Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 33)                             

PGS TS Cao Văn Liên

10/06/2023 06:13

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử" của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.      

b1atantrao1-1686294725.jpg

Đình Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quaqng) - nơi họp Quốc dân Đại hội từ ngày 16 đến 17-8-1945 quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tại đây các đại biểu đã thông qua 10 chính sách lớn (Hiến pháp lâm thời), quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nguồn: Internet

 

Kỳ 33

Hiến pháp 1992 được Quốc hội khoá VIII thông qua. Hiến pháp này có một số thay đổi về bộ máy nhà nước so với hiến pháp 1980 như bỏ chế định Hội đồng nhà nước (nguyên thủ tập thể), khôi phục lại chức danh Chủ tịch nước (nguyên thủ cá nhân) với nhiều quyền lực: Quyền đối ngoại, quyền phê chuẩn các dự án luật mà quốc hội thông qua để dự án luật thành luật, quyền tổng động viên, quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quyền ân xá, đặc xá. Chủ tịch nước còn là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Hiến pháp 1992 thiết lập lại Uỷ ban thường vụ quốc hội. Cơ quan hành pháp trung ương bỏ tên gọi Hội đồng bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, thay vào đó gọi là Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. Chính phủ do Quốc hội khoá XII bầu ra (2007) do Thủ tướng đứng đầu, có ba phó thủ tướng, 20 bộ, 6 cơ quan ngang bộ. Địa phương có 64 tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương (nay còn 63 tỉnh, thành phố, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội). Dưới tỉnh là huyện (quận), dưới huyện là xã (Phường, thị trấn), dưới xã là thôn (ấp, bản, tổ dân phố). Tính đến tháng 8-2007  cả nước có 10.968 xã, phường, thị trấn, 120.966 thôn, bản tổ dân phố. Tổng số cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn toàn quốc là 192.438 người, trong đó cán bộ chuyên trách giữ chức vụ được bầu cử chiếm 57,75 %, công chức chuyên môn chiếm 42,25 % . Trung bình cứ 10 nghìn dân có 23 cán bộ công chức cấp xã. Trình độ học vấn cán bộ công chức đa số là trung học phổ thông, chiếm 75,5 %. Về trình độ chuyên môn, trên đại học chiếm  0,04 % , cao đẳng, đại học  chiếm 9,04 % , 48,7 % chưa được đào tạo,  55,53 % chưa được đào tạo  về quản lý nhà nước . .

         Từ năm 1945 đến 2007 cơ quan lập pháp và  hành pháp của Việt Nam dân chủ cộng hoà và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

         16-8-1945 Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra Uỷ ban giải phóng (tiền thân của Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

          27-8-1945 Uỷ Ban giải phóng cải tổ thành Chính phủ lâm thời  do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch .

          1-1-1946 thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch .

           2-3-1946 Quốc hội khoá I bầu Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đến 1955 Phạm Văn Đồng giữ chức Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng ngoại giao.

          Quốc hội khoá II (1960-1964) bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Trường Chinh giữ chức Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Phạm Văn Đồng -Thủ tướng Chính phủ .

          Quốc hội khoá III (1964-1968): Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội -Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ -Phạm Văn Đồng.

          Quốc hội khoá IV (1968-1972), Chủ tịch nước-Hồ Chí Minh. Tháng 9-1969 Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội -Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ-Phạm Văn Đồng .

          Quốc hội khoá V (1972-1976): Tôn Đức Thắng-Chủ tịch nước, Trường Chinh-Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ -Phạm Văn Đồng .

          Quốc hội khoá VI (1976-1981)-492 đại biểu bầu Chủ tịch nước -Tôn Đức Thắng. 1980-1981 Nguyễn Hữu Thọ - Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội-Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ -Phạm Văn Đồng         Quốc hội khoá VII (1981-1987)-496 đại biểu bầu Chủ tịch Hội đồng nhà nước-Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng -Phạm Văn Đồng.

         Quốc hội khoá VIII (1987-1992)-496 đại biểu, bầu Chủ tịch Hội đồng nhà nước -Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng-Phạm Hùng. 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt .

         Quốc hội khoá IX (1992-1997)-bầu Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt .

          Quốc hội khoá X (1997-2002)-450 đại biểu bầu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải .

          Quốc hội khoá XI (2002-2007)-498 đại biểu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.

          Quốc hội khoá XII (2007-2012)-500 đại biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và 4 Phó Chủ tịch, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có 18 thành viên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Quốc hội khoá XII có Hội đồng dân tộc 39 thành viên và 10 Uỷ ban: Uỷ ban Pháp luật 35 thành viên, Uỷ ban Tư pháp 34 thành viên, Uỷ ban Kinh tế 36 thành viên, Uỷ ban Tài chính và Ngân sách  35 thành viên, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh 34 thành viên, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng 39 thành viên, Uỷ ban Các vấn đề xã hội 40 thành viên, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường  37 thành viên, Uỷ ban Đối ngoại 30 thành viên, Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội 13 thành viên .

         Chính phủ khoá XII có 26 thành viên, gồm Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng  và 22 Bộ trưởng (2 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng), 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ, gồm các Bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch -Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Tuyên truyền, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Uỷ ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính Phủ .

Hệ thống chính trị Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm Đảng cộng sản Việt nam, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Mặt trận tổ quốc Việt Nam bao gồm các đoàn thể và tổ chức như Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và các tổ chức tôn giáo. Mặt trận, các tổ chức đoàn thể trong mặt trận đều  có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Hệ thống chính trị tạo nên những tổ chức đa dạng phong phú, những mối quan hệ chính trị đa chiều nhằm lôi cuốn tất cả mọi người, mọi công dân vào sinh hoạt chính trị và xã hội, bảo đảm cho quyền lực của Đảng, của chính quyền được thực thi rộng khắp. Nguyên tắc tối cao của Hệ thống chính trị là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản. Để bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, một hệ thống  bộ máy Đảng được tổ chức từ trung ương đến địa phương bao gồm 5 cấp. Cơ quan cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng 5 năm họp một lần. Đại hội bầu ra Ban chấp hànhTrung ương Đảng đứng đầu là Tổng bí thư. Ban chấp hành Trung ương bầu ra Bộ chính trị. Ban bí thư. Ban chấp hành Trung ương Đảng mà hạt nhân là Bộ chính trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai  kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc. Dưới Ban chấp hành Trung ương Đảng có các cơ quan chuyên môn giúp việc là các ban: Ban tổ chức Trung ương. Ban đối ngoại  Trung ương. Ban tuyên  giáo Trung ương. Ban dân vận Trung ương, Uỷ ban kiểm tra Trung ương. Đứng đầu các ban là các Trưởng ban và các Phó ban. Giúp việc còn có Văn phòng Trung ương Đảng. Từ khi ra đời đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã qua 10 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc. Hội ngghị thành lập Đảng 3-2-1930 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì có ý nghĩa như một Đại hội. Từ tháng 10-1930 đến năm 1931 đồng chí Trần Phú là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.

  (Còn nữa)

   CVL

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 33)                             " tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn