Hồi ức của những thương binh nặng: Lính đặc công và những lần làm “Lễ truy điệu sống”

Quỳnh Vinh – Vũ Linh/Thành Đô (tổng hợp)

03/06/2023 07:59

Theo dõi trên

Cùng đoàn và là đồng hương với ông Vĩnh, ông Phạm Bá Bảy (SN 1950), quê ở Sao Đỏ, TP. Chí Linh vẫn còn vẻ rắn rỏi, linh hoạt của một người lính đặc công. Năm hai mươi tuổi, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau khi học xong nghề cơ điện, chàng thanh niên ấy lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Ban đầu, tổ chức định sắp xếp ông làm nhiệm vụ lái xe tăng. Tuy nhiên, xét thấy nguyện vọng của ông là được tham gia vào một đơn vị đặc công với sức khoẻ loại tốt, cấp trên đã đồng ý.

“Ngày đấy còn trẻ, khí thế và nhiệt huyết lắm. Với lại, khi còn ở nhà, tôi đã ngưỡng mộ những người lính đặc công. Họ giỏi, nhanh nhẹn, gan dạ và bí hiểm, hay nói cách khác là “xuất quỷ nhập thần” nên khi đi bộ đội, tôi đã ghi rõ nguyện vọng được tham gia vào lực lượng đặc công”, ông Bảy tự hào.

b1td1aqd-1685753860.jpg

 Hai thương binh nặng Phạm Văn Vĩnh và Phạm Bá Bảy về dự cuộc gặp mặt tại Hà Nội.

 

Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) là chiến dịch mở đầu cuộc tiến công chiến lược, đã tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ ngụy ở Tây Nguyên; tạo ra thời cơ và điều kiện thuận lợi phát triển thành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sân bay Hoà Bình (nay là sân bay Buôn Mê Thuột) là địa bàn có vị trí rất quan trọng, lợi hại, địch sử dụng làm nơi đổ quân, đổ phương tiện, tập trung lực lượng đi ứng cứu các nơi hoặc phản kích đánh chiếm lại mục tiêu đã bị mất.

Trung đoàn Đặc công 198 đảm nhận nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Hòa Bình. Khi đó, ông Phạm Bá Bảy được biên chế vào Tiểu đoàn 27, một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ đánh vào điểm khó khăn nhất, quan trọng nhất của địch ở Sân bay Hoà Bình.

Quanh căn cứ mục tiêu có nhiều lớp hàng rào, xen kẽ giữa các lớp rào là bãi mìn. Lớp tường đất bao quanh căn cứ đắp cao và dày, các lô cốt và các ụ súng cũng được bố trí ngay trong tường đất hướng mũi súng ra ngoài. Hai hầm chỉ huy của Trung đoàn trưởng bằng bê tông xây chìm xuống đất...

Chỉ cho chúng tôi xem thương tích và những mảnh kim khí vẫn còn nằm lại trên thân thể, người lính đặc công Phạm Bá Bảy kể: “Lính đặc công chỉ mặc bộ quần áo cộc, đeo vài quả lựu đạn, dao găm, khẩu súng để bí mật chui sâu vào trận tuyến của địch.

Do vậy, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi đã được anh em trong đơn vị làm “Lễ truy điệu sống” rồi”. Là lính đặc công lại làm nhiệm vụ trinh sát, có thể nói, ông và đồng đội là những người đi mở đường đầu tiên. Giữa những “hàng rào mìn” rộng lớn và dày đặc, đi đến đâu họ cũng phải gỡ mìn đến đấy. Nguyên tắc của lính đặc công là khi bước không bao giờ đặt cả bàn chân xuống đất mà phải đặt từ từ bằng gót, nhẹ nhàng. Khi phát hiện mìn phải tìm cách phân biệt loại mìn và tháo gỡ. Bởi chỉ một sơ suất thôi thì không có lần thứ 2 để sửa chữa...

Vì là vị trí cực kỳ quan trọng của cả ta và địch nên cuộc chiến đấu càng gay go, ác liệt hơn. Tranh giành nhau từng vị trí. Tương quan lực lượng giữa ta và địch lớn, địch mạnh, ta yếu. Cũng vì vậy nên chỉ đánh một tối là hết đạn dược và lương thực. Trong khi đó, xe tăng của ta bị địch chặn, chưa vào được đến nơi để hỗ trợ. Cố cầm cự sang đến ngày thứ ba, gần 1/3 đơn vị đã hy sinh. Sau tiếng nổ dữ dội vào đêm ngày thứ ba, ông Bảy ngất lịm, mảnh kim khí găm khắp cơ thể.

“Tuy nhiên, sau 7 ngày đêm chiến đấu, ta đã chiếm giữ hoàn toàn sân bay, đánh tan hàng chục đợt phản kích của địch”, ông nói.

Trở lại cuộc sống đời thường với thương tật 1/4, sức khoẻ giảm sút rất nhiều, mất sức lao động, ông mở một quán nước nho nhỏ để tạo niềm vui và cũng là kiếm thêm thu nhập, đỡ đần vợ chăm lo cho con cái. Với những gì đã trải qua của cuộc đời mình, ông hiểu rõ giá trị của “hoà bình”. Trong những quyển sách của con, ông thường ghi dòng chữ “Bố hy sinh để nâng cánh cho các con đi đến những ước mơ”...

Trái tim người lính