Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 4)

PGS TS Cao Văn Liên

29/12/2022 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 4.

Nguyên nhân thứ ba là cấu trúc xã hội-làng xã Âu Lạc làm thất bại công cuộc đồng hoá của kẻ thù, bảo vệ được nền văn hoá dân tộc. Trong 1000 năm thống trị từ  nhà Triệu, Hán đến Đường chỉ với tay được xuống cấp huyện. Quan lại người Hán chỉ nắm được cấp Bộ, sau này là châu, là An Nam đô hộ phủ với chức vụ Thứ sử (đời Đường là Tiết độ sứ), Thái thú nắm các quận. Mãi tới năm 43 nhà Hán và sau đó là nhà Đường mới  chỉ nắm xuống cấp huyện. Còn những vùng xã, thôn rộng lớn vẫn do các hào trưởng người Việt cai quản. Mất nước nhưng không mất làng. Chính quyền đô hộ chỉ có thế lực ở các nơi trấn trị, nhiệm sở, đồn binh. Chính vì thế xóm làng là pháo đài kiên cố bảo vệ nền văn hoá, vô hiệu hoá những chính sách của chính quyền đô hộ.

d1abv1-1672219653.jpg
Tranh minh họa: Hai nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ kêu gọi toàn dân khởi nghĩa.

  Nguyên nhân thứ tư là do nhân dân Âu Lạc bất khuất, kiên quyết và liên tục chống lại phong kiến Trung Quốc  một cách quyết liệt để giành độc lập dân tộc, bảo vệ nền văn hoá của mình. Mặt khác họ vẫn tiếp thu những tinh hoa của nền văn hoá Trung Quốc, hoà hợp với nền văn hoá Âu Lạc, tạo nên sự phong phú mới và tiềm năng mới cho văn hoá dân tộc. Tiếp thu có chọn lọc nền văn hoá bên ngoài như là một qui luật trong sự phát triển văn hoá.

Tóm lại, diễn trình văn hoá Âu Lạc trong 1000 năm Bắc thuộc có hai khuynh hướng đối lập nhau: Khuynh hướng Việt hoá đối lập với khuynh hướng Hán hoá, chủ nghĩa bành trướng, nô dịch đối lập với ý chí tự chủ độc lập của dân tộc ta, bộ máy bạo lực của chính quyền đô hộ đối lập với cộng đồng làng xóm của nhân dân ta. Những đối lập như vậy để chống lại Hán hoá. Đối lập với đế chế lớn mạnh ,  ta có tinh  thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết xóm làng, dựa vào sức mạnh của làng để bảo tồn văn hoá, để giải phóng đất nước.

III: Quá trình phong kiến hoá ở Âu Lạc:từ xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội Văn Lang- Âu Lạc bước sang xã hội phong kiến là một tất yếu, một qui luật của lịch sử tiến hoá, dù có hay không có 1000 năm Bắc thuộc. Trên thực tế cuộc xâm lược và những chính sách thống trị, bóc lột, đồng hoá của phong kiến Trung Quốc đã làm chậm lại quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, chậm lại quá trình chuyển từ hình thái kinh tế xã hội nô lệ sang hình thái kinh tế xã hội phong kiến của Âu Lạc .  Phải mất 1000 năm để chuyển biến từ xã hội này sang xã hội khác là một thời gian quá dài trong lịch sử.

Tuy nhiên,  khi xâm lược và thống trị Âu Lạc, Trung Quốc đã bước sang xã hội phong kiến nên họ đã du nhập những yếu tố phong kiến vào Âu Lạc. Chúng đã thực hiện kiểu bóc lột địa tô, tô lao dịch, cống nạp, thuế má là kiểu bóc lột của chế độ phong kiến. Do nhu cầu sinh hoạt và cai trị ở Giao Châu, chính quyền đô hộ du nhập những kĩ thuật sản xuất đồ sắt, đồ gốm, đồ sứ, nghề làm giấy vào Âu Lạc. Chính quyền đô hộ còn mở rộng giao thông đường thuỷ,  đường bộ phục vụ cho việc hành quân đàn áp, vận chuyển của cải bóc lột. Nhân dân Âu Lạc đã tiếp thu những kỹ thuât sản xuât mới, đẩy mạnh phát huy những kỹ thuật vốn có của mình để mở rộng sản xuất, đẩy nhanh quá trình phong kiến hoá về kinh tế. Kinh tế phong kiến Việt Nam, quan hệ sản xuât phong kiến Việt Nam ra đời trong lòng xã hội phong kiến Bắc thuộc.

Sự chuyển biến kinh tế thúc đẩy sự phân hoá xã hội. Bên cạnh tầng lớp phong kiến người Hán thống trị thì giai cấp phong kiến Việt Nam đã hình thành và phát  triển. Giai cấp này chủ yếu là các hào trưởng người Việt phong kiến hoá, ngoài ra còn một bộ phận nho sĩ trí thức Việt Nam, một bộ phận địa chủ người Hoa đã Việt hoá. Ra đời trong hoàn cảnh mất nước, giai cấp phong kiến Việt Nam bị phân hoá, một bộ phận làm tay sai cho chính quyền đô hộ, còn đại bộ phận mâu thuẫn với chế độ phong kiến thuộc địa, có ý thức dân tộc, kiên quyết đấu tranh cho nền độc lập dân tộc. Nhìn chung, giai cấp phong kiến Việt Nam là giai cấp tiên tiến nhất thời kỳ đó, họ là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho quyền lợi dân tộc. Vì thế họ đóng vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Giai cấp nông dân có từ thời Văn Lang-Âu Lạc, trong thời kỳ Bắc thuộc họ chiếm đa số dân cư trong các làng xã, là đối tượng bóc lột chính của chính quyền đô hộ. Ngoài nông dân, xã hội còn có tầng lớp thợ thủ công, thương nhân. Nô tì là tầng lớp thấp nhất trong xã hội.

Như vậy tính chất của xã hội Việt Nam thời Bắc thuộc là xã hội phong kiến nhưng bị phong kiến ngoại bang thống trị nên xã hội tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản:

Mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến.

Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với phong kiến Trung quốc xâm lược.

Trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với phong kiến Trung Quốc xâm lược là mâu thuẫn chủ yếu. Vì thế nhiệm vụ lịch sử cấp thiết nhất là phải đấu tranh giải phóng dân tộc.

IV:Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ thế kỷ I đến thế kỷ X.

Giai cấp nông dân và giai cấp phong kiến Việt Nam đều bị chính quyền đô hộ phong kiến Trung Quốc áp bức,  bóc lột, kìm hãm. Vì thế giai cấp phong kiến Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân liên tục đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc.

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40: Hai Bà Trưng: Chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị, là dòng dõi bên ngoại Hùng Vương, quê ở Mê Linh (nay thuộc Hạ Lôi huyện Mê Linh, Hà Nội ). Hai Bà sớm có tinh thần yêu nước, căm thù quân xâm lược. Chồng Bà Trưng Trắc là Thi Sách ở Chu Diên (thuộc Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) bị thái thú Tô Định giết hại. Thù nhà, nợ nước thôi thúc, năm 40 trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị phất cờ kêu gọi toàn dân khởi nghĩa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà, toàn thể nhân dân 3 quận Giao chỉ, Cửu chân, Nhật Nam nhất tề đồng loạt nổi dậy, chính quyền đô hộ nhà Hán nhanh chóng sụp đổ. Hai Bà Trưng đem quân từ Mê Linh tràn xuống  chiếm Luy Lâu (Bắc Ninh), trụ sở của chính quyền đô hộ. Thái thú Tô Định hoảng sợ bỏ chạy về nước. Hai Bà Trưng lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh, ra sức xây dựng chính quyền độc lập, ổn định trật tự xã hội, miễn thuế cho dân.

Năm 43 vua Hán Quang Vũ sai Phục ba tướng quân Mã Viện làm chủ soái, Lưu Long làm phó soái đem 20 vạn quân tiến vào nước ta. Hai Bà Trưng đem toàn bộ quân chủ lực huyết chiến với giặc ở Lãng Bạc (nay thuộc vùng vùng bắc sông Kinh Thầy-Bắc Ninh), quân ta tổn thất 1 vạn người. Hai Bà Trưng lui quân về Cấm Khê (nay thuộc Thạch Thất-Sơn Tây – Hà Nội). Mã Viện truy kích, quân ta hi sinh 2 vạn nữa. Hai Bà nhảy xuống sông Hát  (sông Đáy) tự vẫn ngày 6 tháng 3 năm 43 (Quí Mão). Sau 3 năm độc lập,  nước ta lại rơi vào ách đô hộ của nhà Đông Hán.

Khởi nghĩa Hai BàTrưng nói lên tinh thần yêu nước, sức mạnh của dân tộc ta, chứng minh sự thất bại của chính sách đồng hoá của phong kiến Trung quốc. Khởi nghĩa góp phần thức tỉnh dân tộc, tô thêm truyền thống anh hùng bất khuất, mở ra một phương hướng mới cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Cuộc quật khởi đầu tiên của dân tộc do hai Nữ Vương lãnh đạo, các tướng lĩnh trong hàng ngũ nghĩa quân phần lớn là phụ nữ. Điều này nói lên vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đó không chỉ trong sản xuất,  mà còn cả trong chính trị, xã hội.

Nguyên nhân thất bại của Hai Bà Trưng là ở sai lầm về quân sự, không rút lui chiến lược và phản công chiến lược. Thất bại của Hai Bà Trưng cũng nói lên vào thế  kỷ I những tiền đề cho công cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc ta chưa thật chín muồi.

Khởi nghĩa Bà Triệu năm 248: Bà Triệu là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm 225 ở núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là địa phận xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hoá), em gái hào trưởng Triệu Quốc Đạt. Năm 248, Bà Triệu kêu gọi nhân khởi nghĩa tấn công vào chính quyền của nhà Đông Ngô. Thứ sử Châu Giao bị giết, cả Châu Giao chấn động. Nhà Đông Ngô cử tướng Lục Dận đem 8000 quân sang đàn áp. Bà Triệu cầm quân huyết chiến với giặc ở Hậu Lộc. Sau 6 tháng anh dũng chiến đấu, quân ta thất bại. Bà Triệu anh dũng hi sinh ở núi Tùng (nay thuộc Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hoá). Năm đó, bà mới 23 tuổi. Khởi nghĩa Bà Triệu là đỉnh cao nhất của phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ thứ III.

Khởi nghĩa Lý Bí năm 542: Gần 300 năm sau khởi nghĩa Bà Triệu, Lý Bí một hào trưởng ở Long Hưng (Thái Bình) phất cao cờ nghĩa, lãnh đạo nhân dân ta vùng dậy năm 542. Với khí thế tiến công mãnh liệt, chỉ 3 tháng, nhân dân ta đánh sập chính quyền đô hộ nhà Lương. Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về nước. Nhà Lương tổ chức hai cuộc phản kích lớn vào các năm 542, năm 543 nhưng đều bị quân ta đánh bại, tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở Hợp Phố. Tháng 1 năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu Đại Đức, định kinh đô ở Long Biên (gần Hà Nội). Lý Nam Đế xây dựng nhà nước với một triều đình có hai ban văn võ. Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ, Triệu Túc (bố của Triệu Quang Phục) làm Thái phó. Tháng 5 năm 543, Lý Nam Đế thân cầm quân đánh bại Chiêm Thành, ổn định biên giới phía Nam.

Năm 545 nhà Lương cử tướng Dương Sàn và Trần Bá Tiên đem quân tấn công nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế đem quân chống giặc nhưng thất bại và từ trần tháng 4 năm 548. Tướng của Lý Bí là Triệu Quang Phục đem quân về Đầm Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu-Hưng Yên) tiến hành chiến tranh du kích kháng chiến. Năm 550 triều đình nhà Lương biến loạn, Trần Bá Tiên đem quân về nước cướp ngôi nhà Lương, Triệu Quang Phục phản công thắng lợi, giết chết tướng giặc Dương Sàn, giành lại độc lập, lập lại nước Vạn Xuân. Triệu Quang Phục lên ngôi vua xưng là Triệu Việt Vương.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 4)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn