Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022): Những ký ức không thể nào quên                                                                                   

  Trần Văn Oánh

19/12/2022 07:12

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài viết của Trần Văn Oánh, nhân Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022) của cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội nhan đề " Những ký ức không thể nào quên". Bài này đăng trên sách "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022.

Tháng 8 năm 1972, tôi tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi được lệnh nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang ( Nay là Bộ đội Biên phòng). Lệnh gọi nhập ngũ của tôi là huyện đội Yên Phong Hà Bắc. Sau khi làm luận án tốt nghiệp xong thì bạn bè khắp mọi nơi về nghỉ hè hết , chúng tôi còn lại một số anh em chủ yếu là ở khu 4 do chiến tranh đường sá đi lại khó khăn nên chưa về được. Việc vào quân đội lúc này là bước ngoặt mới đối với cuộc đời của tôi. Ngày mai lên đường thì chiều hôm đó có ba cô bạn người Nghệ An học cùng khóa trọ cạnh nhà bảo với tôi rằng : Ngày mai anh lên đường nhập ngũ bọn em mời anh sang nhà ăn bữa cơm thân mật để chia tay chúc anh lên đường mạnh khỏe. Tôi nhận lời và cảm ơn ba bạn là Nguyễn Thị Huệ người Anh Sơn, Nguyễn Thị Châu và Nguyễn Thị Nhân người Thanh Chương, Nghệ An. Trong đó Châu và Nhân có cùng cảnh ngộ với tôi, đều là con liệt sĩ chống Pháp. Trong lúc tôi đang trống trải cô đơn thì các cô đã nghĩ ra sáng kiến này. Buổi gặp mặt chia tay đơn giản nhưng thật vui vẻ thân mật để lại ấn tượng khó quên suốt cả đời binh nghiệp của tôi. Bây giờ đã hơn 40 năm, biết cả ba cô đều có gia đình thành đạt, hạnh phúc là tôi rất mừng.

71a-1671381875.jpg
Ngày 5/10/2019, các Cựu sinh viên lớp Sử 13 (1968 - 1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) thăm lán Nà Nưa (trước đây gọi là lán Nà Lừa), là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 giành chính quyền trong cả nước.

 Sáng hôm sau tôi lên đường nhập ngũ. Chúng tôi được tập trung ở một địa điểm gần huyện đội Yên Phong Hà Bắc. Sau khi nhận quân tư trang xong, chúng tôi gồm khoảng 30 anh em lên một chiếc xe tải chở từ Yên Phong Hà Bắc về Bình Đà Chương Mỹ Hà Tây (nay là Hà Nội). Bình Đà là địa điểm trường huấn luyện trực thuộc Bộ Tư Lệnh Công an nhân dân vũ trang. Sau một thời gian , mới biết chúng tôi gồm toàn bộ sinh viên ở các khoa Văn, Sử,Địa, Toán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong đó có 3 anh em đã tốt nghiệp là tôi khoa Sử, anh Sâm khoa Văn, anh Tốn khoa Toán, còn lại đang học năm thứ 3. Thế là chúng tôi lại tiếp tục vào trường và học tập. Chương trình huấn luyện : Các khoa mục tập trung vào nhiệm vụ và nghiệp vụ chủ yếu của lực lượng CANDVT. Các giáo viên là cán bộ , sỹ quan CANDVT giới thiệu các khoa mục một cách say mê nhiệt tình. Về kĩ thuật nghiệp vụ tập trung vào các môn như : kĩ thuật bắn súng, tập vũ thuật, tập leo núi, đi cầu độc mộc ( cầu khỉ)… Các bài về công tác chính trị như: công tác dân vận, tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, Bác Hồ đã dạy: Việt Nam ta giàu đẹp có rừng vàng , biển bạc. Tuy là huấn luyên chiến sĩ mới nhưng chúng tôi là những sinh viên ở độ tuổi ngoài U20 nên tiếp thu bài nhanh, các giáo viên đối xử vui vẻ, nhẹ nhàng, thoải mái.

Sau 3 tháng huấn luyện , chúng tôi được kiểm tra đánh giá kết quả từng môn học, đại đa số đạt khá giỏi. Đã đến lúc được tỏa về các đồn biên phòng công tác. Toàn bộ anh em khóa huấn luyện được điều lên vùng biên giới tỉnh Sơn La. Đúng là Sơn La núi non hùng vĩ điệp trùng. Biết bao đèo cao dốc thẳng đứng. Chúng tôi ngồi trên xe thỉnh thoảng có những cú xóc tung lên, tụt xuống thật khủng khiếp. Những người say xe mệt nhoài, tưởng như không trụ nổi. Nhưng nhờ tinh thần đã được giáo dục qua giảng đường trường Đại học và huấn luyện chiến sĩ mới giúp chúng tôi xác định rõ bản lĩnh vững vàng kiên định của người chiến sĩ CANDVT. Cái tên mà Bác Hồ kính yêu đã đặt cho khi mới thành lập ngày 03/03/1959. Biết là mình sẽ được chốt giữ nơi biên cương hải đảo đề bảo vệ vững chắc an ninh biên giới Quốc gia. Nhiệm vụ này biết bao khó khăn vất vả nhưng rất đỗi vẻ vang. Nhưng về công tác ở đồn cụ thể ra sao thì chưa thể hình dung ra được. Tỉnh Sơn La có đường biên giới giáp với nước bạn Lào giống như  Hà Tĩnh. Nhưng ở Sơn La có đường biên giới dài hơn, núi non hiểm trở, có nhiều đèo, nhiều suối, đường sá đi lại khó khăn hơn. Tỉnh Sơn La có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số như người Thái, Người Mông, Người Tày, Người Dao, Người Lào… Đây là một đặc điểm riêng biệt người lính phải hiểu. Giáp biên giới Sơn La có 7 đồn Biên phòng là Mường Lạn, Sốp Cộp, Chiềng Khương, Mường Lèo… Mỗi đồn có thêm 1 trạm kiểm soát.

Anh Nguyễn Xuân Đương người Kỳ Anh đang học khoa Văn năm thứ 3 cùng tôi được phân về đồn Mường Lặn, huyện Sông Mã , tỉnh Sơn La. Ở Mường Lặn có con suối chảy qua phải bắc cầu bằng cây gỗ to người ôm không xuể dài khoảng 15m. Bài học đi cầu độc mộc ở trường huấn luyện nay đã trở thành hiện thực qua lại hàng ngày. Về mùa mưa thì càng phải cẩn thận hơn không sẽ bị tuột ngã xuống suối. Công việc cũng trôi theo thời gian êm ả rồi tết Nguyên đán Nhâm Tuất năm 1972 đã cận kề. Đột xuất có lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu của chỉ huy đồn. Ở trường huấn luyện thỉnh thoảng vẫn có báo động nhưng là báo động luyện tập. Báo động ở đây là tuần tra sẵn sàng chiến đấu khi có địch. Chúng tôi đã hành quân qua bao đèo dốc trên quãng đường dài 15km thuộc biên giới Việt - Lào. Tuần tra vào dịp Tết nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho mỗi chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời cảnh báo kẻ thù có âm mưu phá hoại để ta bảo vệ an ninh trước, trong và sau tết. Sau những ngày hành quân dã ngoại, chúng tôi về tổ chức ăn tết mừng xuân. Theo kế hoạch của đồn, mời bà con dân bản tổ chức đêm giao lưu văn nghệ, giao hữu bóng chuyền, ném còn… Chúng tôi đề xuất làm tờ báo tường để mừng xuân, mừng Đảng. Anh Nguyễn Xuân Đương được cử làm chủ biên, tôi trong ban biên tập. Nhân dịp tết đầu tiên ở Biên giới Tây Bắc, tôi làm mấy câu thơ cho báo tường:

Ra trường cây súng Đảng trao tay

Lên tận Tây Bắc ăn tết này

Chúc tết mừng xuân ta vẫn nhớ

Bên mình Đảng nhắc súng chắc tay.

Anh Đương đọc thơ tôi rồi nói: Ông Oánh cũng cách mạng ghê hè. Tôi bảo rằng CANDVT mà không cách mạng à! Ở nơi biên cương xa xôi hẻo lánh này không có tư tưởng cách mạng thì không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính. Anh Đương cười hồn nhiên và nói lại: Thế là tốt.

Ở đồn lính mới đến thường phải tham gia công tác hậu cần và giám mã  (chăn ngựa) khoảng 6 tháng. Sau tết Nguyên đán tôi được cử làm hậu cần . Hàng ngày lo cơm nước, làm vệ sinh sạch sẽ xung quanh doanh trại. Công tác này phải cần cù, chịu khó. Như tôi sinh ra từ con nhà nông thì vẫn xem là bình thường không có gì khó khăn cả. Hàng ngày lo cơm, canh, anh em ăn ngon miệng, đơn vị tín nhiệm là cảm thấy hạnh phúc rồi. Ở đồn ngày nào cũng ăn cơm gạo nếp và món măng rừng cùng rau sắn. Rau sắn luộc mà chấm mắm tôm ăn cảm thấy ngon. Tôi đã có thơ:

“ Chưa ăn rau sắn bao giờ

Cho nên ai biết ai ngờ rau ngon

Lên đây với núi cùng non

Bữa cơm rau sắn măng non ấm lòng.”

Ấm áp lòng người và ấm áp cả tình quân dân nơi biên cương này. Đây là tình cảm đặc biệt khi người chiến sĩ biên phòng đã xác định “ Đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Người dân bản cũng xem đồn như nhà mình và người chiến sĩ biên phòng như người con của gia đình và dân bản. Chiến sĩ biên phòng đã gắn kết sợi dây tình cảm đặc biệt thủy chung này. Tình cảm quân với dân như cá với nước.

Tiếp theo tôi nhận luôn công tác giám mã. Đồn Mường Lạn có sáu con ngựa  chủ yếu để phục vụ cho ban chỉ huy đồn đi công tác xa và chở gạo thực phẩm cho đơn vị. Những ngày đầu chưa quen , tôi cưỡi lên lưng ngựa và bị ngã. Có lần ngã sứt cả đầu gối. Thế rồi cũng quen dần. Từ sáng sớm, lo dọn vệ sinh chuồng trại rồi chọn một con đi cắt cỏ, còn lại thả vào rừng, chiều về dắt từng con ra suối tắm sạch sẽ. Khó khăn nhất là hôm nào có một vài con không về phải vào rừng đón nó. Cũng có anh nói công tác giám mã là nhàn nhất.

Dù công tác gì nhưng theo tôi thì canh gác là nhiệm vụ thường xuyên của người chiến sĩ biên phòng. Ở nơi núi rừng trùng điệp đêm càng về khuya thì càng tĩnh mịch và im lặng đáng sợ. Tiếng suối chảy róc rách, gió thổi mạnh buốt da và ánh trăng le lói qua khe lá. Quá trình làm nhiệm vụ tôi nghĩ mấy câu thơ làm kỉ niệm khó quên này:

Đêm khuya gió buốt trăng trong

Có anh chiến sĩ biên phòng gác đêm

Bao đồn bao trạm biên phòng

Ta vẫn say sưa gác cả non sông.

Canh gác là nhiệm vụ rất vất vả nhưng rất đỗi vinh quang. Cả tuyến biên giới bao la: Từ miền rừng núi trùng trùng điệp điệp đến vùng biển đảo xa xôi; gồm một hệ thống đồn trạm và người chiến sĩ biên phòng chốt giữ như cái áo giáp khổng lồ ôm cả non sông hình chữ S này. Tôi lại càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ kính yêu:

Non sông nước biếc trùng trùng

Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao

Núi cao sự nghiệp càng cao

Biển sâu ý chí ta soi vào càng sâu.

Cũng là người lính, nhưng ở miền núi Tây Bắc này phải chịu đựng môi trường rất khắc nghiệt, đặc biệt là con vắt và ruồi vàng, bọ chó nhiều vô kể. “Ruồi vàng bọ chó gió Tây Trang”. Loại côn trùng này nó cắn không chết người nhưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công tác hàng ngày của người chiến sĩ biên phòng. Nó chui vào giày , vào ủng lúc nào không biết nhưng tối về cởi giày ra thì chân đã dính đầy máu gãi suốt đêm nghe sột soạt như gảy đàn vậy. Mùa mưa lũ thì vắt sên càng nhiều. Vì vậy tôi có câu thơ rằng:

Ai bảo là giám mã nhàn

Tôi nghĩ rằng cũng có lúc gian nan

Mùa về nước lũ tràn qua suối

Vắt quấn chân anh tựa gảy đàn.

Người chiến sĩ biên phòng ở vùng Tây Bắc không những phải chịu đựng khí hậu khắc nghiệt , môi trường khó khăn phức tạp mà còn phải phấn đấu học tập tìm hiểu tiếng, phong tục tập quán thật nhiêu khê. Ở vùng Tây Bắc tiếng người Thái là trung tâm nhưng nếu biết tiếng người Tày, Mông, Lào… thì khi tiếp xúc với họ càng quý mình. Trong công tác dân vận với người dân tộc phương châm là ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Nếu không biết tiếng thì mình trở thành mù chữ và là trở ngại lớn. Vì vậy, người chiến sĩ biên phòng ở đây phải tìm hiểu và học tập. Biết tiếng rổi mình phải tìm hiểu học tập các phong tục tập quán của họ. Mỗi khi thấy họ treo cành lá trước cổng thì không nên vào nhà. Mình đang mang thực phẩm tươi thì phải trèo qua cầu thang bếp, nếu đi qua cầu thang nhà ngoài là không được. Đó là những phong tục tập quán của người dân tộc rất kiêng kị, nếu mình không biết thì không thể vào nhà họ được mà mất cả uy tín lâu dài.

Trong thời gian này, tôi được cử đi công tác lấy gạo, nhu yếu phẩm ở Sốp Cộp, hôm đó có 4 anh em được chọn 4 con ngựa cùng đi để chở hàng. Sốp Cộp cách Mường Làn khoảng 15km. Chúng tôi đi từ sáng sớm để về trong ngày. Trên đường đi anh Tòng Văn Ính thượng sỹ là tổ trưởng bảo tôi rằng: Ở Sốp Cộp có cô Quế ngân hàng người Thái Bình xinh gái lắm. Anh là lính mới ra thử tán xem. Chúng tôi đến Sốp Cộp đã gần trưa, anh em tạm nghỉ ngơi và ăn cơm. Đến đầu giờ chiều, nhận hàng và đóng gói xong. Như thường lệ anh em vào ngân hàng để nhận tiền và xây dựng  mối quan hệ tốt đẹp giữa ngân hàng và đơn vị. Chúng tôi được cô Quế tiếp và trò chuyện vui vẻ. Khi chia tay ra về, tôi gửi lại cho Quế mảnh giấy có ghi mấy câu thơ:

Trông em cũng thật là xinh

Nhưng em phải ở một mình buồn không

Mong sao em có tấm chồng

Để em khỏi phải nằm không một mình.

Thế rồi các lần sau tôi không được cử đi lấy hàng nữa. Các anh đi về bảo với tôi là nàng Quế vẫn hỏi thăm anh đó. Từ đó tôi vẫn nghĩ về “Sốp Cộp” nhưng do chiến tranh và điều kiện công tác nên đành chịu. Chuyện riêng tư phải gác lại để hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi nào về quê có điều kiện hãy tính. Chiến tranh không riêng gì tôi mà biết bao thanh niên phải chịu thiệt thòi mọi mặt cả về tình cảm riêng tư. Sự thật là vậy, có một lần mấy anh em chúng tôi đi công tác cơ sở ghé vào trường cấp 1 Mường Lạn. Hôm đó chúng tôi gặp 2 cô giáo. Sau một lát trò chuyện vui vẻ, các cô có vẻ luyến tiếc cho chúng tôi và nói rằng: Vì chiến tranh các anh không được đi học mà phải làm lính thật là thiệt thòi. Các cô có biết đâu trong số anh em chúng tôi có 3 anh vốn là sinh viên ở trường Đại học. Tức chí tôi làm mấy câu thơ:

Đừng thấy binh nhì mà xa

Thiên hạ lắm kẻ ăn ra binh nhì

Đi đánh Mỹ đeo binh nhì

Đánh thắng giặc Mỹ binh gì bằng ta.

Nói như vậy ai không biết cứ cho mình là quá tự hào. Tôi nghĩ: Đây là một sự thật khách quan. Ai ngờ tôi lúc đó là Đảng viên, có bằng tốt nghiệp đại học ở một trường danh giá mà phải đeo binh nhì. Binh nhì phải chịu sự chỉ huy của binh nhất. “Lính buổi mai cai lính buổi chiều”. Quá trình phấn đấu rèn luyện tôi vinh dự được phong quân hàm lên binh nhất. Cái giá đó với một người như tôi thật là quá đắt. Tôi nghĩ chỉ có Việt Nam mới có chuyện kỳ lạ vậy và như thế ta mới đánh thắng giặc Mỹ từ những sức mạnh lạ kỳ này. Khi đất nước lâm nguy thì cứu nước trước hết là tuổi trẻ. Tuổi thanh niên chỉ có một con đường đẹp nhất là ra trận:  “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” ( thơ Tố Hữu).

Qua một thời gian công tác ở đồn Mường Lạn, tôi được cử đi nhiệm vụ mới, tôi và anh Lò Văn Nhọt   được chỉ huy đồn gọi lên giao nhiêm vụ sang công tác ở cơ sở ngoại biên bên kia biên giới Việt-Lào. Đồn Mường Lạn lúc đó phụ trách ba xã ngoại biên. Anh Nhọt cấp bậc thượng sĩ đã qua bên đó nhiều lần, anh biết tiếng Thái, Mông và tiếng Lào nên đi với anh tôi rất an tâm. Chúng tôi được nghỉ một ngày, chuẩn bị hành lý sẵn sàng lên đường. Đang trên đường đi khá xa, trời thì tối om, đột nhiên anh Nhọt quay lại hỏi tôi: “Anh đã lên đạn chưa?”. Tôi trả lời “Chưa”. Anh Nhọt bảo: “Anh chủ quan quá, ở đây có thổ phỉ đấy.”. Tôi dừng lại lên đạn chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Lúc đó trong người tôi thiếu bình tĩnh. Rồi anh em tôi tiếp tục hành quân vượt qua bao nhiêu đèo, dốc, qua bao nhiêu suối và rừng rậm. Đến gần sáng, vừa lúc bình minh đang lên thì anh em tôi đến nơi ở của cơ sở. Lúc đó anh Nhọt bảo với tôi: Sang đây anh gọi tôi là Nhẹ Thào đừng gọi là Lò Nhọt nhé”. Tôi hỏi lại anh: “ Còn tôi thì sao?”. Anh bảo: “Cứ thế”. Tôi nghĩ chắc mình sang đây thời gian ngắn nên không cần đổi tên. Trong thời gian đó, tôi cùng anh em đi cơ sở vào các nhà dân bản Lào. Chúng tôi luôn giữ mối quan hệ hữu nghị, thân thiết với nước bạn. Sang công tác được 6 tháng, tôi có lệnh gọi trở lại đồn. Về đồn, nơi ở cũ nên thấy ấm cúng. Công tác của lính biên phòng vẫn vận hành hàng ngày: Tuần tra canh gác, đi cơ sở, phát rẫy, làm nương, trồng rau màu, v.v….

Một thời gian sau đó, tôi được điều động sang công tác ở đồn Sốp Cộp. Chiếc ba lô, khẩu súng quàng vai lại tiếp tục hành quân. “ Hành quân xa đâu có giặc là ta cứ đi”. Đi mãi đi mãi theo chiều dài đất nước. Sang đơn vị mới, đồng đội mới nhưng phương châm công tác thì vẫn như cũ. Đó  là cơ sở để tôi có kinh nghiệm tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời gian thấm thoắt đã hơn 3 năm. Một ngày đẹp trời tháng 11 năm 1974, đồn trưởng gọi tôi lên và bảo: “ Thời gian qua đồng chí công tác ở Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bây giờ đồng chí có quyết định của trên về xuôi nhận nhiệm vụ”. Một lần nữa, tôi nhận được lệnh đột xuất, lần này tôi vừa mừng vừa xúc động. Xúc động vì những tháng ngày công tác ở các đồn biên giới Sơn La để lại bao kỷ niệm không thể nào quên. Thế nhưng tôi cũng phải chuẩn bị lên đường. Toàn bộ tài sản lại được gói gọn trong ba lô cóc và tiếp tục hành quân. Trên đường đi tôi vẫn lưu luyến nhớ lại những tình cảm đẹp khó quên. Nhớ đồn, nhớ tình đồng chí, đồng đội, tình cảm với dân bản nơi đây. Thật là thân thiết đậm đà:

Sơn La ơi! Sao mà yêu mến thế

Xe qua rồi mà vẫn nhớ thương

Sơn La ơi! Em hãy chờ ta nhé

Xe lại về bến cũ Sơn La

Về Hà Nội, nhà cao tôi vẫn nhớ núi đồi đó chăng. Tôi được về công tác ở Cục chính trị Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Nơi đây là cơ quan đầu não của lực lượng công an vũ trang. Mọi hoạt động của hệ thống đồn trạm Biên phòng cả nước đều xuất phát từ các mệnh lệnh, chỉ thị, quy chế ở Tổng hành dinh này. Ở Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang được hơn 6 năm thì đến tháng 3 năm 1980 do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi được chuyển về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh, quê hương yêu dấu của tôi. Mãi đến tháng 3 năm 1993 tôi được phong quân hàm thiếu tá. Tháng 10 năm 1994 bất ngờ tôi được thông báo nghỉ hưu. Cả cuộc đời của tôi gắn với nghề binh nghiệp. Biết bao nhiêu khó khăn vất vả phải vượt qua và cũng rất đỗi tự hào. Và đến nay, những ngày này, bộ đội biên phòng đang dấy  lên phong trào thi đua lập thành tích kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của mình. Ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi: Đất nước hòa bình, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương đúng đắn, bộ đội biên phòng có nhiều chương trình sát đúng, gần gũi và phù hợp với đồng bào dân tộc miền núi. Hệ thống đồn trại ngày càng được xây dựng hiện đại khang trang. Các phương tiện nghiệp vụ ngày càng được hiện đại hóa. Hệ thống cột mốc được đổ bê tông không phải dùng cọc gỗ đưa đi đẩy lại như xưa. Đời sống cán bộ và chiến sĩ được cải thiện hơn. Đặc biệt là hệ thống giao thông đến các đồn biên phòng được rải bê tông, có nơi rải nhựa và làm đường cao tốc….Không phải ra đồn là phải trèo đèo lội suối như trước kia nữa.

Nhìn lại 60 năm qua, một chặng đường hơn nửa thế kỷ từ khi thành lập Công an nhân dân đến nay là Bộ đội biên phòng có bước phát triển và trưởng thành về mọi mặt, như một bức tranh đẹp toàn diện. Trong hoàn cảnh hiện nay tôi tin chắc rằng người chiến sĩ và bộ đội biên phòng càng có điều kiện cùng với các lực lượng khác phát huy sức mạnh tổng hợp hoàn thành xuất sắc trọng trách  mà Đảng, Nhà nước giao: Bảo vệ vũng chắc an ninh biên giới quốc gia.

Chúng ta chúc mừng cho bộ đội biên phòng ngày càng trưởng thành, từng bước chính quy và hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển của đất nước Việt nam thân yêu.
 

Cẩm Xuyên, tháng 6/2018

                                                                                       T.V.O