Tưởng nhớ Hai Bà Trưng - Những bài sử ca bất hủ

Phan Đông Viên

17/05/2021 13:21

Theo dõi trên

Tưởng nhớ Hai Bà Trưng, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số bài sử ca tiêu biểu.

su-ca9-1621231947.jpg
 

Năm 111 trước Công nguyên, vua Hán Vũ Đế của nhà Tây Hán bên Tầu đã thôn tính Nam Việt. Để dễ bề cai trị, Hán Vũ Đế đã chia Nam Việt thành 9 quận:

Hợp Phố, Nam Hải: thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc

Thương Ngô, Bột Lâm: thuộc tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc

Châu Nhai, Đảm Nhĩ: thuộc đảo Hải Nam - Trung Quốc

Giao Chỉ: thuộc Bắc Bộ - Việt Nam

Cửu Chân: thuộc tỉnh Thanh Hóa - Việt Nam

Nhật Nam : thuộc 2 tỉnh  Nghệ An, Hà Tĩnh - Việt Nam

Đó cũng là khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc trên đất nước ta.

Năm 25 sau Công nguyên, vua Hán Quang Vũ nhà Đông Hán lên ngôi, tiếp tục chính sách đàn áp bóc lột hà khắc, nhân dân 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam vô cùng cực khổ! Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định cực kỳ tàn ác, không những vơ vét đến tận cùng tài nguyên, sản vật, sức lao động của Giao Chỉ mà còn thực hiện chính sách đồng hóa, khủng bố, triệt hạ văn hóa, giết hết nhân tài bản địa trong đó có ông Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc. Hận thù sôi sục vì nước mất nhà tan, năm 40 sau Công nguyên, bà Trưng Trắc cùng em là bà Trưng Nhị đã tập hợp lực lượng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi Tô Định, dẹp tan trị sở Giao Châu ở Long Biên, (thuộc vùng Thuận Thành Bắc Ninh, không phải Long Biên Hà Nội bây giờ) giải phóng 60 thành trì khỏi tay quân Hán rồi về đóng đô ở Mê Linh (vùng Hạ Lôi, Phúc Yên bây giờ).

Ba năm sau, vua Hán Quang Vũ sai tướng Mã Viện đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa, nhiều trận đánh đã diễn ra ở Lãng Bạc, (một vùng đất thuộc Quế Võ Bắc Ninh ngày nay, không phải hồ Tây Hà Nội). Do lực lượng mỏng, vũ khí thiếu nên nghĩa quân đã phải rút lui về vùng Cấm Khê,(Vĩnh Yên ngày nay). Mã Viện tấn công Cấm Khê, nghĩa quân Hai Bà thua trận, tan rã, chạy về đến sông Hát Giang (đoạn đầu sông Đáy nối với sông Hồng thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay), hận vì không đền được nợ nước trả được thù nhà, hai bà đã gieo mình xuống sông tuẫn tiết, mang theo nỗi hận dài chìm xuống đáy sông sâu, đó là ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý mão (năm 43 sau Công nguyên).

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tuy chỉ giành độc lập được 3 năm nhưng là một chương oanh liệt và bi tráng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, bởi từ ý chí quật cường, lòng căm thù giặc sâu sắc mà hai bà lúc đó mới dưới 30 tuổi đã can trường cầm quân đánh đuổi Tô Định, chống cự với Phục ba tướng quân Mã Viện là một danh tướng nhà Hán, đó còn là truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam. Tấm gương lẫm liệt của Hai bà được truyền tụng mãi đến ngày nay. Hàng năm cứ vào dịp mùng 6 tháng 2 Âm lịch, toàn quốc lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ Hai Bà, to nhất là lễ hội tại 2 đền thờ Hai Bà ở Hát Môn và Đồng Nhân - Hà Nội.

Thời vua Tự Đức, hai ông quan tỉnh là Lê Ngô Cát - Án sát tỉnh Lạng Sơn và Phạm Đình Toái - Bố chính tỉnh Sơn Tây đã sáng tác tập thơ nôm ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA viết về lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến hết thời Tây Sơn.

Để giáo dục lòng yêu nước, học sinh tiểu học từ trước năm 1954 và cả sau này đều được học bài học thuộc lòng trích từ tập diễn ca này:

HAI BÀ TRƯNG

Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn Tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là báo phục, hai là bá vương.

Cũng như trong văn thơ, từ thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam, trước năm 1940, các nhạc sĩ đã viết những bài sử ca để ca ngợi công đức của Hai Bà, nhiều bài một thời đã trở thành ca khúc chính thức giáo dục lòng yêu nước của tổ chức Hướng đạo sinh và các hội sinh viên học sinh :

TRƯNG VƯƠNG - NS Đỗ Nhuận (1939)

NGÀY XƯA - NS Tô Vũ (1943)

HÁT GIANG TRƯỜNG HẬN - NS Lưu Hữu Phước  (1943) (sau sửa thành Hồn Tử Sĩ)

TRƯNG NỮ VƯƠNG Nhạc: Đào Sĩ Chu, lời: Tam Thanh 1945

TRƯNG NỮ VƯƠNG - NS Thẩm Oánh XB  (1951)

ĐÊM MÊ LINH  Nhạc: Văn Giảng, lời: Võ Phương Tùng (1951)

Sau này các nhạc sĩ còn sáng tác một số bài sử ca như:

ANH THƯ NGHÌN NĂM LƯU DANH - NS Tuấn Hùng và Phương Hoài

 Nguyên

TRƯNG NỮ VƯƠNG -    NS Uy Thi Ca

PHẤT CỜ NƯƠNG TỬ - NS Phạm Đăng Khương

v.v…

su-ca8-1621231978.jpg
 
su-ca10-1621231929.jpg
 
su-ca11-1621231918.jpg
 
hat-giang2-1621232323.jpg
 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Tưởng nhớ Hai Bà Trưng - Những bài sử ca bất hủ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn