Ðọc tiểu thuyết Giã từ của Phạm Việt Long

Ma Văn Kháng

25/08/2021 08:14

Theo dõi trên

Nhà văn Phạm Việt Long vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Giã từ (NXB Dân trí).

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Ðây là câu chuyện xảy ra ở một tập đoàn kinh tế - văn hóa liên doanh với nước ngoài, phản ánh những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, khi con người dễ bị biến sắc theo lợi ích vị kỷ và đồng tiền. Cuốn sách cũng cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Diễn tiến theo các sự việc, các nhân vật hiện lên với nhiều hình, nhiều vẻ, phong phú và phức tạp đan xen. Ở đây người tốt thì thật tốt và người xấu thì cực xấu. Xung đột giữa hai lớp người đối lập này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tạo nên một "năng lượng" đủ sức duy trì lực hút của cuốn sách.

 

Ðể viết cuốn tiểu thuyết này, nhà văn phải huy động tổng lực vốn sống đã tích lũy và sự từng trải của mình. Bóng dáng những người thật, việc thật ở ngoài đời phảng phất đây đó trong các nhân vật tiểu thuyết mà người đọc quen biết ít nhiều, đã có thể nhận ra, là một minh chứng cho nhận xét trên của người đọc. Nhà văn viết bằng gì, nếu không phải là bằng chính những tích lũy từ đời sống của mình?

 

Có thể nói, Giã từ là một tiết đoạn trong bức tranh sống động hôm nay, một giai đoạn mà văn chương có thể và cần phải đem hết sức mình để miêu tả. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn. Cùng với cảm nhận, cuốn sách có tính khuynh hướng cao, thể hiện rõ quan điểm của nhà văn, có màu sắc lên án và chống lại một cách không khoan nhượng cái xấu, cái tiêu cực, vừa hấp dẫn, dễ đọc, nhiều người còn muốn gọi đây là một tiểu thuyết phóng sự, một mặt mạnh riêng của nhà văn Phạm Việt Long, nếu bạn đọc đã từng say mê cuốn Bê trọc của anh.

 

Tôi yêu những trang viết về ngày hôm nay, lúc này. Ngày hôm nay là cái đang diễn tiến ở trước mắt chúng ta. Nó đang hiện tồn. Nó chưa phải là cái đã qua, cái đã định vị, đã được đánh giá, để có thể tha hồ chiêm ngưỡng hoặc chê cười. Ngày hôm nay là cái chưa hoàn thành, cái còn dang dở, phải cất công mày mò tìm hiểu. Ngày hôm nay là cái đang phải khám phá. Viết về ngày hôm nay là một thử thách với nhà văn, nhưng lại là một đòi hỏi ráo riết, một yêu cầu thiết tha của người đọc. Nói như vậy là tôi thực sự có ý ủng hộ cuốn sách của nhà văn Phạm Việt Long.

 

Ðọc Giã từ của Phạm Việt Long, cùng với niềm vui thích vì được tiếp cận với đời sống hiện thực hôm nay, trong đó công cuộc đổi mới của đất nước được thể hiện sinh động qua câu chuyện đổi mới các doanh nghiệp văn hóa, mà Tập đoàn Tri thức là tiêu điểm được khắc họa rõ nét, sống động, tôi nghĩ bạn đọc có thể thú vị với cách thức mà anh đã dùng để miêu tả cuộc sống nhiều hình, nhiều vẻ này; đúng như nhà văn đã từng viết: "Tôi sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực, đồng thời vận dụng thêm các thủ pháp của phương pháp hiện thực huyền ảo, phương pháp tượng trưng, huyền thoại, ngụ ngôn... với hình thức giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào công chúng".

long-co-nho-1629853714.jpg
Tác giả Phạm Việt Long

Vào năm 1999, Phạm Việt Long trình làng qua tập truyện ngắn Âm bản, để lại cho tôi nhiều thiện cảm. Tuy nhiên, Phạm Việt Long còn gây cho tôi nhiều bất ngờ hơn, khi tạo nên cả một dư luận sôi nổi trong bạn đọc, bằng việc ngay sau đó công bố cuốn tiểu thuyết tư liệu thật đầy đặn, nhan đề Bê trọc. Xuất bản năm 1999, cùng năm với Âm bản, Bê trọc, cuốn sách có cái tên trần trụi như chính đời sống, liên tiếp được tái bản trong những năm 2001, 2002, 2003.

 

Năm 2002, Phạm Việt Long bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ ngữ văn với đề tài Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình. Tiếp đó, anh xuất hiện với tư cách một nhạc sĩ, tác giả của các đĩa nhạc Mơ hình bóng quê nhà, Những bản tình ca mới, Giàn thiên lý và hai chương trình riêng trên truyền hình Việt Nam (Người của công chúng - Nhà văn Phạm Việt Long, Quán Âm nhạc: Nhà văn - Nhạc sĩ Phạm Việt Long), một chương trình riêng trên Truyền hình Hà Nội (Hà Nội trong tôi)... Các ca khúc trữ tình cũng đã được trình diễn trong một đêm ca nhạc với tên gọi Nhớ một thời, thu hút được nhiều cảm tình của công chúng. Tiếp tục con đường văn chương, năm 2002, Phạm Việt Long cho in ký sự Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11 tháng 9; năm 2006, anh công bố tập truyện ngắn và tản văn nhan đề Ngờ vực. Và bây giờ, tiểu thuyết Giã từ. Con đường sáng tạo của Phạm Việt Long gắn bó mật thiết với những bước chuyển quan trọng của đất nước, tác phẩm của anh giàu tính hiện thực và tính nhân văn, đáng để chúng ta quý trọng.

 

Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết "Ðọc tiểu thuyết Giã từ của Phạm Việt Long" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn