Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 19)

PGS TS Cao Văn Liên

13/07/2021 07:50

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1626137295.jpg

 Kỳ 19

Năm 1799, quân Nguyễn Ánh chiếm được Qui Nhơn đổi thành trấn Bình Định rồi giao cho Võ Tánh và Ngô Tùng Chu giữ thành. Từ năm 1799 đến năm 1801, Đại đô đốc Tây Sơn Vũ Văn Dũng cùng với Thiếu phó Trần Quang Diệu và nhiều tướng lĩnh khác cầm quân tác chiến dữ dội vơí quân Nguyễn Ánh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Dưới sự chỉ huy của Vũ Văn Dũng , quân Tây Sơn đã vây hãm Qui Nhơn 14 tháng ròng, bức các tướng lĩnh cao cấp của Nguyễn Ánh như Võ Tánh, Ngô Tùng Chu phải tự sát. Quân Tây Sơn chiếm lại thành Qui Nhơn.

   Năm 1801, Nguyễn Ánh đem lực lượng tấn công kinh thành Phú Xuân. Phú Xuân bị quân Nguyễn Ánh chiếm. Vua Cảnh Thịnh phải chạy ra Bắc Hà huy động quân đội ở các trấn Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc và quân Thanh- Nghệ chống chọi với quân Nguyễn Ánh. Mặt trận chính diễn ra ở vùng Trấn Dinh (Nghệ An) và Thanh Hoá. Thánh 1 năm 1802, tình hình quân đội Tây Sơn ở mặt trận này hết sức nguy ngập. Nữ tướng Bùi Thị Xuân của Tây Sơn chỉ huy 5000 quân cùng hàng vạn quân của vua Cảnh Thịnh chống trả quyết liệt cuộc tấn công của Nguyễn Ánh có kết quả.  Đội quân của Bùi Thị Xuân đã làm cho quân Nguyễn Ánh khiếp sợ. Nhưng trong giờ phút quyết định nhất của trận đánh, vua Cảnh Thịnh hèn nhát bỏ mặt trận rút lui làm cho mặt trận Nghệ An tan vỡ. Tháng 3 năm 1802, Trấn Dinh (Nghệ An) lọt vào tay quân Nguyễn Ánh. Trần Quang Diệu và Vũ văn Dũng đem quân ra cứu nhưng không kịp,  đại cục đã tan vỡ. Thiếu phó Trần Quang Diệu , vợ là Bùi Thị Xuân và con gái bị quân Nguyễn bắt và bị hành hình một cách thảm khốc.

   Cùng thời gian đó, tướng Tây Sơn Bình đồng tướng quân Đặng Xuân Bảo cầm quân cản bước tiến của quân Nguyễn ở Thanh Hoá nhưng thất bại.  Đô đốc Đặng Xuân Bảo bị bắt.  Ông nhịn ăn vài ngày rồi chết. Quân Nguyễn tiếp tục tấn công ra Bắc Hà. Ngày 10 tháng 6 năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm được Thăng Long. Vua Cảnh Thịnh cùng em là Nguyễn Quang Thuỳ chạy về Kinh Bắc thì bị bọn thổ hào ở đây bắt nộp cho Nguyễn Ánh và sau đó bị Ánh hành hình. Mùa đông năm 1802, chính quyền Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ. Một vương triều mới được thiết lập: Vương Triều Nguyễn. Vương Triều Tây Sơn kể từ Thái Đức Nguyễn Nhạc đến Cảnh Thịnh Hoàng đế tồn tại được 25 năm với các vị vua: Thái Đức Hoàng đế Nguyên Nhạc (1778-1793), Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ (1789-1792) và Cảnh Thịnh Hoàng đế Nguyễn Quang Toản (1793-1802).

VII:Vương triều Nguyễn  từ 1802 đến 1858

   Sau khi lật đổ nhà Tây sơn, năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lập ra vương triều Nguyễn, đổi quốc hiệu Đại Việt thành Việt Nam (còn có tên Đại Nam), kinh đô Phú Xuân (Huế). Nguyễn Ánh lấy niên hiệu Gia Long, xây dựng một chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế cực đoan. Vua của Vương triều Nguyễn nắm toàn bộ quyền lực, giành lấy quyền khống chế cả nước, quyết định mọi công việc lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương. Để tăng cường quyền lực cho vua, nhà Nguyễn đặt ra lệ 4 không: không đặt chức tể tướng, không lấy học vị trạng nguyên trong thi cử, không đặt chức Hoàng hậu trong tam cung, không phong vương cho hoàng thân quốc thích. Dưới vua có 6 bộ: Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình, Bộ lễ, Bộ công, Bộ lại. Mỗi Bộ do một Thượng thư đứng đầu. Dưới Bộ có 6 khoa: Khoa binh, khoa hình, khoa lễ, khoa công, khoa lại. Khoa có nhiệm vụ kiểm soát các quan ở các bộ. Còn có Tả thị lang, Hữu thị lang. Các cơ quan có Đô sát viện, Tả đô ngự sử, Hữu đô ngự sử, các chức cấp sự trung về lục khoa thuộc Đô sát viện. Đô sát viện còn có quyền tố cáo, buộc tội các quan. Đại lý tự xét án. Như vậy, Bộ hình, Đô sát viện, Đại lý tự họp thành Tam pháp ti là 3 cơ quan trông coi về tư pháp.

   Bên cạnh vua có hai cơ quan giúp việc: Viện cơ mật, Văn phòng gồm 4 viên đại thần họp thành Nội các. Còn có Phủ nội vụ trông coi kho vàng bạc của cải nhà vua. Toà chính ty trông coi vận chuyển thuế, Quốc tử giám trông coi giáo dục, Khâm thiên giám trông coi thiên văn, làm ra lịch pháp, Thái y viện trông coi y dược chữa bệnh trong cung.

   Quân đội nhà Nguyễn chia thành 5 quân: trung quân, tiền quân, tả quân, hưũ quân và hậu quân. Mỗi quân do một Chưởng phủ hay Đô thống chỉ huy. Dưới quân là vệ, mỗi vệ có Đô thống hoặc Thống chế cầm đầu. Thuỷ quân nhà Nguyễn có chức Đô đốc hoặc Đề đốc nắm giữ.

   Đơn vị hành chính địa phương thời Gia Long chia toàn quốc thành 3 khu vực: Bắc thành gồm toàn bộ miền Bắc, Gia Định thành gồm toàn bộ miền Nam. Dưói thành là trấn, Bắc thành có 11 trấn, Gia Định thành có 5 trấn. Toàn bộ miền Trung chia thành hai doanh gồm 4 trấn. Dưới trấn là phủ, dưới phủ là huyện (châu-miền núi). Đứng đầu thành là Tổng trấn và Phó Tổng trấn. Đứng đầu trấn có quan Trấn thủ hay Lưu Trấn, giúp việc có cai bạ và ký lục. Quan tri phủ đứng đầu phủ, Tri huyện cai trị huyện (tri châu miền núi).

   Thời Minh Mệnh vào năm 183, toàn quốc chia thành 29 tỉnh trực thuộc triều đình. Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc. Giúp việc cho Tổng đốc có Tuần phủ trông coi chính trị, giáo dục, Bố chính phụ trách về thuế khoá, Đinh, điền, An sát trông coi hình án , trạm dịch. Đời Minh Mệnh cũng định tước vị từ nhất phẩm đến cửu phẩm. Bên cạnh vua vẫn duy trì Nội các và Viện cơ mật trông coi quân quốc trọng sự. Lại lập ra Bưu chính ty trông coi việc chuyển công văn, giấy tờ. Thái thường tự trông coi việc nghi lễ (đại lễ), Quang lộc tự trông coi lễ, phẩm. Đặt ra Tôn nhân phủ trông coi việc trong hoàng tộc.

   Năm 1815, nhà Nguyễn ban hành Bộ luật “Gia Long”(Hoàng triều luật lệ), có tham khảo luật “Hồng Đức” của Đại Việt và “Đại Thanh luật lệ” của nhà Thanh (Trung Quốc). Luật này nhằm bảo vệ uy quyền tuyệt đối của nhà vua, thẳng thay trừng trị tàn nhẫn đối với thần dân.

   Bên cạnh việc tập ấm và tiến cử, nhà Nguyễn cũng tuyển chọn quan lại bằng thi cử. Nhưng chế độ học hành thi cử của nhà Nguyễn rất lạc hậu, học Nho và các Nho sĩ vùi đầu vào kinh điển Nho giáo, xa rời thực tế của thời đại, của đất nước. Quan lại được cấp lương bổng nhưng không đủ cho cuộc sống xa hoa nên tham nhũng, nhận hối lộ thu được gấp hàng nghìn lần so với lương bổng. Một người Pháp khi đó có mặt ở nước ta đã viết: Lương một viên quan bằng 3 phơ răng nhưng nhận hối lộ và tham nhũng từ 2000 đến 3000 Phơ Răng. Chúng vơ vét trong những dịp thu tô, thuế, xử án, bắt lính, bắt lao dịch, đắp đê diều, đường sá. v. v. Ở địa phương, bọn hào lý hoành hành dữ dội, không kiêng sợ gì. Dân thời đó coi quan như kẻ cướp:

   “Con ơi nhớ lấy câu này

   Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”.

   Nhìn chung,  bộ máy nhà Nguyễn là phản động, mục nát, bảo thủ, đối lập với quyền lợi của nhân dân. Nó chỉ phục vụ cho giai cấp phong kiến, cho dòng họ, cho tập đoàn phong kiến đã hoàn toàn hủ bại, thối nát. Với một bộ máy nhà nước như vậy,  Vương triều Nguyễn thẳng tay thi hành những chính sách đàn áp bóc lột nhân dân không thương xót. Nhà Nguyễn vơ vét của cải bằng cách bắt nộp cống phẩm, đánh nhiều loại thuế và thuế rất nặng: thuế buôn bán, thuế thân, thuế ruộng. Nhà  Nguyễn thu thuế theo nguyên tắc bảo đảm thu nhập cho nhà nước, bất chấp đời sống khổ cực của nhân dân và thiên tai mất mùa, đói kém. Chế độ lao dịch nặng nề, người dân phải đi lao dịch 60 ngày trong năm xây cung điện, lăng mộ, thành luỹ. Nhân dân còn phải cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho nhà nước, cung cấp trang thiết bị và lương thực cho quân đội.

   Trong chính sách ruộng đất, nhà Nguyễn ra sức củng cố quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước và quyền sở hữu của địa chủ phong kiến. Chúng ra sức cướp đoạt ruộng đất của nông dân đã dành được dưới thời Tây sơn, chiếm đoạt ruộng đất công của công xã. Kết quả nông dân mất ruộng đất , bỏ làng đi phiêu tán, ruộng đất bỏ hoang nhiều vì không có người sản xuất. Đê điều không được nhà nước chăm lo tu tạo, bồi đắp, hoặc nhà nước chủ trương và cấp tiền tôn tạo nhưng bị cường hào, quan lại tham nhũng bòn rút hết nên không sửa chữa được khiến đê vỡ gây lụt lội liên tục. Như đời Tự Đức suốt 10 năm ròng đê vỡ, lũ lụt.

   Nhà Nguyễn thi hành chính sách ức thương, cản trở, bóp nghẹt sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Đánh thuế rất nặng các nghề thủ công nghiệp, trưng thu những thợ lành nghề vào các công xưởng nhà nước. Nhà nước nắm độc quyền khai thác khoáng sản, sản vật, hạn chế buôn bán. Chính sách phản động bảo thủ đó làm cho thủ công nghiệp Việt Nam không thể chuyển dịch được thành kinh tế hàng hoá, thương mại suy tàn. Vương triều Nguyễn khước từ tất cả mọi đề nghị mở cửa buôn bán của các nuớc phương Tây, cự tuyệt mọi đề nghị cải cách của các văn thân, sĩ phu thức thời, muốn đưa nước nhà tới hùng mạnh. Kết quả của chính sách “bế quan toả cảng” mù quáng đó là Việt nam vào thế kỷ XIX vẫn không ra đời được nền kinh tế hàng hoá và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, do đó không ra đời được những giai cấp mới như tư sản và vô sản, tức là không có những tiền đề cho một cuộc cách mạng tư sản giải thể chế độ phong kiến, đưa Việt Nam lên con đường tư bản chủ nghĩa, một chế độ tiên tiến của thời đại khi đó. Việt Nam vẫn bị các thế lực tham lam, ích kỷ phản động giam hãm trong vòng lạc hậu với nền kinh tế nông nghiệp tiêu điều, quốc phòng suy yếu, tư tưởng bảo thủ, viễn vông, xa rời thực tế của Nho học. Sự suy yếu lạc hậu của Việt Nam đúng vào thời điểm các nước Âu –Mỹ đã hoàn thành cách mạng tư sản, đẩy mạnh công nghiệp hoá, tiến lên con đường tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa, đẩy mạnh việc xâm lược các nước châu Á, châu Phi làm  thuộc địa. Việt Nam đứng trước nguy cơ mất nước trước sự bành trướng, xâm lược của chủ nghĩa tư bản Phương Tây. 

   Những cuộc khởi nghĩa nông dân dưới vương triều Nguyễn: Chính sách bóc lột, thống trị tàn bạo của vương triều Nguyễn làm cho mâu thuẫn giữa nông dân với chế độ phong kiến ngày càng gay gắt. Chưa có một vương triều nào trong lịch sử Việt Nam vừa mới thành lập đã bị nông dân chống lại kịch liệt như vương triều Nguyễn. Ngay từ thời Gia Long từ 1802 đến 1812, khởi nghĩa nông dân đã bùng nổ khắp từ Nam đến Bắc với 70 cuộc nổi dậy. Đến đời vua Minh Mệnh kế vị Gia Long từ 1820 đến 1840 có 200 cuộc nổi dậy lớn nhỏ. Thời Thiệu Trị từ 1841 đến 1847 chỉ 7 năm có 50 cuộc khởi nghĩa. Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu là khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827) ở Thái Bình, khởi nghĩa của Nông Văn Vân vốn là tri châu Bảo Lạc (Cao Bằng). Ông xưng là Tiết chế thượng tướng quân, kêu gọi đồng bào thiểu số chống lại triều đình. Cao Bá Quát nhà Nho, nhà thơ nổi tiếng đương thời đã phất cờ chống lại triều đình năm 1854-1855. Ở miền Nam có cuộc khởi nghĩa lớn của Lê Văn Khôi. Tất cả các cuộc khởi nghĩa đều bị triều đình nhà Nguyễn đàn áp thất bại. Ách thống trị ích kỷ tàn bạo của nhà Nguyễn đẩy nhân dân đối lập với nhà nước. Triều đình Nguyễn mất chỗ dựa là nhân dân và toàn dân tộc.

VIII: Văn hoá Việt Nam thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX

Văn học: Bên cạnh văn học chữ Hán, thế kỷ XVI, XVII, XVIII đánh dấu sự phát triển rực rỡ của văn học chữ Nôm. Các nhà thơ chữ Nôm nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Đào Duy Từ. Thời gian này còn xuất hiện chuyện dài bằng chữ Nôm: “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, chép lịch sử dân tộc bằng thơ chữ Nôm mang tính chất sử thi như “Đại Nam quốc sử diễn ca”, “Thiên Nam ngữ lục” thế kỷ XVI dài tới 8000 câu thơ lục bát kể truyện từ thời Hồng Bàng tới triều Mạc. Thế kỷ XVIII, thơ Nôm của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng và táo bạo. “Truyện Kiều’ của Nguyễn Du (1765-1820) là đỉnh cao nhất của việc dùng chữ Nôm sáng tác thơ ca. “Truyện Kiều” thành kiệt tác của văn học Việt Nam và văn học thế giới. Xuất hiện truyện dài thơ chữ Nôm không rõ tên tác giả (khuyết danh): Phan Trần, Nhị Độ Mai, Quan Âm Thị Kính, Phạm Công Cúc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Hoàng Trừu, Thạch Sanh. Thể thơ lục bát, song thất lục bát đặc biệt phát triển trong các thế kỷ này.

   Bên cạnh việc phát triển của văn thơ chữ Nôm, thơ văn chữ Hán vẫn tồn tại. Nguyễn Du còn là tác giả nhiều bài thơ chữ Hán lỗi lạc, Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 19)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn