Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (Kỳ 8): NHỮNG CHUYỆN BI HÀI QUA LỜI KỂ CỦA QUẢN GIÁO TÙ BINH PHI CÔNG MỸ

Đặng Vương Hưng

13/01/2022 14:42

Theo dõi trên

Tháng 3 năm 1971, anh em bảo vệ Trại Hỏa Lò phát hiện hàng ngày vào khoảng 10 giờ sáng, có hai tù binh ở nhà giam phía đường Quán Sứ và Hai Bà Trưng cùng vào nhà vệ sinh, và ở trong đó lâu khoảng một tiếng đồng hồ. Chúng tôi kiểm tra hồ sơ tự khai, hai tù binh này đều tốt nghiệp đại học ngành thông tin liên lạc.

Trại trưởng liền ra lệnh khám phòng (có trên 40 tù binh ở phòng này). Chúng tôi phát hiện dây mắc màn bằng dây thép đã được cách điện với tường. Chúng tôi gọi hai tù binh có biểu hiện không bình thường kia lên chất vấn. Họ khai đang lắp máy bộ đàm để liên hệ với bên ngoài. Hỏi linh kiện lấy đâu ra? Họ khai: Hải quân Mỹ gửi linh kiện bằng cách nhét vào hộp thuốc đánh răng, quả táo, bánh xà phòng. (Thực hiện chính sách nhân đạo, Chính phủ ta cho Phi công Mỹ nhận quà từ gia đình).

chuydvh1e-1642059442.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Sau việc này, toàn bộ quà gửi cho Phi công Mỹ được kiểm tra rất kỹ. Qua kiểm tra này, chúng tôi đã lấy được tài liệu của Mỹ gửi cho Phi công giam giữ ở đây về vụ tổ chức cướp Phi công Mỹ ở Sơn Tây được nhét vào ruột quả táo khô (ta thường gọi là táo tầu). Tài liệu viết trên tờ giấy ni lông rất mỏng khổ rộng 4 cm, dài 50 cm, chữ nhỏ phải dùng kính lúp mới đọc được. Một câu hỏi đặt ra: Tù binh Phi công Mỹ sẽ đọc bằng cách nào? Họ khai: Lọ nhựa đựng thuốc vitamin Hải quân Mỹ lấy danh nghĩa gia đình gửi cho Phi công Mỹ có đáy là hình cầu lõm, dùng thay kính lúp đọc rất rõ.

Thời điểm ấy, tôi là Tổ phó Quản giáo đã được giao nhiệm vụ dịch bản tài liệu này. Bản dịch dài tới 5 trang viết tay loại giấy trang kẻ ngang. Tôi còn nhớ có mấy chi tiết như sau: Phía Mỹ cho biết họ có điệp viên là người địa phương, nắm chắc tình hình trại giam, vẽ sơ đồ gửi cho Mỹ. Họ cũng công nhận, vì hoạt động ở trại giam Sơn Tây không thấy có gì thay đổi, vẫn có kẻng báo thức hàng sáng, thấy bộ đội tập thể dục, tối có kẻng báo đi ngủ… Thực ra, trước đó một tháng, toàn bộ số Phi công giam giữ ở đây đã chuyển về trại giam ở Nhổn. Cơ sở ở Sơn Tây giao cho một đơn vị bộ đội quản lý. Để giữ bí mật, ngày chuyển tù binh Phi công Mỹ đi, ta đã thực hiện nghi binh: Cứ chuyển đi một xe lại có một xe ô tô giống như vậy chuyển bộ đội đến. Nên trại giam không có gì khác lạ, không ai phát hiện được việc chuyển tù Phi công Mỹ đi khỏi trại giam Sơn Tây…

chuydvh2e-1642059670.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhân đây, xin được kể một một vài chuyện còn ít biết về những tù binh đặc biệt này:

Họ được học hành, đào tạo, huấn luyện rất đặc biệt với nhiều kỹ năng. Khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam, Phi công Mỹ còn được học cả cách mở khóa, phá cửa và những kỹ thuật biệt kích phá hoại. Có tù binh đã nói với tôi, trốn ra khỏi trại giam các ông không khó, nhưng trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam là không thể, vì hình dáng người Việt khác người Mỹ và nhân dân các ông có ý thức cảnh giác cao, tin tưởng ở chính quyền. Thực tế cũng có mấy lần chúng trốn khỏi trại nhưng lại bị bắt lại ngay.

Ngay việc chuyển Phi công Mỹ đi giam ở Cao Bằng, chúng tôi phải thực hiện nghi binh: Xuất phát ở Hỏa Lò từ 11 giờ đêm, xuống Hà Đông, rẽ Nhổn, về Yên Phụ, lên cầu Thăng Long, đi Thái Nguyên, sang Bắc Cạn, đi Thất Khê, Đông Khê (Cao Bằng) và rẽ vào trại giam ở sườn núi thuộc địa phận bản Bó Dường, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

chuydvh3-1642059746.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bây giờ từ Hà Nội đi Cao Bằng chỉ trong một ngày. Nhưng hồi đó, đoàn xe chúng tôi phải đi suốt hai đêm một ngày mới tới. Để đảm bảo an toàn, lo ngại tù binh trốn dọc đường, chúng tôi phân công bảo về ngồi cùng và kèm chặt. Đến Bắc Cạn, xe dừng, tôi lên kiểm tra thì cả mấy đồng chí bảo vệ và tù binh cùng nằm ngủ ngon lành trên xe. Tất nhiên, trên đường đoàn xe chúng tôi đi qua đều có sự hiệp tác bảo vệ của các đơn vị tại chỗ. Điều ngạc nhiên, là ngay sáng hôm sau, tôi vào phòng giam, một tù binh đã nói với tôi: Đây là biên giới Việt Trung! Tôi hỏi tại sao biết? Anh ta chỉ vào cây rừng trước cửa và nói chỉ ở biên giới Việt Trung mới có loại cây này.

Chuyện báo chí Mỹ nói tù binh Phi công Mỹ bị bộ đội Bắc Việt bắt lao động khổ sai, đã lợi dụng việc đập gạch vỡ rồi xếp chữ SOS để báo với máy bay trinh thám của Mỹ. Không biết thực hư thế nào? Vì trong các trại giam tôi biết, thì không có chuyện bắt tù lao động. Nhưng việc họ lợi dụng viết thư để thông tin về nước là có và rất phổ biến. Do vậy, chúng tôi phải tổ chức kiểm duyệt.

Một lần tôi kiểm tra một lá thư gửi về gia đình, một tù binh đã viết như sau: Khi con được về nhà, con sẽ lấy vợ. Bố mẹ mua sẵn cho con một ngôi nhà. Con thích có một ngôi nhà nằm trên một sườn núi, hướng trông ra một cánh đồng và trên cánh đồng đó có một cái làng... Tôi nghĩ ngay, người tù binh này đã ngầm thông báo Trại giam ở Bó Dường, Cao Bằng. Ngay cái tên “Khách sạn Hilton” là họ tự đặt cho Trại Hỏa Lò, khi viết trong thư gửi về nhà.

Thời gian cuối năm 1971 đầu năm 1972, cấp trên cho rằng dân Mỹ ăn bánh mỳ sao không cho Phi công Mỹ ăn bánh mỳ lại cho họ ăn cơm. Trại chúng tôi liền tổ chức cho tù binh ăn bánh mỳ. Họ rất thích, nhưng lại có tù binh lấy cớ chống lại. Xin kể một chuyện. Tù binh Phi công có tên là Morgan (tiếng Việt chúng tôi đặt là “Gàn” - Ở trại giam, để anh em bảo vệ dễ nhớ, dễ gọi, mỗi Phi công Mỹ được đặt một tên Việt. John McCain, sau là Thượng nghị sỹ Mỹ, gọi là “Cài”. Morgan là Đại úy, anh ta thường khoe là Phi công bị bắt thứ 6 tại Hải Phòng. Sau khi ăn bánh mỳ được một tháng, anh ta lâm bệnh và giảm cân nhanh. Chúng tôi đưa đến bệnh viện. Các bác sỹ bệnh ở viện 108 và 354 đều không tìm không ra nguyên nhân. Có lần tôi được trực tiếp vào phòng chiếu X quang, nhìn màn hình không thấy có biểu hiện gì. Lần đó, bác sỹ quân y viện 354 nói với tôi khả năng tù binh này bị phản ứng thức ăn. Anh ta được điều trị và ăn uống theo chế độ đặc biệt. Sau này, tù binh này đã khai được tên cầm đầu giao nhiệm vụ, mỗi lần ăn bánh mỳ xong lấy tay móc họng cho nôn ra, rồi ăn lại. Không ngờ hành động đó tạo thói quen phản xạ. Mỗi lần ăn xong, tên này nôn ra bát và rồi lại xúc thức ăn vừa mới đó ăn lại thì mới được. Nhiều đồng chí của ta nhìn thấy là thấy lợm giọng. Tham gia vụ này, “Cài” đã cạo đầu theo phong cách “một mất một còn” - Cạo trọc một nửa đầu, một nửa để tóc dài.

Cuối năm 1971, Hà Nội có dịch đau mắt đỏ, Ban chỉ huy Trại tổ chức tiêm phòng cho tù binh. Không hiểu tại sao, có một phòng gần 40 tù binh đã bị đau mắt đỏ đồng loạt ngay sáng hôm sau. Họ la ó, phản đối dữ dội. Chúng tôi phải nhờ các bác sỹ quân y viện đến kiểm tra và chữa trực tiếp, mới qua được đợt dịch này.

Kể thêm về anh “Cài”

Về chuyện tù binh “Cài” - John McCain thì mọi người đều đã rõ. Anh ta là con trai của Đô đốc Hải quân Mỹ Robert McCain, bị bắt ở hồ Trúc Bạch. Khi bị bắt McCain bị thương ở chân rất nặng, mất nhiều máu. Các bác quân y viện 108 đã tập trung cứu sống, sau này chữa không phải cưa chân (vì chân bị dập nát xương) và các năm sau chữa đi được. Có người bạn hỏi tôi, nếu ông gặp lại John McCain ông sẽ nói với ông ta điều gì? Tôi nói, những hoạt động của John McCain thời gian qua nói lên sự nhận thức của ông ta về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nếu có gặp lại, tôi sẽ khuyên ông ta tìm gặp các bác sỹ quân y đã cứu sống và tìm cách giữ cho ông ấy cái chân trong điều kiện khó khăn của bệnh viện 108 nói riêng và Việt Nam nói chung. Nếu có thể ông nên có đóng góp gì đó hữu ích cho bệnh viện quân y 108.

Có lần tôi hỏi “Cài” là tại sao tham chiến ở Việt Nam. Ông ta trả lời rất đơn giản là sang Việt Nam được lương cao, và vì ông ta là quân nhân nên phải theo lệnh của cấp trên. Ông ta giải thích quân đội Mỹ thường gọi là “G’I” (government issue) nghĩa là đội quân theo lệnh của Chính phủ, nên Chính phủ Mỹ bảo đi đâu phải thực hiện. Ông ta còn nói, khi còn là học sinh, sinh viên có tham gia Câu lạc bộ Hàng không, nên khi có động viên sang Việt Nam được lương cao ông ta đã đăng ký tham gia. Tôi hỏi: Bố anh là Đô đốc Hải quân, anh có theo nghiệp bố không? “Cài” trả lời: Tôi khác quan điểm với ông ấy. Tôi thích làm chính trị. Nếu tôi không sang Việt Nam tôi sẽ phấn đấu là Thượng nghị sỹ.

Có một chuyện vui, một buổi sáng vào nhà giam kiểm tra, khi đi qua phòng giam tôi thấy “Cài” đang tập thể dục. Thấy tôi, “Cài” nói “Blinky” - phó nháy (tôi có tật nháy mắt). Thấy thái độ như vậy, tôi nói bảo vệ không cho ra ngoài. “Cài” gào to: “Báo cáo Trại trưởng”! Đồng chí Tổ trưởng Quản giáo hỏi tôi tại sao anh ta phản ứng vậy? Tôi báo cáo sự việc. Quản giáo cho dẫn “Cài” lên phòng hỏi cung. Vừa gặp tôi, anh ta đã nhận có sai và thanh minh là đùa, xin được gặp tôi để xin lỗi. Khi gặp lại tôi, “Cài” đã xin lỗi và thanh minh: Thấy ông hiền, tử tế nên tôi mới nói đùa…

Làm công tác quản lý Phi công Mỹ, chúng tôi thường nhắc nhau phải qua hành động thực tế để cảm hóa họ. Khi nói chúng ta có 4.000 năm lịch sử, bọn họ không tin. Chúng cho rằng nước Mỹ mới có 200 năm mà giầu có như vậy, Việt Nam có 4.000 năm tại sao lại nghèo? Trại bố trí cho họ đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mắt thấy tai nghe, nên họ tin ngay.

Một lần, một tù binh chửi tục, bị phạt giam riêng, nhưng vẫn hưởng mọi chế độ. Một buổi sáng tôi vào phòng giam đó. Anh ta kể: Ông bảo vệ hôm qua mang cho tôi 6 điếu thuốc lá. Sau đó, ông ấy về vị trí trực. Tôi phát hiện ông ấy cũng nghiện thuốc nặng, đã phải lấy mẩu thuốc cũ trong túi của mình ra châm lửa hút. Tôi rất khâm phục ông ấy. Tôi là người đang bị kỷ luật mà ông ấy vẫn đối xử với tôi như vậy. Ông có quyền, nhưng đã không bớt tiêu chuẩn thuốc hút của tôi.

Tù binh Phi công Mỹ khi được ta tin tưởng nhờ làm gì là họ cũng thích. Khi ở trại giam Bó Dường, tôi giao cho một phòng giam tìm các từ đồng nghĩa tiếng Anh (thời kỳ đó tài liệu tiếng Anh khan hiếm lắm). Chỉ 20 ngày họ làm xong một quyển rất hay. Quyển này, sau này khi về học ở Mai Dịch chuẩn bị vào Tân Sơn Nhất, tôi đưa cho anh Đoàn Huyên.

“Tài sản đặc biệt” đã bị tiêu hủy

Xin kể một chuyện vui nữa: Khi bị bắt, đưa đến trại giam, Phi công Mỹ có tài sản gì trong người đều được ta lập biên bản và giữ lại để khi trao trả thì bàn giao lại. Có một tù binh Phi công Mỹ khi dẫn giải đến trại giam, trong tư trang anh ta có một món tài sản khá đặc biệt, đó là một… túm lông nhỏ (không hiểu để làm gì), nhưng theo quy định, ta cũng phải lập biên bản coi như “tài sản riêng” và phải lưu giữ.

Vậy là, mỗi khi người tù binh kể trên chuyển đi trại giam nào, thì cán bộ quản lý cũng phải bàn giao “túm lông tài sản” đó theo. Mãi sau này, cấp trên cử bác Xuân Oanh từ bên ngoại giao (năm ấy bác là Người phát ngôn báo chí của đoàn ta tại hội nghị Paris) sang làm Trại phó. Bác Oanh thấy vậy, liền cho hướng xử lý: Mời người tù binh kia lên giải thích về sự phiền toái, rắc rồi… Anh ta đồng ý hủy, chúng tôi liền cho lập biên bản và hủy “tang vật” trước chứng kiến của chủ nhân túm lông kỳ quặc nọ.

Trong gói quà gia đình gửi cho tù binh thường có cả ảnh gia đình, thậm chí còn có ảnh vợ, bạn gái chụp khỏa thân gửi cho… Lúc đầu, chúng tôi thấy ảnh khỏa thân, trông rất chướng mắt, nên không cho tù binh nhận. Thấy vậy, bác Xuân Oanh tham gia ý kiến là: Văn hóa Mỹ và Phương Tây coi ảnh khỏa thân là bình thường trong cuộc sống của họ. Ta cứ cho tù binh nhận ảnh khỏa thân, để họ nhớ vợ, nhớ người yêu, nhớ nhà mà đấu tranh với Chính phủ Mỹ và phản chiến mạnh hơn.

