bắt những người như ông Phạm Xuân Ẩn. Có thể ông là người cực kỳ may mắn. Hay những câu chuyện nguỵ trang của ông cho những chuyến đi với tư cách người huấn luyện chó, người sưu tầm những loài chim quí, người đang yêu bí mật cũng đủ để làm cho xung quanh không ai nghi ngờ gì về ông. Hoặc là ông Phạm Xuân Ẩn có những người bạn luôn che chắn, bảo vệ cho ông.

Rất có thể còn những điệp viên khác của Cộng sản đã thâm nhập được vào lực lượng cảnh sát Sài Gòn chẳng hạn. Cũng có thể còn có những người bạn bên phía đối phương đánh giá ông quá cao, nên không tin bất cứ ai nói điều không hay về ông. Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật về điều đó, vì càng nêu ra nhiều câu hỏi về khía cạnh này, chúng ta càng ngập chìm sâu hơn vào trong điều bí ẩn.”

Phong trào nổi dậy ở miền Nam Việt Nam đang càng ngày càng phát triển rầm rộ. Số lượng những cuộc tấn công của những nhóm du kích nhỏ vào các cơ sở của chính phủ, đài quan sát cứ trung bình mỗi tháng thời kỳ nửa cuối của năm 1959 ghi nhận được hơn một trăm vụ. Số các vụ ám sát những quan chức chính phủ, chỉ huy cảnh sát, và những nhân vật có máu mặt ở các thôn xóm đã tăng lên gấp hai lần. Số vụ bắt cóc ghi được con số cao nhất so với bất kỳ thời gian nào trước đó. Tại đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đã từng xảy ra rất nhiều cuộc nổi dậy tự phát tại các bản làng. Các cuộc bạo loạn và biểu tình của quần chúng do Việt Cộng tổ chức đã lan rộng, gây ra mất trật tự trị an và thường dẫn đến các cuộc đàn áp đẫm máu của của chính quyền Diệm.

Quân đội Việt Nam Cộng hoà chuẩn bị rất kém để đối phó với sự gia tăng hoạt động của du kích. Từ năm 1954 đến năm 1960, hai trưởng đoàn MAAG là tướng John W. "Iron Mike" O Daniel và trung tướng Samuel T. "Hanging Sam" Williams chỉ chủ yếu tập trung vào việc chấm dứt những cuộc vượt biên thông thường qua vĩ tuyến 17. Hai ông tướng này không hề coi những cuộc nổi dậy bên trong là mối đe doạ đối với sự ổn định của miền Nam Việt Nam. Các nhóm bộ binh cơ động trang bị nhẹ trước đó được tổ chức lại thành những sư đoàn bộ binh cho phù hợp với nhiệm vụ và thiết kế các kế hoạch phòng vệ của Mỹ. Quân đội Việt Nam Cộng hoà được trang bị những thiết bị tiêu chuẩn. Các cố vấn Mỹ đã bắt đầu trực tiếp huấn luyện quân đội Việt Nam Cộng hoà cho một cuộc chiến tranh thông thường. Người ta lo sợ xảy ra kịch bản, trong đó rất có thể Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ mở những đợt tấn công giống như họ đã từng tấn công đánh bại người Pháp hồi năm 1954. Hay giống Bắc Triều Tiên đã từng tấn công Nam Triều Tiên hồi năm 1950.

Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh xây dựng một kế hoạch toàn diện chống nổi dậy. Tháng 8/1960 trung tướng Lionel C. McGarr đã thay thế tướng Williams làm Chỉ huy trưởng MAAG. Tướng McGarr từng là Chỉ huy trưởng chỉ huy và tham mưu kiêm chỉ huy trưởng bang Kansas. McGarr là một trong số những sĩ quan được nhận nhiều huân huy chương nhất vào thời đó. Tướng McGarr đã bảy lần được nhận Huân chương chiến thương. Ông này coi việc chống nổi dậy như là "những hình thái khác thường của chiến tranh đòi hỏi phải có những kỹ thuật và học thuyết đặc biệt". Chẳng bao lâu sau, các chuyên viên dưới quyền Tướng McGarr đã cho ra đời sản phẩm "Những chiến thuật và kỹ thuật hoạt động chống nổi dậy (CIP)". Sản phẩm CIP được mang đến Sài Gòn đầu năm 1961. Ngay lập tức, một bản copy của tài liệu này được chuyển cho bác sĩ Trần Kim Tuyến. Ông Trần Kim Tuyến liền đưa cho Phạm Xuân Ẩn yêu cầu phân tích tài liệu đó để giúp ông ta có thể nắm được hết các ý tứ trong chiến lược mới. Tham mưu trưởng lục quân, tướng Trần Văn Đôn cũng trao cho Phạm Xuân Ẩn một bản tài liệu đúng như vậy cùng với những tài liệu hỗ trợ như Cẩm nang chiến trường 100 - 5, Các cuộc hồng quân, trong đó chứa đựng mọi tư tưởng và hành động của các cố vấn Mỹ cũng như cách mà MAAG hình dung Quân đội Việt Nam Cộng hoà sẽ chiến đấu ra sao trong cuộc chiến mới. Cuốn cẩm nang được sửa vào tháng 2/1962 có tính đến những công nghệ chiến tranh mới như các chiến dịch không quân cơ động và chiến tranh không chính quy. Ông Ẩn còn nhận được cuốn “Cẩm nang chiến trường 31 - 15, những chiến dịch chống các lực lượng không chính quy”. Đây là những tài liệu được xuất bản tháng 5/1961 gồm 47 trang, trong đó có cả những sơ đồ xác định mục tiêu nhằm tiêu diệt các lực lượng của Việt Cộng. Phạm Xuân Ẩn còn thường xuyên giữ liên lạc với các tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hoà sau khi họ kết thúc khoá huấn luyện đặc biệt về chiến lược chống nổi dậy được tổ chức tại Trung tâm chiến tranh Đặc biệt quân đội Mỹ ở Fort Bragg, Hoa Kỳ trở về.

Phạm Xuân Ẩn mở những chiếc tủ tài liệu của mình rỗi lấy ra một tập những tài liệu đã rách nát, vừa nói vừa cười:

- Ngày nay, những tài liệu này đều có sẵn ở Trung tâm Việt Nam, Trường Đại học Texas Tech. Khi nào tôi qua đời, vợ tôi sẽ đem vứt hết đi. Chỉ có chúng ta mới quan tâm đến những tài liệu này thôi.

Giám đốc của Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texas là Jim Reckner, bạn của cả ông Phạm Xuân Ẩn và tôi. Trước đây vài năm, chính Jim đã giới thiệu chúng tôi với nhau. Jim và Lê Khanh, một người bạn khác của chúng tôi, làm việc ở Trung tâm Việt Nam. Hai người này đều đã đến thăm Phạm Xuân Ẩn, đã đề nghị ông xem xét và cho phép đưa những tài liệu này sang bảo quản tại kho lưu trữ về Việt Nam của Trường Đại học Texas Tech nhằm phục vụ cho nghiên cứu trong tương lai.

(còn nữa)

Trái tim người lính/ “ Điệp viên hoàn hảo” của Giáo sư Larry Berman

Bạn đang đọc bài viết "Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 10)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn