Quảng Trị: Cộng đồng chung tay ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh từ săn, bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật

Bài, ảnh Văn Thanh- Hoài Tâm

29/12/2021 16:04

Theo dõi trên

Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Trị có hơn 240 nghìn ha rừng, trong đó có hơn 140 nghìn ha rừng tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng do nạn buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã ngày càng gia tăng.

 

 

Từ ngày 20 đến 28 tháng 12 năm 2021, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học – VFBC) do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chủ trì, đã tổ chức chuỗi 14 sự kiện truyền thông tại cộng đồng với chủ đề “Nguy cơ từ hoạt động săn, bắt và tiêu thụ đông vật hoang dã” tại các xã vùng đệm thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông bao gồm xã Đakrông, Ba Nang, Tà Long, Húc Nghì, A Bung, Ba Lòng và xã Triệu Nguyên huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Chuỗi sự kiện này đã thu hút gần 400 người tham dự, bao gồm đại diện lãnh đạo địa phương, trưởng thôn, phụ nữ, thanh niên và người dân cộng đồng.

quang-tri-bao-ton1-1640768560.jpg
 

Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Trị có hơn 240 nghìn ha rừng, trong đó có hơn 140 nghìn ha rừng tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng do nạn buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do Quảng Trị là đầu mối giao thông quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Myanma qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, cùng tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên suốt dãy Trường Sơn. Quảng Trị có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển buôn bán, vận chuyển trái phép một số loài động vật hoang dã.

Bảo tồn dựa vào cộng đồng được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ đa dạng sinh học. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng ngày càng trở nên quan trọng đối với cả việc ngăn chặn buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn của đại dịch có nguy cơ lây lan từ động vật hoang dã sang con người. Việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng để thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc chung tay bảo vệ các loài hoang dã, ngăn chặn việc săn bắt, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép là một nội dung hết sức quan trọng của các nỗ lực bảo tồn.

quang-tri-bao-ton2-1640768559.jpg
 

Tại các sự kiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Trị cùng với Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học trao đổi với người dân địa phương về nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ hoạt động săn, bắt, kinhkinh doanh, tiêu thụ động vật hoang dã cũng như những cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, bao gồm phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh hiện nay. Người dân cũng được cảnh báo về các hành vi, vi phạm pháp luật về động vật hoang dã cần tránh, nhận diện một số loài động vật hoang dã thuộc sách đỏ, cũng như nội dung liên quan đến thực thi pháp luật đối với các hành vi liên quan tới động vật hoang dã nhằm kêu gọi cộng đồng cùng hành động để chấm dứt hoạt động săn, bắt, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp.  

“Qua sự kiện hôm nay, bản thân tôi đã hiểu biết rõ hơn về nguy cơ lây dịch bênh từ hoạt động săn, bắt, và sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, cũng như là đây là các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà trước đây tôi chưa biết. Tôi sẽ chia sẻ những thông bổ ích này đến bạn bè và người thân ở thôn bản để cùng nhau bảo vệ động vật hoang dã”. Chị Hồ Thị Thương, Phụ nữ thôn La Tó xã Húc Nghì chia sẻ.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Ban quản lý dự án VFBC tỉnh Quảng Trị cho biết: “Truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm hướng tới thay đổi hành vi có liên quan đến săn, bẫy, bắt, buôn bán tiêu thụ động vật hoang dã là hành động cần trì thường xuyên, lan tỏa đến nhiều đối tượng khác nhau nhằm bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương và được các cấp bàn ngành hết sức quan tâm, đồng thời cũng rất phù hợp với kế hoạch triển khai hoạt động của Dự án. Trong thời gian tới, Ban QLDA tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức WWF-Việt Nam để triển khai các hoạt động trên địa bàn”.

quang-tri-bao-ton3-1640768560.jpg
 

Bảo tồn động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa bàn, bởi họ chính là người được hưởng lợi từ đa dạng sinh học cũng như phải chịu tác động trực tiếp của tình trạng suy thoái đa dạng sinh học. Trong giai đoạn từ nay tới 2025, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (dự án VFBC) hiện đang được WWF phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Khu bảo tồn, Rừng phòng hộ tại Quảng Trị triển khai các hoạt động để tăng cường sự tham gia của người dân trong việc quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả.