Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 22)

PGS TS Cao Văn Liên

16/01/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 22.

Hầu như không gặp một sức kháng cự nào, quân Thanh chiếm miền Bắc Đại Việt và kinh thành Thăng Long một cách quá dễ dàng, lại nhận được thư mà lời lẽ rất mềm dẻo của Nguyễn Huệ gửi ra khiến cho Tôn Sĩ Nghị vô cùng chủ quan khinh địch. Ngày 16 tháng 12 năm 1788 quân Thanh vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị ra lệnh ngừng cuộc tấn công, đóng quân lại ăn tết, dự tính đến ngày 31 tháng 1 năm 1789 (ngày 6-1 âm lịch) sẽ vào Phú  Xuân bắt sống Nguyễn Huệ. Nghị nói: “Bây giờ đã sắp hết năm, đại quân xa xôi tới đây cần phải nghỉ ngơi không nên đánh vội. Giặc gầy mà ta béo, hãy để chúng tự đến nộp thịt”. Rồi Tôn sĩ Nghị cho bố trí thế trận phòng ngự tạm thời như sau: đại bản doanh của chủ soái Tôn Sĩ Nghị đóng ở bến Tây Long (Vị trí ở Nhà Hát Lớn bây giờ).

chien-thang-ngoc-hoi-dong-da-nam-1789-1673771873.png

Tranh minh họa: Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789. Nguồn: Internet.

 

Các đạo quân bảo vệ tổng hành dinh có đạo chủ lực gồm quân tinh nhuệ hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây đóng ở bờ của hai bên bờ sông Hồng, giữa bắc cầu phao đi lại.  Đạo thứ hai do Sầm Nghi Đống chỉ huy đóng ở đồn Khương Thượng (Đống Đa) bảo vệ Tây nam Thăng Long. Đạo thứ ba gồm quân Vân Nam, Quí Châu do đề Đốc Ô Đại Kinh chỉ huy đóng ở Sơn Tây. Đạo thứ tư gồm quân Khâm Châu từ Quảng Ninh tiến vào đóng ở Hải Dương. Quân Thanh ở các nơi đặc biệt là ở Thăng Long thả sức giết người, cướp bóc, hãm hiếp không kiêng sợ gì cả. Vận nước thật là nguy nan. Nhân dân Bắc Hà sôi sục căm thù bè lũ bán nước và quân giặc cướp nước lại hướng về Nam trông ngóng bóng cờ đại nghĩa cứu nước của quân đội Tây Sơn.

   Năm ngày sau khi giặc vào Thăng Long, ngày 21 tháng 12 năm 1788, tại Kinh thành Phú Xuân, Nguyễn Huệ nhận được thư cấp báo của Ngô Văn Sở do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa trình tới. Sáng 22 tháng 12 năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy đế hiệu là Quang Trung, tự gánh trách nhiệm cứu nước trước toàn dân tộc. Sau lễ đăng quang, Quang Trung đem 5 vạn quân thuỷ bộ hành quân thần tốc ra Bắc Hà. Ngày 26 tháng 12 năm đó, đại quân Tây Sơn ra đến Nghệ An. Tại đây, Quang Trung đã viết ba bức thư lời lẽ hết sức khiêm nhường, trình bày sự thay thế nhà Lê là bất đắc dĩ, rồi phái đoàn sứ bộ do Trần Danh Bích cầm đầu đem cho Tôn Sĩ Nghị. Mục đích những bức thư này nhằm làm cho Tôn Sĩ Nghị chủ quan khinh địch, tiếp tục đóng quân ăn tết, duy trì cơ hội phản công của quân Tây Sơn. Tại đây,  Quang Trung ra lệnh tuyển quân và tổ chức một cuộc duyệt binh lớn ở trấn doanh Nghệ An. Tại cuộc duyệt binh, Quang Trung đã đọc một bài hịch kêu gọi động viên tinh thần yêu nước của các tướng sĩ rồi tiếp tục dẫn đại quân tiến ra Bắc. Tới Thanh Hoá, Quang Trung tiếp tục tuyển quân và đây là cuộc tuyển quân sâu rộng. Giáo sĩ Pháp Bít xa se có mặt tại nước ta khi đó đó viết trong hồi ký của mình : “Ông (Quang Trung) đi suốt ngày đêm, dọc đường dùng quyền lực thu nạp tất cả những người có thể cầm được vũ khí.  Ông ta không có lương thực nào khác ngoài lương thực tìm thấy trong các làng mà ông đã đi qua. “Xuất phát từ Phú xuân quân Tây Sơn có 5 vạn, đến Nghệ An, Thanh Hoá qua những đợt tuyển quân rộng lớn quân số Tây Sơn đã lên đến 10 vạn. Những tân binh mới nhập ngũ đều được xếp ở trung quân do Vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy. Tại Thanh Hoá,  Quang Trung làm lễ thệ sư ở Thọ Hạc.  Ông mặc áo chiến bào, giáp trụ, cỡi voi động viên và ra lệnh cho các tướng sĩ. Huệ dứt lời quân lính dạ ran như sấm rung động cả hang núi, làm cho trời đất biến đổi cả cảnh sắc. Rồi Vua Quang Trung thúc quân đi gấp ra Tam Điệp. Sắc phục quân Tây Sơn toàn mầu đỏ cùng cờ đỏ đi rợp đất, khí thế hùng mạnh, rầm rộ thần tốc. Ngày 15 tháng 1 năm 1789 (20 tháng12 âm lịch) quân đội Tây Sơn tới phòng tuyến Tam Điệp. Tại đây, sau khi nắm chắc tình hình địch và hình thành phương lược tiến đánh quân Thanh, Vua Quang Trung tin tưởng tuyệt đối vào chiến thắng  của quân đội Tây Sơn.  Ông truyền niềm tin sắt đá đó cho các tướng sĩ của mình. Trong lễ khao quân ngày 30 tết (30 tháng 12 năm 1788 âm lịch) vua Quang Trung tuyên bố trước đại quân sẽ giải phóng Thăng Long trước ngày 6 tháng giêng. Để thực hiện chiến dịch Thăng Long thắng lợi, Quang Trung xác định hướng tấn công chủ yếu của chiến dịch là đánh vào đầu não địch là đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long, tiêu diệt đạo quân chủ lực, đập nát hệ thống phòng ngự của địch. Muốn vậy, trước tiên phải đập tan các đồn lớn nhỏ của quân Thanh ở tuyến phòng ngự nam Thăng Long như Gián Khẩu, Thanh Liêm, Nhật Tảo, Phú Xuyên, Hà Hồi và Ngọc Hồi, trong đó đồn Ngọc Hồi là then chốt nhất, cứ điểm phòng ngự mạnh nhất, có ý nghĩa quyết định mở toang cánh cửa vào Thăng Long.  Để thực hiện mục tiêu chiến dịch thắng lợi, vua Quang Trung đã chia 10 vạn quân thành 5 đạo: đạo thứ nhất là đạo chủ lực do vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng làm phó tuớng,  đạo này tập trung lực lượng cao bao gồm nhiều quân binh chủng: bộ binh, kỵ binh, tượng binh, vũ khí ngoài giáo mác cung tên còn có hỏa hổ,  đại bác, đạo chủ lực có sức cơ động nhanh, công phá mạnh. Nội hầu Phan Văn Lân đi tiên phong,  Đại tư mã Ngô Văn Sở đi trung quân để nhà vua sai phái, Hám hổ Hầu Chiêu viễn tướng quân đi hậu quân đốc chiến.  Đạo quân chủ lực nhằm thẳng các đồn quân Thanh ở phía Nam Thăng Long mà công phá.  Đạo quân thứ hai do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy bao gồm kỵ binh, tượng binh rất mạnh và cơ động, có nhiệm vụ từ Tam Điệp đi xuyên qua Chương Đức (Hà Tây) rồi qua Nhân Chính (Thanh Trì, Hà Nội) bất ngờ tiêu diệt đạo quân của tri phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng (Đống Đa) rồi qua Ô Chợ Dừa thọc nhanh vào Thăng Long gây bất ngờ rối loạn, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị, làm cho quân địch choáng váng, tự tan vỡ. Đạo thứ ba thuộc lực lượng dự bị chiến lược do Đô Đốc Bảo chỉ huy gồm kỵ binh, đặc biệt có một đội tượng binh rất mạnh, hành quân qua Sơn Minh, Ứng Hoà (Hà Tây). Đạo quân này đi giữa đạo chủ lực của vua Quang Trung và đạo quân của Đô đốc Đặng Tiến Đông, có nhiệm vụ tiếp ứng cho đạo chủ lực và tham chiến công phá Ngọc Hồi. Đạo quân thứ tư do Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy, lực lượng chính là thuỷ quân, vượt biển từ Biện Sơn vào sông Lục Đầu tiêu diệt đạo quân Thanh ở Hải Dương, uy hiếp mặt nam Thăng Long, phối hợp với đạo quân chủ lực. Đạo thứ 5 gồm thuỷ quân do Đô đốc Lộc chỉ huy vượt biển vào sông Lục Đầu, tiến lên Phượng Nhãn (Bắc Giang) chặn đường tiêu diệt quân Thanh bại trận tháo chạy về nước.

   Đêm 25 tháng 12 năm 1789 (30 tháng 12 âm lịch),  đạo quân chủ lực của vua Quang Trung vượt sông Gián Khẩu bắt đầu chiến dịch. Toàn bộ quân Thanh ở bờ sông Nguyệt Quyết và Nhật Tảo bị tiêu diệt. Nửa đêm 28 tháng 1 (mùng 3 tết) quân Tây Sơn buộc quân địch ở đồn Hà Hồi phải đầu hàng.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 22)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn