Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai - Đối tác mặt nhăn nhúm

Phạm Việt Long

08/08/2021 16:44

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

 

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương hai

ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY

 

 

Đối tác mặt nhăn nhúm 

 

Là người đứng đầu một Tập đoàn tham gia Liên doanh với đối tác nước ngoài mà Trực chưa gặp đại diện của phía Đài Loan lần nào. Anh bảo Minh bố trí buổi làm việc với họ. Minh báo cho Đản việc này, nhưng khi thì Đản bảo phía đối tác bận, đi công tác, khi lại bảo họ vừa lên đường về Đài Loan. Thành thử chỉ làm việc qua mạng hoặc FAX, không có điều kiện bàn bạc sâu với nhau cái gì. Đã đến lúc phải làm việc trực tiếp với đối tác để bàn cách thay đổi cơ chế quản lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Lãnh đạo Tập đoàn báo cáo Bộ và Bộ đã ra Quyết định cử đoàn công tác đi Đài Loan, do Chủ tịch Trực dẫn đầu. Minh hiểu rằng đây là chuyến đi mang tính chiến đấu như ra trận. Cậu Đản nhát gan không chịu đi. Cậu ta bảo rằng cậu ta đang bị chúng nó thù, sang đó lỡ chúng nó cho bọn xã hội đe xử lý thì sao. Không nỡ ép, Minh báo cáo cho Đản ở nhà. Minh băn khoăn, không hiểu sao anh Trực lại dặn đi dặn lại rằng đoàn này là đoàn công tác do Bộ cử đi, không liên quan gì đến Liên doanh, cho nên không sử dụng phiên dịch của Liên doanh và đi độc lập, không cần Liên doanh phục vụ. Kể cả việc ở tại Đài Loan, cũng phải tự bố trí Khách sạn. Bên đó Việt Nam có cơ quan đại diện, ta nhờ các đồng chí ấy bố trí giúp Khách sạn. Không tới Cao Hùng, trụ sở của Công ty đối tác, mà tới Đài Bắc, trung tâm của Đài Loan, để họp. Như thế, đảm bảo tính khách quan hơn. Mời thêm cán bộ của Bộ đi để chứng kiến quá trình đàm phán với đối tác.

Buổi sáng hôm ấy, bầu trời tháng mười khá ảm đạm. Mây liền mảng dăng kín không gian làm cho gầm trời có vẻ như thấp lại. Đoàn công tác gồm năm người, trong đó có ba người của Tập đoàn, một người của Bộ và chị Thái, cán bộ phiên dịch, đến sân bay khá sớm. Trong khi làm thủ tục, một trục trặc xảy ra: có sự nhầm lẫn khiến cho anh Kiên Trung, cán bộ của Bộ, không có trong danh sách hành khách bay. Mất một chút thời gian làm lại thủ tục mới xử lý ổn. Lát sau thì có hai cô gái đến chào đoàn. Minh giới thiệu với Trực: "Đây là Thuỳ, kế toán, và đây là Kha, phiên dịch của Liên doanh". Trực hỏi: "Thế các cô cũng sang Đài Loan à?". Kha nhanh nhảu: "Vâng, chúng cháu cũng sang Đài Loan. Anh Đản bảo chúng cháu đi...". Chào hỏi nhau qua loa rồi Trực dẫn đoàn vào phòng chờ. Khi đi qua chỗ kiểm soát, Trực ngạc nhiên khi nghe anh cán bộ Hải quan hỏi: "Có đem theo đô la không?". Đi công tác không biết bao nhiêu lần rồi, kể cả trong nước và ngoài nước, chưa bao giờ Trực phải nghe một câu hỏi như thế. Hơi ngạc nhiên, nhưng anh vẫn cười: "Đô la ư, đem đi làm gì? Chỉ có hai ngày họp thôi mà!". Quan sát cổng bên kia, lại một lần nữa Trực ngạc nhiên khi nhìn thấy Trung bị đưa vào phòng khám xét. Chờ khá lâu Trung mới ra. Chưa đợi Trực hỏi, Trung đã nói một thôi, giọng bực tức:

- Họ hỏi cháu có đem theo nhiều đô la không. Họ lục tung đồ của cháu lên. Họ lần từng cái cạp quần... Không thể chịu được!

Khi đoàn chuẩn bị lên máy bay thì Kha vào, báo tin Thuỳ đã bị giữ lại vì đem theo mười bảy ngàn đô la Mỹ, vượt quy định. Trực hỏi:

- Tại sao lại mang nhiều thế và không khai báo?

- Vì ông chủ bên kia và anh Đản bên này chỉ thị phải đem tiền sang phục vụ hội nghị...

Một ý nghĩ thoáng qua khiến Trực cảnh giác. Anh bảo Kha:

- Thôi, cháu ở lại chờ làm thủ tục với Thuỳ, xong thì vào.

Khi Kha ra rồi, Trực dặn cả đoàn:

- Có vấn đề đấy. Cần cảnh giác. Đoàn ta không liên quan gì với đoàn Liên doanh, không ai được can thiệp với Hải quan chuyện tiền của Liên doanh bị giữ. Phải tuyệt đối nghe lời tôi. Kẻo rồi chỉ vài ngày thôi, báo chí sẽ đăng loạn lên tin đoàn công tác của Tập đoàn đem lậu đô la bị thu giữ. Nhớ đấy!

Trực chỉ dặn dò đoàn như vậy mà không nói ra những suy nghĩ của mình. Việc Trung bị trục trặc khi làm thủ tục đặt chỗ máy bay, rồi bị khám xét, rồi nhóm cô Thuỳ, Kha mang theo đô la, bị giữ, chắc không phải là ngẫu nhiên mà do bàn tay nào đó đạo diễn. Phải chăng đó là Đản. Tay này có âm mưu gì đây? Muốn dằn mặt đoàn trước khi sang họp với đối tác? Muốn tạo cớ để vu cáo đoàn? Anh nhớ lại có lần, cách đây không lâu, Đản đã báo cáo với anh một việc làm mang tính thủ đoạn đối với đối tác Đài Loan. Việc này xảy ra sau khi vụ mại dâm tại Khách sạn Bạch Liên bị bắt quả tang. Tổng Giám đốc Chin Thục Phương, sau khi mất hồn vì phải ký vào biên bản vi phạm, đã chếch vé quay về Đài Loan. Tỏ ra chu đáo, chính Đản đã gợi ý cho bà ta rút ba chục ngàn đô la tại Liên doanh để đem về phục vụ Công ty mẹ. Ngay sau đó, Đản báo cho Hải quan rình bắt số tiền này. Nhưng, Chin Thục Phương không phải tay vừa. Khám xét không phát hiện ra số đô la "vi phạm", Hải quan phải một phen bẽ mặt. Lần ấy Đản đã thua, thua một con mẹ Đài Loan mới nhục. Bẫy đã sập mà tiền thì biến mất, con mẹ Tổng Giám đốc lại cười vào mũi Đản rồi mới bay về quê nhà. Còn bây giờ, phải chăng cũng là Đản cài bẫy? Cái bẫy đã sập và một cô gái Việt ngây thơ đang giãy giụa trong đó.

Đoàn công tác ở tại một Khách sạn loại trung bình khá ở Đài Bắc. Thành phố này khá rộng, với những ngôi nhà cao tầng khá hiện đại. Hôm ấy trời mưa tầm tã. Mãi tối, đoàn của đối tác mới đến, gồm hai vợ chồng tay Chủ tịch Liên doanh và một người đàn ông cao to, da đen đen, dáng chắc nịch. Gặp nhau ở sảnh Khách sạn, Trực đặt vấn đề triển khai nội dung họp. Chủ tịch Liên doanh là một người đàn ông thấp đậm, trắng trẻo, tên là Chu Dung, có vẻ mặt rất căng thẳng. Nhìn chị Thái với ánh mắt đầy nghi ngờ, Chu Dung nói:

- Cuộc họp sắp tới mang tính nội bộ, cho nên chị này không thể tham dự.

Trực nhũn nhặn:

- Nhưng đây là phiên dịch riêng của đoàn, cũng phải được tham dự cuộc họp.

- Không, đây là cuộc họp nội bộ...

Trước thái độ căng thẳng, cương quyết của Chu, Trực nghĩ chắc tay này còn có những nghi ngờ đối với đoàn. Hơn nữa, trong tâm trạng của kẻ bị cơ quan Chức năng Việt Nam ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam, ông ta cảnh giác là điều dễ hiểu. Biết rằng cần giãn thời gian để ổn định tâm lý đối phương, Trực chủ động:

- Thôi, chúng ta đều mới đến, cứ nghỉ ngơi, rồi mai hãy hay.

Anh kéo riêng Kha, phiên dịch của tay Chủ tịch, ra dặn dò...

Sáng hôm sau, tình hình khác hẳn. Trông Chu đã tươi tỉnh, cởi mở chứ không căng thẳng, khép kín như tối hôm qua. Kha cho biết tay này nghi ngờ chị Thái là người của cơ quan Chức năng Việt Nam cài vào nên mới có thái độ như hôm qua. Sau khi được biết rõ chị là cán bộ biên dịch của Nhà xuất bản Thế giới danh tiếng tại Việt Nam, có trình độ chuyên môn cao, và chỉ làm chuyên môn, đã từng nhiều lần đi dịch cho đoàn công tác cấp cao của Việt Nam, Chu mới xua tan mối nghi ngờ trong lòng mình.

Cuộc họp được tiến hành ngay tại Khách sạn trong không khí làm việc cởi mở, thẳng thắn. Sau các việc mang tính thủ tục và bàn những chuyện chung, Chu Dung bắt đầu đi sâu vào nội tình Liên doanh. Nghe Chu nói đến đâu, Trực giật mình đến đấy. Có thực là cán bộ Việt Nam trong Liên doanh tệ đến như thế không? Có thực là vợ chồng tay này bị oan không? Anh tự nhủ cần bình tĩnh xem xét, chưa vội nêu những nhận định của mình. Anh bảo chị Thái dịch thật chính xác, rõ ràng để hai bên nắm chắc nội dung cần trao đổi. Chu Dung nói trong niềm căm phẫn như sau:

- Liên doanh Bạch Liên kinh doanh mười năm, các Công ty khác đầu tư vào Việt Nam đều có lãi, mà sao Bạch Liên không có lãi? Tôi hy vọng sẽ báo cáo tường tận với các vị phụ trách phía Việt Nam trong Liên doanh.

Sau khi tóm tắt quá trình hoạt động của Liên doanh mười năm qua, những thăng trầm mà nó đã nếm trải, sự lao tâm khổ tứ của bản thân cống hiến cho Liên doanh, Chu nhấn mạnh:

-  Lúc đó Hà Nội chỉ có bốn Khách sạn lớn, trong đó có Bạch Liên. Thiết bị Khách sạn Bạch Liên không kém so với các Khách sạn khác, nhưng tỷ lệ khách đặt phòng chỉ có ba mươi phần trăm công suất. Bình quân tiền phòng chỉ một trăm bốn mươi USD (chưa tính thuế VAT), doanh thu chỉ có hai chục ngàn USD. Từ chỗ phân tích tình hình, các cổ đông Đài Loan yêu cầu tôi làm Chủ tịch Tập đoàn. Lúc đó Công ty đã nợ trên sổ sách là một triệu sáu trăm ngàn USD. Trên thực tế, còn nợ nhiều hơn. Chủ yếu nợ tiền bảo hiểm và nợ thuế, nợ lương bốn tháng của nhân viên, nợ tiền hàng sáu tháng của tiểu thương. Tổng số nợ gần ba triệu USD. Sao kinh doanh tồi tệ vậy? Tôi không rõ, vì lúc đó tôi chỉ là một cổ đông thôi. Ông Đức Chu nhất quyết không chịu làm Chủ tịch Tập đoàn nữa, vì không muốn tiếp tục bỏ tiền túi cho Công ty vay. Mãi đến năm hai ngàn lẻ bốn, Liên doanh mới trả ông Đức một trăm bẩy mươi ngàn USD. Trong lúc không còn cách nào nữa, tôi đành nhận chức Chủ tịch Tập đoàn. Trong sáu năm tôi luôn tổn thất tiền cá nhân, cứ ba tháng tôi sang Việt Nam một lần, mỗi lần như thế tôi lại phải chi tiền cá nhân. Nhưng trong vòng năm năm, chưa tính năm nay, Công ty hứng chịu sự khủng hoảng của châu Á về tiền tệ, dịch bệnh Shart, nợ sáu tháng tiền hàng, nợ nhân viên bốn tháng tiền lương. Tôi đã tiến hành cải cách phương thức kinh doanh. Qua hai lần cải cách, trong vòng năm năm đã trả hết nợ. Năm ngoái, khi chưa xảy ra vụ Câu lạc bộ, tài khoản của Công ty còn hai trăm năm chục ngàn USD, đã vực dậy Công ty.

Tôi nhận thấy lẽ ra Công ty có thể kinh doanh có lãi, nhưng lỗ kéo dài là vì có nhiều lỗ hổng, có hiện tượng móc nối với tiểu thương lấy phần trăm khi mua thực phẩm và vật liệu xây dựng. Có hiện tượng tham ô của những người cấp dưới. Khi bà Chin làm Tổng Giám đốc Công ty, tôi chỉ thị cho bà Chin chấn chỉnh các bộ phận. Kết quả sau ba tháng đã gặt hái được thành quả. Theo dự tính sơ bộ, so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận tăng hơn một trăm ngàn USD. Đấy chỉ là con số lãi qua việc chấn chỉnh hạn chế tham ô. Nhân đây, tôi muốn ngài Chủ tịch Mai Chính Trực biết hiện tượng tham ô ở Công ty nghiêm trọng đến nhường nào. Là Chủ tịch Tập đoàn, tôi không thể không chấn chỉnh. Nhưng tôi thật không may, một số người Việt Nam nói tôi và bà Chin thật không phải là người. Ông Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Lê Đản nói với tôi: "Ông không cho người khác tham ô còn có thể lý giải được, nhưng tiền đưa đến mồm ông mà ông không ăn thì chịu không thể hiểu được." Thực tế, tại Khách sạn, tham gia kinh doanh phía Việt Nam là Phó Tổng Giám đốc thứ nhất, còn Phó Chủ tịch Tập đoàn không tham gia trực tiếp. Tôi đã bàn bạc với ông Đản một kế hoạch chi tiết cải tạo, nâng cấp Khách sạn, mở rộng kinh doanh, nhưng ông Đản không quan tâm. Ông Đản chỉ quan tâm trong kế hoạch này ông ta được bao nhiêu tiền. Câu nói cửa miệng của ông Đản là tôi được bao nhiêu? (Chu nói nhấn từng tiếng một). Tôi cũng nói ông sẽ có, nhưng cũng không nên lấy quá nhiều đến mức không thể chấp nhận được. Tóm lại, ông Đản trong bẩy năm thay mặt phía đối tác Việt Nam tại Khách sạn Bạch Liên với chức danh Phó Tổng Giám đốc thứ nhất đã có những việc làm xấu xa vi phạm pháp luật và đạo đức con người. Tôi có rất nhiều bằng chứng. Ngày mười sáu tháng chín năm hai nghìn lẻ tư, có ba đơn tố cáo ông Đản, ông Lặng đã lợi dụng chức quyền tham nhũng tư túi. Ông Đản và ông Lặng thường xuyên sa thải người phụ trách các cô gái. Mỗi lần sa thải một người rồi nhận một người mới, người đó đều phải nộp tiền cho ông Lặng. Như vậy ông Lặng thường bới lông tìm vết để sa thải nhân viên, nhờ thế mà nhận được nhiều tiền chạy chọt, đút lót.

Ông Đản bắt các cô nhân viên mát xa cho ông ấy, không bao giờ trả tiền. Ông thưòng sàm sỡ các cô, thường quấy rối tình dục, nếu ai không cho thoả mãn là ông kiếm cớ sa thải, vì vậy ai cũng sợ mát xa cho ông Đản. Không những buộc họ phải thoả mãn dục tính thấp hèn của ông mà còn bị quỵt tiền.

Sự việc đáng tiếc ở Câu lạc bộ là do ông Đản và ông Lặng sắp xếp để vu khống ám hại tôi và bà Chin. Khi xảy ra việc, cơ quan Chức năng đến điều tra, cho gọi các Giám đốc các bộ phận lên phòng ông Đản hỏi, ông Đản, ông Lặng doạ nạt nhân viên trước và dạy họ cách khai để khai có hại cho tôi. Tôi có bằng chứng, nếu ra pháp luật, tôi sẽ nói ra. Sau khi sự việc xảy ra, không có bằng chứng nào là tôi và bà Chin phạm tội. Tôi dám khẳng định tôi không chỉ đạo làm những việc vi phạm pháp luật. Tôi không tiêu một xu nào của Công ty, không tham ô một xu nào, kể cả khi mời quan chức văn phòng Đài Bắc, tôi cũng tự bỏ tiền ra mời.

Tôi xin nêu một ví dụ nữa là: Khi nâng cấp Khách sạn giai đoạn một (vay tiền của ngân hàng) là hơn ba trăm ngàn USD, nhưng ông Đản đưa lên kết toán là hơn năm trăm ngàn USD. Rất nhiều hợp đồng hai ông Đản, Lặng ký. Tôi ở Đài Loan rất bận, mỗi lần sang Việt Nam ở rất ít thời gian. Nhưng khi tôi xem bản báo cáo kinh doanh, thấy tồn tại nhiều vấn đề, tôi yêu cầu ông Đản phải báo cáo tôi nhưng ông ấy cứ khất lần. Sau khi bàn bạc, ông Đản và ông Định phải nhất trí giao công trình nâng cấp đợt hai cho tôi trực tiếp điều hành. Kết quả, mức chi tiêu giảm rõ rệt: bớt hẳn gần hai trăm ngàn đô la so với khi ông Đản và ông Lặng trực tiếp thực hiện.

Còn một dẫn chứng nữa tôi nêu ở đây để minh chứng việc ông Đản, ông Lặng móc nối tham ô và làm xấu đi môi trường đầu tư ở Việt Nam như thế nào. Một lần thuế vụ đến kiểm soát sổ sách của năm hai nghìn lẻ hai, đấy là việc xảy ra trong tháng bẩy năm hai nghìn lẻ ba. Việc kiểm toán không liên quan gì đến thuế năm một ngàn chín trăm chín lăm. Ông Đản yêu cầu ông Lặng gọi điện cho tôi, nói vì Công ty gửi lợi nhuận ra nước ngoài, cho nên nợ thuế năm một ngàn chín trăm chín lăm hơn mười ba ngàn USD. Tôi nói phía Đài Loan chưa gửi lợi nhuận ra khỏi Việt Nam bao giờ. Nếu đã gửi, Cục thuế phải có chứng từ, là chúng tôi đã gửi. Ông Đản và ông Lặng doạ nạt tôi và nói nếu Công ty đưa ra hai nghìn USD chạy là xong, nếu không thì phải mất hơn mười ngàn USD. Tôi không đồng ý. Thế là không đầy một tháng sau, ông Đản rút mười ba ngàn USD nói rằng đi chạy Cục Thuế. Tôi cử người đi hỏi, được biết Cục Thuế không nhận được và cũng không có giấy biên nhận khoản tiền này.

Tôi nghĩ những năm trước, dịch bệnh Sart và khủng hoảng tiền tệ châu Á ảnh hưởng đến việc kinh doanh Khách sạn rất lớn, hầu hết các Khách sạn đều nợ thuế của Chính phủ Việt Nam, nhưng Chính phủ Việt Nam đã rất thông cảm và tạo điều kiện cho chúng tôi làm ăn. Tôi đã từng thay mặt cho Công ty trình lên Chính phủ Việt Nam bản báo cáo hứa sẽ trả hết, không nợ Nhà nước một xu thuế. Chính phủ Việt Nam cũng đã hứa không phạt Công ty một xu nào.

Đến tháng năm năm hai ngàn lẻ bốn, khi Công ty trả hết thuế nợ đọng, thì tháng bẩy, tháng tám, ông Đản lại đưa cho tôi một công văn với nội dung Chính phủ Việt Nam phạt hơn năm trăm ngàn USD, nhưng chỉ cần chi ra năm ngàn USD chạy là mọi việc sẽ ổn thôi. Sau đó ông Đản còn doạ tôi hai lần, nếu không chi ra năm ngàn USD chạy, Chính phủ sẽ phạt năm trăm ngàn USD.

Tôi nghĩ, nếu chỉ cần nội bộ ổn định, loại bỏ tham ô, câu kết tư túi, cải tổ phương thức kinh doanh, tích luỹ dần nguồn khách, thì chúng ta sẽ có lãi.

Tôi nói thêm rằng, khi tôi cải cách cơ cấu làm việc để vừa đảm bảo luật pháp, vừa để Công ty có lãi, ngăn ngừa những lỗ hổng rò rỉ thì ông Đản và ông Lặng doạ tôi, nếu tôi không hợp tác với các ông ấy thì tôi sẽ không có đất sống ở Việt Nam. Tôi có lúc đã nghĩ thôi thì các ông ấy ăn một chút cũng được, nhưng họ ăn nhiều quá, mà Công ty lại đang gặp khó khăn. Tôi dẫn chứng thêm vài vụ việc. Tôi thấy cửa hàng giặt là vẫn bao thầu giặt chăn, đệm cho Công ty không sạch, tôi yêu cầu đổi một cửa hàng, vừa rẻ vừa sạch mà họ còn lại quả hai mươi phần trăm (đương nhiên phần lại quả này sẽ nộp vào Công ty), vậy mà ông Đản không đồng ý.

Tôi là một Dược sĩ làm ăn chính đáng ở Đài Loan. Vợ tôi là một y tá. Chúng tôi hành nghề y dược hai mươi năm, đã góp phần cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân. Tôi đầu tư vào Việt Nam, muốn kiếm tiền là phụ, nhưng chủ yếu là muốn được thành quả trong một lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực y dược. Hôm nay, lần đầu tiên gặp ngài Chủ tịch Mai Chính Trực, tôi mong sự minh oan, sáng suốt và huỷ bỏ lệnh bắt tạm giam của tôi, vì tôi không chỉ đạo chứa chấp mại dâm. Tôi mong Nhà nước Việt Nam xử đúng người, đúng tội để trả lại thanh danh cho tôi, tạo môi trường đầu tư lành mạnh cho người nước ngoài. Tôi sẽ có đơn trình lên và kêu oan với các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Khi cần thiết tôi sẽ đến những cơ quan pháp luật. Tôi mong quý vị trung thực truyền đạt lại những trần thuật của tôi cho các cơ quan hữu quan Việt Nam. Tôi cảm ơn.

Nhìn khuôn mặt nhăn nhúm, nghe giọng nói uất nghẹn của Chu Dung, Trực cảm thấy trong nội dung lời nói của ông ta có cơ sở thực tế nào đó. Anh nhớ lời cụ Nguyễn Du từng dạy rằng "sao cho trong ấm thì ngoài mới êm", muốn đối ngoại tốt, phải quản lý chặt nội bộ. Nếu cứ thả cán bộ vào Liên doanh rồi bỏ mặc họ làm gì thì làm, thì họ dễ sa vào con đường sai lầm, gây tổn hại cho đất nước, phá môi trường đầu tư. Thảo nào, khi Trực yêu cầu cho gặp đối tác, tay Đản cứ lần khất mãi.

Gần cuối cuộc họp, Chu Dung có điện thoại. Xin lỗi mọi người, Chu đi ra một góc, áp điện thoại vào tai phải. Qua mấy câu trao đổi, Chu biến sắc mặt. Chu xin lỗi mọi người lần nữa rồi mở cửa, bước ra ngoài, điện thoại vẫn áp bên tai. Hồi lâu sau, Chu mới đẩy cửa trở lại bàn họp, vẻ mặt căng thẳng. Sau này, Minh được biết rằng cuộc điện thoại đó là từ Việt Nam gọi sang, báo tin Chu Dung đã bị truy nã về tội tổ chức mại dâm. Chu mới cỡ trên bốn mươi tuổi, da mặt còn căng. Nhưng hôm nay, mặt Chu nhăn nhúm như quả táo Tầu khô.

Minh thì thào bảo với Trực rằng lần đầu tiên được nghe Chu nói kỹ như thế về nội tình Liên doanh, nhất là về những bê bối của Đản.

Đến phần mình phát biểu, Trực giữ một thái độ từ tốn, tự tin. Anh nói:

- Vụ việc ngày mồng tám tháng mười hai năm hai nghìn lẻ bốn cần chờ các cơ quan Chức năng giải quyết dứt điểm. Công an Hà Nội có lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Chu Dung, về phía đối tác Việt Nam không thể đồng ý để ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liên doanh, mà phải thực hiện đúng luật. Còn việc ông có đơn tường trình gửi cho cơ quan Chức năng Việt Nam là quyền của ông. Tập đoàn Tri thức mới tiếp quản công việc được một năm nay, chưa có điều kiện nắm vững nội tình, cho nên phải có thời gian tìm hiểu và phải dựa vào những kết luận của cơ quan Chức năng. Do vậy, đề nghị Ban Lãnh đạo Liên doanh tìm người thay thế ông Chu Dung làm Chủ tịch.

Những việc của ông Đản, ông Lặng mà ông nêu lên, chúng tôi sẽ tìm hiểu, kiểm tra. Mọi vấn đề cần có những bằng chứng rõ ràng, không thể chỉ dựa vào lời nói, mà phải xem xét kỹ lưỡng, có bằng chứng, nhất là những vấn đề có liên quan đến phẩm giá con người.

Ông cũng có quyền gửi bản tường trình của mình cho các cơ quan Chức năng Việt Nam. Pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam và người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đang dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng các cơ quan pháp luật Việt Nam sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết vụ việc có liên quan đến ông một cách công bằng.

Hai bên còn trao đổi về việc sửa đổi điều lệ, thay đổi nhân sự, đổi mới phương pháp quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động. Trực cũng khuyên Chu nên thận trọng trong cách ứng xử với một số lao động Việt Nam tại Liên doanh, đừng có động thái nào khiến họ hiểu rằng mình đang trù úm họ.

Ngoài giờ họp, Trực khuyên Chu:

- Ông nên sớm tìm người thay thế mình. Ông đã có lệnh truy nã ở Việt Nam, ông không thể sang Việt Nam, cho nên ông không thể quản lý cái Liên doanh này. Vậy ông càng nhanh chóng rời cương vị Chủ tịch càng có lợi cho ông. Nếu quả là ông oan ức, ông nên nhờ cơ quan đại diện của Đài Loan ở Việt Nam phối hợp với cơ quan Chức năng Việt Nam giải oan cho ông.

Chu Dung rụt cổ, lè lưỡi:

- Nói đến cơ quan Chức năng Việt Nam, tôi sợ mất mật rồi. Trong suốt quá trình liên doanh, hễ nói đến họ, là ông Đản yêu cầu tôi phải chi tiền giao tế. Ông ta nói, nếu không chi tiền sẽ gặp các chuyện rắc rối. Bây giờ, tôi gặp chuyện rắc rối thật rồi, rắc rối to!

Trực trấn an:

- Ông không nên mất lòng tin vào công lý. Cơ quan Chức năng Việt Nam là cơ quan bảo vệ pháp luật, không bao giờ làm điều xấu, ác với ông. Có thể chỉ có một vài cá nhân biến chất câu kết với nhau làm việc xấu, khiến ông e sợ, nhưng đừng vì thế mà ông nhìn đất nước chúng tôi một cách u ám.

Trong chuyến đi, có chuyện vui là đoàn gặp những người bạn khá thân thiết. Đó là vợ chồng anh Hường, chị Nguyên. Anh Hường là Trưởng đại diện cơ quan Kinh tế - văn hoá Việt Nam tại Đài Loan. Chị Nguyên vốn là cán bộ Văn hoá, cùng học lớp Chính trị cao cấp với Minh. Sau khi học và nhận bằng tốt nghiệp, chị xin nghỉ hưu để sang đây cùng chồng. Gặp đoàn, anh chị mừng vui ứa nước mắt. Săn đón, xoắn xuýt như người nhà. Cứ lúc nào đoàn không bận là anh chị lại sang chuyện trò hoặc đưa đi thăm thú vùng đất lạ Đài Loan. Anh Hường xác nhận Chu Dung là một dược sĩ nổi tiếng ở Đài Loan. Ông ta có những cơ sở sản xuất thuốc cỡ lớn. Ông ta có ý định đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất thuốc tại Việt Nam, nhưng gặp sự cố này lại thôi. Những bài báo đăng trên các báo ở Việt Nam về vụ án Bạch Liên đã được báo chí Đài Loan thông tin lại khá nhiều, gây nên một luồng dư luận dữ dội trong xã hội. Suốt mấy hôm nay, dư luận Đài Loan ồn lên chuyện ông Dược sĩ Đài Loan tổ chức mại dâm ở Việt Nam. Có người phê phán gay gắt ông này. Có người bán tín bán nghi. Anh Hường nhận xét: "Dù thế nào, môi trường đầu tư của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Các nhà đầu tư Đài Loan này đang hoang mang lắm!".

Trước khi đoàn lên đường về nước, Minh báo với anh Trực rằng đối tác Đài Loan muốn gửi tặng đoàn quà theo phong tục. Trực lắc đầu, nói ôn tồn: "Bình thường, thì đó là chuyện phong tục. Nhưng lúc này, không khéo lại bị người ta vu cho là nhận hối lộ. Thôi, cảm ơn họ và nói xin phép không nhận chút quà nào." Tiễn đoàn ở sân bay, vợ chồng Chu đem theo một bó hoa đủ mầu sắc tươi rói. Chỉ có gương mặt chủ nhân của những bông hoa là vẫn ủ rủ, mặc dù đã cố khắc phục tình trạng nhăn nhúm.

Chuẩn bị làm thủ tục vào buồng chờ sân bay, Trực dặn anh chị em trong đoàn: mỗi người phải tự kiểm tra hành lý của mình, đảm bảo không có gì vi phạm quy định của Hải quan. Khi về đến sân bay, chú ý nhìn hành lý của mình, không để cho ai bỏ thứ gì vào, nếu phát hiện ra ai bỏ thứ gì lạ vào, dù đó là công an hay hải quan, cũng phải kêu ầm lên. Anh chị em nhất nhất tuân theo lời Trưởng đoàn. Trung móc hết số thuốc Tây đem theo dự phòng bảo với anh Trực là vứt đi. Trực bảo tuy quy định về nhập thuốc Tây rất nghiêm ngặt, nhưng đây là thuốc mình đem theo để dùng thì không sao. Nhưng Trung vẫn vứt gói thuốc vào sọt rác.

Quan sát sân bay, Minh lấy làm lạ khi thấy một số người Việt Nam bị cảnh sát Đài Loan còng tay từng đôi một đưa vào phòng chờ. Nhìn họ khá lam lũ, nhưng không có vẻ gì là tội phạm. Minh thấy buồn nao nao. Mấy người kia còn trẻ lắm, trai có, gái có, làm gì trên xứ người mà đến nỗi bị còng tay thế kia? Lân la, Minh hỏi chuyện một cô gái người gầy gầy, da đen đen. Cô bị còng chung với một thanh niên cũng gầy gò, đen đủi. Tay cảnh sát Đài Loan này dễ tính, để ba người nói chuyện tự do. Hoá ra tất cả những người Việt bị còng tay ở sân bay này đều là lao động Việt Nam bị đưa về nước. Họ trốn khỏi nơi lao động chính thức theo hợp đồng để ra ngoài làm chui. Cô bé người gầy da đen đen này cho biết ra ngoài làm chui, thu nhập phải cao gấp đôi, gấp ba làm chính thức. Cho nên, nếu làm được chừng một năm, chẳng may bị bắt, trục xuất về nước, thì vẫn có lợi. Nói chuyện với cô bé, mặc dù cô có vẻ vui vẻ, thảnh thơi, nhưng Minh thấy lòng dạ mình cồn lên như bị xát muối.

Khi về đến sân bay, mọi việc diễn ra bình thường, không phức tạp như dự kiến. Cuộc đời thường như thế: khi vô tư thường bị gặp sự cố, còn khi đề phòng, sự việc lại êm xuôi.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai - Đối tác mặt nhăn nhúm" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn