Ngôi trường của tôi – Trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa – Hà Nội

Hồ Công Thiết 

10/07/2022 17:11

Theo dõi trên

Tôi theo học ở trường này đã hơn nửa thế kỷ. Suốt hơn năm mươi năm các thầy cô giáo của tôi vẫn theo dõi những bước vào đời của các trò nhỏ của mình. 

vu-manh-kha-1657445463.jpg
Thầy giáo Vũ Mạnh Kha. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi bị ốm, các thày cô đã thăm hỏi, động viên tôi vượt qua bạo bệnh. Thầy hiệu trưởng Vũ Mạnh Kha dù đang nằm trên giường bệnh, vẫn thường xuyên điện thoại động viên. Cô giáo Đỗ Thị Hòa, thầy Phạm Đình Thiết còn đến động viên tôi an tâm chữa bệnh. Cô hiệu trưởng đương nhiệm Trần Bích Hợp cũng gửi lời chúc sớm bình phục tới tôi. Các bạn đồng môn, đồng tuế cũng đang tiếp sức cho tôi vượt qua bệnh tật.
 “Kẻ nào sợ công việc, sợ hoạt động thì không bao giờ có thể sáng tạo được”.  
Những năm 60 – 70 thế kỷ trước, ở Hà Nội có ba trường Phổ thông Công nghiệp. Mô hình đào tạo ấy áp dụng theo học thuyết của nhà giáo dục lỗi lạc Liên Xô - Anton Macarenco.

pham-dinh-thiet-1657445462.jpg
Thầy Phạm Đình Thiết, ngồi giữa

Sau buổi học cuối cùng của 966 học sinh khóa học 1964 – 1965, trường trung học Albert Sarraut được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên khuôn viên trường cũ có hai trường mới là Phổ thông Công nghiệp Hà Nội ( buổi sáng) và Phổ thông Công nghiệp Hoàn Kiếm ( buổi chiều).
Trường tôi theo học là trường thứ ba, nằm trong ngõ Quan Thổ 1, phố Hàng Bột, nay đổi thành phố Tôn Đức Thắng. Tuy vậy, đây lại là trường Phổ thông Công nghiệp đầu tiên của thành phố vì được thành lập từ năm 1960. 
Trong khuôn viên trường cũng có buổi sáng là trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa và buổi chiều là trường Cấp 3 Trưng Vương. Năm 1993, hai trường sáp nhập, trở thành trường Trung học Phổ thông Đống Đa như ngày nay.
Lúc đấy các môn văn hóa đều giống các trường khác, nhưng có thêm môn Công nghiệp với rất nhiều giờ thực tập kèm theo. Học vẽ kỹ thuật ở trên lớp. Học điện, nguội, tiện, rèn ở Xưởng trường. Khi thực tập, đa phần trường đều tổ chức ở nhà máy Cơ khí Hà Nội vì ông giám đốc có con đang theo học trường chúng tôi.

do-thi-hoa-1657445461.jpg
Cô Đỗ Thị Hòa, thứ 2 từ phải sang

Bộ môn Công nghiệp lúc đó do thầy Hoàng Văn Lưu là tổ trưởng, thày Nguyễn Chẩn là tổ phó. Hai thày này còn trực tiếp dạy Kỹ thuật Tiện. Thày Nguyễn Văn Lợi, thày Nguyễn Ngọc Bảo dạy Kỹ thuật nguội. Thày Trần Hiếu Quý dạy Kỹ thuật điện. Thày Vũ Văn Hợi dạy Kỹ thuật rèn. Thày Bùi Đức Thạnh và cô Bùi Kim Thanh dạy Vẽ kỹ thuật. Các thày cô môn Công nghiệp đều học từ các trường Bách nghệ Hà Nội hoặc Hải Phòng nên dạy rất bài bản nhưng nghiêm khắc. Tuổi học trò hiếu động nên khi vào Xưởng, đứng cạnh chiếc máy tiện đang quay tít mù, hoặc quai búa rèn thanh sắt đỏ hồng trên đe hay đấu nối điện dân dụng, sơ sẩy là tai nạn chết người. Ngay môn Vẽ kỹ thuật, trong lớp học, cô cậu nào không tập trung là bị thày Thạnh, luôn có chiếc thước dài cắp nách, gõ ngay vào đầu để cảnh cáo. Bạn Nguyệt là con gái thày Thạnh, cùng học ở trường, khóa 67-70, rất ngoan và hiền, vẫn thường xuyên bị thày gõ thước kẻ để làm gương cho các bạn khác.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, tổ dạy môn Công nghiệp chỉ còn thày Trần Hiếu Quý đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, và thày Vũ Văn Hợi, người trẻ nhất của tổ đang ở trong ngôi nhà ngay sát trường Đống Đa. Hôm Hội khóa 2018, nhiều người ngỡ thày là bạn cùng Khóa vì trông thày dáng trẻ khỏe và năng động hơn một số bạn đang già trước tuổi. 
Các thày cô trường Đống Đa thủa ấy đều là những nhà giáo vĩ đại trong mắt các học sinh. Riêng tổ văn có thày Trần Kiêm là dịch giả tiểu thuyết Ivanhoe, Hội chợ phù hoa; có thày Khang, cháu nội cụ Tản Đà rất hào hoa và chơi đàn giỏi; có thày Lê Bằng luôn đạo mạo như cụ đồ nhưng giảng về văn học Việt Nam khiến cả lớp mải nghe quên cả giờ ra chơi. Trường Đống Đa còn có hai thày hiệu trưởng là Vũ Mạnh Kha và Nguyễn Kim Hoãn được đề bạt lên làm lãnh đạo thành phố. Vậy mà mỗi khi gặp nhau sau nhiều năm xa cách, các thày vẫn nhớ tới đám học trò hiếu động khi xưa. Có dịp hàn huyên, đám học trò lại nhớ mãi những kỷ niệm trong các buổi học môn Công nghiệp, thậm chí còn nhớ cả thói quen, y phục các thày thường mặc khi ở trường.

dong-mon-1657445461.jpg
Với các đồng môn

Khi ra trường, những kỹ năng kỹ thuật học ở môn Công nghiệp đã giúp mọi người sớm thích nghi với mọi môi trường công việc mới.
Hiện nay Chính phủ và Bộ Giáo dục đã xác định việc sớm hướng nghiệp cho học sinh ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường và hướng học sinh tốt nghiệp phổ thông, không coi việc theo bậc đại học là lối đi duy nhất khi ra trường. Trung ương Đoàn Thanh niên cũng đang kêu gọi dạy học sinh kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm và những kỹ năng cần thiết để sớm thích nghi với xã hội.
Nhà giáo ưu tú Vũ Mạnh Kha – Nguyên Hiệu trưởng Trường PTCN cấp 3 Đống Đa, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trăn trở : “Khi tôi lên làm giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, hệ thống trường PTCN của thành phố đã chuyển sang hệ trung học phổ thông của toàn thành phố. Chúng tôi rất tiếc. Mô hình dạy nghề ở các trường phổ thông, hiện nay lại đang được những nền giáo dục tiên tiến của thế giới đưa vào giáo trình đào tạo”.

Bạn đang đọc bài viết "Ngôi trường của tôi – Trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa – Hà Nội" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn