Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 38)

PGS TS Cao Văn Liên

01/08/2021 08:26

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1627781098.jpg

Kỳ 38

Từ 1961 đến 1964, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 30.100 tên địch, trong đó có 3.200 lính Mỹ. Đến tháng 6 –1965, ta diệt 9 vạn tên địch trong đó có 3 vạn tên Mỹ, 50 vạn nguỵ binh tan rã về tinh thần. Vùng giải phóng của ta được mở rộng, thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Chính quyền cách mạng được hình thành, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang 3 thứ quân lớn mạnh. Đầu năm 1965, chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ -nguỵ bị thất bại hoàn toàn. Mỹ thất bại trong âm  mưu dùng người Việt đánh người Việt. Thất bại này buộc Mỹ bị động chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, trực tiếp xâm lược công khai, hoàn toàn mâu thuẫn chính sách  thực dân mới của Mỹ .

3-Đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ (1965-1968)

 Thất bại trong chiến tranh đặc biệt, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ để tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chiến tranh cục bộ là chiến lược chiến tranh mà quân Mỹ trực tiếp tham chiến. Đây là loại chiến tranh trong chiến lược toàn cầu Mỹ dùng để tham chiến khi chiến tranh với các nước xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh cục bộ, Mỹ dùng cả hai lực lượng quân Mỹ và quân Nguỵ. Đây là hai lực lượng chiến lược có vai trò quan trọng phối hợp với nhau, quân Mỹ đóng vai trò nòng cốt, là lực lượng  cơ động chủ yếu trên chiến trường, quân nguỵ làm nhiệm vụ bình định, giữ đất và kìm kẹp nhân dân. Quân Nguỵ và chính quyền tay sai vẫn là chỗ dựa chính trị cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Chiến tranh cục bộ của Mỹ khi áp dụng vào miền Nam có nhiều chỗ yếu cơ bản. Trước hết, đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, tiến hành trong thế thua của chiến tranh đặc biệt, mâu thuẫn giữa mục đích chính trị là chủ nghĩa thực dân mới  che dấu sự xâm lược của Mỹ thì việc đưa quân đội Mỹ vào lại là chiến tranh theo kiểu thực dân cũ, Mỹ bộc lộ công khai xâm lược làm mâu thuẫn giữa dân tộc việt Nam với đế quốc Mỹ và tay sai bán nước càng thêm gay gắt. Do đó, Mỹ vấp phải sự phản đối của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Dù là siêu cường nhưng tình hình thế giới không cho phép Mỹ tăng bao nhiêu quân hoặc dốc bao nhiêu tiền của vào miền Nam Việt Nam cũng được .

Thực hiện chiến tranh cục bộ, Mỹ ào ạt đổ quân và các phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Đồng thời Mỹ dùng không quân và hải quân phong toả, đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của cho miền Nam, đánh vào hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam . Ngày 8-3-1965, hai tiểu đoàn quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẳng  mở đầu cho việc quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam.   Cho đến chiến dịch mùa khô lần 1 (1965-1966), quân Mỹ lên 20 vạn, Chiến dịch mùa khô lần 2 (1966-1967 ), quân Mỹ tăng lên 38 vạn cùng 54 vạn quân Nguỵ, 5 vạn quân chư hầu (Quân đội Ôtxrâylia, Hàn Quốc). Cao điểm nhất của cuộc chiến tranh cục bộ có tới 65 vạn quân Mỹ, 80 vạn quân Nguỵ, 66.000 quân chư hầu với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Không quân, hải quân Mỹ thực hiện những cuộc tấn công hai gọng kìm nhằm bình định miền Nam và tiêu diệt quân giải phóng. Phối hợp với chiến trường miền Nam, 1965 Mỹ bắt đầu dùng không quân bắn phá giữ dội miền Bắc, dùng hải quân và thuỷ lôi dày đặc phong toả tất cả các vùng biển, lãnh hải của Việt Nam. Mỹ đẩy cuộc chiến tranh ra toàn lãnh thổ Việt Nam với mức độ ác liệt nhất .

+ Nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ

 Mở đầu là trận giao chiến ở Vạn Tường (Bình Hải-Bình Sơn-Quảng Ngãi) 9.000 tên Mỹ, 1 tiểu đoàn xe tăng, xe bọc thép (105 chiếc), 70 máy bay chiến đấu, 100 máy bay lên thẳng mở cuộc càn quét. Sau một ngày chiến đấu, ta diệt 900 tên, bắn cháy 223 xe tăng, xe bọc thép, hạ 13 máy bay. Trận Vạn Tường tháng 8-1965 là thắng lợi vang dội chứng minh nhân dân Việt Nam có thể đánh thắng quân đội Mỹ. Tiếp trận vạm tường là trận Núi Thành (huyện Núi Thành -tỉnh Quảng Nam), ta đánh tiêu diệt làm quân Mỹ khiếp sợ. Vạn Tường và Núi Thành tạo nên cao trào diệt Mỹ trên khắp các chiến trường miền Nam. Địch mở cuộc hành quân mùa khô lần 1 (1965-1966) và cuộc hành quân mùa khô lần 2 (1966-1967) với hàng chục vạn lính Mỹ cùng chư hầu nhằm tiêu diệt quân giải phóng. Kết quả, Mỹ bị tổn thất nặng nề. Trong mùa khô lần 1, 104. 000 lính  bị tiêu diệt, trong đó có 42.500 tên Mỹ,  3500 lính chư hầu, 1.430 máy bay bị bắn rơi, 600 máy bay,1310 xe, 80 pháo bị phá huỷ, 24 tàu chiến bị bắn cháy. Chiến dịch mùa khô lần 2, địch bị tiêu diệt 151.000 tên, trong đó có 68.200 tên Mỹ,  5.540 lính đồng minh, 1.213 máy bay bị bắn rơi, 1.627 xe tăng, 2.107 ô tô, 308 pháo bị phá huỷ, 42 tàu xuồng bị bắn cháy. Thừa thắng quân và dân miền Nam nổi dậy tổng tấn công  tết Mậu Thân 1968 (bắt đầu từ 30-1-1968), trong đó 30/44 tỉnh, 5/6 thành phố nổi dậy. Tại Sài Gòn quân ta tấn công toà Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập , Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh Sài Gòn.  Ở Huế, quân dân ta làm chủ thành phố suốt 25 ngày . Kết quả cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, quân dân miền Nam tiêu diệt 15 vạn tên địch, trong đó có 45.000 tên Mỹ, bắn rơi 2.370 máy bay, bắn chìm 233 tàu xuồng, phá huỷ 3.500 xe quân sự. Ở miền Bắc, ta đã đập tan cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Từ 5-8-1964 đến 1-11 -1968, ta đã bắn rơi 3.213 máy bay các loại, trong đó có 6 B52, tiêu diệt bắt sống hàng nghìn tên giặc lái, bắn cháy hàng trăm tàu chiến. Chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ hoàn toàn thất bại. Thế chiến lược của Mỹ bị đảo lộn, ý chí xâm luợc lung lay. Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào đàm phán với ta yại Hội nghị Pa ri .

4-. Đánh bại chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ

Hiệp đinh Pa ri ( 1969-1973)

Thất bại trong chiến tranh cục bộ và nhiều nguyên nhân khác  làm cho Giôn Xơn phải rời khỏi Nhà Trắng ,  Ních Xơn trở thành Tổng thống mới của Hoa Kỳ. Ních Xơn đưa ra học thuyết mang tên ông ta , “Học thuyết Ních Xơn”. Học thuyết này dựa trên ba nguyên tắc chủ yếu: Sức mạnh Mỹ, chia sẻ trách nhiệm, sẵn sàng thương lượng. Trên cơ sở những nguyên tắc đó, Ních Xơn đề ra chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” để nhằm kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Với chiến lược này, Ních Xơn dùng ba loại chiến tranh khác nhau: Chiến trânh giành dân , Chiến tranh bóp nghẹt  và chiến tranh huỷ diệt . Như vậy, Việt Nam hoá chiến tranh là dùng người Việt đánh người Việt, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương. Vực quân Nguỵ để thay thế quân Mỹ trên chiến trường . Vì thế quân số quân Nguỵ trong thời gian này lên đến 1 triệu tên. Thực hiện chủ trương bình định nông thôn, địch dùng các thủ đoạn kinh tế, chính trị , văn hoá để ra sức lừa bịp nhân dân, tiếp tục dùng không quân,  hải quân đánh phá trở lại miền Bắc nhằm “bóp nghẹt” cách mạng miền Nam . Ở chiến trường Lào, Ních Xơn thực hiện Lào hoá chiến tranh bằng cách xây dựng “lực lượng đặc biệt” của tên phỉ Vàng Pao, dùng quân đội Thái Lan, nguỵ quyền Sài Gòn tấn công vùng giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng .

Ngày 18-3-1970, Mỹ làm cuộc đảo chính ở Cam Pu chia lật đổ Quốc Vương Xihanúc, thành lập chính phủ tay sai do Lonnon cầm đầu và tiến hành “Khơ Me hoá chiến tranh” . Đưa quân Nguỵ Sài Gòn vào tác chiến ở Campuchia. Việt Nam hoá chiến tranh trở thành Đông Dương hoá chiến tranh .

Để đánh bại Việt Nam hoá chiến tranh, ta chủ trương đẩy mạnh tiến công toàn diện về quân sự, chính trị, ngoại giao, tấn công trên cả ba vùng chiến lược, lấy nông thôn là hướng tấn công chính để phá thế kìm kẹp của địch , tiêu diệt địch, nghĩa là đập tan ba loại chiến tranh khác nhau của Ních Xơn. Thực hiện chủ trương đó, nhân dân miền Nam đã tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị, phá sự kìm kẹp của địch. Từ 1969-1971, trên 20 triệu lượt người  đã nổi dậy đánh bại một bước quan trọng chiến lược kìm kẹp, bình định của địch, tấn công làm tan rã 12.200 lượt dồn dân lập ấp chiến lược, giành quyền làm chủ ở 51.116 ấp chiến lược, tiêu diệt 455 đoàn bình định. Nhân dân ta đã làm chủ Quảng Trị, 300km2 đất đai vùng Tây Nguyên, ở miền Trung 60 vạn dân, ở miền Đông Nam Bộ thêm 10 vạn dân, ở đồng bằng Cửu Long hơn 1 triệu dân và 1.100 ấp chiến lược được giải phóng .

Tháng 3-1970, ta đánh bại cuộc hành quân qui mô lớn của 10 vạn quân nguỵ Sài Gòn vào Cam puchia nhằm khoá biên giới Tây Nam, bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam Việt Nam. Trong chiến dịch này ta loại khỏi vòng chiến đấu 54.785 địch, trong đó có13.770 tên Mỹ, bắn rơi 620 máy bay, phá huỷ 3.375 xe,  66 tàu xuồng, giải phóng một vùng rộng lớn của Campuchia với 4, 5 triệu dân (trong tổng số 7 triệu) tạo nên một địa bàn chiến lược liên hoàn cho 3 nước Đông Dương .

Năm 1971 từ tháng 2 đến tháng 3, ta đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của 3 vạn  quân nguỵ Sài Gòn và 15.000 tên Mỹ đánh vào đường 9 Nam Lào nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, cắt đứt sự tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam, bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia. Tại Lào (8-2 đến 23-3-1971), ta diệt 23.000 tên, bắn rơi 500 máy bay, phá huỷ 150 pháo,  bắn chìm 43 tàu xuồng. Từ 30-1 đến 31-3-1971, tại Khe Sanh-đường 9,  ta tiêu diệt 7.000 tên địch, trong đó có 4.054 tên Mỹ, phá huỷ 863 xe, bắn chìm 43 tàu, bắn rơi 234 máy bay. Thất bại ở Đường 9 Nam Lào mở ra khả năng thất bại của Việt Nam hoá chiến tranh. Công thức quân Nguỵ cộng sức mạnh quân sự Mỹ phá sản. Ta bảo vệ được đường mòn Hồ Chí Minh và toàn bộ hành lang chiến lược, bảo đảm sự tiếp viện thông suốt  từ Bắc vào Nam . Chiến tranh bóp nghẹt của Ních Xơn phá sản. Tháng 8 -1971, quân ta cùng quân giải phóng Cam pu chia  đánh bại cuộc hành quân Chen La II do quân nguỵ Lon non Campuchia thực hiện để bình định miền Tây sang miền Đông Cam puchia. Ngày 2-12 –1971, quân Lonnon thất bại tháo chạy. Khơ Me hoá chiến tranh  bị phá sản. Vùng giải phóng  Campuchia được mở rộng gần 80% đất đai và 60% dân số. Cùng thời gian đó, liên quân Lào -Việt tấn công nguỵ Viên Chăn, lính Mỹ và lính Thái Lan, giải phóng toàn bộ khu vực cánh Đồng Chum, Mường Xủi, Xiêng Khoảng, giải phóng thêm Xảm Thông, thị xã Atôpơ , Xaravan và cao nguyên Bôlôven.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 38)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn