Sự tích Thần hát ví - Huyền thoại về một câu chuyện tình cảm động

Đỗ Nhiệm

17/05/2021 21:47

Theo dõi trên

Phải chăng huyền thoại về chuyện hát ví và cả hát giặc từ cái thuở xa xưa ấy tự nhiên đi vào lòng người, đi vào cuộc sống để kết tinh thành Dân ca - một tài sản tinh thần vô giá của cộng đồng, được nhiều thế hệ trao truyền, gìn giữ và phát triển ngày càng phong phú hơn.

  su-tich-than-hat-vi-1621262453.jpg

Trải qua nhiều giai đoạn của sự biến thiên lịch sử “bãi biển nương dâu”, trên giải đất phía bắc miền Trung, có khá nhiều nghệ nhân và các học giả đã dành nhiều thời gian và tâm trí cho việc điển dã, sưu tầm khảo cứu và giới thiệu Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh-một loại hình văn hoá nghệ thuật độc đáo vừa được tổ chức UNESCO vinh danh là “Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”. Lần theo từng trang sách và chuyện truyền ngôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, ta thấy: Hát giặm phổ biến trong cộng đồng dân cư huyện Thạch Hà, còn hát ví lại khơi nguồn và phát triển ở Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ... Một số địa phương như làng Trường Lưu, Trảo Nha, Phù Minh (Can Lộc) Tiên Điền, Cổ Đạm (Nghi Xuân) Trường Xuân, Láng Ngạn (Đức Tho)... nổi tiếng về hát ví, trong đó Trang (xóm) Phổ Minh được coi là nơi ra đời và lưu giữ huyền thoại sự tích về “Thần hát ví“.

    Trang Phổ Minh sau này mở mang phát triển thành làng Phù Minh xã Hữu Ngoại huyện Thiên Lộc phủ Đức Thọ, nay là xã Thiên Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Từ thuở xa xưa, trang này có một người con gái với cái tên dân dã là O (cô) Tiu, vừa đẹp người đẹp nết lại hát rất hay. Giọng hát mượt mà, đằm thắm lắng sâu như tiếng chuông ngân. Mỗi lần O cất tiếng hát là mọi người chăm chú lắng nghe. Người đang cày dừng cày, người đang lo hàng chạy chợ cũng nhẹ đặt gánh xuống...

    Đồng đất ven chân Ngàn Hống quê O sau mùa cấy hái là những ngày nông nhàn, chỉ lao động khỏe vào rừng đốn củi. Nương vườn mỗi nhà thường trồng cà Kiu-một giống cà chua bản địa, quả nhỏ nhưng nấu canh rất ngon. Đến mùa thu hoạch, nhà nào cũng cho người gánh cà chua vào chợ Nghèn, ra chợ Trổ, chợ Cầu để bán. Tiếng đồn O Tiu là người nhan sắc lại hát rất hay nên nhiều người đến xem mặt và mua hàng của O. Thế rồi có một người trai trẻ, không rõ lai lịch, chỉ tự xưng là Tìu, rất mê giọng hát và thầm thương trộm nhớ O Tiu. Phiên chợ nào O Tiu ra bán hàng thì thế nào cũng có mặt cậu Tìu. Một bữa nọ, thấy O Tiu gánh cà chua vào chợ, Tìu liền cất giọng:

      Khoan khoan ơi dừng lại

      Cho tui (tôi) tỏ đôi lời

      Sinh ra kiếp làm người

      Cà chua thì nặng gánh

      Thúng O tròn vành vạnh

      Thúng tui cũng đủ vòng

       Chữ Nhân đã tác xong

       Chữ Tình răng (sao) hở mực

    Tiu vẫn nhanh nhẹn quầy gánh đi vừa lên tiếng:

       Khoan khoan ai rứa (thế) đó

       Gặp giữa chợ giữa đàng (đường)

       Cái tên tuổi của chàng

       Xưng cho tui biết với

       Cho bàn dân biết với

     Không chút do dự, Tìu vui vẻ đáp lại liền: 

       Đó Tiu thì đây Tìu

       Qua động lại qua đèo

       Tiu chập chựng Tiu trèo

       Có Tìu đây gánh đỡ

       Đây Tìu tui gánh đỡ

    Kể từ đó hai người trở nên thân thiết, thỉnh thoảng họ lại hát ví đối đáp với nhau trong khi mua bán hàng, bà con nghe thật đông vui:

         - Ơ chàng chàng hởi ơi chàng

   Mồ hôi chưa ráo ta lại lần đàng (đường) gặp nhau

         - Tìu đây Tiu đó một vần

   Nghe lời bạn gọi lần lần mà qua

         - Chợ đông trầu phải xa câu

   Người đông nghìn nghịt biết nơi đâu mà lần

         - Yêu nhau chưa ráo mồ hôi

   Chưa tan buổi chợ đã chia đôi ngả đường...

     Con đường nhỏ từ thôn vào rừng để hái sim chặt củi phải qua dốc Lạnh Mọ gần động Đá Trồng. Trên đường đi về, dân Phổ Minh thường nghỉ chân ngồi chuyện trò vui vẻ, về sau có thêm cả hát hò, vô hình chung biến địa danh này thành tụ điểm sinh hoạt văn hoá dân gian. Đá Trồng đã đi vào ca dao dân ca Xứ Nghệ một cách đậm đà và tinh tế:

      - Động Đá Trồng là cái động tiên

  Cho loan gặp phượng cho bạn hiền gặp nhau

      - Gặp nhau ở động Đá Trồng

  Nên duyên nên ngãi vợ chồng hai ta

      - Xăm xăm đến động Đá Trồng

  Kiếm một ông chồng về tát gầu dai...

   O Tiu và chàng Tìu cũng hay gặp nhau ở động Đá Trồng, bà con đến nghe cặp trai gái hát đối đáp. Họ trở thành những “diễn viên” được yêu mến và tán thưởng, có lúc hát đến lúc trăng tỏ mới ai về nhà nấy. Hôm nào vắng Tiu và Tìu thì người đến động Đá Trồng cũng thưa thớt kém vui.

   Một hôm trời nắng chang chang, người đi làm về ngồi nghỉ dưới bóng cây khá đông. Đang yên ắng, bỗng một o hát gợi ý:

      Tiu dừ (bây giờ) ở nơi mô

      Bẩy tui cứ ngồi chờ

      Răng không nghe ai hát

      Răng dừ không ai hát

    O Tiu ngập ngừng rồi cất cao giọng như thổ lộ tâm tình:

      Thương thì chạc mụi (giây thừng) tìm tru (trâu)

      Tru mô tìm chạc mụi

      Phận tui là con gái

      Đâu có dám ngỏ lời

      Anh Tìu có thương tui

      Xin có lời nhân ngại (nghĩa)

    Được lời như cởi tấm lòng, anh Tìu hào hứng hắn lên:

     Chạc mụi sẵn đây rồi

     Dừ thì O với tui

     Dong nhau ra đồng cỏ

     Trời nồm đang được gió

     Cỏ tốt bởi gặp mưa

     Có chi mô mà đợi mà chờ

     Cho nhọc lòng hai đứa

     Để nhọc lòng hai đứa

   Thế là cuộc hát lại được khơi dậy và càng thêm rôm rả, làm quên đi cái mệt mỏi vất vả làm ăn. Cuộc hát kéo dài đến tận xẩm tối. Người đi làm về ngồi lại nghe đã đành, người qua đường cũng dừng chân mỗi lúc một đông. Chợt thấy hai con cò trắng thong dong bay giữa bầu trời yên à hướng về phía đại ngàn, O Tiu cất giọng:

     Hạc đang bay về trời

     Chúng thì đã có đôi

     Chàng với tui lẻ bóng

     Hay là nhờ hạc cõng

     Tui với chàng lên tiên

     Thong dong đôi bạn hiền

      Chơi giữa vườn tiên cảnh

    Anh Tìu thong thả đáp lại:

      Giờ đây đang nặng gánh

      Mẹ già cậy ai nuôi

      Tui mà bay về trời

      Thì mang tiếng để đời

      Là thằng con bất hiếu

      Tiếng để đời bất hiếu

    Bẵng đi mấy ngày không thấy O Tiu về làng. Nhớ và muốn nghe hát, bà con trong thôn trang tỏa ra nhiều hướng đi tìm, cuối cùng thấy O đã nằm tắt thở trên một tảng đá phẳng phiu ở động Đá Trồng. Không biết O từ giã cõi đời tự bao giờ nhưng nhìn gương mặt O vẫn hồng hào tươi tỉnh. Ai cũng cho rằng: O Tiu biết mình sắp về chầu trời cho nên trong bữa hát hôm trước đã cao giọng rủ anh Tìu “...Chơi ở nơi tiên cảnh/ Dạo giữa vườn tiên cảnh.”

    Theo phong tục, dân làng Phổ Minh không đưa thi hài O về nhà làm lễ mà tổ chức mai táng ngay ở động Đá Trồng. Dân gian lưu truyền rằng, kể từ khi O mất, ngày nào cũng vậy, cứ vào lúc hoàng hôn, từ động Đá Trồng lại ngân vang tiếng hát của O Tiu. Giọng hát khi thì sôi nổi vui tươi, khi thì hờn giận, lại có khi nỉ non ai oán...

   Người ta cho rằng: O Tiu là người nhà Trời, là Thần hát ví. Trời sai O xuống để hát làm vui và dạy hát cho người trần thế, nay Trời lại gọi O về. Dẫu trở lại chốn thiên đường nhưng linh hồn O Tiu vẫn vương vấn, để lại tiếng hát cho nhân gian. Người dân đi chợ hay đi làm về qua dốc Lạnh Mọ-Đá Trồng đều ghé vào thắp nén hương lên mộ O Tiu. Trai gái phía nam Ngàn Hống, mỗi lần tổ chức hát ví giao duyên đều đến động Đá Trồng làm lễ tưởng niệm.

   Lại nói chuyện anh Tìu đang mang nặng nỗi buồn trống vắng khi O Tiu không còn thì chẳng bao lâu, người mẹ già trên tám mươi tuổi cũng về với tổ tiên. Ở nhà một mình nên cứ vào lúc xẩm tối, Tìu lại lên động Đá Trồng nghe tiếng hát rồi lại cất tiếng hát đối đáp, có đêm đến tận gà gáy canh ba mới ra về.

  Và ...rồi một đêm mưa to gió cả, Tìu vẫn đi hát đối đáp với tiếng hát O Tiu nhưng không trở về nhà nữa.

   Mấy ngày sau, trai gái Phổ Minh đi lấy củi thì thấy thi hài anh nằm trên tảng đá mà trước đó O Tiu đã nhắm mắt về trời. Từ đó, huyền thoại O Tiu-Anh Tìu lại được người đời truyền cho nhau rằng: Chuyện tình bắt nguồn từ câu hát rồi cũng đến lúc bi thương nhưng đó cũng kết thúc có hậu. O Tiu biết mình sắp trở về trời nên rủ anh Tìu đi cùng. Anh Tìu sợ mình đi với bạn tình bỏ lại mẹ già mang tội bất hiếu. Cuối cùng, khi mẹ già đã về cõi thọ thì đôi trai gái “ý hợp tâm đầu“ cùng về cõi mơ ước.

    Phải chăng huyền thoại về chuyện hát ví và cả hát giặc từ cái thuở xa xưa ấy tự nhiên đi vào lòng người, đi vào cuộc sống để kết tinh thành Dân ca - một tài sản tinh thần vô giá của cộng đồng, được nhiều thế hệ trao truyền, gìn giữ và phát triển ngày càng phong phú hơn.

   Theo các nhà nghiên cứu Lịch sử và Văn hoá dân gian thì mãi cho đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, loại hình dân ca này vẫn rất phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh “...Với thể thơ văn ngắn nôm nà mộc mạc, sử dụng nhiều thổ ngữ, nhịp hát dồn dập gấp gáp, dằn xuống chắc nịch nghe trầm buồn... đó phải là sản phẩm của một vùng ở xa nơi đô hội, nơi đồng chua nước mặn, cuộc sống con người vất vả nhọc nhằn... Qua tìm hiểu thì xưa kia vùng Hà Hoàng-Bàn Thạch (tức các huyện Thạch Hà và Can Lộc ngày nay) có nhiều nơi hát ví giặm đối đáp. Những vùng này cũng xuất hiện nhiều nghệ nhân hát ví giặm xuất sắc. Riêng địa bàn huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh có ông Ngô Hoát ở Trảo Nhà, bà Cháu Tạo ở Phù Minh, O Uy ở Trường Lưu, bà Hiệt ở Thanh Lương, Ngoec Em ở Thuần Thiện...

    Có một thời, Phù Minh nổi tiếng nhiều người hát ví giặm giỏi. Hàng năm phường cấy Đan Chế (nay thuộc 2 xã Thạch Long, Thạch Sơn huyện Thạch Hà) thường ra cấy và thi hát với làng Phù Minh. Hai bên ngang tài ngang sức, khi được khi thua. Đến một mùa nọ, mấy người hát của Phù Minh vượt hẳn lên, đêm nào phường Đan Chế cũng thua. Tại quê Đan Chế có Cố Ngờn (còn có tên là Cố Nguồn) là nghệ nhân ví giặm nổi tiếng, hát hay và giỏi bẻ chuyện, nhưng vì người có phần xấu xí nên Cố không đi xa mà chỉ hát ở nhà cho vui. Đang bí vì bị thua cuộc, phường phải về quê cầu viện Cố Ngờn. Sợ phường Phù Minh biết sẽ bị chê cười bỏ cuộc hát nên phường Đan Chế đặt Cố ngồi trong cái bồ to đậy nắp, thay nhau gánh ra. Ban ngày họ dấu Cố một nơi, cho ăn uống chu đáo, ban đêm lại dùng võng đưa Cố đi. Từ đó hai bên tiếp tục đua tài “...Ví  cho nát đám cỏ non/ Điếu kia thông nỏ kêu tròn vo vo...”

    Không biết đã bao lần phân định thắng thua trong các cuộc hát nhưng những sinh hoạt văn hoá cộng đồng đó đã tích lũy và để lại cho đời sau những câu ví thấm đẫm tinh quê và tình người nơi thôn dã:

              Rồi mùa tooc rạ rơm khô

   Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm ?

    Đã từ lâu đời, phường củi làng Phù Minh có tục “Đi lượt”. Đi lượt là đi lấy củi tập thể vào dịp trước hoặc sau Tết nguyên đán. Mỗi phường thường có 8 người con trai và 2 người con gái, cử một trai đứng đầu gọi là Đầu lượt, 2 gái gọi là Nàng me. Mỗi thành viên được phường đi cho một chuyến củi (một lượt) Ngày đầu tiên, phường biện lễ vật là cơi trầu, chai rượu dâng hương cúng Sơn thần Ngàn Hống. Nhà nào đến lượt nhận củi thì nhà đó lo cơm nước. Một Nàng me ở lại giúp chủ nhà nấu nướng, một Nàng me theo phường lên núi, xách ấm nước chè xanh cái điều thuốc lào và tiếng hát động viên mọi người. 8 chàng trai say sưa làm việc, họ chặt củi bó thành 9 gánh, trong đó có một gánh của Nàng me. Mỗi người còn chặt một bó nhỏ. Khi xuống đến Cồn Mô nghỉ chân, 8 người góp bó củi nhỏ bó thành một gánh cho Nàng me ở nhà lo cơm nước bây giờ đã đem theo trầu nước chờ sẵn ở đây. Trên đường về, đám con trai đồng thanh hát đoạn giặm ngắn:

     Động Cơn Mai thì dốc

     Động Trộ Đó thì dài

     Ra đến động Hai Vai

     Thậm chừng chi là khỏe

     Chi thậm chừng là khỏe

   Cơm nước xong xuôi, phường củi lại cùng trai gái trong làng tụ tập hát đối đáp đến tận khuya...

  

Mở rộng phạm vi ra cả giải đất Nghệ Tĩnh, từ hát đò đưa, ví phường củi, ví trèo non, ví phường vải, ví phường cấy... rồi hò kéo gỗ, hò kéo lưới ... đến giặm vè, giặm kể, giặm đi đường... sau này còn cả ví giận thương... Qua quá trình sưu tầm nguyên gốc cũng như cải biên, đến nay Dân ca Nghệ Tĩnh đã tập hợp được trên 150 bản phổ nhạc làn điệu, trong đó chủ yếu là thể hát ví và thể hát giặm.

    Hát ví giặm là đứa con tinh thần vô giá sản sinh ra trong lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống đã được tích lũy và giữ gìn qua bao đời, trở thành một “Đặc sản bản địa mang cốt cách và tâm hồn của người dân Xứ Nghệ ...“Song hành với bao thăng trầm lịch sử của quê hương đất nước, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là nguồn lực phi vật chất góp phần cùng dân tộc vượt qua mọi thử thách gian lao trong công cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong thời kỳ chống chiến tranh “leo thang” của giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, bài vè “Thần sấm ngã” (theo lối hát giặm) của Lê Thanh Bính ở xã Thạch Ngọc huyện Thạch Hà ra đời, trở thành một tiết mục hấp dẫn trên sân khấu của các đội văn nghệ quần chúng các xã, huyện và của Đoàn Văn công Hà Tĩnh, góp phần động viên quân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu thắng lợi. Nội dung và nghệ thuật bài vè đậm đà “chất giặm Thạch Hà” là lắm thổ ngữ, hài hước, biểu lộ tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng trước “... Sức mạnh của không lực Huê Kỳ...“:

      Khi tui chưa đánh thằng Mỹ

      Nghe đồn ngược đồn xuôi

      ‘Thần sấm’ Mỹ ra đời

      Bay cho rách nón rách tơi

      Bay cho gạy chọng (gãy giường) bể (vỡ) nổi

      Dừ tui đánh thằng Mỹ rồi

      Tui nghĩ cũng nực cười

      Thần sấm Mỹ ra đời

      Trôốc (đầu) thì nậy (to) hơn đuôi

       Chui đàng mô cũng đạn

       Luột đàng nào cũng đạn ...

   Hát giặm “Thần sấm ngã” đã có sức Lan tỏa trong cả nước và ở nước ngoài với nhiều phần thưởng cao quý.

  Loại hình dân ca trong phong trào văn nghệ quần chúng cũng như nghệ thuật chuyên nghiệp đã sản sinh, nuôi dưỡng và trưởng thành nhiều tài năng xuất chúng như: Sỹ Đường ở Kẻ Nen, Dì Tương ở Ba Giang, O Nhẫn ở Đan Du, Cháu Xanh ở Láng Ngạn...

   Nổi bật giai đoạn gần đây là diễn viên Đoàn Văn công Hà Tĩnh là Trần Đức Duy (1919-?) quê ở Trường Lưu (Can Lộc) và Xuân Năm (?) quê xã Thạch Linh (Thị xã Hà Tĩnh) đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú, Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm xã Kỳ Bắc huyện Kỳ Anh được suy tôn Nghệ nhân nhân dân. Ca sỹ Đinh Thành Lê, quê ở Tùng Ảnh huyện Đức Thọ và Bùi Lê Mận quê ở xã Cương Gián huyện Nghi Xuân đã giành Huy chương vàng phong cách âm nhạc dân gian Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc.

    Với vốn sống và hiểu biết các làn điệu dân ca Xứ Nghệ, chắt lọc và vận dụng sáng tạo những điệu thức đẹp từ loại hình nghệ thuật dân gian này, nhiều nhạc sĩ đã để lại cho đời những bài hát hay về Hà Tĩnh như: “Gái sông La” của Lê Hàm, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. của Nguyễn Văn Tý, “Người con gái sông La” của Doãn Nho, “Hương cau vườn Bác” của Vi Phong, “Mời anh về Hà Tĩnh” của Trần Hoàn, Hà Tĩnh mình thương của An Thuyên...

   Một số tác giả như Mạnh Chiến, Ngọc Thịnh, Quốc Nam... cũng đã sáng tác nhiều ca khúc giàu âm hưởng dân ca.

   Những người làm nghệ thuật sân khấu kịch đã kiên trì thực nghiệm và sáng tạo loại hình Kịch hát dân ca. Một số vở diễn như “Đốm lửa núi Hồng” của Thế Kỷ, “Cô Tám” của Phần Lương Hảo, “Bão táp cửa Kỳ Hoa” của Lưu Quang Vũ-Vi Phong là những chùm hoa đẹp trong vườn hoa Nghệ thuật đậm đà hương sắc.

    Vào lúc 23 giờ 10 phút ngày 27 tháng 11 năm 2014, kỳ họp thứ 9 diễn ra tại Paris Cộng hoà Pháp, Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO đã chính thức công bố quyết định công nhận Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

   Sự góp mặt của Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh làm cho kho tàng văn hoá thế giới thêm phong phú và đa dạng, không chỉ là niềm vinh dự tự hào của người dân Xứ Nghệ mà đang đặt ra cho các nhà hoạt động văn hoá giàu tâm huyết, các cơ quan chức năng và mỗi người dân luôn trân trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn để loại hình văn hoá phi vật thể này đồng hành cùng dân tộc trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển

Đ.N

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  - Vè Giặm Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đổng Chi

  - Dân ca Nghệ Tĩnh của Vi Phong

  - Địa chí huyện Can Lộc

  - Địa chí huyện Thạch Hà

  - Đan Du - vùng quê ví giặm

  - Từ điển Nhân vật Xứ Nghệ.

Bạn đang đọc bài viết "Sự tích Thần hát ví - Huyền thoại về một câu chuyện tình cảm động" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn