Hà Giang: Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi khi giao mùa

Lê Hoàn

12/04/2023 17:07

Theo dõi trên

Tăng cường khử trùng, tiêu độc, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh - đó là những khuyến cáo của ngành chức năng tỉnh Hà Giang đối với người chăn nuôi trên địa bàn để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa với thời tiết nồm ẩm kéo dài.

tiem-trau-1681293970.jpg
Cán bộ thú y cơ sở hướng dẫn người dân tiêm phòng cho trâu.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang Trịnh Văn Bình, Chi cục đã có văn bản hướng dẫn trạm thú y phối hợp với phòng nông nghiệp các địa phương, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin đợt I năm 2023 tới 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai cung ứng được 722.750 liều vắc xin các loại, trong đó: Nhiệt thán 72.075 liều, lở mồm long móng 212.750 liều, tụ huyết trùng trâu bò 159.225 liều, dịch tả lợn cổ điển 278.700 liều. Ngoài ra, Chi cục còn tổ chức các Đoàn kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc tại tất cả huyện, thành phố để kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong công tác tiêm phòng vắc xin và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc trong các đợt tiếp theo.

Thời điểm giao mùa, thời tiết nắng mưa thất thường, nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi… là rất cao. Đội ngũ thú y cơ sở vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm bằng các biện pháp: Tiêm đủ mũi vắc xin, phun phòng tiêu độc môi trường chăn nuôi; kịp thời thông báo với cơ quan thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm bị ốm, chết bất thường. Các hộ chăn nuôi thực hiện các phương án phòng dịch bệnh phát sinh như: Chủ động tu sửa, che chắn kín gió khi cần thiết, phát quang bụi rậm xung quanh, khơi thông cống rãnh, tránh để nền chuồng ẩm ướt, lầy lội; có các biện pháp cách ly vật nuôi khi phát hiện có biểu hiện bất thường, theo dõi diễn biến sức khỏe có biện pháp phòng trị bệnh tích cực, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh; bổ sung đầy đủ thức ăn và các chất dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, tuyệt đối không cho ăn thức ăn đã bị ẩm, mốc hay ôi thiu.

Các hộ chăn nuôi cho uống nước sạch, bổ sung Vitamin để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; thực hiện đảm bảo vệ sinh chuồng trại theo phương châm sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nguồn nước khi bị ô nhiễm; thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, các dụng cụ chăn nuôi; dùng vôi bột hoặc phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi. Thú y các huyện, thành, thị phân công cán bộ trực tiếp về cơ sở, phối hợp với chính quyền, thú y các xã, thị trấn thực hiện tốt giám sát dịch bệnh tới tận hộ chăn nuôi; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời tiết giao mùa.

Hà Giang hiện chưa xuất hiện ổ dịch nào, tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, cơ quan thú y tỉnh khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nên chủ quan, cần đề cao cảnh giác với các yếu tố dễ phát sinh dịch bệnh, trên đàn vật nuôi, chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh một cách tốt nhất.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Giang: Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi khi giao mùa" tại chuyên mục Nông nghiệp mới. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn