Hà Nội: Sau hai tuần giãn cách xã hội, số ca COVID-19 vẫn nằm trong ngưỡng không bị quá tải

Vũ Xuân Bân

06/08/2021 10:44

Theo dõi trên

Đến 6 giờ sáng ngày 6/8, Hà Nội đã trải qua 2 tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, sáng 6/8, thành phố có thêm 21 trường hợp dương tính mới với COVid 19 tại 10 quận, huyện, trong đó có 4 ca phát hiện tại cộng đồng. Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội có 1.559 trường hợp dương tính mới, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 928, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 631.

Phân tích số liệu mắc COVID-19 trên địa bàn Hà Nội trong 2 tuần qua cho thấy: Những ngày đầu thực hiện giãn cách số ca mắc tăng lên dù không nhiều. Nhưng đến  30/7, số người dương tính mới tăng vọt lên 119 người, gồm 58 người ở khu cách ly tập trung và 61 người được phát hiện tại cộng đồng. 

Các trường hợp ghi nhận chủ yếu liên quan chùm ca bệnh ghi nhận trước đó như nhà thuốc 95 Láng Hạ, BV Phổi Hà Nội; Tân Mai, Hoàng Mai... tức là thuộc diện khoanh vùng từ trước vì liên quan các ca COVID-19.

hn1t3-1628220949.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát ở cửa ngõ Thủ đô. Nguồn: Internet

 

Giai đoạn này, theo nhận định của chuyên gia, số ca dương tính tăng không quá lo ngại, do thành phố quyết liệt truy vết, phát hiện các ca bệnh còn lẩn khuất trong cộng đồng. Ngay cả khi chúng ta làm tốt thì số ca mới chưa thể giảm ngay được vì thời gian ủ bệnh lên tới 14 ngày.

Bên cạnh đó, thời gian đầu vẫn còn tình trạng người dân đổ ra đường, bán hàng "chui", tập thể dục "trộm" vẫn còn. Những hoạt động này sau đó được chính quyền các cấp siết chặt.

Công tác chống dịch ở Hà Nội trở nên khó khăn hơn khi ngày 2/8 ghi nhận 98 người dương tính. Đây là thời điểm thành phố phát hiện 21 ca COVID-19 liên quan Công ty Thực phẩm Thanh Nga (quận Hai Bà Trưng). Công ty cung cấp thực phẩm cho nhiều siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố.

Lúc này, nhiều chợ đầu mối cũng ghi nhận ca mắc và bị phong tỏa; 29 trong 30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đều có ca COVID-19. Các ổ dịch ghi nhận trước tiếp tục thêm ca mới như Bệnh viện Phổi Hà Nội; phường Tân Mai (quận Hoàng Mai).

hn1a3-1628221405.jpg

Các kệ hàng tại siêu thị ở Hà Nội đầy ắp hàng hóa. Nguồn: Internet.

 

Nhận định về công tác chống dịch ở Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, Hà Nội đã đưa ra biện pháp chống dịch từ rất sớm. Thành phố chủ động xét nghiệm sàng lọc người triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng và khi dịch có dấu hiệu lan rộng, thành phố thực hiện giãn cách xã hội ngay. Bên cạnh đó, Hà Nội tổ chức phòng, chống dịch rất nghiêm, đến nay các ổ dịch tiếp tục được theo dõi, từng bước kiểm soát, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Dù nhiều tín hiệu mừng trong phòng chống dịch ở Hà Nội nhưng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thành phố vẫn còn những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, vẫn xuất hiện các ca qua sàng lọc nên nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào nếu chủ quan. Do đó, việc dập được dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân.

Những ngày cuối của tuần thứ hai thực hiện giãn cách xã hội ở Hà Nội, số người nhiễm CoVid 19 giảm. ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đánh giá, điều này cho thấy kết quả thực hiện giãn cách, dịch bệnh chuyển biến khá hơn. “Nhờ cách làm kịp thời, hiệu quả và quyết liệt, đến nay số ca COVID-19 ở Hà Nội vẫn nằm trong ngưỡng không bị quá tải”, ông Hà nói.

Dù vậy, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà nhận định do đông dân cư nên Hà Nội vẫn được xếp vào nhóm có nguy cơ cao. Đặc biệt, qua công tác sàng lọc, truy vết vẫn phát hiện ca bệnh hoặc chùm ca bệnh có tính chất phức tạp. Tuy công tác xét nghiệm của thành phố được nâng cao, tiến độ tiêm chủng đẩy mạnh nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh của Hà Nội luôn hiện hữu.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà lưu ý thêm, chùm ca bệnh mới liên quan tới công ty Thực phẩm Thanh Nga. Chùm ca bệnh này tương đối phức tạp, vì tiếp xúc nhiều người nên số lượng F1 lớn. Việc này sẽ gây khó khăn cho lực lượng y tế khi phải căng mình khoanh vùng, truy vết và dập dịch. Nguy cơ về các ca bệnh vẫn lẩn khuất trong cộng đồng mà điển hình là các ca sàng lọc qua ho sốt vẫn còn.

Vì vậy, theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, hiện chưa thể đánh giá được tình hình dịch bệnh tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ diễn biến theo chiều hướng nào.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cho rằng, hết 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chúng ta cần đánh giá lại nguy cơ, mức độ dịch. Tôi tin với sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời và rất quyết liệt trong thời gian qua thì tình hình dịch ở Hà Nội sẽ khả quan hơn.

Ngay từ ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, được cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 6h ngày 24-7, cho thấy: Cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Hà Nội đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, thực hiện các biện pháp phòng dịch ở mức cấp bách nhất. Mặc dù đầu giờ sáng 24-7, người dân vẫn còn tâm lý mua nhiều hàng hóa hoặc ra đường không lý do, nhưng nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, ý thức người dân đã được nâng cao, tình hình trật tự xã hội, thị trường ổn định. Nhiều chốt phòng dịch đã được dựng khẩn cấp trên các tuyến đường phố chính. Ùn tắc giao thông tại chốt kiểm soát cầu Phù Đổng (Gia Lâm) và cửa ngõ phía Nam Hà Nội trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội đã được giải quyết.

Nhờ việc chủ động chuẩn bị khẩn trương, thị trường hàng hóa tại Hà Nội những ngày giãn cách vẫn ổn định, lượng hàng dự trữ tăng lên gấp ba lần bình thường. Tại một số siêu thị như Hapro, Big C Thăng Long, VinMart, Intimex… lượng người tới mua tăng nhẹ, hàng hóa đa dạng. Người Hà Nội không còn đổ xô tích trữ lương thực, thực phẩm. 

Cuộc chiến vẫn tiếp tuc

Cấp ủy, chính quyền Hà Nội luôn xác định xuyên suốt tư tưởng “Chống dịch như chống giặc”, lấy an toàn sức khỏe của người dân là mục tiêu số 1. Việc chống dịch Covid-19 ở Hà Nội  thành công, trước hết là sự đồng thuận và vào cuộc của người dân mang tính quyết định.  Thành ủy và UBND TP Hà Nội đề nghị các cơ quan báo chí trung ương và thành phố Hà Nội tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương của thành phố, tích cực tuyên truyền tạo đồng thuận trong nhân dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, được cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về giãn cách xã hội trên địa bàn trong vòng 15 ngày, kể từ 6 giờ sáng ngày 24/7/2021.

Do Nguy cơ về các ca bệnh CoVid 19 vẫn lẩn khuất trong cộng đồng sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” ở Hà Nội vẫn phải tiếp tục các biện pháp nêu trong Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố một cách linh hoạt kết hợp với đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng ngừa CoVid 19. Tuy vậy, sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta bắt đầu thấm mệt, đi sâu vào đời sống từng người bị ảnh hướng ghê gớm, chỉ mong sớm dập được dịch CoVid 19 để cuộc sống dần dần trở lại bình thường trong bối cảnh mới.

hn1-vxanh-1628221060.jpg
Mô hình tự quản "vùng xanh" đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Hà Nội. Nguồn: Internet

 

Một trong những điều  rút ra là tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội là thiết lập chốt “vùng xanh” an toàn, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại nhiều khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn thành phố. Phường Tương Mai, quận Hoàng Mai bắt đầu triển khai mô hình “vùng xanh” an toàn. Hoàng Mai là quận đầu tiên của TP. Hà Nội thiết lập "vùng xanh"  và đến nay, có hơn 50 "vùng xanh". “Vùng xanh” là các khu vực dân cư không có dịch do các tổ dân phố, khu dân cư tự rào chắn bảo vệ người dân của mình, không cho người lạ vào khu dân cư nếu không có lý do chính đáng. Sự ngỡ ngàng ban đầu nhanh chóng chuyển thành đồng tình, ủng hộ. Mọi người dân trong khu đều đồng lòng, vui vẻ, tự nguyện thực hiện các nội quy, bảo ban nhau nhằm bảo vệ “vùng xanh” của khu dân cư mình sinh sống.

Xây dựng vùng xanh trong cuộc chiến chống COVID-19 đang là giải pháp nhằm giảm mức độ từ vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) thành vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ (vùng vàng) và tiến tới trở thành địa bàn an toàn - vùng xanh. Tùy vào đặc thù cụ thể, từng địa phương đã và đang triển khai nhiều cách làm, giải pháp quyết liệt để mở rộng vùng xanh với phương châm củng cố, phát triển ngay từ cơ sở, địa bàn dân cư.

Bảo vệ “vùng xanh” ở cấp độ “tế bào” (tổ dân phố, ngõ, xóm) được xem là “vaccine cộng đồng”, mũi giáp công hiệu quả trong chiến lược chuyển hướng từ phòng ngự sang phản công. Chính ý thức tự bảo vệ và sự đồng tâm nhất trí của cộng đồng tạo lá chắn tốt trước dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Hà Nội cần nhân rộng những “vùng xanh” an toàn.

V-X-B

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội: Sau hai tuần giãn cách xã hội, số ca COVID-19 vẫn nằm trong ngưỡng không bị quá tải" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn