Ký ức chiến tran: Vào trận - P30

Lực lượng của Trung đoàn sau trận ấy còn lại rất mỏng. Đơn vị được bổ sung tân binh của các tỉnh từ Thanh Hoá, Hà Nam Ninh, Hải Hưng, Hải Phòng, Bắc Thái, Quảng Ninh, Thái Bình... bù vào chỗ thiếu hụt qua trận Công Pông Tra Bec...

Lúc này, tình hình chiến sự ở Việt Nam đó có bước ngoặt mới. Đặc biệt là sau thất bại 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội, Mỹ lại buộc phải ngồi vào bàn hoà đàm Paris để ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị trở lại Long An để vào chiến dịch đánh địch lấn chiếm, bảo vệ Hiệp định (27- 01-1973).

b1tdaqe-1686406965.jpg

CCB Vương Khả Sơn với Anh hùng tình báo Nguyễn Văn Thương.

 

Những ngày củng cố lực lượng còn lại ở đất bạn, đêm đêm nhìn về ánh sáng trên ngọn núi Bà Đen ở Tây Ninh mà lòng bùi ngùi tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống. Chỉ mai kia thôi, chúng tôi sẽ rời mảnh đất này để trở về miền Nam nhận nhiệm vụ mới. Sẽ vĩnh viễn xa những người đã ngã xuống nơi đây. Chúng tôi, ai nấy đều xót đau, nhớ tiếc những đồng đội thân yêu đã hy sinh trên mảnh đất Cam Bốt xa lạ này.

Khoảng hai tuần sau, Trung đoàn nhận nhiệm vụ quay về Long An.

Ba Thu lại là nơi tập kết, để từ đó, chúng tôi vượt bưng Đức Huệ trở lại Gò Nổi.

Đứng chân ở Gò Nổi, nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục vào ấp chiến lược làm công tác dân, địch vận; dùng cối 82 li tập kích đồn bốt, đánh nhỏ, lẻ tiêu hao và quấy rối địch. Chống càn và phục kích đánh tàu trên sông Vàm Cỏ. Sau đó không lâu, chúng tôi được lệnh hành quân xuống bưng Hoà Khánh để làm nhiệm vụ mới.

Đêm 20-12-1972, chúng tôi vào ấp 3 Hoà Khánh móc nối với cơ sở cách mạng để lấy gạo, nhu yếu phẩm và nắm tình hình địch. Cùng đi, có mấy đồng chí du kích và giao liên địa phương dẫn đường và liên lạc với cơ sở cách mạng. Chúng tôi vào ấp một cách an toàn, hoàn hành nhiệm vụ được giao: Tiếp xúc với nhân dân để giải thích tuyên truyền chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Sau đó nhận gạo, thực phẩm, thuốc men từ các gia đình cơ sở của ta. Hôm ấy do quá bức xúc, tôi đã xách B40 vào nhà của một trong những gia đình có con là sỹ quan nguỵ (VNCH). Gia đình này nhiều lần có ý doạ rằng sẽ báo với "Quốc gia" (chính quyền VNCH) về việc các gia đình cách mạng ở đấy mua và cất giấu gạo, thực phẩm, thuốc men để tiếp tế cho "Việt Cộng". Tôi nghiêm sắc mặt một cách hệ trọng: "Nói để mấy người hay, tôi không hề có ý hù (doạ) ai! Nhưng nếu một trong những gia đình ở đây đã giúp đỡ cho bộ đội Giải phóng mà có mệnh hệ gì thì đừng oán trách tôi không báo trước. Tất cả đây sẽ là "quà tặng" dành riêng cho gia đình đó! Tôi nói là làm! Liệu mà giữ mồm, giữ miệng. Cách mạng chưa hỏi tội đứa con của mấy người đi lính cho Mỹ - nguỵ chống lại nhân dân thì thôi. Lại còn... Việc đâu để đó. Không được bép xép. Nếu không...?". Tôi nói dở chừng rồi đặt khẩu B40 cùng 5 trái đạn đã lắp liều phóng rồi để lên mặt bàn. Ai nấy, mặt cắt không còn hột máu. Ai cũng “vâng” “dạ” rối rít. Hứa chẳng dám làm điều gì có hại cho cách mạng. Tôi xách súng, đạn quay ra, bụng cười thầm...

Một giờ 30 sáng, chúng tôi rời ấp để ra bưng. Đang đi, bỗng đồng chí du kích giao liên dẫn đường quay lại, ra hiệu cho mọi người ngồi xuống, giãn thưa đội hình và im lặng. Tôi cùng hai người khác bám lên theo anh. Màn đêm nhờ nhờ, không nhìn rõ nhau. Một mùi khét của thuốc đạn lẫn mùi tanh của xác chết xộc vào mũi. Tôi cảnh giác, lom khom bò trên mặt ruộng. Đang bò, tay bỗng chạm phải một vật cứng láng trơn, khum khum hình viên gạch, lạnh ngắt. Mìn clâymo! Tôi rùng mình, dựng tóc gáy, mồ hôi vã ra. Quay nhanh lại phía sau, tôi rít trong cổ họng:

- Tất cả nằm im! Mìn clâymo!

Phản xạ chiến trường đã thành một bản năng, kỹ xảo của người lính. Mọi người ai ở đâu đều nằm im, bất động. Bởi nếu không, chỉ cần ai đó lỡ thêm một bước nữa thôi, hai sợi dây đồng trần mỏng mảnh sẽ chập vào nhau. Và thế là hết! Cả bãi mìn sẽ đồng loạt "lên tiếng" xoá sổ chúng tôi..

Sờ dọc phía trên trái mìn, nơi có hai kíp nổ ở hai bên, tôi nín thở xoay tay vặn kíp ra, nhưng chặt quá. Có lẽ chúng dùng kìm vặn nên tôi không thể mở được. Đã đôi lần gặp tình huống này nên tôi bình tĩnh trở lại, dùng móng tay tách đôi sợi dây mìn. Sau đó, rút dao găm cẩn thận cắt từng sợi một. Mồ hôi trên mặt chảy thành dòng. Vì chỉ bất cẩn một chút, để hai dây chạm vào nhau thì lập tức mìn sẽ nổ. Xong! Tôi thở phào. Thế là ổn. Kinh nghiệm cho hay, tụi nguỵ khi gài loại mìn này thường mắc nối tiếp. Một quả nổ là cả bãi mìn đồng loạt nổ. Chúng tôi đã vô hiệu hoá bãi mìn. Các đồng chí còn lại gỡ thêm được 7 quả. Tôi chợt hình dung: nếu toàn bộ số mìn ấy phát nổ, tất cả chúng tôi sẽ chẳng còn một ai!? Gần 3.000 viên bi (mỗi quả clâymo có khoảng 370 viên bi) đồng loạt bắn ra, sẽ không một ai thoát chết. Gỡ xong mìn, chúng tôi đến bên 3 thi thể của anh em du kích Hoà Khánh. Có một phụ nữ. Mọi người cẩn thận buộc dây dù vào họ rồi kéo dịch ra khỏi vị trí, đề phòng địch gài lựu đạn dưới xác. Nhưng lần này thì không. Chắc chúng nghĩ: chúng tôi sẽ không thể nào sống sót vì bãi mìn ấy. Một trong ba đồng chí bị chúng đánh lựu đạn đến nát cơ thể, gần như đứt làm đôi, chỉ còn khúc xương sống dính da. Bốn người khiêng đồng chí ấy; các đồng chí khác khiêng người còn lại ra “cứ” để bàn giao cho du kích chuyển đi mai táng. Đêm hôm đó, sau khi bàn giao thi thể các đồng chí hy sinh cho địa phương, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy đói cồn cào. Mùa khô nên không có nước rửa tay, chúng tôi huơ tay trên ngọn cỏ dính sương đêm cho đi bớt máu rồi lau tạm vào thân áo, sau đó bẻ cơm nắm ăn. Mùi máu đồng đội vẫn còn phảng phất nơi bàn tay!...

Được biết, hôm đó trước lúc chập tối có mấy đồng chí du kích địa phương đã bí mật bám địch để tiếp cận vào ấp, đến đây do thiếu cảnh giác nên đụng bọn địch phục kích. Bởi lực lượng quá nhỏ nên không thể phản kích lấy tử sỹ, đành phải rút lui. Bọn địch phán đoán thế nào cũng sẽ có người quay lại lấy tử sỹ nên đã gài chăng mìn đón lõng. Lần này, chúng chỉ gài mìn nếu chúng nằm lại phục kích, chắc chắn chúng tôi sẽ thương vong lớn. Chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước tình huống này...

Ở lại Hoà Khánh thêm mấy ngày nữa, lần này chúng tôi có dịp thưởng thức món đặc sản tại vùng đất Trung Nam Bộ. Trên những bờ kinh, chim nhiều vô số. Chúng tôi được ăn trứng và thịt chim non thoả thích. Nơi đây, sau giải phóng có thể đã thành vườn chim quốc gia rồi. Thời ấy, ban đêm, mỗi khi soi đèn "cổ ngoéo" của Mỹ, trèo lên cây là có thể tóm lấy chim trong tổ hoặc đậu trên cành. Chim dạn lắm...!

(Còn nữa)

Trái tim người lính