Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 26)

PGS TS Cao Văn Liên

04/10/2022 06:17

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 26.

XII-VAI TRÒ CỦA THỦY QUÂN VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

Thủy quân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc

Tổ quốc lâm nguy, Ngô Quyền đứng ra lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến cứu nước. Khi quân Nam Hán còn ở ngoài biên giới, được quân sĩ và nhân dân ủng hộ, Ngô Quyền kéo quân từ Châu Ái (Thanh Hoá) ra Bắc vây đánh thành Đại La, tiêu diệt tên phản bội Kiều Công Tiễn và gấp rút bước vào tổ chức kháng chiến. Nắm vững đường tiến quân của địch chủ yếu từ mặt biển tiến vào, Ngô Quyền huy động quân dân đẽo cọc, đầu bịt sắt nhọn cắm xuống lòng sông Bạch Đằng ở nơi hiểm yếu nhất gần cửa biển, làm thành một trận địa ngầm. Sau đó Ngô Quyền cho thuỷ quân và lục quân mai phục trong trận địa, chờ thuỷ quân giặc tới.

bach-dang-2-1-1664799392.jpg
Tranh minh họa Chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Quân ta chuẩn bị vừa xong thì thuỷ quân giặc vừa kéo tới. Lưu Hoàng Thao đem thuỷ quân ào ạt tiến  vào sông. Cửa sông Bạch Đằng, khi đó nước thuỷ triều đang lên ngập hết bãi cọc, gió thổi mạnh. Ngô Quyền dùng một đội chiến thuyền nhẹ ra khiêu chiến, dụ thủy quân địch từ Vịnh Hạ Long vào sông Bạch Đằng. Đang giao chiến thì thuỷ quân ta vờ thua chạy. Tên tướng trẻ Lưu Hoằng Thao kiêu ngạo mắc mưu thúc đại đội binh thuyền đuổi theo và thế là toàn chiến thuyền địch qua hết vào trong trận địa ngầm của quân ta. Quân ta cầm cự với quân giặc chờ thời cơ. Khi thuỷ triều rút xuống mạnh, Ngô Quyền hạ lệnh cho thuỷ binh và bộ binh mai phục hai bên ào ạt đổ ra đánh, đồng thời thuỷ binh ta cũng quay đánh quật lại. Cả hai bên bị đánh dữ dội, mãnh liệt, thuỷ quân địch tan rã tháo chạy, ra đến gần biển chiến thuyền địch đụng phải cọc nhọn bị vỡ, bị đắm rất nhiều. Bị bãi cọc ngăn lại, chiến thuyền quân Nam Hán không thoát ra biển được, bị các bè hỏa công của Ngô Quyền thiêu đốt. Quân giặc bị chết đuối, bị quân ta giết không biết bao nhiêu mà kể. Tướng giặc là Lưu Hoàng Thao bỏ mạng trong trận hỏa công thuỷ chiến ác liệt đó. Thế là đạo thuỷ binh chủ lực xâm lược của quân Nam Hán bị tiêu diệt toàn bộ trong khoảng thời gian không đầy một ngày. Vua Nam Hán đang đem quân cứu viện cho con,  nghe tin đạo thuỷ quân đã bị tiêu diệt, Lưu Hoàng Thao đã bỏ mạng rất hoảng sợ vội thu tàn quân rút chạy về nước.

Trận thủy chiến Bạch Đằng là trận thắng rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh vũ trang giải phóng  của quân và dân ta kể từ trước cho đến lúc đó. Đó là chiến dịch mà vinh quang thuộc về toàn dân lấy lực lượng thủy quân làm nòng cốt. Đó là biểu hiện tài năng quân sự tuyệt diệu của dân tộc ta nói chung và về thủy chiến nói riêng mà Ngô Quyền là người tiêu biểu.

Ngô Quyền là một nhà chiến lược tài giỏi, sáng suốt, ông đã nhìn  thấy tầm quan trọng của hậu phương đối với cuộc chiến đấu sắp tới. Cho nên trước khi bước vào cuộc đọ sức với kẻ thù ông phải ổn định, củng cố tình hình trong nước, củng cố vững chắc nền chính trị, tinh thần của hậu phương. Từ Châu Ái kéo ra, ông đã gấp rút hạ thành Đại La để tiêu diệt Kiều Công Tiễn và các thế lực phản bội. Ngô Quyền hiểu rằng nếu để cho quân xâm lược tiến vào và cấu kết được với thế lực của Kiều Công Tiễn thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho cuộc kháng chiến, quân đội của ông phải chống với hai lực lượng quân sự có lực lượng gấp bội thì kháng chiến có thể bị thất bại hoặc có thắng được cũng phải qua quá trình chiến tranh phức tạp, lâu dài. Trong trường hợp Ngô Quyền đem quân ra đánh tan quân xâm lược rồi về tiêu diệt thế lực phản bội sau thì lại càng nguy hiểm vì như thế hậu phương sẽ không vững chắc, quân đội của ông sẽ bị quân thù xâm lược đánh mặt trước, kẻ phản bội đánh mặt sau. Cho nên việc Ngô Quyền gấp rút tiêu diệt thế lực Kiều Công Tiễn trước khi bước vào chiến đấu có tác dụng chính trị, quân sự rất lớn, củng cố tinh thần quân dân, củng cố hậu phương vững chắc, quyết định thành bại của cuộc chiến đấu sắp tới.

Trong khi nhận định phân tích tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, Ngô Quyền đánh giá rất đúng. Đây là nguyên tắc hầu như bất di bất dịch đối với bất cứ một nhà chiến lược nào. Từ sự phân tích đánh giá đúng đắn tương quan lực lượng giữa ta và địch mới đưa đến đường lối chiến tranh, kế hoạch tác chiến đúng đắn. Sự đánh giá sai lầm tương quan lực lượng, tự cho rằng ta mạnh hơn địch hoặc địch mạnh hơn ta đều dẫn đến sai lầm trong chỉ đạo chiến tranh và nhất định nhà chiến lược đó phải thất bại. Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng, đó là câu châm ngôn cửa miệng của các danh tướng vĩ đại và là một chân lý trong lịch sử chiến tranh. Sau khi đã nắm chắc kế hoạch xâm lược của quân Nam Hán và khi được tin thủy binh giặc sắp tràn vào, Ngô Quyền bảo với các tướng rằng: "Hoàng Thao là một đứa trẻ dại đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía rồi. Quân ta sức mạnh, đối địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Song họ có lợi về thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn ngầm đóng ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự, không kế gì hơn kế ấy cả"[1].

Đấy là lời nhận định chính xác tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch và là phương châm chỉ đạo chiến dịch, kế hoạch tác chiến. Ngô Quyền đã nhìn thấy chỗ yếu cơ bản của địch là từ căn cứ xuất phát đến chiến trường tác chiến quá xa và như vậy thì đội quân viễn chinh  không có hậu phương gần gũi, việc tiếp tế lương thực, vũ trang khó khăn, quân đội trước khi bước vào chiến đấu đã mỏi mệt. Hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Xa hậu phương thì một đội quân dù hùng mạnh bao nhiêu cũng không thể khắc phục được những khó khăn do quá trình chiến dịch đẻ ra và sẽ dẫn đến thất bại. Những tướng soái lỗi lạc nhất cũng đã từng chôn vùi danh tiếng vì đem quân vào vùng chiến trường cách biệt với hậu cứ. Đó cũng là chỗ yếu cơ bản nhất của quân Nam Hán, và chỗ yếu đó chúng không thể nào khắc phục được. Để khắc phục chỗ yếu đó, quân địch định tiến nhanh vào nước ta hội quân với bè lũ phản bội Kiều Công Tiễn. Nhưng việc Kiều Công Tiễn bị giết đã làm cho quân Nam Hán mất chỗ dựa và do đó càng mất ưu thế. Việc tiêu diệt Kiều Công Tiễn trước khi bước vào chiến tranh của Ngô Quyền không những tạo ưu thế chính trị, quân sự cho quân ta mà còn có tác dụng lớn về quân sự là ở chỗ đó.

Ngô Quyền cũng đã đánh giá chỗ mạnh của địch, đó là ưu thế về quân số và hùng mạnh về thủy quân. Hiện nay không có một nguồn tài liệu nào cho ta biết chính xác vua Nam Hán đã dùng bao nhiêu vạn quân trong cuộc xâm lược năm 938. Theo Lê Văn Hưu một sử gia nổi tiếng đời Trần thì riêng số thủy quân của Lưu Hoàng Thao cũng đã có trăm vạn, đó là chưa kể số quân bộ do vua Nam Hán tự chỉ huy đang ở Hải Môn (Bạc Trạch - Quảng Đông) chuẩn bị vượt biên giới tràn vào. Tuy không rõ cụ thể quân số nhưng trong cuộc chiến tranh này rõ ràng quân địch vượt xa quân ta về số lượng. Nhưng đó là chỗ mạnh không cơ bản, không lâu dài và ưu thế đó có thể bị mất nếu đối phương có đường lối chiến tranh đúng đắn.

(Còn nữa)

CVL

---------------

[1] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư dẫn theo Lịch sử Việt Nam tập 1, trang 140-141.

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 26)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn