Thả phóng sinh một phong tục đẹp

Thân Văn Phương

10/01/2022 10:36

Theo dõi trên

Những ngày đông giá đang bớt dần sự lạnh lẽo. Tờ lịch cuối cùng cũng được gỡ xuống báo hiệu Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần.

Theo phong tục xưa, Tết nguyên đán là một chuỗi ngày bắt đầu từ 23 tháng chạp đến hết Rằm tháng Giêng, trong đó 23 tháng chạp là được gọi là Tết ông Công-ông Táo (Táo Quân), tức là ngày tiễn Táo Quân về trời tấu trình với Ngọc Hoàng chuyện của nhân gian sau một năm. Tục tiễn ông Táo có từ xa xưa được truyền qua ngàn đời cho đến ngày nay là thành phong tục rộng khắp từ nam chí bắc. Ngày tiễn ông Táo về trời có một việc rất đẹp đó là việc thả phóng sinh (cá chép hoặc chim) để làm phương tiện, mang tính nhân văn sâu sắc.  

chim-ca-phong-sinh2-1641785663.jpg
 

 

Ngày 23 tháng chạp hàng năm, khắp trong cả nước nhân dân đều có lễ tiễn Táo Quân về trời bằng cúng đồ ăn, hoa quả, vàng mã và nhất thiết phải có một vài con cá chép hoặc chim nhỏ. Cúng xong, người ta mang cá hoặc chim thả về với thiên nhiên. Tục lệ này được gọi là thả phóng sinh, một mỹ tục đẹp của dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Tục thả phóng sinh có từ bao giờ, do ai sáng tạo và phát triển như thế nào đến nay chưa ai nghiên cứu lý giải, nhưng người xưa đã để lại cho hậu thế một tư tưởng rất nhân văn về góc độ đối xử với thiên nhiên- cái nôi đã sản sinh ra nhân loại. Con người được sinh ra và lớn lên là do thiên nhiên ban tặng, gia đình và xã hội cưu mang, nuôi dưỡng. Khi trưởng thành, mỗi cá nhân đều có bổn phận đền đáp ơn công dưỡng dục của gia đình và xã hội. Nhưng với thiên nhiên, bà mẹ lớn con người thì chẳng ai nhớ đến. Hàng ngày, hàng giờ con người đã, đang lấy đi của mẹ thiên nhiên rất nhiều thứ mà không hề đền đáp.

chim-ca-phong-sinh1-1641785662.jpg
Hai ảnh trên phóng sinh chim, cá

 

Dân số thế giới ngày càng tăng, sức nặng đè lên mẹ đất, mẹ thiên nhiên ngày càng lớn dẫn bởi sự bóc lột thiên nhiên ngày càng khốc liệt nhằm thoả mãn nhu cầu và lòng tham. Sự bóc lột ấy đã đẩy nhân loại phải đối mặt với rất nhiều thảm hoạ tự nhiên mà điển hình nhất là biến đổi khí hậu toàn cầu. Thiên nhiên đã và đang nổi giận bằng những trận bão lụt, động đất, băng tan, nạn đói, dịch bệnh phát sinh.v.v.. xảy ra ở cấp độ khu vực và toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Những hiện tượng đó làm cho nhân loại phải bừng tỉnh, khi nhớ đến rừng thì rừng cơ bản đã trơ trụi. Người ta lại tiếp tục đào bới những gốc hàng trăm năm tuổi sót lại ở những cánh rừng nghèo kiệt mang về làm cây cảnh, làm vườn sinh thái để núi đồi ngày càng xác sơ, trơ trụi. Những gốc cây đó được mang về giâm ủ, tỷ lệ sống rất thấp, vô hình chung lại trở thành đống rác thải ngổn ngang. Ao hồ tự nhiên bị san lấp để ở hoặc làm nơi sản xuất, chỗ ở làm mất chỗ chú ngụ của các loài thủy tộc, mất đi sự đa dạng của môi trường. Trên các dòng sông việc khai thác cát làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, mất đất canh tác, đất thổ cư đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Trên biển người ta vẫn khai thác bằng thuốc nổ, bằng hoá chất, bằng các loại lưới huỷ dệt, nhằm tận thu kiệt cùng tài nguyên, phải dẫn nhau đi đánh bắt xa bờ, rủi ro không phải là hiếm.

Tuy nhiên trong bức tranh màu xám, đó đây cũng nổi lên những điểm sáng về bảo vệ thiên nhiên. Điển hình là đồng bào các dân tộc suốt từ nam chí bắc có những phong tục đẹp về giữ gìn môi sinh, môi trường bằng các lệ tục mở và đóng cửa rừng nhằm khai thác đúng chu kỳ bảo đảm sự cân bằng với thiên nhiên. Có một số nơi có những khu rừng cấm thâm nghiêm, ít người dám vào khai thác vì có những huyền tích che phủ bảo vệ. Những câu chuyện bí ẩn, những hiện tượng rùng rợn đó đã góp phần ngăn chặn sự xâm hại và rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Khi một ai đó bạo gan dám chặt cây ở rừng cấm mà bị phát hiện, thì chặt một phải trồng trả mười và bị phạt theo quy định của làng bản. Tuy nhiên những phong tục, luật tục đó chỉ là những điểm sáng nhỏ nhoi, khó nhân ra diện rộng. Còn từ góc độ thả phóng sinh cho thấy các bậc hiền nhân xa xưa đã giáo dục toàn dân trả nợ thiên nhiên bằng câu chuyện mang màu sắc tâm linh sâu sắc, rất thiết thực, nhà nhà, người người, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia đều có thể thực hiện được. Đây là bài học rất có giá trị về mặt nhận thức. Ngoài dịp dịp Tết Táo Quân 23 tháng chạp, người ta cũng thả phóng sinh vào dịp ngày rằm tháng bảy âm lịch (ngày xá tội vong nhân) và cúng giải nghiệp của những người theo Đạo Mẫu.

Hiện tại, Đảng nhà nước đã có nghị quyết, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và có rất nhiều kiến thức được giảng dạy ở mọi cấp học, ở mọi nơi, mọi lứa tuổi nhưng việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường vẫn là vấn đề hết sức nan giải. Đó đây vẫn nóng lên vấn nạn khai thác rừng, săn bắn động vật hoang dã, săn tìm cá lạ ở biển khơi bằng khí Si-a-nua, mìn, lưới kích điện tiếp tục diễn ra chưa có hồi kết, cho nên rất cần cơ chế chính sách mạnh để bảo vệ.

Nhân loại đang nặng nợ với mẹ thiên nhiên, bên cạnh "Tết trồng cây" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cách đây 62 năm, thì việc thả phóng sinh là phong tục đẹp mọi người, mọi nhà cần làm trong việc đền đáp lại thiên nhiên, mẹ đất. Để mỗi dịp tiễn ông Táo về trời, cả nước sẽ có hàng triệu con chim, hàng chục triệu con cá được thả về với thiên nhiên là phần bù đắp không nhỏ cho tự nhiên đang có phần nghèo kiệt. Các nhà khoa học đã cảnh báo lấy của thiên nhiên ở hiện tại, thì các thế hệ con cháu phải trả nợ, cứ tiếp tục lấy thì sự diệt vong của nhân loại sẽ chỉ còn là thời gian. Nhân dịp ngày tiễn Táo Quân về trời, mọi người, mọi nhà hãy chung tay bù đắp lại cho thiên nhiên và môi trường sống. Việc tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong thực hiện "Vì môi trường xanh-sạch-đẹp". Thả phóng sinh một phong tục đẹp cần gìn giữ và phát huy.

Bạn đang đọc bài viết "Thả phóng sinh một phong tục đẹp" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn