Suốt đêm hôm ấy, ai cũng háo hức chờ đến sáng để xem không khí hoà bình ra sao? Chúng tôi ai nấy, có bộ quần áo nào còn mới là mặc vào để ngày mai có thể gặp gỡ với nhân dân, thậm chí là cả lính nguỵ nữa.
7 giờ sáng ngày 27-1-1973, tất cả chúng tôi đều chỉnh tề quần áo, đi lại thoải mái trong ấp. Trên đầu, cờ Giải phóng tung bay. Ấp bên kia là cờ ba sọc của nguỵ quyền Sài Gòn. Thấp thoáng đã thấy một số tên lính thập thò mé bìa ấp. Ở bên này, chúng tôi chỉ trỏ, bàn tán...
Bỗng… hàng loạt đạn cực nhanh AR15 và phóng lựu M79 tới tấp quạt sang phía chúng tôi. Có mấy đồng chí trúng đạn bị thương. Tất cả chạy nháo nhào tìm chỗ trú ẩn. Lúc này, không có công sự để chiến đấu và ẩn nấp. Pháo từ các căn cứ tiểu khu Hậu Nghĩa, Chi khu Đức Hoà, Hiệp Hòa... dập đến. Ban đầu còn ra xa. Sau vài loạt, đạn đã rót vào chỗ chúng tôi. Trực thăng bắt đầu phành phạch lao tới chỉnh pháo và bắn vào những nơi có bóng cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (cờ Giải phóng nửa đỏ nửa xanh). Địch bắt đầu tấn công bằng bộ binh. Tuy nhiên, chúng cũng dè chừng, không dám tiến sang mà chỉ bắn như vãi đạn về phía chúng tôi. Cũng may, trong vườn có hai cái hầm (trảng xê) lớn của dân đào xuyên dưới gốc bụi tre đã lâu năm để tránh pháo nên tất cả chui đấy. Điều may mắn hơn là lúc này chiến sự nổ ra trên khắp cả miền Nam, do vậy máy bay địch không đủ khả năng chi viện cho tất cả các chiến trường. Nếu không, chúng tôi sẽ chết chùm vì bom rồi. Càng về trưa, chiến sự càng ác liệt. Bộ binh địch tuy không dám vào nhưng cường độ pháo và rốc két thì mỗi lúc một gia tăng. Lại có thêm nhiều đồng chí hy sinh và bị thương bởi đại liên từ trực thăng và trọng pháo.
Cấp trên ra lệnh: "Bằng giá nào cũng phải giữ cho được địa bàn đã đứng chân! Nếu để mất, chúng ta sẽ phí phạm xương máu đồng đội và đồng nghĩa với việc thu hẹp vùng giải phóng". Bởi thế của ta và địch lúc này là thế "da báo", đan cài nhau. Vùng giải phóng bị thu hẹp có nghĩa là vành đai của ngụy quyền VNCH được mở rộng. Sẽ bất lợi cho ta!
Chúng tôi lại phạm một sai lầm trong nhận thức và chủ quan trong tư tưởng chỉ đạo, đã đánh giá sai bản chất xảo quyệt của kẻ địch nên phải trả giá.
Ngay đêm ấy (27/1), cấp trên ra lệnh chỉnh đốn tư tưởng, rút kinh nghiệm, củng cố quyết tâm và nhận thức. Đối với chính quyền Sài Gòn ngoan cố và xảo quyệt, chúng ta chỉ có thể nói với chúng bằng súng đạn mà thôi! Đêm đó, chúng tôi chuyển vị trí chống càn sang ấp bên cạnh, sau khi đã chôn cất tử sỹ và khiêng cáng thương binh ra “cứ” ở bưng để du kích địa phương chuyển lên trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn.
Liên tiếp trong những ngày sau đó, chúng tôi phải gồng mình lên chống càn, đánh bật các đợt phản kích lấn chiếm của địch. Thế trận giằng co và ngày càng ác liệt. Chúng tôi thương vong quá nhiều. Cấp trên phải điều động một số đồng chí ở các đại đội trực thuộc như vận tải, trinh sát, công binh, quân y... bổ sung cho các đại đội bộ binh để có thêm tay súng đánh địch. Lúc này không có quân từ miền Bắc bổ sung. Tôi chính thức thôi không làm y tá nữa mà chuyển sang chiến đấu trong chiến dịch này. Một số đồng chí trinh sát ở D bộ (Tiểu đoàn bộ) cũng được điều xuống trực tiếp chiến đấu ở các đại đội bộ binh.
Hôm ấy, tôi và Nguyễn Văn Hồng (liên lạc đại đội), quê ở Triệu Sơn, Thanh Hoá được bố trí chốt tại một công sự . Khoảng hơn 8 giờ sáng, sau những đợt pháo kích dữ dội, địch cho máy bay dội bom. Lần này, chúng thay đổi chiến thuật, dội bom trước khi cho bộ binh tràn vào. Sau trái khói điểm bắn xuống từ một chiếc OV10, mấy chiếc A37 liền bổ nhào cắt bom. Tôi đứng trong công sự ngước nhìn lên, những trái bom tròn như quả bóng, đen trùi trũi lao xuống. Tôi ngồi thụp ngay xuống hét to: "Bom rơi ngay chỗ chúng ta!" Liền đó, chỉ nghe huỵch… huỵch… mấy tiếng (bom nổ quá gần không nghe được tiếng), hơi bom quạt thốc vào hầm như cơn lốc. Công sự chúng tôi rung lắc dữ dội. Đất rơi xuống ầm ầm, thình thịch. Tôi vừa thụt đầu vào dưới nắp hầm thì “… hút... phịch!”, một mảng lớn kim loại quăn queo của cái đuôi bom rơi xuống, cắm ngay vào chỗ tôi vừa mới rút đầu vào. Hú vía! Nếu chậm một giây, cái đầu tôi đã nát bét (kinh nghiệm cho hay, lúc nào thấy bom lao xuống tròn như quả bóng thì đó chính là lúc bom rơi đúng ngay vị trí của mình; hình bom dài, bom sẽ rơi ra xa). Một trong những trái bom ấy rơi trúng ngay ngôi nhà mà trong đó có các đồng chí gồm nuôi quân và quản lý của đại đội đang trú ẩn cùng với toàn bộ xoong, nồi, gạo, thực phẩm, balô, đồ đạc của bộ đội. Khói tan, nơi ấy chỉ còn một hố bom lớn, sâu hoắm. Chiều tối, sau trận đánh, chúng tôi đã cố gắng kiếm tìm nhưng không thể nào tìm thấy di hài của các đồng đã chí hy sinh vì trái bom ấy. Họ đã biến thành tro bụi!
Sau các đợt không kích và pháo kích dữ dội, bộ binh địch bắt đầu tràn vào. Chúng tôi, những tay súng còn lại, tập trung hoả lực bắn vào những chỗ co cụm và tiêu diệt những tên gần nhất. Những tên sống sót rú lên, bật chạy
trở ra. Lại bom, pháo, M72, M79, cối 81 giã xuống. Kẻ địch không ngờ với cường độ và mật độ bom pháo dày đặc như vậy mà chúng tôi vẫn còn sống sót... Ngày hôm đó, địch thay đổi chiến thuật, chúng chỉ dùng bộ binh phản kích duy nhất một lần, còn lại, dùng hoả lực để khống chế, hủy diệt chúng tôi.
Giao tranh ngày càng ác liệt. Địch quyết tâm đánh bật chúng tôi ra khỏi địa bàn đứng chân. Chúng tôi quyết tâm bám trụ! Nhiều đồng chí ở trung đội trinh sát D8 là những người đang học Đại học năm thứ nhất, thứ hai, khoẻ mạnh, hồn nhiên, đẹp trai, thông minh… Vậy mà sau chiến dịch này, các anh đã lần lượt hy sinh gần hết. Trong những ngày cuối của chiến dịch bảo vệ Hiệp định Paris chỉ còn lại anh Nguyễn Thuấn (Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) nguyên là lính đặc công đại đội 25 sau bổ sung về trinh sát D8. Hết chiến tranh, may mắn còn sống sót, Thuấn xuất ngũ; nay là thương binh 3/4, đang sinh sống ở quê.
(Còn nữa)
Trái tim người lính