Gặp được một cô Công an Nhân dân

Đặng Sĩ Ngọc

27/09/2021 10:32

Theo dõi trên

Tôi buồn phiền gạt nước mẳt thương mẹ. Điều đó để lại trong tôi sự sợ hãi về việc ‘hành là chính”.

gap-duoc-mot-1632713498.jpg
Nữ chiến sĩ Công an Nhân dân (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet)

Thời bao cấp, tôi đã là thương binh, phải sống gần các cơ sở y tế để được chăm sóc. Gia đình neo người, mẹ tôi sống một mình ở quê, lúc tuổi đã cao, sức khỏe yếu. Tôi xin mẹ đến ở cùng vợ chồng tôi cho tiện việc chăm sóc lẫn nhau.

Nghe lời các cán bộ liên quan, tôi đã phải đi về để xin đủ thủ tục giấy tờ như con thoi trên chặng đường gần trăm km. Riêng giấy tờ các loại đã gần đến trăm trang, rất nhiều con dấu, tốn nhiều công sức và tiền bạc trong khi kinh tế gia đình eo hẹp vì đất nước mới kết thúc chiến tranh. Tới lúc gần đạt được nguyện vọng, quan chức đặt bút ký chữ cuối cùng thì mẹ tôi đã quy tiên. Tôi buồn phiền gạt nước mẳt thương mẹ. Điều đó để lại trong tôi sự sợ hãi về việc ‘hành là chính”.

Hành chính trong tôi đã như một hội chứng chiến tranh. Bởi vậy, ngày nay dù tôi có một số chế độ chính sách ưu đãi nhưng tôi không xin vì sợ. Mà không xin thì không ai cho cả. Tôi vui lòng, thỏa mãn với những gì mình đã có, đã hưởng. Nếu không đủ sống thì tự vận động lấy.

Đất nước thống nhất, tôi tự nguyện xin rời đoàn an dưỡng về sống với gia đình từ 1990. Tôi nhập khẩu với chủ hộ là vợ ở phường Hưng Dũng. Khi giao nhận, tôi chẳng kiểm tra hết giấy tờ, vài năm sau tôi mới phát hiện năm sinh của mình trong hộ khẩu bị ghi sai. Tôi sinh năm 1948, tất cả các giấy tờ khác đều thống nhất 1948, nhưng trong hộ khẩu lại ghi tôi sinh năm 1953. Điều này làm tôi băn khoăn, lo lắng. Nhưng tôi nghĩ: "Mình già rồi, lại thương binh rất nặng, chẳng thăng quan tiến chức gì nữa, nên tôi cứ để như vậy".

Mãi những ngày gần đây, tâm sự với một số đồng đội về tuổi tác của mình trong hộ khẩu, họ khuyên tôi nên làm lại cho đúng để bảo vệ quyền lợi bản thân, gia đình và cho con cháu mai sau. Tôi suy nghĩ rồi mạnh dạn viết đơn với tâm trạng lo ngại, cứ nghĩ về “hành là chính” như ngày xưa tôi từng xin hộ khẩu cho mẹ đến ở với mình.

Sáng thứ hai vừa qua, tôi lấp ló, rụt rè ở cửa phòng trực công an phường. Một cô thiếu úy trẻ đang hướng dẫn hai sinh viên an ninh thực tập. Khi thấy tôi, cô đưa tay ra hiệu mời tôi vào phòng làm việc một cách thân thiện. Cô nói: “Bác có việc gì giải quyết không?” Tôi liền đưa cho cô giấy xin sửa tuổi trong hộ khẩu gia đình; thấy biển hiệu của cô có ghi: Lê Thị Chân Phương. Cô Phương cầm giấy tờ và sổ hộ khẩu đọc qua rồi nói: “Bác viết hơi dài. Công an phường chỉ xác nhận từ cơ sở chuyển lên cấp trên nghiên cứu giải quyết. Vì vậy bác phô tô các giấy tờ liên quan như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân... có công chứng rồi nộp cho chúng cháu. Từ lo ngại, tôi đã thăm dò, hỏi han và làm đủ yêu cầu như nữ thiếu úy nói. Phương còn hướng dẫn cho tôi viết lại giấy trình bày từng từ, từng câu, dấu chấm, dấu phẩy... Trong lúc hướng dẫn tôi, cô còn giải quyết cho hai khách nữa, lại vừa điện thoại vớí cấp trên. Trông cô bận rộn tíu tít nhưng linh hoạt, vui vẻ và chính xác đến lạ thường. Cô kiểm tra giấy tờ của tôi một lần nữa, rồi viết giấy hẹn đưa chơ tôi nói: “Bây giờ bác về nghỉ. Khi nào cấp trên làm xong, chúng tôi điện thoại mời bác đến nhận”.

Tôi nhìn hộp lệ phí ở góc bàn, hỏi: “Bác phải nộp bao nhiêu tiền lệ phí đây?”

“Ồ không!” - Phương trả lời: "Bác là thương binh nặng mất sức 81%. Công an phường miễn lệ phí cho bác”.

Đây cũng là điều làm tôi suy nghĩ và cảm động. Như thoát được gánh nặng lo âu, tôi cảm ơn cô ra về. Tôi liên tưởng đến một vị tướng tài đầu thế kỷ XX người Pháp, ông có giác quan kỳ lạ, vừa đánh cờ vừa điện thoại chỉ huy các cánh quân ở mặt trận vừa đọc báo vừa trao đổi với các tùy tùng... Ngày nay tuổi trẻ của đất nước chúng ta cũng có nhiều người làm được việc tuyệt vời như vậy.

Sau hôm đó, tôi đến kể chuyện việc tôi xin sửa tuổi trong hộ khẩu cho đồng chí bí thư chi bộ là Hồng. Anh Hồng giới thiệu: "Đồng chí nữ công an ấy vừa thường trực ở phường vừa đảm nhận an ninh khu vực cho ba khối dân cư. Tuổi còn trẻ, mới ra trường". Chúng tôi thấy cô tích cực, vui vẻ, không ngại khó. Có đêm khuya, ở các khối xảy ra chuyện gì cô cũng phải đi giải quyết, bà con rất thương.

Tôi lại đến anh Sơn (khối trưởng khối Trung Tiến) và anh Tuất (khối phó khối Trung Đông) phụ trách dân phòng hỏi chuyện, hai anh cũng nói: "Ba khối chúng ta có địa bàn phức tạp, có chợ, nhiều cơ quan, bệnh viện, trường học, nhiều trục đường lớn nhỏ giao lưu với các phường xã trong thành phố; dân đông, nhiều gia đình có phòng trọ cho thuê". Lực lượng công an đã tích cực gần gũi nhân dân, cùng cán bộ và nhân dân các khối giữ vững địa bàn không phát xuất tội phạm, không bị cháy nổ, trộm cắp, ma túy... thật đáng được khen.

Còn tôi, qua việc xin sửa tuổi trong hộ khẩu, tôi rất muốn được cảm ơn cô công an khu vực và nghĩ: Các đồng chí đang ầm thầm làm được những việc tử tế theo lời Bác Hồ dạy công an nhân dân.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Gặp được một cô Công an Nhân dân" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn