Hai trận đánh không quên của người lính đặc công

Bài và ảnh: DUY HIẾN/Thành Đô (tổng hợp)

26/09/2022 09:01

Theo dõi trên

Thượng tá Nguyễn Quốc Ngữ, nguyên Trung đội phó C75 Đặc công, Tỉnh đội Bình Long (cũ). Ông nhập ngũ tháng 3-1969 tại huyện Yên Khánh (Ninh Bình) và được bổ sung vào Sư đoàn 305. Tháng 3-1970, ông được điều vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và chuyển thẳng vào C75 Đặc công, thuộc Tỉnh đội Bình Long. Trong cuộc đời binh nghiệp, có hai trận đánh mà ông không thể quên.

dvh1qt-1664157528.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Ngữ trong cuộc sống đời thường. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đầu tiên là trận đánh vào đồn Tổn Cui, thuộc địa bàn xã Quảng Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Long (nay là xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) vào đêm 27-4-1971. Hôm đó, khi nhận lệnh cấp trên, trước giờ G (12 giờ kém 15 phút), đơn vị ông đã cắt hàng rào xong và áp sát các mục tiêu chờ lệnh. Sau khi chỉ huy bắn phát súng lệnh, tất cả đồng loạt nổ súng và băng lên đánh bộc phá. Tuy nhiên, trong các lô cốt, địch vẫn im ắng, nhưng khoảng 5 phút sau, đạn bắt đầu bắn ra như mưa, khiến chỉ huy phó của ông bị hy sinh. Trận đánh đó chỉ diễn ra trong vòng 35 phút, ta tiêu diệt 21 lô cốt và 36 tên địch. Sau trận đánh này, đơn vị của ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Mặc dù chiến thắng, nhưng ông Ngữ và đồng đội vẫn rất buồn vì đã mất đi đồng chí chỉ huy mưu trí, dũng cảm.

Trận đánh thứ hai mà ông Ngữ nhớ mãi là trận đánh Chi khu Chơn Thành. Tháng 4-1972, sau khi ta giải phóng Lộc Ninh, địch co cụm về Chơn Thành. Tại đây, địch có hai trung đoàn thiết giáp, hàng chục đại đội biệt kích... cùng lực lượng bảo an canh giữ nhiều đoạn đường hiểm yếu trên Quốc lộ 13. Ngày 13-3-1975, Tỉnh đội Bình Long lệnh cho C75 đánh vào Chi khu Chơn Thành. Khoảng 21 giờ hôm đó, đơn vị ông xuất phát từ cầu Bù Và, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, hướng về Chi khu Chơn Thành với vũ khí chủ yếu là lựu đạn, bộc phá và tiểu liên AK. Vừa đi vừa ẩn nấp, chừng 4 giờ sau thì đơn vị ông tiếp cận bốt gác chính vào Chi khu Chơn Thành. Đang chuẩn bị bò qua mặt đường thì một đồng chí bị trượt chân gây tiếng động. Lập tức địch trong các bốt bắn như vãi đạn về phía vừa phát ra tiếng động, khiến một đồng chí chỉ huy và y tá hy sinh. Hàng chục phút sau hỏa lực địch mới ngớt. Không thấy ta đáp trả, chúng bắt đầu bắn pháo vu vơ. Lúc này, ông Ngữ được lệnh bò áp sát bốt gác trên Quốc lộ 13, dùng súng giảm thanh tiêu diệt 3 tên lính bảo an canh gác và kéo xác chúng xuống sát mé đường, sau đó gỡ cánh cổng cho bộ đội đột nhập Chi khu Chơn Thành. Khoảng 5 giờ, các lực lượng phối thuộc của ta đồng loạt khai hỏa vào 4 chốt chính của chi khu. Lúc đầu, địch còn chống cự quyết liệt, nhưng sau 40 phút chiến đấu, hỏa lực của địch đã bị dập tắt. Trong trận địa chỉ còn tiếng rên la thảm thiết của đám lính bị thương. Một số tên địch thấy không chống cự được nên đã leo lên xe GMC bỏ chạy về hướng Lai Khê, huyện Bến Cát. Đúng 7 giờ, ta đã làm chủ Chi khu Chơn Thành.

Sau khi giải phóng Chi khu Chơn Thành, ông Ngữ tiếp tục được điều về Đại đội đặc công huyện Bình Long, sau đó làm Phó hiệu trưởng Trường Quân sự thuộc Bộ CHQS tỉnh Bình Phước. Tháng 12-2002, ông nghỉ hưu và về làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Hai trận đánh không quên của người lính đặc công" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn