Độc đáo ẩm thực các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên

Dư Toán (TTXVN)

17/03/2022 21:20

Theo dõi trên

Sáng 17/3, Ban tổ chức Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 tổ chức Hội thi nấu ăn trình bày mâm cỗ cổ truyền của các dân tộc đến từ 19 tỉnh, thành phố.

Chú thích ảnh Các đoàn đến từ các tỉnh, thành phố tham gia trưng bày mâm cỗ truyền thống tại Hội thi nấu ăn. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

 

Tại chương trình, các đoàn đã đem đến cho du khách những mâm cơm đặc sắc với món ăn truyền thống, độc đáo của từng dân tộc…

Khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên gồm các tỉnh Bắc miền Trung và Tây Nguyên, với nhiều món ăn truyền thống gắn liền với đời sống của các dân tộc sinh sống tại đây. Các món như cơm lam, gà nướng, lá mì xào… khiến nhiều người chỉ mới thưởng thức một lần cũng nhớ được hương vị, nét đặc trưng của nó.

Đoàn nghệ nhân J’rai của tỉnh Gia Lai mang đến Hội thi mâm cỗ với đầy đủ các món ăn trên. Bên cạnh gà nướng, cơm lam, lá mì xào, các nghệ nhân còn mang đến cho du khách nhiều món ăn khác như thịt lợn nướng, ếch đùm lá chuối, đặc biệt là một món ăn không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người J’rai là lá mì xào cà đắng, lòng gà.

Nghệ nhân Ksor Chung, đến từ thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết, món lá mì xào cà đắng, lòng gà được xem như món rau chính hàng ngày của người J’rai. Nguyên liệu chính để tạo ra món ăn này là lá mì, hoa đu đủ, ớt và cà đắng, xào với cá khô, lòng gà. Khi ăn, món này sẽ mang đến đầy đủ các vị đắng, chát, cay… hòa quyện vào nhau, tạo nên hương vị rất riêng.

Bên cạnh quảng bá nét độc đáo trong ẩm thực của các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, Hội thi mang đến cho du khách những món ăn, mâm cỗ của các dân tộc khác ngoài khu vực. Đến với Hội thi, Đoàn nghệ nhân dân tộc Khmer tỉnh An Giang trình diễn mâm cỗ với những món ăn truyền thống của người Khmer như bánh gừng, món ăn làm từ quả thốt nốt hay gỏi bò Khmer.

Nghệ nhân Chi Sóc Hoanh, Đoàn nghệ nhân tỉnh An Giang chia sẻ, tất cả các món ăn trong mâm cỗ đều rất quen thuộc với người Khmer ở An Giang. Những món ăn này thường xuyên xuất hiện trong các lễ, hội, đám hỏi, đám cưới, tiệc gia đình, đặc biệt là xuất hiện trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người Khmer.

Đến từ phía Bắc, Đoàn nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh dù không thể tạo ra mâm cỗ ba tầng truyền thống song cũng cố gắng giới thiệu đến du khách những món ăn độc đáo đã tạo nên thương hiệu cho ẩm thực xứ Kinh Bắc như bún riêu cua làng Đoài, bánh khúc làng Diềm hay bánh phu thê xuất hiện từ thời vua Lý Anh Tông.

Chú thích ảnh Các đoàn đến từ các tỉnh, thành phố tham gia trưng bày mâm cỗ truyền thống tại Hội thi nấu ăn. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

 

"Mỗi món ăn đều có ý nghĩa, đặc trưng riêng, đều xuất hiện trong các bữa cơm gia đình hay mỗi khi đãi khách. Chúng tôi đến đây với mong muốn được giới thiệu với các đoàn bạn về các món đặc sản của vùng quê Kinh Bắc; đồng thời là dịp để giao lưu, học hỏi với các tỉnh bạn. Không riêng Bắc Ninh, tất cả các tỉnh đều rất hân hoan, phấn khởi bởi sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, chúng ta mới có một chương trình hay, ý nghĩa như thế này", bà Hoàng Thị Tỉnh, Phó Trưởng phòng Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có nhiều di sản, không chỉ di sản văn hóa phi vật thể mà có nhiều di sản văn hóa vật thể và ẩm thực là một trong số đó. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam có nền ẩm thực rất phong phú, đa dạng, gắn liền với đời sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân.

Thông qua Hội thi, Ban tổ chức muốn giới thiệu đến đông đảo công chúng trong nước mâm cỗ truyền thống của từng dân tộc anh em trên địa bàn toàn quốc. Đặc biệt, đây là dịp để các dân tộc anh em học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên nói riêng, 54 dân tộc anh em của cả nước nói chung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo ẩm thực các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn