Số phận sát nhân Nguyễn Ngọc Loan ra sao sau khi sát hại chiến sỹ biệt động Nguyễn Văn Lém trên phố Sài Gòn sáng mùng 2 Tết Mậu Thân?

Nguyễn Cúc

02/02/2022 09:57

Theo dõi trên

Đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (tức đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), cả Sài Gòn rung chuyển bởi cuộc tấn công chớp nhoáng, thần tốc của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn - Gia Định do Bộ Chỉ huy miền Nam lãnh đạo.

SỐ PHẬN TÊN ĐỒ TỂ NGUYỄN NGỌC LOAN SAU KHI SÁT HẠI ĐẠI ÚY NGUYỄN VĂN LÉM (BẢY LỐP) CHỈ HUY ĐỘI 3 BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN SÁNG MÙNG 2 TẾT MẬU THÂN 1968

nguyen-ngoc-loan-1643770449.jpg

 

Đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (tức đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), cả Sài Gòn rung chuyển bởi cuộc tấn công chớp nhoáng, thần tốc của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn - Gia Định do Bộ Chỉ huy miền Nam lãnh đạo.

Trong khi các đội của lực lượng Biệt động thành đang tấn công dữ dội vào Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ tổng tham mưu thì các tướng lĩnh của ngụy quân Việt Nam Cộng Hòa mới ráo riết chống trả, phòng bị.

Bộ Tư lệnh Hải quân được Bộ Chỉ huy của ngụy  được xác định là một trong những mục tiêu trọng yếu.

Do vậy, trước giờ ra trận, toàn bộ 16 đội viên của Đội 3 Biệt động Sài Gòn — Gia Định do đại úy Nguyễn Văn Lém, tự là Bảy Lốp chỉ huy, cùng nguyện chiến đấu cảm tử để giành thắng lợi cho cách mạng.

Sau khi chớp nhoáng dùng bộc phá đánh sập lô-cốt đầu tiên, toàn đội xung phong đánh chiếm các ngôi nhà bên trong Bộ tư lệnh Hải quân ngụy. Dù bất ngờ nhưng địch nhanh chóng chống trả quyết liệt, dùng tiểu pháo 20 ly, trung liên 12,7 ly, M79 bắn tới tấp vào các chiến sĩ Biệt động.

Do trục trặc trong việc truyền khẩu lệnh vào những phút chót, quân ta không có đủ vũ khí, rơi vào thế bị bao vây cả vòng trong vòng ngoài. Đến sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, 14 chiến sỹ của Đội 3 Biệt động thành vĩnh viễn nằm lại. Trong đó, đội trưởng Bảy Lốp là người hy sinh cuối cùng.

Theo những thông tin tìm hiểu được, ông Bảy Lốp không hy sinh ngay mà bị quân địch bắt giữ, sau đó giải đến đến Bộ Tư lệnh Cảnh sát dã chiến của ngụy quuền Việt Nam Cộng hòa. Đây cũng chính là thời điểm bức ảnh "hành quyết tại Sài Gòn" được chụp và công bố cho thế giới không lâu sau đó.

Theo một số tư liệu ghi lại, khi đến đường số 20 cũ (nay là đường Lý Thái Tổ, Ngã Bảy), Tướng Loan lúc này là người điều động lực lượng Cảnh sát trong nội thành Sài Gòn cầm khăn lau mặt, vẫy tay ra hiệu cho lính tránh đường.

Không nói một lời, ông ta đến bên chiến sỹ biệt động bị trói 2 tay, quăng điếu thuốc xuống đường rồi rút súng nhắm thẳng vào thái dương người tù binh.

Khoảnh khắc ấy được Eddie Adams, phóng viên ảnh của Hãng Thông tấn AP (Mỹ), kịp chụp lại. Hôm sau, bức ảnh mang tên Saigon Execution (Hành quyết ở Sài Gòn) xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo quốc tế, gây căm phẫn khắp thế giới vì hành vi xử bắn đã vi phạm Công ước Genève về tù binh chiến tranh; như một bằng chứng tố cáo tội ác của Mỹ – ngụy, dấy lên phong trào phản chiến tại Mỹ và một số quốc gia tiến bộ.

Tác giả Eddie Adams từng chia sẻ: "Ông ta (Tướng Loan ) rút một khẩu súng lục ra khỏi bao và nâng lên. Tôi không hề nghĩ là ông ta sẽ bắn. Người ta thường chĩa súng vào đầu người tù khi hỏi cung. Do đó tôi chuẩn bị chụp ảnh về sự đe dọa, cuộc thẩm vấn.

Nhưng nó đã không xảy ra. Người đàn ông chỉ rút một khẩu súng lục ra, chĩa vào đầu người Việt Cộng và bắn vào thái dương anh ta. Đúng lúc đó tôi chụp bức ảnh…".

Khi người tù binh đổ rạp xuống đường, viên sỹ quan ngụy quay lại rồi nói bằng tiếng Anh với Adams: "Người này giết rất nhiều lính của chúng tôi cũng như nhiều người của các anh". Sau đó viên sỹ quan thản nhiên quay người bỏ đi.

Năm 1969, nhờ bức ảnh, Eddie Adams đoạt giải Pulitzer danh giá về ảnh báo chí.

Sau khi làm cả thế giới phẫn nộ vì bắn vào đầu đại úy Biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Lém, Nguyễn Ngọc Loan phải sống tiếp cuộc đời đầy bi thảm theo đúng luật nhân quả để trả giá cho tội ác man rợ mình gây ra.

CHÂN DUNG KẺ SÁT NHÂN TÀN BẠO

Nguyễn Ngọc Loan sinh năm 1930 tại Thừa Thiên - Huế.  Cha của Loan là ông Nguyễn Ngọc Lợi, kỹ sư công chánh, nguyên Trưởng khu Hỏa xa Huế.

Xuất thân thượng lưu, có học, có bằng cấp, nhưng từ hình thức bên ngoài, đến tính cách, lời ăn tiếng nói của Nguyễn Ngọc Loan đều chẳng khác gì một tay du thủ, du thực. Một thời, Y từng nắm giữ quyền lực trong tay, nhưng không hề được đồng sự, các chính khách và quần chúng thời ngụy quyền  kính trọng. Thay vào đó là sự khinh miệt và sợ hãi. Người ta đã nhìn Loan như một hung thần với khuôn mặt của kẻ sát nhân.

Năm 1951, Loan gia nhập quân đội và theo học khóa 1, Trường sĩ quan Thủ Đức, ra trường tình nguyện tham gia lực lượng Xung kích Pháp-Việt. Pháp chủ trương "Việt Nam hóa chiến tranh", Loan là một trong những người được chọn và được gửi sang Pháp thụ huấn tại Trường Không quân Salon-de-Provence, tốt nghiệp bằng kỹ sư hàng không, sau này trở thành phi công lái khu trục cơ đầu tiên của không lực ngụy quân VNCH.

Năm 1960, Nguyễn Ngọc Loan giữ chức vụ chỉ huy trưởng Phi đoàn 2 Quan sát, trú đóng tại Nha Trang. Đồng ngũ biết đến Loan như một tay ăn nói bỗ bã, rượu như hũ chìm nhưng nổi tiếng keo kiệt, bủn xỉn.

Trong hồi tưởng của cựu Trung tá phi công ngụy Nguyễn Văn Cử, (về sau là dân biểu Quốc hội ngụy quyền  Sài Gòn), người đã ném bom dinh Độc Lập, ám sát hụt Ngô Đình Diệm vào sáng ngày 27/2/1962, thì Nguyễn Ngọc Loan là một kẻ bần tướng, mặt dơi, tai chuột, tướng cách của một kẻ tàn độc, phản phúc và ti tiện.

 Thuở còn giữ chức vụ phi đoàn trưởng Phi đoàn 2 quan sát ngụy quân, Nguyễn Ngọc Loan thường hay hứa sẽ đề nghị thăng thưởng cho thuộc cấp nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Bạn bè mời nhậu nhẹt, Loan nhiệt tình tham gia nhưng chẳng bao giờ mời ai một lần nào cả.

Có người không nhịn được, đã nửa đùa nửa thật: "Tới lượt thằng Loan đi chớ, cứ ăn chực anh em hoài coi sao được!". Nguyễn Ngọc Loan vừa cười, vừa hứa chắc như đinh đóng cột: "Được thôi, "moa" mời các "toa" đúng 10 giờ sáng chủ nhật, tại quán số 5 ngoài bãi biển, ai đến trễ sẽ bị phạt". Đúng hẹn, mọi người có mặt đầy đủ, nhưng chủ xị lại bặt vô âm tín! Ngồi chờ đến trưa  chẳng thấy Loan đâu, có người giận quá, buông tiếng chửi thề và bảo: "Đúng là thằng "Sáu Lèo!". Biệt danh khinh thị dính chặt đời Loan từ đó.

Năm 1964, Nguyễn Ngọc Loan lên đại tá, giữ chức vụ Tư lệnh phó Không quân ngụy quân, Nguyễn Cao Kỳ làm Tư lệnh .

 Ngày 11/2/1965, trong chiến dịch có tên gọi là "Mũi tên lửa" (Flaming Dart), Nguyễn Ngọc Loan đã điên cuồng dẫn đầu các phi đoàn khu trục cơ A1 Skyraider của không quân ngụy quyền Sài Gòn, đánh phá Hà Tĩnh, và Quảng Bình. Sau sự kiện này, Loan được Kỳ thăng Chuẩn tướng và được điều về làm Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia, kiêm Giám đốc Nha An ninh ngụy quân,phụ trách luôn Phủ đặc ủy Trung ương tình báo của ngụy quyền Sài Gòn.

Y trở thành một hung thần, và là cánh tay mặt của Nguyễn Cao Kỳ.Nắm một loạt quyền cao, chức trọng nhưng Loan lại trang phục lôi thôi lếch thếch, chân luôn đi đôi dép lẹp xẹp, kể  cả khi ông ta chủ trì, hoặc tham dự những phiên họp quan trọng. Đã thế, Loan thường cầm trên tay một chai bia, ngửa cổ tu ừng ực như một bợm nhậu thứ thiệt, chửi thề văng mạng như một kẻ đầu đường xó chợ. Thượng nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm, một trong những cố vấn chính trị của nhóm Nguyễn Cao Kỳ đã nhiều lần than phiền về cách ăn mặc và thái độ cư xử vô văn hóa của Nguyễn Ngọc Loan. Ông Kỳ cũng chỉ biết thở  dài: "Biết thế, nhưng nó được cái rất trung thành và dám làm những việc mà người khác không dám làm".

Thật vậy! Trong một phiên họp tại trụ sở Quốc hội của ngụy quyền Sài Gòn, Loan ngồi trên lầu, trang phục  như một tên du côn,  gác cả hai  chân lên một két bia, để cuốn sổ  và khẩu súng rulo trước mặt. Trên tay cầm một cây gậy, Loan vừa ngửa cổ tu bia, vừa chĩa gậy thẳng xuống những dân biểu nào phát biểu không có lợi cho phe cầm quyền và lật sổ ghi chép tên tuổi của họ. Nhiều dân biểu đã phản ứng, cho rằng đó là một hành động khủng bố, mang tính chất miệt thị, trấn áp thành phần đối lập trong Quốc hội. Nguyễn Ngọc Loan đáp trả, tuy không chính thức, nhưng cũng đủ vọng đến tai số dân biểu này: "Bọn dân biểu chỉ ăn hại đái nát. Có giỏi thì cầm súng ra trận mà đánh nhau. Dẹp luôn cái quốc hội bù nhìn này đi cũng chẳng hề hấn chi".

Loan cũng là kẻ thừa mưu mô xảo quyệt. Giữa tháng 3/1965, dân chúng Đà Nẵng-Huế rầm rộ xuống đường biểu tình chống chế độ ngụy quyền độc tài quân sự Thiệu - Kỳ với đủ mọi thành phần, cả công chức, quân nhân cũng tham gia.  Trung tướng ngụy Nguyễn Chánh Thi đã ngã hẳn và trở thành  người đứng đầu phe ly khai. Ngày 1/4/1966, Nguyễn Cao Kỳ gửi Trung tướng Phạm Xuân Chiểu ra Đà Nẵng để điều đình. Phe ly khai đã bắt giữ luôn sứ giả để làm con tin. Tình hình trở nên không thể kiểm soát. Nhiều tướng lĩnh, chỉ huy cao cấp ngụy quân đã đưa cả đơn vị mình nhập luôn vào thành phần ly khai, sẵn sàng chống trả nếu Thiệu_ Kỳ đưa quân ra trấn áp.

Ngày 14/5/1966, qua cầu không vận của quân đội Mỹ, 5 tiểu đoàn nhảy dù, 2 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến và một biệt đoàn Cảnh sát dã chiến do Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy đã đến Đà Nẵng để dẹp quân ly khai. Thoạt đầu, Nguyễn Ngọc Loan bàn với Nguyễn Cao Kỳ cho chiến đấu cơ cất cánh uy hiếp các vị trí của Trung đoàn 51 Bộ binh và Tiểu đoàn 11 Biệt động quân của phe ngụy quân đã ly khai. Trung tướng Waltz, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Đà Nẵng phản ứng gay gắt ý đồ này. Ông ta khuyến cáo, nếu chiến đấu cơ của Việt Nam Cộng hòa cất cánh, ông ta sẽ cho không quân Mỹ ngăn chặn.

 Nhưng về sau, khi phe ly khai đập phá lãnh sự quán và các cơ quan trực thuộc của Mỹ tại Đà Nẵng và Huế thì chính các cố vấn Mỹ cũng làm ngơ để cho Nguyễn Ngọc Loan lộng hành.

Trong thành phần ngụy quân ly khai cố thủ Đà Nẵng có Tiểu đoàn 11 Biệt động của tên đại úy Nguyễn Thừa Dzu ra khỏi vòng chiến. Có kẻ mách Loan, Nguyễn Thừa Dzu có một người bạn chí thân là Nguyễn Tự Cường, hiện đang ngồi tù tại Cục An ninh quân đội ( ngụy quân).

 Cường nguyên  là đại úy, là tay chân thân tín của lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn. Sau biến cố ngày 1/11/1963, Ngô Đình Cẩn bị xử bắn, Cường phải chịu kiếp tù đày. Nay có thể dùng Nguyễn Tự Cường làm thuyết khách.

Thế là Cường được dẫn đến, Nguyễn Ngọc Loan hăm dọa: "Mày là bạn chí cốt của thằng Dzu. Nếu mày chiêu hồi được nó, tao sẽ bạch hóa hồ sơ của mày và cho mày lẫn thằng Dzu những chức vụ ngon lành. Còn nếu mày không làm được, thì một là đi theo nó luôn, hai là tiếp tục ngồi tù". Nguyễn Tự Cường hăng hái nhận lời và đã thuyết phục được Dzu.

Tối hôm đó, Nguyễn  Ngọc Loan đã cho người đi đón tiểu đoàn của Nguyễn Thừa Dzu rút ra Cầu Đỏ, để lại một lỗ thủng quan trọng cho quân ly khai và  còn khiến cho Trung đoàn 51 của ngụy mất hết tinh thần phản kháng.

Hôm sau, 23/5/1966, Nguyễn Ngọc Loan xua quân nhảy dù tiến vào thành phố và nhanh cóng làm chủ tình hình Đà Nẵng. Nguyễn Tự Cường và Nguyễn Thừa Dzu lại theo Nguyễn Ngọc Loan ra Huế...dẹp loạn. Khi tình hình ở miền Trung ổn định, Cường được thăng thiếu tá, làm Trưởng ty An ninh ngụy quân Đà Nẵng. Còn Nguyễn Thừa Dzu cũng lên thiếu tá, về làm Trưởng ty cảnh sát ngụy của một quận ở Sài Gòn.

Tại Huế, người dân đã đưa bàn thờ Phật xuống đường làm vật cản chân đoàn quân của Nguyễn Ngọc Loan. Nhưng với Loan, thì sá chi Phật thánh! Y ngồi trên xe jeep, chạy quanh khắp mọi ngõ ngách, đích thân đạp đổ không biết bao nhiêu bàn thờ. Người dân Huế nói: "Sáu Lèo" đã đem dùi cui, lựu đạn cay và còng số 8 làm quà tặng nơi y chôn nhau cắt rốn. Biến động miền Trung hạ màn và Loan được Nguyễn Cao Kỳ phong hàm thiếu tướng.

Từ đó, bệnh công thần càng khiến cho con người Nguyễn Ngọc Loan trở nên kiêu binh và tàn bạo hơn nữa.

Đỉnh cao tội ác, bộ mặt sát nhân của Nguyễn Ngọc Loan lộ rõ vào Tết Mậu Thân (1968).

 Cho đến 2 giờ sáng ngày mồng Một tết, khi chiến sự đã bùng nổ dữ dội khắp mọi nơi, ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn thì Loan mới bừng tỉnh, và lồng lộn lên bởi sự yếu kém của bộ máy tình báo do y cầm đầu.

Tại Thị Nghè (nhiều tài liệu khác cho là tại đường Lý Thái Tổ hoặc tại  một con đường trong Chợ Lớn), binh lính của Nguyễn Ngọc Loan đã bắt giữ, trói thúc ké và dẫn giải một người đàn ông mặc thường phục đến trước mặt y và cho rằng đó là một người lính đặc công của Việt Cộng.

Nguyễn Ngọc Loan cầm chiếc khăn lau mặt trên tay, ra hiệu cho đám bộ hạ lùi ra xa, rồi tiến sát bên người đàn ông  đó. Mặt lạnh như tiền, không nói một lời, Loan quăng điếu thuốc đang hút dở xuống đất,  giơ thẳng cánh tay phải, dí súng sát thái dương của người đàn ông (sau này được xác  định là chiến sĩ đặc công Bảy Lốp, tức Nguyễn Văn Lém; có tài liệu xác định là chiến sĩ Nguyễn Văn Nà) và bóp cò. Nạn nhân ngã xuống, máu lênh láng cả mặt đường và chết ngay lập tức.

Nhà báo Mỹ Eddie Adams kịp thời thu vào ống kính, và phóng viên Neil Davis của Đài ABC-Úc quay những thước phim rất rõ ràng, gây sốc cho hàng triệu lương tri trên thế giới. Bức ảnh như một ngọn cuồng phong thổi bùng ngọn lửa phản chiến ở khắp nơi. Năm 1969, nhờ bức ảnh, Eddie Adams đoạt giải Pulitzer danh giá về ảnh báo chí.

Hễ cứ nghe đâu có tiếng súng AK-47 là y nhào tới. Chỉ cần một tấm áo giáp, một khẩu M-16, với 12 băng đạn 5.56 ly vòng quanh bụng, đầu không nón sắt, chân dép cao su, không lon không lá, ‘Sáu Lèo’ Nguyễn Ngọc Loan xông vào trận chiến.

Đầu tháng 5/1968, đợt 2 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, được báo tin một cánh quân Mặt trận Giải phóng Miền Nam tràn về khu Tân Cảng, Loan điều động 2 đại đội cảnh sát dã chiến đến truy kích.

Hay tin, Accompura - Cố vấn trưởng Cảnh sát Quốc gia ngụy quyền Việt Nam Cộng hoà lên xe Jeep Cảnh sát chặn đoàn xe của Loan ở ngã tư Dakao – Phan Thanh Giản và yêu cầu y cùng về Tổng Nha tham dự buổi họp nhưng Sáu Lèo từ chối.

Trước đó, Accompura đã được CIA thông báo Hoa Kỳ sẽ thủ tiêu Nguyễn Ngọc Loan. Do đó, dù không thông báo trực tiếp cho Loan tin này, nhưng Accompura luôn yêu cầu Loan đề phòng, không được tự ý đi ra nơi chiến trận.

Tuy nhiên, Loan đã không nghe lời và vẫn điều binh khiển tướng tại Chợ Lớn. Lúc này, chiếc trực thăng vũ trang UH1B của Mỹ đảo một vòng trên bầu trời bộ chỉ huy của Loan, nã rocket và xả đại liên xuống rồi bay thẳng về phía Biên Hòa.

Ngay sau đó, báo chí Sài Gòn đăng tin: 11 giờ 45 ngày 7/5/1968, Loan bị nát bắp chân trái.

Gần 40 năm sau, năm 2005, chính Accompura đã công bố những thông tin tuyệt mật về sát thủ đã bắn Loan trọng thương. Theo đó, sát thủ thi hành bản án tử hình tướng Loan là một hạ sĩ quan Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ có vợ Việt Nam, làm việc cho CIA Sài Gòn.

Sự cố này chỉ làm cho Nguyễn Ngọc Loan nát chân, nhưng 4 viên đại tá thân tín của y là Lê Ngọc Trụ, Đào Bá Phước, Phó Quốc Chụ và Nguyễn Văn Luận cùng với 2 trung tá Nguyễn Ngọc Xinh, Nguyễn Bảo Thụy chết ngay tại chỗ.

Từ lúc bị bắn nát chân, Nguyễn Ngọc Loan bị thất sủng, chính thức giã từ sự nghiệp nhà binh tại đây.

LIÊN TỤC BỊ TỪ CHỐI CHỮA TRỊ VÀ CUỘC SỐNG KHỐN KHỔ TẠI MỸ

Một số thông tin còn lan truyền, sau khi bị thương, Loan được đưa đến Tổng Y Viện của Việt Nam Cộng hòa chữa trị. Tại đây, bác sĩ Trưởng khoa giải phẫu đề nghị cắt bàn chân trái vì động mạch đã bị đạn phá nát. Nếu để lâu, cả bàn chân sẽ bị hư thối nhưng Loan yêu cầu giữ lại bàn chân cho y.

Lúc này, bác sĩ cố vấn trưởng Tổng Y Viện đề nghị đưa Loan đến điều trị tại Bệnh viện Quân Y Mỹ tại Long Bình. Giám đốc Bệnh viện từ chối vì không có khả năng nối động mạch ở bắp chân cho Loan.

Thấy tình hình không khả quan, Nguyễn Cao Kỳ yêu cầu MACV (Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam) can thiệp với Hạm Đội 7 có tàu bệnh viện đón nhận Loan để chữa trị. Nhưng tàu bệnh viện của Hạm Đội 7 này cũng từ chối.

Lần nữa, ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa yêu cầu Tòa Đại sứ Mỹ giúp đỡ đưa Nguyễn Ngọc Loan đến Bệnh viện Jama trên đất Nhật. Tuy nhiên, Tòa Đai sứ Mỹ cũng khước từ.

Không thể trông cậy vào Hoa Kỳ giúp đỡ, Nguyễn Cao Kỳ cuối cùng nhờ đến Tòa Đại sứ Úc cho Loan được đến điều trị ở Canberra.

Tuy nhiên, chính quyền Canberra viện cớ dư luận Úc đang sục sôi nổi giận vì bức ảnh "Hành quyết tại Sài Gòn", không đồng ý chứa chấp một kẻ giết tù binh chiến tranh không vũ khí trong tay nên đã khước từ đề nghị của Nguyễn Cao Kỳ.

Loan lại được chuyển sang bệnh viện Walter Reed Army Medical Center ở Washington, DC., Hoa Kỳ. Nhưng các nghị sỹ phe phản chiến tại Quốc hội Hoa Kỳ vào lúc đó cũng phản đối nên y đành phải thất thểu trở lại Sài Gòn với đôi chân tật nguyền khập khiễng.

Cùng lúc này, nhân cơ hội Nguyễn Ngọc Loan trị thương, Nguyễn Văn Thiệu đã loại Loan ra khỏi các chức vụ để thay thế người của mình vào.

Về lại Việt Nam, Nguyễn Ngọc Loan giải ngũ và sống bằng chế độ trợ cấp dành cho cấp tướng về hưu.

Năm 1975, ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ, Mỹ phải cuốn gói rút hết quân về nước, máy bay của Mỹ không đưa Loan và gia đình y đi cùng vì nghi ngờ y có ý định kìm chân hàng ngàn người Mỹ di tản để làm con tin, buộc Mỹ phải quay lại tham chiến.

Bị Mỹ bỏ rơi, nhưng cuối cùng nhờ những chiến hữu không quân ngày trước, vào trưa 29/4, Loan và gia đình đã leo lên được một vận tải cơ C-130 và tới Utapao (Mỹ). Ở đây, y cũng bị hàng ngàn người phản đối kịch liệt.

Năm 1976, hai dân biểu của đảng Dân chủ Mỹ là bà Elizabeth Holtzman và ông Harold Sawer đã thay mặt "người đàn ông bị Loan hạ sát trên đường phố" kiện Loan như một tội phạm chiến tranh và yêu cầu trục xuất Loan ra khỏi nước Mỹ.

Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ cũng đồng quan điểm, yêu cầu trục xuất Loan về Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều nguồn thông tin cho rằng vì Mỹ không muốn khơi lại vết nhơ họ từng can dự nên đích thân Tổng Thống Jimmy Carter đã phải can thiệp và quyết định cho phép Loan được ở lại định cư.

Gia đình Loan đến lập nghiệp ở thành phố Springfield, Tiểu bang Virginia (Mỹ) và mở một tiệm bán pizza mang tên Pháp là "Les Trois Continents".

Đến năm 1991, nhiều người dân địa phương phát hiện ra Loan là tên sát nhân bắn vào đầu tù binh bị trói trong bức ảnh "Hành quyết tại Sài Gòn" nên họ phản đối Loan bằng cách đi vòng quanh khu đó và hò hét ầm ĩ. Thậm chí, có người còn vào nhà vệ sinh của tiệm và viết lên tường câu "We know who you are" (Chúng tao biết mày là ai).

Ngày 14/7/1998, Nguyễn Ngọc Loan chết vì bệnh ung thư vòm họng tại tại Burke, Tiểu bang Virginia (Mỹ), hưởng thọ 68 tuổi, để lại vợ, 5 người con và 9 cháu nội ngoại, kết thúc cuộc sống đầy tội ác man rợ và bi thảm của y.

Cách đây đúng 54 năm, ngày 1/2/1968, cuộc tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy chiếm chính quyền vào dịp Tết Mậu Thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam diễn ra trên hầu hết lãnh thổ của ngụy Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ.

Đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất và có một vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong cuộc  chiến tranh chống Mỹ của quân và dân Việt Nam.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử như mắt xích quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Mỹ thừa nhận thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ và đưa quân về nước.

Theo Mỗi ngày một câu chuyện Lịch sử/ Trái Tim Người Lính