Kỷ niệm 50 năm Ngày mở màn Chiến dịch Nguyễn Huệ (1/4/1972-1/4/2022): Trang sử hào hùng của chiến trường miền Đông Nam Bộ

Phương Nam/TTXVN (tổng hợp)

01/04/2022 09:56

Theo dõi trên

Cách đây 50 năm, ngày 1/4/1972, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Miền, quân và dân trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đã mở Chiến dịch Nguyễn Huệ (từ ngày 1/4/1972 đến 19/1/1973).

Đây là một trong những trang sử hào hùng của chiến trường miền Đông gian lao mà anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.

Chú thích ảnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khắc phục địa hình, đưa xe tăng tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ảnh tư liệu.

Chiến dịch Nguyễn Huệ - mốc son trên chiến trường miền Đông Nam Bộ

Sau một thời gian dài triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đặc biệt là âm mưu “bình định” miền Nam, quân địch đã đánh chiếm được phần lớn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Trị-Thiên, đẩy chủ lực của ta sang bên kia biên giới, kìm kẹp chính quyền cơ sở, khiến bộ đội địa phương và dân quân du kích không phát triển được. Với việc giành những lợi thế nhất định trên chiến trường, quân địch chủ quan nhận định: chương trình bình định đã giành thắng lợi, đối phương đang bị vây hãm và rơi vào thế bị động. Từ đó, chúng đưa ra chủ trương chiến lược cho những năm tiếp theo là tiếp tục rút quân Mỹ khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam và tăng cường quân ngụy, đẩy mạnh thực hiện chương trình bình định, quét sạch căn cứ “lõm” của ta và kiểm soát hoàn toàn miền Nam.

Về phía ta, phát huy thắng lợi năm 1971 và để giành lại thế chủ động trên chiến trường, tạo bước chuyển biến cơ bản, tiến tới thay đổi cục diện chiến tranh, tháng 8/1971, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam Bộ, Trị-Thiên và Tây Nguyên, nhằm hình thành một cuộc tổng tiến công trên toàn Miền để tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài.

Thực hiện chủ trương trên, Quân ủy, Bộ tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Nguyễn Huệ trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, do Trung tướng Trần Văn Trà làm Tư lệnh. Chiến dịch Nguyễn Huệ chọn đường số 13 là hướng tiến công chủ yếu, nhằm tiêu diệt hệ thống tổ chức phòng thủ của địch ở phía Bắc Sài Gòn, giải phóng hai tỉnh Bình Long, Phước Long và phần phía Bắc tỉnh Tây Ninh, tạo thế uy hiếp Sài Gòn.

Thực hiện quyết tâm đánh lớn, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã huy động một lực lượng lớn, bao gồm 3 sư đoàn chủ lực (5, 7, 9); 3 trung đoàn bộ binh độc lập (24, 71, 205); 3 trung đoàn bộ binh địa phương (4, 16, 33); Trung đoàn đặc công 429; Trung đoàn 42 và Tiểu đoàn 28 (thuộc Đoàn pháo binh 75); 2 tiểu đoàn xe tăng và xe bọc thép; 4 tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy cao xạ. Đây là lần đầu tiên trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến trường Nam Bộ tiến hành một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô tương đương cấp quân đoàn tăng cường.

Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra theo 3 đợt: Đợt 1 (từ ngày 1/4 đến 15/5/1972), ta tiến công trên hướng thứ yếu nhằm nghi binh, thu hút địch, diệt cụm cứ điểm Xa Mát, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu đánh trận then chốt tiêu diệt Chi khu quân sự Lộc Ninh (từ ngày 5 đến 7/4/1972); tiếp đó, ta tiến công thị xã Bình Long hai lần (từ ngày 13 đến 15/4 và ngày 11 đến 15/5) nhưng không thành công. Đợt 2 (từ ngày 16/5 đến 10/9/1972), ta bao vây, cô lập Bình Long, chốt chặn trên Đường 13, đánh bại địch hành quân giải tỏa, bảo vệ an toàn căn cứ, tuyến hành lang và vùng giải phóng. Đợt 3 (từ ngày 1/10/1972 đến 19/1/1973), kìm giữ địch ở đường 13, đánh phá bình định ở bắc Bình Dương, diệt và bức rút hàng chục đồn, bốt bảo an, dân vệ, làm chủ 28 xã; đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của địch ở Rạch Bắp-Dầu Tiếng.

Trải qua hơn 10 tháng chiến đấu liên tục, ngày 19/1/1973, Chiến dịch Nguyễn Huệ kết thúc thắng lợi. Với thắng lợi này, lần đầu tiên ta giải phóng một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu, trực tiếp uy hiếp Sài Gòn từ phía Tây Bắc. Thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ góp phần phục vụ đắc lực cho đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống phá bình định ở Đồng bằng sông Cửu Long giành thắng lợi. Việc ta giải phóng một địa bàn chiến lược tiếp giáp Sài Gòn cùng với một số vùng dân cư được giải phóng sau nhiều năm dưới ách kìm kẹp của kẻ thù thực sự tạo ra lợi thế mới góp phần làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, đẩy nhanh chính quyền và quân đội tay sai vào thế suy sụp hoàn toàn.

Đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật chiến dịch

Chú thích ảnh Ngày 1/4/1972, tổ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đi theo đơn vị C30B đưa tin chiến thắng trận mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ tại đồn Xa Mát-Thiện Ngôn. Trong ảnh: TTXGP phát tin chiến thắng về cơ quan. Ảnh: TTXVN

Những thắng lợi giành được trong Chiến dịch Nguyễn Huệ không chỉ làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế đứng chân vững chắc cho bộ đội chủ lực Miền, mà còn góp phần không nhỏ trong Cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch của bộ đội chủ lực Miền. Trong đó, nổi bật là nghệ thuật nghi binh, tạo thế khi mở màn chiến dịch. Do chọn khu vực, mục tiêu, hướng tiến công chủ yếu chính xác, sử dụng cách đánh phù hợp, khéo nghi binh, tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ nên ngay từ đầu ta đã triển khai lực lượng xen kẽ với địch trên chiều dài gần 70 km từ biên giới đến Bắc Chơn Thành, hình thành thế chia cắt địch. Việc hướng thứ yếu nổ súng trước đã tạo điều kiện đưa lực lượng ở hướng chủ yếu vào triển khai, làm cho địch hoàn toàn bất ngờ. Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn, ta đã đánh tan rã 3 chiến đoàn địch.

Thành công về nghệ thuật chiến dịch của Chiến dịch Nguyễn Huệ còn thể hiện qua việc vận dụng chiến thuật từ tiến công chuyển sang phòng ngự. Trong phòng ngự Tàu Ô, bộ đội ta đã sáng tạo được lối đánh mới, kết hợp chặt chẽ giữa phòng giữ tại chỗ và cơ động tiến công, phản kích địch, đánh vào bên sườn, phía sau lưng đội hình tiến công của địch bằng nhiều lực lượng. Nhờ vậy, dù kẻ địch có ưu thế hơn ta nhưng vẫn không vượt qua được trận địa chốt chặn, phải bỏ dở các cuộc tiến công giải tỏa đường 13.

Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ là kết quả sự vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và nghệ thuật quân sự Việt Nam vào thực tiễn chiến trường. Đó là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, mà nét tiêu biểu là sự chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó còn là thắng lợi của ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo của toàn quân và toàn dân ta.