Nhiều năm đã trôi qua, chúng tôi rất tiếc là không có điều kiện tổ chức được các buổi gặp mặt truyền thống của các Cựu cán bộ những Trại giam tù binh Phi công Mỹ hồi đó…

Hé lộ về một trại tù binh Mỹ tại Đà Nẵng, trong chiến tranh Việt Nam

Theo hồi tưởng của Zalin Grant - Một cựu phóng viên của tờ Time, từng tình nguyện phục vụ như một sĩ quan quân đội Mỹ tại Việt Nam (lược dịch - ĐVH):

Khoảng những năm 1968 - 1971, đã có một Trại tù binh Mỹ được lập ở sâu trong một cánh rừng phía tây của Đà Nẵng. Trại này nằm dưới những tán lá rừng rậm rạp, nơi ánh sáng mặt trời khó xuyên thủng, với những cành cây và dây leo đan chồng lên nhau. Trại tù binh này không đèn điện, không có tháp canh và cũng không có giây thép gai bao quanh. Phòng giam tù binh chỉ là những túp lều tranh, giường ngủ bằng sạp tre, được làm đơn giản như nơi ở của người dân tộc Tây Nguyên trong chiến tranh. Những người lính Việt Cộng rất giỏi chịu đựng gian khổ, thiếu thốn và hy sinh. Nhưng với những người Âu – Mỹ thì điều kiện sinh hoạt nơi đây thật là tồi tệ đến kinh dị, vì không khí luôn ẩm thấp, bùn lầy và còn bị côn trùng rắn rết tấn công.

Lúc cao điểm nhất, trại này có 32 tù binh. Nhưng 12 người trong số họ đã chết vì nhiều lý do: bệnh tật, đói ăn và cả vì bom đạn của quân đội Mỹ trút xuống. Suốt một thời gian dài, 18 tù binh Mỹ phải đi chân trần với dép cao su. Không được cấp đủ gạo và lương thực thường xuyên, để cứu đói, họ phải tự đi lao động thu hoạch khoai mỳ trên rẫy về làm thức ăn. Họ sống trong nguy hiểm rình rập đêm ngày, vì liên tục bị ném bom bởi lực lượng Không quân Mỹ và Không quân Sài Gòn. Một người Mỹ phản chiến được trang bị một khẩu súng trường Marine Bob Garwood đã làm “quản giáo” giúp Việt Cộng giam giữ những tù binh nơi đây.

Tháng 4 năm 1968, các tù binh ở trại giam phía Tây Đà Nẵng này đã tổ chức một kế hoạch chạy trốn, nhân một lần được cử đi thu hoạch khoai mỳ, mà chỉ có một bảo vệ giám sát. Nhưng tất cả đều bị bắt lại, khi họ lạc vào một buôn người Thượng mà không tìm được lối ra.

Về sau, chỉ có một tù binh trốn trại và đào thoát thành công. Thêm 5 người trong số họ may mắn được Việt Cộng trả tự do vì mục đích tuyên truyền. Số tù binh còn lại phải đến sau Hiệp định Paris mới được trao trả hết cho Mỹ tại Lộc Ninh năm 1973.

Riêng năm 1971, còn có một nữ tù binh hiếm hoi thuộc lực lượng Quân y, người Mỹ gốc Đức, được yêu cầu gửi ra Hà Nội cùng một tù binh gốc Đức nữa, theo đường mòn Hồ Chí Minh...

(Còn nữa)

Đ.V.H

_________

Với đề tài độc đáo, tư liệu phong phú và cách viết hấp dẫn, “Phi công Mỹ ở Việt Nam” là một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất của Nhà văn Đặng Vương Hưng. Nếu bạn muốn sở hữu, hoặc làm quà tặng cho người thân, chỉ cần để lại tin nhắn, hoặc ĐT- Zalo: 0913 210 520, bản sách có lưu bút và chữ ký mực tươi của Nhà văn sẽ được chuyển phát theo đường bưu điện đến tận địa chỉ nhà riêng của người nhận. Giá lẻ: 200.000 đ/cuốn (kể cả cước phí).