Khám phá về Quan Hoàng Mười ở Nghệ An (Bài 1)

Ngô Sinh

20/05/2021 16:37

Theo dõi trên

Trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam, có hệ thống thờ tự Thập vị Quan Hoàng. Trong đó, anh linh và được nhiều người tôn sùng hơn hết là Đức quan Hoàng Mười. Liệu ông là ai, xuất thân như thế nào và các dấu tích còn lại trên mảnh đất Nghệ An – Hà Tĩnh có tầm ảnh hưởng lớn ra sao đối với dân tộc Việt?

Truyền thuyết về Quan Hoàng MườI

Lần theo dấu vết tích xưa kể lại: Thánh ông Hoàng Mười là con của Đức vua cha Bát Hải Động Đình đầu thai thành vị tướng tên Lê Khôi dưới triều Lê, giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh. Khi đất nước thái bình, theo lệnh vua cha, ông hóa thân về trời. Từ đó, người dân vùng Nghệ An gọi ông là “Đức thánh minh”, lập nên đền thờ để hậu thế đời đời tưởng nhớ.

Đó là một điển tích nói về nguồn gốc và xuất thân của ông trong hệ thống thờ Tam Phủ, Tứ Phủ của Đạo Mẫu Việt Nam. Còn một sự tích khác được so sánh đúng và có sức thuyết phục hơn về thánh tích quan Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí, một vị tướng tài giỏi thời Hậu Lê.

1423523556436363346-1621503258.gif
Đức Quan Hoàng Mười

Nguyễn Xí xuất thân tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay. Ông là bậc đại công thần, là võ tướng, chính trị gia lỗi lạc giúp Lê Lợi chiến đấu chống giặc Minh xâm lược. Nguyễn Xí là vị quan phò tá qua 4 đời vua Lê gồm. Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông. Đây là giai đoạn cực thịnh của nhà Lê. 

Sinh thời, Nguyễn Xí không chỉ là một bậc quan khai quốc công thần, tài hoa lỗi lạc mà ông còn giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo. Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, ông được Lê Lợi phân công cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, ông đã dạy dân trồng lúa nước, đắp đê ngăn lũ, thủy lợi nội đồng... Tương truyền, trong một lần gió lớn, mưa to, nhà cửa, cây cối của người dân bị bẻ sập, Nguyễn Xí đốc thúc quân lính và đích thân lên rừng đốn gỗ về dựng lại nhà cửa cho dân, sai người mở kho lương thực cứu tế kịp thời. Nhờ đó mà nhiều người đã thoát khỏi đói rét, chết chóc vì bão lũ... Vì vậy được dân chúng khắp nơi tôn sùng, coi như hiền thánh. Sự hưng thịnh của các đời vua Lê có dấu ấn quan trọng của Nguyễn Xí và bộ máy quan đại thần hạ triều.

Qua điển tích đó ta có thể thấy được sự anh linh, tài giỏi của một vị võ tướng, văn võ song toàn. Để chứng minh lòng tôn kính,của nhân dân với Thánh quan Hoàng Mười người dân đã tu tạo, lập đền thờ ông ở  tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.

Các dấu tích tại tỉnh Hà Tĩnh

Hà Tĩnh, mảnh đất địa linh nhân kiệt, được bao bọc bởi dãy núi Hồng Lĩnh đồ sộ và dòng sông Lam mềm mại đã hội tụ nhiều di sản, di tích và các thẳng cảnh nổi tiếng. Đó là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của tính ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và cả nước nói chung. Nó vẫn còn lưu nhiều dấu vết của Đức quan Hoàng Mười, tiêu biểu nhất là đền Chợ Củi và Dinh Đô Quan Hoàng Mười.

Đền Chợ Củi, còn gọi là đền Củi, thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đền Củi nằm trên núi Khu Độc bên dòng sông Lam hữu tình là một trong những danh thắng có phong cảnh nổi tiếng ở Nghi Xuân. Trong tâm thức dân gian của người vùng Hà Tĩnh - Xứ Nghệ, ông Hoàng Mười là hiện thân của vị tướng Lê Khôi (Nghĩa quân Lam Sơn), gọi Lê Lợi bằng chú. Ông có nhiều công trong chống giặc Minh xâm lược và là quan qua ba đời vua Lê làm đến chức Khâm sai tiết chế thủy, lục chư dinh hộ vệ thượng tướng quân.

Có chuyện kể rằng, là tướng tài của nhà Lê, khi ông đánh thắng giặc trở về thì một trận cuồng phong ập vào làm nhiều nhà dân vị đổ nát. Thương dân ông lại cùng binh sỹ lên rừng chặt tre, gỗ đưa về giúp dân làm nhà. Một lần không may khi bè về đến chân Hồng Lĩnh ở núi Ngũ Mã thì cuồng phong lại ập đến làm vỡ bè, ông gặp nạn. Quân sỹ và dân làng chưa kịp mai táng cho ông thì mỗi đã đùn đất lên thi hài ông thành mộ. Cảm phục và biết ơn ông, người dân đã lập đền thờ. Ông rất linh thiêng và thường hiển thánh cứu giúp muôn dân.

Đền tọa lạc trên núi Khu Độc thuộc Ngũ Mã hướng về phương Bắc, tựa lưng vào núi nhìn xuống Lam giang. Các tòa điện cao dần theo thế núi uy nghiêm, đường bệ dưới bóng nhiều cây cối cổ thụ.

Trước đền sông nước mênh mang tạo nên không gian kiến trúc huyền ảo, linh thiêng. Qua vài lần tôn tạo nhưng đền vẫn giữ được nét xưa thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi. Tam quan của đền đặt liền biến sông, cao 2 tầng, đường nét tinh sảo và mền mại uyển chuyển của đôi rồng chầu nguyệt. 

Đền được xây dựng theo kiểu chữ tam gồm ba tòa, mỗi tòa ba gian. Các tòa thống nhất liên kết với nhau và bố trí thành các cung thờ. Thờ Tam tòa Thánh Mẫu, tiếp đến là Ngũ Vị Tôn Ông, sau đó là cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười rồi cung Trần Triều.

Cung thờ ông Hoàng Mười có hai bức đại tự "Mẫu Đức Chiếu ảnh" và "Huyền Từ Bố Chững, mặt tiền hạ điện của ngôi đền có hai tầng mái, trông bề thế nhưng vẫn có nét thanh thoát. Phần giữa hai tầng mái có đề: Linh Từ Thánh Mẫu. Trước đền và mặt bên của hàng cột hiên có khắc các câu đối ca ngợi vẻ đẹp của ngôi đền - nơi lưu đức ông Hoàng Mười muôn thuở.

Với sự linh thiêng của ngôi đền thờ quan Hoàng Mười, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan tìm về đền Ông, vãn cảnh, cầu lộc, cầu tài… Đó là địa điểm di tích lịch sử  nổi tiếng nói riêng và văn hóa tâm linh nói chung của tỉnh Hà Tĩnh.

3563463464567457-1621503279.gif
Dinh Đô Quan Hoàng Mười

Đền Dinh Đô Quan Hoàng Mười nằm tại phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đền Cả Dinh Đô Quan Hoàng Mười được xây dựng vào khoảng năm 1060 (thời Nhà Lý). Đền tọa lạc vùng ngoài đê La Giang, tại ngã ba giao nhau giữa Kênh nhà Lê, Sông La và Sông Lam. Đền còn có tên gọi của địa danh đó là “Mỏ Hạc Linh Từ”.

Dinh Đô Quan Hoàng Mười được thờ nhân vật chính theo hiệu sắc phong: “Tam Kỳ Linh Ứng Vĩnh Công Đại Vương Thưởng Đẳng Phúc Thần Anh Minh Hoàng Mười”. Và một vị thần được phối thờ là vị thần Sông nước tên là Lê Thị Ngọc Dung - con gái nuôi của vua Lê Lợi.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Ngô Tiệp và Lê Thị Ngọc Dung cầm đầu toán tiên phong quay trở về cửa biển Xuân Hội, Nghệ An xứ, nhưng bị quân Minh dùng một lực lượng lớn chặn đánh. Mặc dù chiến đấu quyết liệt nhưng cuối cùng Lê Thị Ngọc Dung đã hy sinh anh dũng trên trận tiền. Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước vào năm 1427 vua Lê Lợi xưng vương đã truy phong cho các tướng sĩ hy sinh vì đại nghĩa. Và bà Ngọc Dung được phong là Biển Quốc Đoan Trang, Chính Thục Từ Hòa, Chính Phương Nương Đại Vương.

Do biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thiên tai tàn phá làm ngôi Đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, khoảng năm 1968 đến 1972 vị trí ngôi Đền tọa lạc tại điểm xung yếu trên tuyến vận tải đường thủy Sông La – Sông Lam – Kênh nhà Lê qua cống Trung Lương nên đã bị bom đạn tàn phá. Vào những năm 1978 - 1980, Đền Cả còn bị lũ cuốn trôi và chỉ còn lại nền, chân móng cột nanh, bàn thờ Công Đồng do người dân địa phương lập.

Năm 2011 được sự ủng hộ của UBND tỉnh, Sở VHTT&DL tỉnh Hà Tĩnh, UBND thị xã Hồng Lĩnh, UBND phường Trung Lương cùng tấm lòng hảo tâm của người dân địa phương và các “Mạnh Thường quân” ngôi đền đã được phục dựng lại khang trang như hiện nay. Được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã trao Chứng nhận Đền đạt tiêu chuẩn Tam Tứ Phủ (Tín ngưỡng Thờ Mẫu) theo nghi lễ truyền thống Việt Nam./.

(Còn tiếp...)

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá về Quan Hoàng Mười ở Nghệ An (Bài 1)" tại chuyên mục Di sản. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn