Men rượu lá rừng ở vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị)

P.V

20/02/2023 06:22

Theo dõi trên

Có một loại men của đồng bào Vân Kiều ở vùng núi cao huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang được dân nấu rượu khắp vùng trầm trồ khen ngợi. Dùng loại men này sẽ tạo ra được loại rượu trắng ngon nức tiếng.

Kỹ nghệ làm men

Từ ngã ba Xã Tân Long, ghì xe máy chừng hơn một tiếng đồng hồ tôi cũng đã đến được thôn A Dơi Nước (xã A Dơi, Hướng Hóa), nơi người dân vẫn hay gọi là “làng men” duy nhất trong vùng. Cụ Hồ Rần, nay đã 62 mùa rẫy và có thâm niên hơn 40 làm men lá rừng bảo: “Nghề làm men ở đây có từ lâu lắm rồi, truyền từ ông đời cha lại. Lúc đầu làm chỉ để nấu rượu, uống để chống chọi với mùa Đông và bệnh tật. Sau này, nhiều người Kinh vào mua nên ở đây người ta làm men để bán!”. Theo cụ Rần thì làm men lá rừng rất khó, trong bản chỉ những người già mới biết làm.

b1-huong-hoa-1676817081.jpg

Nhiều người dân ở vùng núi Quảng Trị vẫn giữ lại cách làm men lá truyền thống. Ảnh: Internet.

 

 

Lật tìm trên giàn bếp, cụ mang ra vài ba nhánh lá khô, một dúm rễ cây rồi chìa tay kể tên từng loại: “Đây là lá Ngheng, lá Cù rai, lá Ớt rừng... Còn đây là rễ cây Pa nang, cây Bủa, tiêu rừng... Muốn làm men ngon phải kết hợp gần 20 loại lá và rễ cây rừng và gạo trỉa trên núi. Đối với các loại lá này phải đi hái từ lúc con gà rừng mới tục tác ngoài bìa rừng. Vì lúc này sương còn đọng trên lá, ủ lấy nấu rượu rất thơm và ngon. Những người nấu men lá rừng thường đi mất 2 đến 3 ngày trong rừng sâu. Bây giờ các loại lá và rễ này giờ rất hiếm. Phải đi vào rừng xa tới hơn 8 km theo đường chim bay!”. Cụ Rần thật thà tâm sự.

Ngoài cụ Rần ở “làng men” còn có thêm 2 người khác nữa làm men lá rừng, đó là mệ Cho (62 tuổi) và Pỉ Mơn (Mẹ của Mơn, 59 tuổi). Mỗi ngày họ làm từ 50-100 xâu men lá rừng (1 xâu 10 viên). Rồi chờ người Kinh vào lấy hoặc đón xe ôm ra các mối quen bỏ cho họ. Mệ Cho tiết lộ cách chế biến men: “Sau khi cắt mỏng các loại lá, rễ cây rừng đem trộn đều với gạo trắng giã thật nhuyễn. Lấy nước suối rỉ từ khe đá (phải là nước rỉ từ khe đá) chêm vào, rồi vo tròn lại thành từng cục tròn nhỏ bằng miệng chiếc li uống rượu. Sau đó trải một lớp trú (vỏ lúa) thật dày ở dưới rồi xếp đều từng viên lên. Mà phải nhớ đặt ở nơi tối và kín gió, đậy bạt lại ba lớp thật kín. Năm ngày sau là có thể lấy ra để nấu rượu... Một điều đặc biệt cũng là điều kị nhất của những người làm men là khi làm không được nói chuyện và phải phải làm bên bếp lửa than hồng. Những xâu men nào thấy đều đặn, ngả sang màu nâu xẫm sẽ được người làm men giữ lại, treo ở giàn bếp để khi nào cúng Giàng (trời) hoặc ở bản có lễ tế gì thì mang ra nấu rượu, còn những xâu men không đạt đều bị bỏ đi. Mệ Cho cho biết loại men có màu nâu xẫm mới có thể nấu rượu ngon được, và cả ngàn xâu chỉ có vài ba xâu là như thế là cùng...

Ngày mai một

Điều trăn trở nhất của Mệ Cho, cũng như nhiều người già khác tròng làng là dù nghề làm men cho thu nhập cũng khá nhưng hiện nay không có ai mặn mà với nghề này cả. Cứ mỗi xâu men có thể bán 5-7 ngàn đồng, mỗi ngày bán được từ 200- 500 ngàn đồng.Thu nhập như thế ở vùng cao đây đã là “ngon ơ” lắm rồi. “Nhưng thanh niên bây chừ hắn không mặn mà chi với nghề ni hết. Suốt ngày cứ “cưỡi” xe máy lông bông, rồi tóc xanh tóc đỏ. Nghề này chắc qua đời tụi tui chắc sẽ không ai biết mần nữa!”, mệ Cho thở dài.

Trong thôn A Dơi Nước chỉ còn duy nhất 3 cụ là biết cách làm men lá rừng. Trong khi những người nấu rượu ở các nơi khác thì rất đông, cho nên họ rất chuộng, tranh giành nhau mua hết men của các cụ làm ra. Xã Tân Long được nhiều người biết đến, vì ở đây có loại rượu trắng rất ngon, bán khá chạy trên thị trường. Ghé vào bất kì nhà nấu rượu nào họ cũng bảo dùng men lá rừng của người ở bản A Dơi nấu. Chị Thanh ở thôn Long Hợp tâm sự: “Cũng có thời gian gia đình chuyển sang dùng men Trung Quốc, nhưng lại tạo ra loại rượu không bằng khi dùng men rượu lá rừng của người bản địa. Vì vậy, cứ cuối tuần tui phải “ba chân bốn cẳng” chạy vào tận bản để mua men của họ, nếu không là hết phải đợi cả tuần mới có tiếp được. Nhưng nay, do ít người làm mà người mua quá nhiều, nên mua được men ở thôn A Dơi cũng rất khó!”

Để tạo ra loại men rượu lá rừng này rất khó và phải công phu, nhưng phát huy và gìn giữ cách làm lại càng khó khăn hơn bội phần. Một điều rất đúng là: Khi cụ Cho, cụ Rần và Pỉ Mơn mất đi thì đồng nghĩa với việc bí quyết làm men rượu lá rừng sẽ theo họ về với Giàng. Rời A Dơi Nước tôi mang theo bản sắc văn hóa độc đáo của người Vân Kiều và suy nghĩ: Liệu bản sắc văn hóa về ủ men rượu lá rừng của họ có vùi vào quên lãng; khi con cháu của họ không một ai mảy may giữ gìn và phát huy ?

Bạn đang đọc bài viết "Men rượu lá rừng ở vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị)" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn