“Lễ” là gì?

Tien Hung Trieu (Sưu tầm)

28/11/2021 15:10

Theo dõi trên

Dạ thưa, thế hệ chúng tôi được dạy về chữ “lễ” qua những bài học cụ thể như ri: Con trẻ ra ngoài đường phải thế nào?

261366071-918107399094045-6267865126391388684-n-1638081791.jpg

Khi ra ngoài phải ăn mặc cho chỉnh tề sạch sẽ. Đi cho khoan thai, chớ có lật đật và xô chen người khác. Không nên chạy nhảy hoặc gào thét ở ngoài đường. Gặp người quen phải chào hỏi. Lúc người ta còn cách xa không nên gọi, đến gần sẽ chào. Không nên nói chuyện lâu vì chỗ đường sá không phải là nơi tiếp khách. Nếu gặp đám đông người cãi nhau hay làm một việc gi, không nên đứng lại và nhập bọn vì họ làm xằng có khi liên lụy đến mình, nếu không thì những quân gian có thể thừa lúc ồn ào mà bóc lột ta.

LUẬT ĐI ĐƯỜNG

Khi đi đường, bao giờ ta cũng nhớ đi về bên tay phải. Không được chạy hoặc chơi đùa giữa đường. Nếu muốn rẽ sang bên kia đường, phải đứng lại nhìn xem có xe cộ sắp tới hay không. Lúc tạt ngang phải rảo bước. Khi đang đi, nếu nghe còi báo của ô-tô ở đằng sau, phải tránh luôn vào vệ đường chỗ mình đang đi để nhường lối cho xe vượt, chớ có quay lại nhìn, hay đang ở vệ đường bên trái lại chạy sang bên phải cho đúng luật mà xe đè phải vì sức xe chạy nhanh, ta chỉ chậm bước hoặc sơ-ý một chút là bị tai-nạn.

BỔN PHẬN ĐỐI VỚI KẺ KHÓ, NGƯỜI GIÀ, KẺ TÀN TẬT, KẺ YẾU ĐUỐI VÀ NGƯỜI LẠ

Gặp kẻ khó

Khi ra đường gặp kẻ khó đến xin mình, nếu sẵn tiền thì cho ngay, bằng không thì nói tử tế, đừng gắt gỏng khinh bỉ để người ta phải tủi.

Gặp người già

Ta phải coi người già nua tuổi tác như ông bà ta. Khi gặp ở đường ta phải nhường người đi trước. Nếu người có mang sách vật gì nặng hay đánh rơi đánh đổ cái gì, ta nên mang đỡ hoặc nhặt giúp.

Gặp kẻ tàn tật

Tàn-tật là người mù, què, câm, điếc: Người ta với mình cũng là một loài người, không may bị tàn-tật không làm gì được, đã thiệt thòi đau đớn lắm rồi, ta không nên bỉ-bạc, phải động lòng thương và cứu giúp.

Gặp kẻ yếu đuối

Gặp những kẻ yếu đuối, những đàn bà, con trẻ lạ-lùng, bỡ-ngỡ, ta nên giúp đỡ, bênh vực và chỉ bảo để tỏ tấm lòng từ-thiện của ta.

Gặp người lạ

Đối với người không quen biết ta phải cử chỉ cho khiêm-tốn, nói năng cho ôn-hoà nghĩa là phải giữ cho có lễ-phép. Lễ-phép không mất tiền mua mà lại làm cho người ta mến thương.

CÁCH GIAO THIỆP

Sự đi thăm

Khi đi thăm ai, đến cổng phải bảo cho người nhà biết. Nếu chủ-nhân đang ăn hay bận việc thì không nên vào, trừ khi có việc cần lắm hãy xin vào.

Khi nói chuyện phải nói cho rõ-ràng, gãy-gọn. Lúc người ta nói phải lắng tai nghe đừng nói chen vào. Phải trả lời cho có lễ-độ không nên suồng-sã. Đừng tranh hơn kém mà cãi lẽ với chủ-nhân. Không nên nói tục. Chỗ đông người, không nên nói thầm với ai mà cười để người ta tưởng mình nói xấu người ta.

Khi hết chuyện thì cáo từ, không nên ngồi dai cho người ta chán.

Lúc tiếp khách

Khi khách đến chơi với cha mẹ mình thì sửa sang cách ăn mặc cho chỉnh đốn ra cổng đón chào và mời lên nhà khách, khi cha mẹ tiếp khách thì mình phải đứng hầu để lấy trầu thuốc, pha nước chè hoặc lau cốc rót rượu. Khách cùng cha mẹ có nói chuyện kín thì phải lánh đi. Cho ngồi thì ngồi, có hỏi đến thì phải đứng dậy mà thưa, không được nói leo hoặc làm ầm-ỹ.

Khi khách về, phải đưa chân ra cổng và vái tiễn. Không nên đóng sầm cửa lại ngay lúc khách vừa ra khỏi cửa.

Nên nhớ rằng lúc đón khách thì mình đi trước để tiện chỉ lối và lúc đưa chân thì để khách đi trước.

PHÉP LỊCH SỰ

Cất mũ, bắt tay

Mỗi khi chào ai, ta sẽ nghiêng đầu và cất mũ ra rồi lại đặt vào đầu. Nếu nói chuyện với người trên thì phải cầm mũ ở tay, đợi đến khi người trên cho phép đội hay khi cáo từ sẽ đội mũ vào.

Đối với người ngang hàng hay người dưới ta có thể giơ tay (tay phải) ra trước bắt tay người ta.

Đối với người trên thì đợi người trên có đưa tay mình sẽ bắt, nếu giơ tay trước là vô-lễ. Khi bắt tay không nên nắm mạnh quá và cũng không nên ơ-hờ quá.

Còn lối chào nhà binh giơ bàn tay phải ngang rìa mũ chỉ dành riêng cho binh-sĩ, người thường gặp nhau mà giơ tay như thế thì không phải lối.

Lúc nói chuyện

Khi nói chuyện thì đứng cho ngay ngắn, mắt trông thẳng, nói cho rõ ràng, đừng cúi đầu và ấp-úng, rụt-rè.

Nếu nói chuyện với một người đang đi thì mình tiến lên ngang hàng về bên trái cho dễ nói chuyện, không nên lẽo đẽo theo sau, thành ra hai bên đều khó nghe.

Khi có việc vào bàn giấy người trên thì đứng đối-diện để tiện trình bày hay nộp đơn từ, không nên lén ra bên cạnh hay nép về phía sau.

Khi vào nhà ai phải bỏ mũ, bỏ kính ra (trừ khi có bệnh mắt). Nói xong chuyện thì cáo-từ, không nên ngồi lâu làm mất thì giờ của chủ nhân.

 

Theo Hà Mai Anh - Trích CÔNG DÂN GIÁO DỤC - Gia Nguyễn chia sẻ từ Nguyễn Đính

Tien Hung Trieu sưu tầm và biên tập

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "“Lễ” là gì?" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn